Thông tin này khiến không ít người lao động hoang mang, đặc biệt là nhóm lao động ngoài quốc doanh.
So sánh thiếu căn cứ
Chị Hoàng Thị Linh (31 tuổi) ở phường Lê Mao, thành phố Vinh làm nghề thợ may. Nhiều năm về trước, cuộc sống khó khăn, chị sớm nghỉ học để đi làm thuê đỡ đần cho bố mẹ nuôi các em. Gần đây, sau khi lập gia đình, tích cóp chút vốn liếng, chị cùng chồng mở tiệm may ngay tại nhà. Thu nhập bước đầu tạm ổn nhưng vẫn rất lo lắng về tương lai khi hết tuổi lao động, 2 vợ chồng chị đang tính đến việc mua BHXH tự nguyện để sau này có một khoản lương hưu.
Thế nhưng, chưa kịp lên UBND phường tìm hiểu mua BHXH thì anh chị lại nghe hàng xóm nói rằng, có người “trên mạng” khuyên không nên mua BHXH vì mấy chục năm sau sẽ bị lỗ nặng, gửi tiết kiệm lời hơn nhiều! Chị Linh băn khoăn: “Vợ chồng tôi không biết nên làm thế nào mới đúng. Thú thật, điều kiện kinh tế hạn hẹp, nghe nói gửi tiết kiệm có tiền lời hơn thì cũng xuôi tai”.
Trường hợp hoang mang trước thông tin trái chiều như gia đình chị Hoàng Thị Linh không phải là hiếm. Để hiểu rõ nguyên nhân, chúng tôi “tìm” đến “bài toán thiệt - hơn giữa BHXH và gửi tiết kiệm” được nhiều người chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội Facebook.
“Bài toán” như sau: “Giả sử lương bạn 5 triệu đồng thì bạn đóng 8% lương, công ty đóng 18% lương. Mỗi tháng bạn và công ty nộp 26% lương= 1,3 triệu đồng. Năm 1 bạn có 13 triệu đồng; năm 2 bạn đóng thêm 13 triệu + 13 triệu năm 1 + 6% lãi 13 triệu của năm 1= 26.780.000 đồng. Năm 3 bạn có 41.386.800 đồng… Bạn đi làm năm 25 tuổi, nghỉ hưu năm 65 tuổi. Bạn nộp bảo hiểm xã hội 30 năm (giả sử bạn nghỉ làm 10 năm). Đến năm thứ 30 bạn có 1 tỷ 27 triệu đồng. Tiền lãi mỗi tháng là 5,135 triệu đồng. Nhưng bạn chỉ nhận được từ bảo hiểm xã hội 75% lương = 3,75 triệu đồng/tháng. Như vậy, bạn nhận chưa đủ phần lãi và mất luôn tiền gốc”.
Trước sự việc này, nhiều chuyên gia tài chính đã lên tiếng bác bỏ, khẳng định “bài toán lời lỗ” mà các tài khoản Facebook nặc danh đưa ra là không có cơ sở thực tiễn và không phản ánh đúng với quy định của chính sách BHXH hiện hành.
Ban Thực hiện chính sách, BHXH Việt Nam phân tích, ở cách tính này, tác giả nặc danh tính số tiền đóng BHXH trên tỷ lệ đóng 26% là không hợp lý, vì trong tổng tỷ lệ đóng góp trên bao gồm cả 3% đóng vào quỹ ốm đau, thai sản, 1% đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và 4,5% đóng vào quỹ bảo hiểm y tế. Đây là những quỹ ngắn hạn, có tính chất chia sẻ rủi ro cao giữa người khỏe mạnh với người ốm đau, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Trong những trường hợp như người lao động mắc bệnh cần chữa trị dài ngày, mắc các bệnh đòi hỏi chi phí điều trị kỹ thuật cao, bị tai nạn lao động hoặc mắc các bệnh với tỷ lệ suy giảm khả năng lao động cao thì số tiền chi trả cho những rủi ro như vậy là vô cùng lớn. Như vậy, khi so sánh chỉ nên lấy tỷ lệ đóng góp vào quỹ hưu trí và tử tuất là 22%.
Tiếp theo, với lập luận mỗi tháng đóng 1,3 triệu đồng mà suy ra 1 năm đóng 13 triệu đồng lại càng sai, vì chẳng nhẽ 1 năm chỉ có 10 tháng?
Cũng tương tự như cách tính trước đó, việc tính tiền lương hưu tháng đơn giản chỉ bằng 75% x 5.000.000 đồng = 3.750.000 đồng (không áp dụng hệ số quy đổi theo CPI) là không đúng với quy định của chính sách BHXH và không phản ánh đầy đủ quyền lợi của người lao động được nhận.
Tương tự, việc so sánh tiền lương hưu nhận được với tiền lãi gửi tiết kiệm mà không thực hiện việc tính điều chỉnh mức lương hưu theo chỉ số giá sinh hoạt và tăng trưởng kinh tế cũng đã không phản ánh đúng quy định của chính sách.
BHXH đảm bảo an sinh lâu dài
Ông Nguyễn Quang Quyết - Trưởng phòng Chế độ, BHXH tỉnh Nghệ An nhấn mạnh, sự khác biệt lớn nhất giữa BHXH và gửi tiết kiệm ngân hàng nằm ở mục đích: BHXH là loại hình bảo hiểm phi lợi nhuận, còn hình thức tiết kiệm ngân hàng nhằm mục đích sinh lời và phần tiền lời được lấy từ chính khoản tiền gửi tiết kiệm.
Khi gửi tiết kiệm, người tham gia được hưởng một khoản tiền lãi theo kỳ hạn của tiền gửi, sau thời gian khoảng 20 - 30 năm thì giá trị của khoản tiền gốc còn lại rất ít. Đây là điều ngược lại với BHXH khi tiền đóng BHXH được trả lại bằng việc điều chỉnh tăng theo chỉ giá tiêu dùng (CPI) qua từng năm và trở thành căn cứ để tính lương hưu.
Bên cạnh đó, Luật quy định quỹ BHXH được Nhà nước bảo hộ, trong khi đó, những cái khác vẫn có thể bị phá sản. Đối với quỹ BHXH, dù đồng tiền mất giá vẫn luôn được Nhà nước điều chỉnh kịp thời bù đắp lại quyền lợi cho người tham gia BHXH. Vì vậy, người hưởng lương hưu luôn có mức lương ổn định trong suốt cuộc đời, không bị rủi ro như gửi tiết kiệm.
Thực tế, quỹ hưu trí của Việt Nam đang được các chuyên gia tài chính quốc tế đánh giá là “đóng ít - hưởng nhiều”, người lao động được thụ hưởng nhiều quyền lợi từ việc tham gia BHXH.
Với những quy định về đóng - hưởng BHXH như hiện nay, một người lao động tham gia BHXH thì số tiền tích lũy được (đã bao gồm cả tiền lãi) chỉ đủ để chi trả lương hưu cho chính người đó từ 8 - 10 năm. Trong khi đó, với kỳ vọng sống của những người sống sau độ tuổi 55 đối với nữ và 60 đối với nam hiện nay là khoảng 20 năm thì rõ ràng quyền lợi mà người lao động được hưởng là rất lớn, Nhà nước đang phải bù ngân sách chi trả cho phần chênh lệch đó.
Ngoài quyền lợi về lương hưu, người nghỉ hưu còn được hưởng BHYT do quỹ BHXH chi mua thẻ BHYT (mức chi bằng 4,5% mức lương hưu); khi qua đời, người lo mai táng còn được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm người lao động chết, thân nhân còn được hưởng trợ cấp tuất một lần tối thiểu bằng 3 tháng lương hưu hiện hưởng, trường hợp có thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng thì tối đa được 4 định suất, trong đó con nhỏ được hưởng cho đến khi trưởng thành, cha mẹ già hưởng cho đến khi qua đời.
Lo lắng, tính toán cho tương lai về già là tâm lý hiển nhiên của mỗi người. Ngoại trừ trường hợp kinh tế dư giả có nhiều lựa chọn, thì với trường hợp điều kiện tài chính có hạn, lựa chọn tham gia BHXH để được hưởng lương hưu, BHYT cho cuộc sống của mình khi về già là sự lựa chọn hiệu quả hơn cả.
Phước Anh
Những người còn phân vân về mua BHXH nên đọc bài viết này
Trả lờiXóaBài viết rất hay, cảm ơn tác giả
Trả lờiXóa