Biên phòng - Những ngày tháng Tám lịch sử này, nhân dân Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu cũng đều hân hoan hướng về ngày Tết Độc lập. Mỗi khi nói đến nền độc lập của quốc gia, dân tộc bao giờ cũng đánh thức trong mỗi chúng ta một niềm cảm xúc kỳ lạ; nó vừa thiêng liêng, sâu thẳm, mênh mang nhưng cũng rất hiện hữu. Có thể khẳng định, tuyệt đại người dân Việt Nam có lòng yêu nước nồng nàn. Lòng yêu nước đó đã được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước; được xây đắp bởi máu xương của bao thế hệ người Việt Nam để có được nền độc lập, tự do hôm nay.
Chính vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có câu nói bất hủ như một chân lý: Không có gì quý hơn độc lập, tự do!Chân lý đó đã được minh chứng trong suốt chiều dài lịch sử. Không có độc lập dân tộc sẽ không có tự do, không thể xây dựng một quốc gia cường thịnh. Để đất nước được thanh bình, ổn định và phát triển giữa muôn vàn gian khó là cả một sự nỗ lực không biết mệt mỏi của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trên mọi lĩnh vực.
Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, giữa một thế giới đầy biến động, phức tạp, khó lường thì công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang đứng trước những thời cơ và thách thức lớn. Trải qua bao nhiêu mất mát, hi sinh, những khó khăn, gian khổ, hẳn mỗi chúng ta đều thấm thía giá trị thiêng liêng của hòa bình, độc lập, tự do. Quyết tâm sắt đá của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta là xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, văn minh, người dân được sống trong hòa bình, thịnh vượng. Đó cũng là ước vọng của cả dân tộc. Để thực hiện được mục tiêu đó, một trong những bài học lớn là phát huy lòng yêu nước của mỗi người dân và tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Đó cũng chính là truyền thống, là sức mạnh của dân tộc ta.
Tuy nhiên, trong muôn vàn khó khăn cũng như sự quyết tâm, nỗ lực đưa đất nước phát triển đi lên lại xuất hiện những tiếng nói, những quan điểm, tư tưởng, những hành vi chống phá rất quyết liệt, tinh vi, xảo quyệt núp dưới chiêu bài “yêu nước”, “dân chủ”. Những hiện tượng này xuất hiện ở nhiều nơi, nhiều lúc, nhiều góc độ khác nhau nhưng tựu chung đều xuất phát từ âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động - những kẻ không bao giờ chấp nhận chế độ mà nhân dân ta đã phải đổ bao máu xương, công sức dựng xây; những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị và những người thiếu thông tin, hạn chế nhận thức xã hội, nhẹ dạ, cả tin, cực đoan, mất cảnh giác dễ bị lôi kéo, kích động, lừa phỉnh chống phá chính quyền. Bởi vậy, trong dư luận xã hội, nhất là trên in-tơ-nét, mạng xã hội thường xuyên xuất hiện những thông tin, hình ảnh, tư liệu xuyên tạc, bóp méo sự thật, dựng chuyện, đả kích ác ý trước các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; lợi dụng những hạn chế, yếu kém trong quản lý Nhà nước, quản lý xã hội; thậm chí nhiều phần tử phản động trong và ngoài nước đã không hề che giấu mục đích công khai kêu gọi lật đổ chế độ; lập ra các tổ chức phản động, tiến hành các biện pháp khủng bố và các hoạt động chống phá công khai lẫn bí mật. Chúng kêu gọi, kích động, tổ chức biểu tình với những ngôn từ lừa bịp như “biểu tình ôn hòa”, “tổng biểu tình”, “phản đối dân sự”, “biểu thị lòng yêu nước”... nhằm vào những sự kiện lớn, ngày lễ, Tết. Những âm mưu và hành vi đó hết sức nguy hiểm, nó nhằm tạo ra sự bất ổn, đẩy đất nước vào cảnh loạn lạc, làm chậm và làm chệch mục tiêu phát triển. Những âm mưu đó thường được một số người có nhận thức chưa đầy đủ, thiếu căn cứ khoa học và thực tiễn hay do bất mãn hoặc vì những mục đích cá nhân khác hùa theo. Đây là vấn đề mà mỗi người dân yêu nước chân chính cần nhận rõ. Một sự thật hiển nhiên là, chỉ có sự lãnh đạo tài tình cùng với đường lối đúng đắn của Đảng mới đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi và đất nước có được như ngày hôm nay. Và, thực tế đã minh chứng hùng hồn rằng, những quốc gia loạn lạc luôn bị can thiệp, khống chế bởi các quốc gia khác, cuộc sống người dân rơi vào vòng xoáy của lầm than, đói khổ. Điều này, dân tộc Việt Nam đã từng chịu đựng, trải qua cảnh “nước mất, nhà tan” trước Cách mạnh Tháng Tám năm 1945.
Hẳn mỗi người có tư duy bình thường cũng đều hiểu rằng, trong cuộc sống thường ngày của mỗi người, mỗi gia đình, dòng họ, nói rộng ra là một cộng đồng, một quốc gia hay cả nhân loại luôn tồn tại, phát sinh những hạn chế, mâu thuẫn và không có sự hoàn hảo tuyệt đối. Bởi vậy, người có tư duy tích cực luôn hướng tới tính xây dựng thay cho sự đả kích, phá hoại. Đó cũng chính là yếu tố tạo nên sự phát triển và tiến bộ xã hội. Thực tế đã chứng minh rằng: Đảng, Nhà nước ta cũng như những người có trách nhiệm với quốc gia, dân tộc, các cơ quan chức năng luôn lắng nghe, trân trọng tiếp thu những ý kiến đóng góp, xây dựng và phản biện tâm huyết, trách nhiệm, khách quan, khoa học để từng bước khắc phục những hạn chế, yếu kém, sai lầm để hướng đến mục tiêu cao nhất là xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, người dân được hưởng hòa bình, hạnh phúc. Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành cũng luôn thẳng thắn, công khai thừa nhận những tiêu cực, hạn chế, yếu kém trong tổ chức bộ máy, trong đội ngũ cán bộ công chức cũng như trong các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đồng thời quyết liệt đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, từng bước xây dựng bộ máy ngày càng trong sạch, vững mạnh. Nhưng lợi dụng sự hạn chế, yếu kém, sai lầm, khuyết điểm để đả kích, phá hoại, gây rối xã hội, vi phạm pháp luật dưới chiêu bài “yêu nước” chính là sự ngụy tạo nguy hiểm và dù có tinh vi đến đâu cũng bị nhân dân ta lật tẩy. Hành vi chặn đường giao thông, gây rối trật tự công cộng, đập phá tài sản của Nhà nước, chống người thi hành công vụ, tấn công vào các cơ quan công quyền; hành vi đả kích, xuyên tạc, thổi phồng, bóp méo sự việc, lan truyền thông tin sai sự thật, tiếp tay cho các thế lực thù địch với dụng ý xấu, kích động biểu tình trái phép... dù che đậy bằng hình thức gì cũng là biểu hiện của thái độ vô Chính phủ, coi thường kỷ cương, pháp luật mà không một xã hội nào chấp nhận. Những hành vi đó cần phải được nhận diện, lên án, đấu tranh và xử lý nghiêm minh. Những ai đó còn mơ hồ, mất cảnh giác hoặc cố tình phá hoại công cuộc xây dựng đất nước sẽ phải gánh chịu hậu quả và trả giá.
Biểu thị lòng yêu nước của mỗi người dân chính là mỗi người hãy làm thật tốt bổn phận và trách nhiệm công dân của mình, tích cực tham gia xây dựng, quản lý xã hội với tinh thần thượng tôn pháp luật, đồng thời cảnh giác vạch trần âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, phần tử xấu, góp phần cùng các cơ quan chức năng đấu tranh, xử lý nghiêm minh với các đối tượng vi phạm pháp luật, bảo vệ thành quả của cách mạng, đưa đất nước ngày càng phát triển vững mạnh.
PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn
Cần phải xử lý thật nghiêm bọn phản động chuyên xuyên tạc và chống phá đất nước
Trả lờiXóa