Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2018

Từ mơ hồ đến ảo tưởng


Biên phòng - Trong một xã hội mà việc tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng và đa chiều như ngày nay, mỗi người luôn bị “bủa vây” bởi nhiều luồng thông tin cũng như những quan điểm, tư tưởng khác nhau về các vấn đề của xã hội và đời sống. Nếu như trước đây, người ta chỉ có thể nhận được thông tin từ hệ thống tuyến tính thì ngày nay, với sự phát triển của in-tơ-nét, mạng xã hội, con người có thể tiếp cận với các nguồn thông tin đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung. Qua các công cụ lưu trữ, tìm kiếm dữ liệu, như Google, Yahoo, mạng xã hội như Facebook, YouTube…, con người có thể tiếp cận thông tin hoàn toàn chủ động, có lựa chọn… Tuy nhiên, trong môi trường “thế giới phẳng” (theo Thomas L.Friedman) thì sự “chủ động” và “có lựa chọn” này không phải bao giờ và lúc nào cũng hoàn toàn mang tính tích cực.
tsxd_4a
Đất nước Việt Nam đang trên đà phát triển, với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Ảnh: Thái Bằng
Người ta có thể chủ động trong việc tra cứu và lựa chọn những gì mình ưa thích và quan tâm (nhiều khi mang tính tò mò, hiếu kỳ hoặc thỏa mãn một sở thích nào đó) mà không chú tâm đến việc tìm hiểu thấu đáo về vấn đề cần tiếp cận. Chính sự không thấu đáo đó dễ dẫn đến hiểu mơ hồ.  Trong một “rừng” thông tin như vậy, nếu không có sự hiểu biết sâu sắc, không có “bộ lọc” tốt, không có tư duy hệ thống và toàn diện sẽ dẫn đến sự nhiễu loạn thông tin và sự sai lệch trong chỉ dẫn hành vi.
Thực tế ở nước ta trong thời gian qua cho thấy, hiện tượng tiếp cận thông tin thiếu chọn lọc diễn ra khá phổ biến, theo đó là sự mơ hồ về nhận thức dẫn đến những hành động sai trái, tiêu cực xuất phát từ những thông tin đang tràn ngập trên các hệ thống truyền tải, nhất là mạng xã hội. Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm trong thời gian gần đây là việc chống phá, gây mất an ninh trật tự của các thế lực thù địch, phản động, phần tử xấu, cơ hội chính trị và cả những người nhận thức còn hạn chế, mơ hồ dưới chiêu bài phản đối dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Văn Phong, Phú Quốc và Luật An ninh mạng.
Trước hết, nhiều người chưa hề tìm hiểu về các dự án luật này; không biết rõ mục đích, nội dung của dự luật; không cần biết những dự luật đó với mục đích cao nhất là nhằm xây dựng và phát triển đất nước, mà trong đó, những nguyên tắc cơ bản, bao trùm được tôn trọng tuyệt đối là: Bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ người dân, bảo đảm an ninh – quốc phòng; bảo vệ môi trường; phát huy những tiềm năng, thế mạnh để tránh tụt hậu về kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ.
Chúng ta đều biết rằng, trong thực tế, không có một dự án luật hay một chủ trương, chính sách nào là hoàn hảo; và các cơ quan có trách nhiệm luôn lắng nghe, trân trọng các ý kiến phản biện, đóng góp tâm huyết, có trách nhiệm phù hợp với thực tiễn và có tính khoa học để mang lại hiệu quả cao nhất cho đất nước. Tiếc thay, do sự hiểu biết mơ hồ, chưa thật sự thấu đáo nhưng lại bị chi phối bởi “tâm lý đám đông” cũng như để cho các thế lực thù địch, phản động lợi dụng kích động nên một số người đã có những hành vi cổ vũ hoặc trực tiếp thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, chống chế độ và Nhà nước.
Họ ảo tưởng rằng những cuộc biểu tình, đập phá tài sản của doanh nghiệp, của cơ quan Nhà nước; tấn công vào trụ sở chính quyền, chặn đường giao thông, gây mất trật tự công cộng... sẽ tạo ra một cuộc “cách mạng sắc màu”, lật đổ được chế độ mà nhân dân ta đã lựa chọn. Tất cả, đó chỉ là sự ngụy tạo để che đậy những mưu đồ xấu xa, thâm độc hoặc thể hiện sự hiểu biết phiến diện, một chiều, thiếu khách quan.
Từ một đất nước không có tên trên bản đồ thế giới, nghèo nàn, lạc hậu, lại trải qua hơn 30 năm chiến tranh khắc nghiệt chúng ta càng hiểu sâu sắc cái giá của độc lập, tự do. Những thành tựu vĩ đại đã đạt được trong hơn 70 năm qua là không thể phủ nhận. Dẫu còn đó những khó khăn, phức tạp và nhiều hạn chế, tiêu cực nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân ta vẫn kiên định và quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam độc lập, hòa bình, thống nhất, với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”. Những trò kích động hằn thù, gây bất ổn của các thế lực thù địch, phản động dù có tinh vi đến đâu cũng nhất định sẽ bị thất bại.
PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn

1 nhận xét:

  1. Tất cả những kẻ phản quốc, hại dân phải bị trừng trị thật nghiêm khắc

    Trả lờiXóa