Trong những thập niên cuối của thế kỷ XX, khi thấy rằng phương thức chống phá chủ nghĩa xã hội bằng biện pháp gây chiến tranh xâm lược không hiệu quả, chủ nghĩa đế quốc đã đẩy mạnh chống phá bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình.”
Một trong các thủ đoạn mà chúng sử dụng là đưa khẩu hiệu “quân đội phải duy trì tính trung lập về chính trị” vào các nước xã hội chủ nghĩa; nơi chỉ có một đảng (Đảng Cộng sản) lãnh đạo, nhằm thực hiện “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang cách mạng; mà thực chất là nhằm tách quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, vô hiệu hóa vai trò của quân đội là công cụ bạo lực của Đảng, Nhà nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Thủ đoạn này đã được chúng áp dụng thành công ở Liên Xô trước đây; khi những người lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội Liên Xô đã tự rời bỏ nguyên tắc xây dựng quân đội về chính trị của chủ nghĩa Marx-Lenin, mắc những sai lầm rất nghiêm trọng, như tự xóa bỏ cơ chế lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với quân đội, làm cho Quân đội Liên Xô bị “phi chính trị hóa” và bị vô hiệu hóa.
Đối với nước Việt Nam, từ nhận định rằng, hiện nay Đảng Cộng sản Việt Nam còn nắm chắc Quân đội, Công an, nên chưa thể xóa bỏ được vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; chưa thể xóa bỏ được chế độ xã hội chủ nghĩa, nên các thế lực thù địch với cách mạng Việt Nam ráo riết thực hiện chiêu bài “Lực lượng vũ trang phải duy trì tính trung lập về chính trị.” Họ hy vọng rằng, một khi lực lượng vũ trang đã bị mê hoặc bởi khẩu hiệu đó, đội ngũ cán bộ quân đội đã dao động, mất phương hướng chính trị, họ sẽ ra tay lật đổ Đảng Cộng sản Việt Nam và thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam theo đúng kịch bản “không đánh mà thắng”(!).
Năm 2013, lợi dụng việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức xin ý kiến nhân dân vào bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, các thế lực chống phá con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội xem đây là thời cơ để công khai đòi hỏi “phi chính trị hóa” quân đội. Họ đưa ra nhiều luận điểm, như “Lực lượng vũ trang phải duy trì tính trung lập về chính trị,” “Lực lượng vũ trang phải trung thành với Tổ quốc và nhân dân chứ không phải trung thành với bất kỳ tổ chức nào,” mà áp dụng cụ thể vào Việt Nam là “không phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam”...Về bản chất, quân đội bao giờ cũng là công cụ bạo lực của một giai cấp, Nhà nước, đảng chính trị để tiến hành đấu tranh vũ trang nhằm thực hiện mục đích chính trị nhất định. Quân đội có bổn phận bảo vệ đảng và thể chế chính trị tổ chức, nuôi dưỡng và lãnh đạo, chỉ huy quân đội. Khi lợi ích của giai cấp, Nhà nước, đảng chính trị thống nhất với lợi ích của nhân dân lao động thì quân đội đồng thời bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân. Khi quan hệ lợi ích đó mâu thuẫn gay gắt và không thể điều hòa, nhà nước của các giai cấp bóc lột sử dụng quân đội để trấn áp sự phản kháng của nhân dân, thậm chí có lúc đứng về phía quân xâm lược để đàn áp phong trào yêu nước.
Quan điểm “phi chính trị hóa quân đội”, về thực chất là lôi kéo quân đội xa rời hệ tư tưởng XHCN và lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, tách quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, làm cho quân đội bị tha hóa, biến chất về chính trị và bị vô hiệu hóa, đồng thời làm cho Đảng, Nhà nước và nhân dân mất chỗ dựa vững chắc để bảo vệ Tổ quốc,sẽ mắc sai lầm nghiêm trọng về chiến lược và phải trả ngay những giá rất đắt nếu ngộ nhận, mất cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm “phi chính trị hóa quân đội”. Lịch sử thế giới đương đại cho chúng ta những bài học rất sâu sắc về vấn đề này. Vào những thập niên cuối thế kỷ XX, những người lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội Liên Xô đã rời bỏ nguyên tắc xây dựng quân đội về chính trị của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, nhất là xóa bỏ cơ chế lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với quân đội, làm cho quân đội bị “phi chính trị hóa” và bị vô hiệu hóa. Đó là nguyên nhân rất quan trọng dẫn tới sự sụp đổ và tan rã của Liên bang Xô-viết vào cuối năm 1991. Mặc dù lúc đó Quân đội Liên Xô còn 3,9 triệu quân thường trực, được trang bị rất hiện đại, vượt xa các nước cả về lực lượng chiến đấu thông thường và lực lượng hạt nhân chiến lược, nhưng do bị tha hóa, biến chất về chính trị nên mất sức chiến đấu, không thể bảo vệ được Tổ quốc XHCN.
Quân đội ta do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt thông qua hệ thống tổ chức đảng, hệ thống tổ chức chỉ huy, hệ thống cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp và các tổ chức quần chúng ở đơn vị cơ sở. Nhà nước thống nhất quản lý đối với quân đội theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Các tổ chức đảng trong quân đội hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, phân công cá nhân phụ trách theo chức trách, nhiệm vụ. Trên cơ sở bảo đảm sự lãnh đạo vững chắc, toàn diện, xuyên suốt của các tổ chức đảng, trong quân đội thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên.
Lý tưởng chiến đấu của quân đội ta là vì độc lập dân tộc và CNXH, vì hạnh phúc của nhân dân. Đó là lý tưởng chính trị-đạo đức không chỉ mang tính cách mạng và khoa học, mà còn thấm đượm tính nhân văn sâu sắc; không chỉ phản ánh sự vận động, phát triển đúng quy luật của xã hội Việt Nam đương đại, mà còn phản ánh khát vọng thiêng liêng tự giải phóng, giành quyền Độc lập – Tự do – Hạnh phúc và vươn lên làm chủ của các thế hệ người Việt Nam xuyên suốt hành trình lịch sử dân tộc. Lý tưởng chiến đấu đó thể hiện tình cảm sâu nặng và trách nhiệm chính trị-đạo đức cao của quân đội đối với Đảng, với Tổ quốc XHCN và nhân dân.
Cơ sở chính trị-xã hội của quân đội ta là phong trào cách mạng của nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và gắn bó máu thịt với nhân dân. Quân đội được xây dựng trên nền tảng vũ trang toàn dân và làm nòng cốt cùng toàn dân tiến hành đấu tranh vũ trang, thực sự là quân đội của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Từ nhân dân mà ra, các thế hệ Bộ đội Cụ Hồ đều được tuyển chọn từ con em các tầng lớp nhân dân lao động. Quá trình trưởng thành của mỗi cán bộ, chiến sĩ quân đội có những đặc điểm riêng, song đều có cái chung là sự lãnh đạo và giáo dục của Đảng, sự tôi luyện trong tổ chức quân sự và hoạt động quân sự, được nhân dân hết lòng nuôi dưỡng, giáo dục và rèn luyện.
Các chức năng, nhiệm vụ của quân đội ta có ý nghĩa chính trị-xã hội sâu rộng. Trong chiến đấu, quân đội ta thực hiện xuất sắc vai trò nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc, hỗ trợ tích cực cho đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang của quần chúng, chiến đấu ngoan cường và dũng cảm để giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, xả thân hy sinh để giải phóng và bảo vệ nhân dân. Trong lao động sản xuất, quân đội ta tích cực tham gia phát triển kinh tế – xã hội gắn với tăng cường quốc phòng – an ninh, xung kích đến những vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn gian khổ để xây dựng những khu kinh tế – quốc phòng, những công trình có ý nghĩa chiến lược của đất nước. Trong thực hiện chức năng đội quân công tác, quân đội ta luôn đồng cam cộng khổ cùng nhân dân, tích cực vận động và giúp dân xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần quan trọng xây dựng hệ thống chính trị và đời sống văn hóa ở cơ sở, giữ vững ổn định chính trị – xã hội, cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân; luôn xung kích đi đầu trong cứu hộ, cứu nạn, hết lòng giúp nhân dân phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, xả thân trong hiểm nguy để cứu tính mạng và tài sản của nhân dân. Có thể nói, tính chính trị và tính nhân văn gắn kết thống nhất trong bản chất và truyền thống của quân đội ta, không thể phủ nhận.
Để thực hiện mưu đồ “phi chính trị hóa” quân đội, các thế lực thù địch sử dụng mọi biện pháp, cả về lý luận, tư tưởng lẫn hành động thực tiễn.
Trên lĩnh vực lý luận, tư tưởng, họ thường lập luận rằng: quân đội là của nhà nước, nên chỉ phục tùng nhà nước, chứ không phục tùng và chịu sự lãnh đạo của bất cứ chính đảng nào; hoặc hoạt động của quân đội chỉ để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và phục vụ nhân dân, nên chỉ phải trung thành với Tổ quốc, nhân dân chứ không phải trung thành với bất kỳ tổ chức nào...
Nghe thoáng qua, không ít người ngộ nhận sự có lý của lập luận này, mà không hiểu rằng: đây là thủ đoạn nhằm chuyển lập trường chính trị của lực lượng vũ trang cách mạng sang lập trường của bọn cơ hội chính trị, của giai cấp tư sản.
Trong hành động thực tiễn, những người cổ súy cho tư tưởng “phi chính trị hóa quân đội” đòi “quân đội phải trung lập về chính trị,” tức là một khi có biến động chính trị, quân đội hãy án binh, bất động, không đứng về phe nào.
Đối với những nước đi theo chế độ xã hội chủ nghĩa, chỉ có một Đảng Cộng sản lãnh đạo như Việt Nam, họ đòi xóa bỏ nguyên tắc “Đảng Cộng sản lãnh đạo lực lượng vũ trang;” hạ thấp, đi đến đòi xóa bỏ hoạt động công tác đảng, công tác chính trị cùng hệ thống cơ quan chính trị, cán bộ chính trị (nhất là chế độ chính ủy, chính trị viên) trong quân đội - một trong những yếu tố riêng có của quân đội các nước xã hội chủ nghĩa, nhằm đảm bảo cho Đảng Cộng sản giữ vững sự lãnh đạo đối với quân đội.
Họ xuyên tạc các sự kiện chính trị trong lịch sử có quân đội tham gia; thổi phồng khuyết điểm của một vài đơn vị quân đội và một bộ phận quân nhân trong quá trình làm nhiệm vụ; bôi nhọ đời tư của các tướng lĩnh, anh hùng lực lượng vũ trang... hòng qua đây, làm cho quân đội mất uy tín trong nhân dân, hạ thấp vị thế của quân đội trong xã hội...; đồng thời từ đó mà vô hiệu hóa vai trò của quân đội trong cuộc đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng.
Mục tiêu hướng tới của những thủ đoạn nói trên là thúc đẩy sự “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ Quân đội, làm cho Quân đội xa rời mục tiêu, lý tưởng cách mạng và sự lãnh đạo của Đảng; biến chất về chính trị, tiến tới vô hiệu hóa vai trò của Quân đội là chỗ dựa vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Những thủ đoạn đó thật tinh vi và thâm hiểm, nhưng sai cả về lý luận và thực tiễn. Với bản chất cách mạng, truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng ta tin tưởng rằng Quân đội sẽ luôn là lực lượng chính trị tin cậy, lực lượng chiến đấu trung thành bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân trước mọi tình huống. Để góp phần đấu tranh làm thất bại âm mưu “phi chính trị hóa quân đội” của các thế lực thù địch, chúng ta cần làm tốt công tác giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị, giác ngộ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, bản chất giai cấp của quân đội cho cán bộ, chiến sĩ, xây dựng ý chí quyết tâm, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, tạo ra sự “miễn dịch” cần thiết, tăng cường sức “đề kháng” để ngăn chặn, loại trừ sự thẩm thấu và xâm nhập của các tư tưởng phi vô sản vào quân đội. Mặt khác, đấu tranh kiên quyết với những nhận thức lệch lạc, hành vi sai trái, các biểu hiện mơ hồ, mất cảnh giác trước mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch./.
CTTH-NNTV
Các thế lực thù địch có âm mưu "phi chính trị hóa Quân đội" nhằm tách Quân đội nhân dân Việt Nam ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng CSVN, làm cho Quân đội biến chất. Bởi vậy, đấu tranh làm thất bại âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội là một nhiệm vụ cấp thiết hiện nay.
Trả lờiXóaBạn nói rất đúng, tôi cũng đồng quan điểm
Xóa