Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2018

NÂNG CAO NHẬN THỨC, TRÁCH NHIỆM CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN LÀM THẤT BẠI ÂM MƯU, THỦ ĐOẠN LỢI DỤNG TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO CHỐNG PHÁ CÁCH MẠNG VIỆT NAM CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH



HT
Trong bối cảnh mới, việc nhận thức rõ và có trách nhiệm cao trong đấu tranh chống sự lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo phá hoại cách mạng của các thế lực thù địch là vấn đề không đơn giản. Trước sự tác động của kinh tế thị trường với những hoạt động kinh tế sôi động, sự mải mê làm giàu, những lo toan về cuộc sống cho gia đình và bản thân… dễ dẫn đến làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân xao nhãng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, không nhận thức đúng, hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo của các thế lực thù địch, thấy rõ tính chất nguy hiểm, những tác hại từ âm mưu, thủ đoạn đó đối với cách mạng nước ta, đối với cuộc sống của nhân dân ta hoặc không quan tâm, thiếu trách nhiệm, bàng quan, thờ ơ trước sự phá hoại của các thế lực phản động, thù địch, trong đó có sự lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo chống phá cách mạng của chúng, cho rằng nhiệm vụ này là của ai đó, là của lực lượng chuyên biệt làm công tác tôn giáo, của lực lượng vũ trang... Nếu không có nhận thức đúng, không có ý thức trách nhiệm cao, thì việc đấu tranh chống sự lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo của các thế lực thù địch không thể đạt được hiệu quả mong muốn.
Cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ, đảng viên trực tiếp làm công tác tôn giáo tại địa bàn, địa phương, họ là lực lượng, chủ thể trực tiếp sống trên địa bàn vùng có đông đồng bào các tôn giáo sinh sống, hiểu địa bàn, gần gũi với đồng bào nắm vững những diễn biến phức tạp về tín ngưỡng, tôn giáo và hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo của các thế lực thù địch, đặc biệt là ở những nơi có “điểm nóng”, đồng thời họ nắm rõ chủ trương, chính sách, pháp luật, thì vai trò của họ càng trở nên quan trọngđó là cơ sở để đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo của các thế lực thù địch.
Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo của các thế lực thù địch cần thực hiện tốt các nội dung sau:
Trước hết, cần đẩy mạnh và nâng cao chất lượng giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về nguồn gốc, bản chất, tính chất, chức năng, vai trò của tôn giáo trong lịch sử, trong đời sống xã hội. Tín ngưỡng, tôn giáo nẩy sinh từ sự bất lực của con người trong quá trình nhận thức và cải tạo thế giới. Giáo dục cho đồng bào những vấn đề cơ bản về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo; đấu tranh khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của tín ngưỡng, tôn giáo; về việc đấu tranh chống sự lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo chống lại nhân dân, phá hoại cách mạng…; về việc không được tuyên chiến với tôn giáo, bởi vì, tuyên chiến với tôn giáo “đó chỉ là một luận điệu vô chính phủ chủ nghĩa”[1]. V.I.Lênin cũng đã nhiều lần nhắc nhở những người cách mạng phải xây dựng cho người dân thế giới quan vô thần khoa học, “phải lấy quan điểm duy vật mà giải thích nguồn gốc tín ngưỡng và nguồn gốc tôn giáo của quần chúng”[2]. Trong nội dung giáo dục này, cần làm cho các đối tượng hiểu sâu sắc một quan điểm rất quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta càng phải ghi nhớ lời dạy của Đức Chúa”, “Chúng ta làm theo lòng đại từ đại bi của Đức Phật Thích Ca, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải nô lệ”[3], làm cơ sở động viên, tập hợp đồng bào có tín ngưỡng, theo tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Có thực hiện tốt nội dung trên, mới tạo được cơ sở khoa học vững chắc cho cán bộ, đảng viên tiếp thu, hình thành, phát triển thế giới quan và niềm tin khoa học. Từ đó, tạo cơ sở khoa học vững chắc trong quá trình đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo chống phá cách mạng nước ta của các thế lực thù địch.
Thứ hai, cần đặc biệt chú trọng giáo dục tuyên truyền quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo. Làm cho cho cán bộ, đảng viên thấy rõ, trong quá trình cách mạng Việt Nam, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; luôn coi đoàn kết đồng bào các tôn giáo, đoàn kết giữa đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm nên sức mạnh to lớn cho cách mạng. Làm cho toàn xã hội nhận thức đúng đắn và sâu sắc những quan điểm cơ bản của Đảng ta tại Đại hội XI: “Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân theo quy định của pháp luật. Đấu tranh và xử lý nghiêm đối với mọi hành động vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo và lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc và nhân dân”[4]. tại Đại hội XII:Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, theo quy định của pháp luật, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đồng thời chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc hoặc những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái quy định của pháp luật”.
Giáo dục cho mọi cán bộ, đảng viên hiểu rõ những quan điểm, chính sách của Đảng ta: "Xây dựng cuộc sống "tốt đời, đẹp đạo" trong quần chúng tín đồ, chức sắc, nhà tu hành"; "Đồng bào theo đạo và các vị chức sắc tôn giáo có nghĩa vụ làm tròn trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc, sống "tốt đời, đẹp đạo", phát huy những giá trị tốt đẹp về văn hoá, đạo đức của tôn giáo"[5]; “Động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[6].
Một vấn đề cần chú ý thực hiện tốt hiện nay là, phải giáo dục cho mọi cán bộ, đảng viên có nhận thức đúng về những giá trị, những nét đẹp văn hóa của tín ngưỡng, tôn giáo. Thực tế trong thời gian qua, chúng ta chưa chú trọng đúng mức về vấn đề này, làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên hiểu sai lệch về tín ngưỡng, tôn giáo, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch lợi dụng, chống phá. Chú trọng giáo dục Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 của Nhà nước. 
Thứ ba, Tăng cường giáo dục chủ nghĩa yêu nước, ý thức bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và sự lãnh đạo của Đảng, ý thức cảnh giác cách mạng mọi cán bộ, đảng viên. Nội dung giáo dục này nhằm khơi dậy và phát huy động lực và sức mạnh cơ bản của dân tộc, của mọi người dân vào cuộc đấu tranh chống các thế lực thù địch lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo. Mỗi người Việt Nam, không kể lương hay giáo, ai cũng có tinh thần yêu quê hương, đất nước. Tình cảm thiêng liêng, lòng tự hào dân tộc và ý thức sâu sắc về cội nguồn, về nơi chôn nhau, cắt rốn là động lực to lớn để đồng bào ta đoàn kết thành một khối vững chắc. Cho nên, phải động viên đồng bào “nêu cao tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ độc lập và thống nhất của Tổ quốc; thông qua việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, bảo đảm lợi ích vật chất và tinh thần của nhân dân nói chung, trong đó có đồng bào tôn giáo"[7].
Giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho mọi cán bộ, đảng viên, tất cả các các cấp, các ngành đối với cuộc đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch. Ngoài việc thực hiện tốt những nội dung giáo dục nêu trên, ở đây cần làm cho mọi người nhận thức sâu sắc âm mưu và những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, nham hiểm trong lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo chống phá cách mạng nước ta của các thế lực thù địch; thấy rõ thực chất phản động, phản cách mạng, chống lại nhân dân, chống Tổ quốc và chế độ xã hội chủ nghĩa của những âm mưu, thủ đoạn đó.



[1] V.I Lênin, Toàn tập, tập 17, NxbTiến bộ, M. 1979. tr. 511.
[2] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 17, Nxb Tiến bộ, M. 1979, tr. 514.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2000, tr. 197.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2011, tr. 81.
[5] Tài liệu học tập các nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy BCHTW Đảng khoá IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2003, tr. 120.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2011, tr. 245.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy BCHTW khoá IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2003, tr. 49.

1 nhận xét: