Linh mục Guy Marie Nguyễn Hồng Giáo sinh ngày 10/05/1937 tại Mỹ Khánh, Yên Thành, Nghệ An, thuộc giáo xứ Bảo Nham, Giáo phận Vinh. Ông về với Chúa ngày 06 tháng 04 năm 2015.
Ông học triết học tại Đại học Louvain, lấy bằng Cử nhân 1964 và tiến sĩ triết học năm 1970, được phong linh mục 23/07/1968 tại Paderborn - Đức.
Linh mục đã đảm nhận các chức vụ trong Tỉnh dòng như: Giám sư (1970-1974), Cố vấn Hạt dòng (1970-1972), Phó Giám hạt(1972-1981), Giám hạt (1981-1984), Giám tỉnh(1984-1993), Giám sư khấn tạm ở Thủ Đức (1994-1996), Cố vấn Tỉnh dòng và Thư ký Huấn luyện và Học vấn(1993-2002).
Bên cạnh đó, Linh mục còn là giáo sư tại Đại học, Học viện và Đại Chủng viện Công giáo như: Đại học Công giáo Đà-lạt, Đại học Công giáo Minh Đức và Viện Nhân Bản Sài-gòn của các Sư huynh La-san (1972-1975), dạy triết học trong các Đại Chủng viện Sài Gòn và Vinh Thanh cũng như trong Học viện Liên Dòng, Học viện Dòng Tên ở Thủ Đức, và Học viện Phanxicô (1975-2012).
Ông thường xuyên viết sách báo và đã để lại 25 tác phẩm viết, biên soạn, biên dịch, và một số bài viết trên các tạp chí. Đoạn trích dưới đây là của linh mục Nguyễn Hồng Giáo bàn về “Mô hình Giáo hội dấn thân” theo hướng “tốt đời đẹp đạo”.
Tác giả lập luận: “để tránh tự mình tạo ra một Giáo hội bị động và co rút, về phía Giáo hội phải quan tâm đến một số yếu tố sau:
a) Thái độ với chế độ: Dứt khoát đứng về phía dân tộc, đứng bên trong dân tộc là thực tình chấp nhận chế độ XHCN cụ thể đang cai trị đất nước này.
b) Dứt khoát coi đất nước này là nơi Giáo hội được sai đến để sống Tin mừng và giảng Tin mừng…
c) Giáo hội phải thực tâm chấp nhận vai trò giáo dục lòng yêu nước với tín đồ và hết sức quan tâm cho đạo được trong sáng…
d) Phải khuyến khích giáo dân học văn hoá. Thiếu văn hoá rất khó đi ra khỏi một tôn giáo phụng tự.
đ) Nâng cao trình độ văn hoá và thần học cho các giáo sĩ .
e) Hàng giáo phẩm nên khuyến khích giáo dân dấn thân vào các hoạt động xã hội …”.
Tác giả còn bày tỏ “ước nguyện” với Hội Đồng Giám mục: Giáo hội cần quan tâm đến những vấn đề mà chính quyền chờ đợi nơi Giáo hội, cần chấp nhận luật chơi (règle de jeu - trong nguyên văn) của xã hội, đó chính là cách để Giáo hội được sinh hoạt dễ dàng hơn.
Và "ước nguyện" đó của Linh mục Nguyễn Hồng giáo đã được Hội đồng Giám mục thể hiện trong Thư Chung 2001 “Để họ được sống và sống dồi dào”, với cái nhìn phấn chấn, khẳng định tình hình đất nước có nhiều đổi thay đáng kể.
Thư Chung 2001 có đoạn: “Nếu ngày nay người ta chứng kiến một khát vọng và nỗ lực xây dựng Đất nước giàu mạnh hơn về phương diện vật chất như công nghiệp hoá, hiện đại hoá…, về phương diện tinh thần như giữ gìn bản sắc dân tộc, nâng cao dân trí, thì người ta cũng ghi nhận rằng, con người ngày nay quan tâm đến vấn đề gia đình và xã hội như xoá đói giảm nghèo, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, phát huy hoạt động xã hội của giới trẻ, đồng thời lưu tâm đến các vấn đề ở qui mô lớn hơn như mở rộng các quan hệ quốc tế và hoà nhập vào cộng đồng nhân loại”.
Thư chung 2001 kết luận: “Để yêu thương và phục vụ, trước hết phải tiếp tục đường lối đồng hành với dân tộc, đồng cảm, chia sẻ hy vọng và lo âu của dân tộc trong tiến trình phát triển xã hội và thăng tiến con người. Ta không nhìn những vấn đề kinh tế, xã hội, giáo dục như những kẻ đứng ngoài cuộc, nhưng nhận đó là những vấn đề của ta và chủ động góp phần giải quyết, hầu cho con người được sống và sống dồi dào…”.
Chắc các bạn và tôi đều không cần phải bàn cãi vấn đề không có tôn giáo nào đứng trên và đứng ngoài dân tộc. Mỗi dân tộc có quyền tự quyết lựa chọn chế độ chính trị cho mình thông qua Hiến pháp - ý chí của toàn dân. Cho nên, "Dứt khoát đứng về phía dân tộc, đứng bên trong dân tộc là thực tình chấp nhận chế độ XHCN cụ thể đang cai trị đất nước này" là một hiển nhiên.
Quan điểm của Linh mục Nguyễn Hồng Giáo và chủ trương của Hội đồng Giám mục trong Thư chung 2001 quả là rất đúng đắn và đáng trân trọng. Đáng tiếc là, hơn 15 năm qua, một bộ phận chức sắc và tín đồ Công giáo đã "lệch chuẩn" về tư tưởng và hành vi làm cho gương mặt Công giáo méo mó đi trong con mắt của chính giới và nhân dân.
Gần đây, do ảnh hưởng của những thông tin dồn dập về những hoạt động bất chấp pháp luật, gây hại cho xã hội của Giáo phận Vinh, dư luận đã bị đẩy lên mức "cực đoan" khi cho rằng Giáo hội Công giáo, tín đồ Công giáo âm mưu "nối giáo cho giặc" một lần nữa. Điều này là sự ngộ nhận của nhận thức. Việt Nam có hơn 4 triệu tín đồ Công giáo, hàng ngàn chức sắc Công giáo, không phải tất cả đều có hành vi đi ngược lại lợi ích dân tộc. Chỉ có một bộ phận giáo dân bị khống chế bằng thần quyền ở một vài giáo xứ nhỏ ở Giáo phận Vinh và Dòng Chúa cứu thế mà thôi.
Đúng là trong hàng loạt vấn đề khi tiếp cận với xã hội mới, vấn đề dân chủ hoá xã hội và vấn đề Tự do tôn giáo vẫn thuộc số những vấn đề nhạy cảm và thường xuyên. Nhưng thiết nghĩ rằng, khi ĐCSVN đưa ra mục tiêu: xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh là sự đáp ứng lớn trên tổng thể, hài hoà giữa những giá trị có ý nghĩa như căn tính của CNXH với những giá trị chung nhất của dân tộc, bất kể người có tôn giáo hay không tôn giáo, có khả năng đồng thuận cao và trong đó, giải quyết tốt hơn nữa mối quan hệ Công giáo - Dân tộc.
Trong lịch sử và hiện tại, có biết bao “vấn đề phức tạp và nhạy cảm” trong quan hệ Công giáo và Dân tộc đã được vượt qua đã để lại những bài học quí báu cho cả 2 phía: đảm bảo ngày càng cao quyền tự do sinh hoạt tôn giáo của người Công giáo trong điều kiện bảo đảm những qui định luật pháp về tôn giáo; Vấn đề bình thường hoá quan hệ với Vatican và những cơ chế thông thoáng hơn về vai trò của nhà nước, đại diện lợi ích Dân tộc với những đòi hỏi chính đáng của đời sống riêng, qui định của Giáo luật; Việc mở rộng khả năng tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội văn hoá của các tổ chức tôn giáo và cá nhân của cộng đồng kitô hữu, kể cả việc “bình thường hoá” việc tham gia các hoạt động chính trị - xã hội của giới tu sĩ và giáo dân trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Một đất nước yên bình và ai ai cũng có cơ hội làm ăn, sinh sống trong hòa bình là giải pháp tốt nhất cho đạo và đời. Người Công giáo hãy lắng nghe và thực hiện di nguyện của tu sỹ Nguyễn Hồng Giáo, nhiệt thành Đồng hành với dân tộc. Làm sao để Công giáo cũng như các tôn giáo khác thực sự trở thành “tôn giáo xã hội” vừa khẳng định mình, vừa đóng góp xây dựng xã hội trần thế cụ thể “xã hội chủ nghĩa” của chúng ta.
Quan điểm của Linh mục Nguyễn Hồng Giáo và chủ trương của Hội đồng Giám mục trong Thư chung 2001 quả là rất đúng đắn và đáng trân trọng.
Trả lờiXóa