Thứ Ba, 22 tháng 1, 2019

CẤU KẾT MỸ - TRUNG VÀ HẢI CHIẾN HOÀNG SA 1974


Chính quyền Mỹ do Henry Kissinger làm ngoại trưởng đã ngầm thỏa thuận cho Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Từ ngày 17 đến 20-1-1974, diễn ra cuộc hải chiến giữa lực lượng hải quân Việt Nam Cộng hòa và các lực lượng vũ trang của Trung Quốc tại Hoàng Sa. Trung Quốc đưa quân đánh chiếm các đảo thuộc nhóm đảo phía tây của quần đảo Hoàng Sa do quân đội Việt Nam Cộng hòa (ngụy quyền Sài Gòn) kiểm soát.
Nhân dịp 45 năm ngày nổ ra trận hải chiến Hoàng Sa, cần làm rõ hai việc: Thứ nhất, chủ quyền không thể bác bỏ của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa; thứ hai, nêu lại một thời điểm lịch sử khi chính quyền Mỹ do Henry Kissinger làm ngoại trưởng đã ngầm thỏa thuận cho Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa.
Việt Nam kiểm soát, quản lý Hoàng Sa kéo dài hơn ba thế kỷ.
Việt Nam có đầy đủ căn cứ lịch sử, pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa, cũng như đối với quần đảo Trường Sa.
Đại Việt là nhà nước đầu tiên trong lịch sử Biển Đông đã chiếm hữu các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Việt Nam kiểm soát và quản lý quần đảo Hoàng Sa kéo dài hơn ba thế kỷ dưới thời chúa Nguyễn (từ năm 1558-1775), Vương triều Tây Sơn (1788-1802), Vương triều Nguyễn (từ năm 1802 đến Hòa ước Patenôtre 1884 xác lập quyền bảo hộ của Pháp), các nhà nước Việt Nam đã thực thi chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thực sự, rõ ràng, hòa bình và liên tục.
Các bằng chứng của việc chiếm hữu trên các đảo được thể hiện qua các châu bản, văn bản của chính quyền từ trung ương đến địa phương. Trong tài liệu lưu trữ cũng có các sách ghi điển chế, luật định của triều đình định lệ hàng năm sai thủy quân đi xác lập, thực thi chủ quyền tại Hoàng Sa.Nhiều tài liệu Trung Quốc và phương Tây ghi nhận việc xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa.
Từ khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời (1 tháng 10 năm 1949), lợi dụng tình trạng chiến tranh và chia đất nước do các nước thực dân và đề quốc gây ra tại Việt Nam, cũng như tình trạng hỗn loạn tại các thời điểm các nước này rút ra khỏi chiến trường Việt Nam, tạo ra các khoảng trống quyền lực nước lớn, Trung Quốc từng bước lấn chiếm quần đảo Hoàng Sa và sau này lấn chiếm một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tháng 4-1956, khi quân đội viễn chinh Pháp rút khỏi Đông Dương, Trung Quốc bí mật đưa quân ra chiếm đóng nhóm đảo phía đông quần đảo Hoàng Sa. Trong thời kỳ Mỹ tiến hành chiến tranh Việt Nam, chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý các đảo thuộc nhóm đảo phía tây của quần đảo Hoàng Sa và một số đảo chính ở quần đảo Trường Sa. Đến năm 1974, vào lúc cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc sau khi các bên ký kết Hiệp định Paris năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, Trung Quốc đưa quân đánh chiếm nhóm đảo phía tây của quần đảo Hoàng Sa, chiếm đóng trái phép toàn bộ quần đảo này của Việt Nam.
Câu kết Mỹ-Trung tạo điều kiện cho Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa
Năm 1972, khi Richard Nixon bất ngờ thăm Trung Quốc, mở ra thời kỳ hòa hoãn Mỹ - Trung trong chiến lược tranh bá với Liên Xô, xuất phát từ chủ trương kiềm chế Liên Xô, chính quyền Nixon thực hiện điều được giới phân tích quốc tế gọi là “câu kết Mỹ - Trung”. Do đó trong giai đoạn này, Mỹ thực hiện chính sách “mơ hồ” đối với vấn đề chủ quyền Biển Đông, thực chất là làm ngơ trước việc Trung Quốc từng bước lấn chiếm Biển Đông.
Ngày 20-1-1974, vào lúc xảy ra hải chiến Hoàng Sa, Ngoại trưởng Việt Nam Cộng hòa Vương Văn Bắc đã thông báo tình hình chiến sự cho Đại sứ Mỹ Martin và yêu cầu Mỹ cho biết có dành cho Việt Nam Cộng hòa sự ủng hộ nào về vật chất, chính trị với tư cách là nước đồng minh, cũng như với tư cách là quốc gia đã ký kết và bảo đảm cho Hiệp định Paris 1973 không? Nhưng không nhận được trả lời của Hoa Kỳ.
Ngày 22-1-1974, Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu đã gửi thư cho Tổng thống Mỹ Richard Nixon về biến cố Hoàng Sa.
Một số tư liệu giải mật gần đây của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết rõ hơn về thái độ “thấy chết mà không cứu” của Mỹ trong vụ Trung Quốc đánh chiếm khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa do quân đội Việt Nam Cộng Hòa kiểm soát năm 1974. Hồ sơ chính thức về hoạt động ngoại giao của Chính phủ Mỹ giới thiệu biên bản cuộc họp ngày 25-1-1974, một tuần sau trận hải chiến Hoàng Sa,tường thuật cuộc họp về Đông Dương do Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger chủ trì, có đoạn:
- Đô đốc Thomas H. Moorer, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân, báo cáo: “Chúng ta đã tránh xa vấn đề”.
- Ngoại trưởng Kissinger hỏi lại: “Chúng ta chưa bao giờ ủng hộ tuyên bố chủ quyền của họ (chính quyền Nam Việt Nam) phải không?”.
- Đô đốc Moorer trả lời: “Toàn vùng đó là cả vấn đề. Trường Sa và các đảo khác có cùng vấn đề - đó là lãnh thổ đang tranh chấp. Chúng tôi đã ra lệnh tránh khỏi vùng đó”.
- Ngoại trưởng Kissinger hỏi “Ai khởi đầu trận chiến ở Hoàng Sa?”.
- Đô đốc Thomas H. Moorer mô tả: “Một đội tuần tra của Nam Việt Nam trong khu vực phát hiện một số tàu Trung Quốc tiến về các đảo và đưa khoảng 75 người lên đảo Duncan (Quang Hòa). Đó là một trong các đảo phía nam của nhóm Nguyệt Thiềm”.
"Vua đi đêm" Kissinger đang cùng Đặng Tiểu Bình lập mưu, tính kế câu kết Mỹ- Trung.
Và kết quả của những cuộc thảo luận trong giới chóp bu Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ về cuộc hải chiến Hoàng Sa đã dẫn tới chủ trương được ghi rõ trong biên bản cuộc họp, có đoạn: “4. Chúng ta chỉ thị cho Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn khuyên Chính phủ Việt Nam cộng hòa thực thi những hành động tối thiểu để tự vệ và cứu công dân của họ (và sĩ quan Mỹ), nhưng cần làm bất cứ điều gì có thể để tránh đụng độ trực tiếp với lực lượng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Điều cuối cùng mà Chính phủ Việt Nam Cộng hòa hoặc chúng ta cần lúc này là làm sao cho cuộc đụng độ giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Chính phủ Việt Nam Cộng hòa về các đảo ít tác động tiêu cực tới vai trò của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong cuộc xung đột tại Việt Nam”.
Thế rồi, Nhà Trắng đã ra thông cáo báo chí có đoạn: “Chính phủ Hoa Kỳ không đứng về phe nào trong các cuộc tranh chấp xung đột về quần đảo Hoàng Sa, song mạnh mẽ mong muốn giải quyết tranh chấp một cách hòa bình... Lực lượng quân sự Mỹ không dính líu vào vụ này”.
Cũng cần nhắc lại, trong cuộc gặp ngày 23-1-1974 với Hán Tự, quyền Trưởng Phái đoàn liên lạc của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Washington, Ngoại trưởng Kissinger nói: “Mỹ không có lập trường trong việc ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Nam Việt Nam tại các đảo này”.
Quan hệ Mỹ-Trung đã chuyển sang một giai đoạn vừa là đối tác vừa là đối thủ chiến lược. Chính quyền Mỹ hiện nay kiên trì lập trường chống lại mọi hành động sử dụng vũ lực để thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông.
Về phía Việt Nam, chúng ta kiên trì cuộc đấu tranh chính trị và pháp lý bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Trần Phan Minh Nghi

1 nhận xét:

  1. Mỹ đã thoả thuận cho Trung QUốc đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam

    Trả lờiXóa