Trong bản “Phúc trình toàn cầu 2019” được công bố ngày 17-1-2019, Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) nói rằng, tình hình nhân quyền tại Việt Nam “xuống cấp nghiêm trọng”. HRW đưa ra cáo buộc, Việt Nam “xâm phạm các quyền dân sự và chính trị cơ bản như quyền tự do biểu đạt, quyền tự do báo chí và tiếp cận thông tin, quyền tự do lập hội và nhóm họp, quyền tự do thực hành tôn giáo”...
Tổ chức này nói rằng, Việt Nam “bỏ tù nặng hơn những người bất đồng chính kiến” và việc ban hành Luật An ninh mạng là “hà khắc để bóp nghẹt thêm quyền tự do ngôn luận”. Cũng trong bản phúc trình, HRW tự tưởng tượng ra viễn cảnh “những người dám đặt câu hỏi về các dự án, chính sách của chính phủ hoặc tìm cách bảo vệ đất đai và tài nguyên địa phương thì sẽ bị theo dõi, tước quyền đi lại, quản thúc tại gia, giam giữ tùy tiện và bị thẩm vấn”.
Những ngôn từ như “nhà bất đồng chính kiến”, “đàn áp”, “tra tấn”, “nghiêm trọng”... xuất hiện nhan nhản trong bản phúc trình. Và cũng y hệt trước đây, để viện dẫn cho “nhà bất đồng chính kiến”, phúc trình đưa ra 12 đối tượng vốn là bị cáo trong các phiên tòa hình sự, bị tòa án xét xử năm 2018 về các tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”, “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”...
Đáng chú ý, sau khi liệt kê danh sách và điệp khúc “bất đồng chính kiến”, phê phán “đàn áp”, “tra tấn” thì HRW lại chĩa mũi nhọn chỉ trích cả các quốc gia đang có hợp tác đầu tư lớn với Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, tố chính phủ các nước. Ý đồ HRW muốn dùng “ngòi nổ nhân quyền” hòng lu loa để làm bình phong, kêu gọi chính phủ các nước gây sức ép với Việt Nam, mượn nhân quyền để ngăn cản việc mở rộng đầu tư, hợp tác của Việt Nam. Ý đồ này là chiêu bài quá cũ, năm nào HRW cũng bám víu nhưng việc nhai đi nhai lại như vậy cho thấy sự lạc lõng.
Hồi đầu tháng 1-2019, cũng dưới chiêu bài vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, HRW lên tiếng đòi Hội đồng châu Âu hoãn phê duyệt Hiệp định thương mại tự do châu Âu - Việt Nam (EVFTA) “cho đến khi chính phủ Việt Nam thực hiện các bước cụ thể để cải thiện hồ sơ nhân quyền”. Thậm chí, Giám đốc Vận động Chính sách châu Á John Sifton còn lên tiếng hăm dọa: “Vội vã thông qua thỏa thuận thương mại tự do với Việt Nam sẽ là một sai lầm nghiêm trọng”!
Rõ ràng, chiêu bài vu cáo nhân quyền, đưa ra các dạng thư ngỏ, báo cáo, báo cáo thường niên, phúc trình... để tố cáo Việt Nam, gây sức ép đòi các nước can thiệp hay lấy cớ để ngăn cản hoạt động đối ngoại, đối nội của Việt Nam là thủ đoạn quen thuộc của các tổ chức, thế lực chống phá.
Nhân quyền là vấn đề lớn, thiêng liêng của con người ở mọi quốc gia, mọi thời đại. Bám víu vào đó để châm lửa, thổi khói, cố tình lu loa hòng gây sức ép, cản trở các quốc gia trong quan hệ hợp tác với Việt Nam, khi không được thì quay sang phê phán, chỉ trích chính các quốc gia đó cho thấy động cơ thấp hèn, vừa lên tiếng nhờ vả nhưng ngay sau đó đã quay sang “đá hậu”!
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, bối cảnh mà Việt Nam đạt được những thành tựu nổi bật, trong đó có thành tựu về nhân quyền thì việc Việt Nam trở thành điểm hẹn, điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư đã là xu thế tất yếu, khách quan. Những luận điệu chống đối, vu cáo của HRW lặp đi lặp lại hàng năm, với thủ đoạn, chiêu bài cũ mèm chỉ cho thấy sự thất thế, bị cô lập của họ trước xu thế, bối cảnh mới và trước hiện thực khách quan về đất nước, nhân quyền ở Việt Nam không thể phủ nhận.
Bức tranh nhân quyền ở Việt Nam hiện ra sao? Xin được viện dẫn chính từ đánh giá, báo cáo của những tổ chức quốc tế có uy tín. “Việt Nam đang có nhiều tiến bộ về phát triển con người và giảm nghèo đa chiều, dù vẫn còn những thách thức trong việc giảm bớt chênh lệch giữa các vùng, miền và nhóm dân cư, thu hẹp khoảng cách giới, cũng như giải quyết các vấn đề môi trường liên quan đến phát thải carbon dioxide và đa dạng sinh học” - đây là thông điệp được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đưa ra hồi tháng 10-2018.
Bà Caitlin Wiesen, Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam chia sẻ: “Việt Nam có thể tự hào về tiến bộ đạt được trong giảm nghèo đa chiều, giúp 6 triệu người thoát nghèo trong 4 năm, từ năm 2012 đến năm 2016, theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia”. Bà cho rằng, trong chỉ số phát triển con người, Việt Nam thực hiện tốt trong lĩnh vực Y tế và Giáo dục. Tuổi thọ kỳ vọng của Việt Nam là 76,5 năm, đứng thứ hai ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương, sau Hàn Quốc. Số năm đi học trung bình của Việt Nam là 8,2 – cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.
Số liệu thống kê nghèo đa chiều toàn cầu năm 2018 cho thấy những tiến bộ quan trọng trong việc đạt được mục tiêu phát triển bền vững số 1 về giảm nghèo. “Với chỉ số phát triển con người tăng 1,41% từ năm 1990, Việt Nam chỉ còn 4 bậc để vào nhóm các nước có mức phát triển con người cao. Nếu tăng cường nỗ lực giảm chênh lệch giữa các vùng, miền và nhóm dân cư, chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ sớm vào nhóm các nước có mức phát triển con người cao” - Giám đốc quốc gia của UNDP đánh giá.
Lấy ví dụ về những nỗ lực của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền con người cho mọi đối tượng xã hội, bà Caitlin Wiesen đã đánh giá cao việc Việt Nam có một cơ chế rõ ràng và nhất quán trong việc triển khai các khuyến nghị theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR), hay việc Việt Nam phê chuẩn các công ước của LHQ về quyền con người, trong đó có Công ước của LHQ về quyền của người khuyết tật năm 2014.
Trong khi đó, cố vấn chính sách về pháp quyền của UNDP tại Việt Nam Scott Ciment cho rằng, Việt Nam đã tham gia 7 trên 9 điều ước quốc tế về quyền con người cơ bản, đó là một dấu mốc quan trọng. Gần đây là những điều chỉnh trong Bộ luật Hình sự, Luật Dân sự và nhiều luật khác cũng là những bước tiến lớn trong việc đảm bảo nhân quyền. “Tôi cho rằng Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào trong lĩnh vực nhân quyền. Các hoạt động hợp tác quốc tế về quyền con người cũng được Việt Nam đẩy mạnh... Điều này cho thấy Việt Nam luôn cầu thị, nghiêm túc trong việc thực hiện và đảm bảo quyền con người cho công dân nước mình” – cố vấn Scott Ciment khẳng định.
Cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ chuyên trách về dân chủ, nhân quyền và lao động Tom Malinowski cũng từng nhấn mạnh, Việt Nam đã có nhiều bước tiến trong thực hiện nhân quyền, nhất là việc Chính phủ đã thông qua hai công ước quốc tế quan trọng là công ước chống tra tấn và công ước về quyền của người khuyết tật. Ông Tom Malinowski khẳng định, thực tiễn đó sẽ là điều kiện thuận lợi cho Việt Nam hội nhập quốc tế sâu hơn.
Quốc tế đánh giá khách quan về thành tựu nhân quyền của Việt Nam như vậy, cho thấy một sự thật khách quan không thể đảo ngược.
Là tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở thành phố New York, Hoa Kỳ, HRW thường xuyên đưa ra các báo cáo, đánh giá sai trái về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Dù là một tổ chức tư nhân nhưng HRW lại tự khoác cho mình trách nhiệm “giám sát tình hình nhân quyền trên toàn thế giới”. Với các chức trách tự nhận như vậy, HRW lợi dụng vấn đề nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ nhiều nước, trong đó có Việt Nam bằng cách đưa ra các thông báo, phán xét dưới chiêu bài nhân quyền theo ý đồ của chính HRW để lấy cớ chống phá.
Cổ suý, giúp sức cùng HRW, có không ít trang mạng, tờ báo, tạp chí, đài phát thanh và những tổ chức báo chí như Liên minh Báo chí Đông Nam Á (Seapa), Tổ chức Phóng viên không biên giới (Reporters sans frontières-RSF)...
Động cơ, bụng dạ nham hiểm mà giả khoác áo nhân quyền thì khác gì “sói đội lốt cừu”, vờ nhân nghĩa đòi cứu vớt nhưng sao che được mắt thiên hạ.
Dạ Bi
HRW chỉ mượn nhân quyền để chống phá Việt Nam mà thôi
Trả lờiXóa