Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2018

MỘT SỐ THỦ ĐOẠN CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH TRONG LỢI DỤNG TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO ĐỂ CHỐNG PHÁ SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG VIỆT NAM



HT
Trong xã hội có giai cấp đối kháng, giai cấp thống trị bóc lột một mặt sử dụng công cụ bạo lực để trấn áp, mặt khác, chúng sử dụng tín ngưỡng, tôn giáo để an ủi, mê hoặc, ru ngủ quần chúng. Các tổ chức tôn giáo mong muốn thông qua nhà nước thế quyền để mở rộng đức tin, gây ảnh hưởng lớn hơn đến xã hội. Sự gặp gỡ về lợi ích đó tạo nên sự cấu kết, “cộng sinh” giữa thần quyền và thế quyền nhằm phục vụ cho lợi ích của mỗi bên đúng như V.I.Lênin đã chỉ rõ rằng: “…Tất cả các giai cấp áp bức đều cần đến hai chức năng xã hội, để giữ gin nền thống trị của mình: chức năng của tên đao phủ và chức năng giáo sĩ. Đao phủ phải dẹp tan sự  phản kháng và sự căm phẫn  của những người bị áp bức. Giáo sĩ phải an ủi những người bị áp bức, ... làm cho họ chịu nhận nền thống trị ấy, làm cho họ xa rời hành động cách mạng, làm tiêu tan tinh thần cách mạng của họ và phá vỡ nghị lực cách mạng của họ” [1]
Ở Việt Nam, do phải thường xuyên đối phó với các cuộc chiến tranh; có nhiều tôn giáo ngoại nhập; sự phân hoá trong nội bộ tôn giáo; tính thực dụng của tín ngưỡng tôn giáo... làm cho việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo của các thế lực thù địch ở Việt Nam càng “thuận lợi” và nguy hại hơn.
Trong lịch sử, các thế lực thù địch đều lợi dụng tôn giáo để xâm lược, nô dịch, đồng hoá dân tộc ta. Trong thời kì chống Pháp, chống Mỹ, không ít tổ chức tôn giáo, chức sắc và tín đồ bị kẻ thù lợi dụng chống lại cách mạng.
Hiện nay, chủ nghĩa đế quốc với chiến lược “diễn biến hoà bình" vẫn luôn coi vấn đề tôn giáo là một trọng điểm “ưu tiên”, “huyệt” nhạy cảm nhất để lợi dụng chống phá cách mạng Việt Nam. Việc tăng cường truyền đạo Tin lành ở Tây Bắc, Tây Nguyên, đạo Vàng Chứ ở người H’Mông Tây Bắc, cái gọi là “Tin lành Đề Ga” ở Tây Nguyên... là minh chứng cụ thể của sự lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng Việt Nam.
Chúng kích động chia rẽ quan hệ lương - giáo và giữa các tôn giáo; mua chuộc, lôi kéo, ép buộc đồng bào các tôn giáo chống đối chính quyền, di cư và vượt biên trái phép, gây bất ổn chính trị - xã hội, bạo loạn, tạo các “điểm nóng” để vu khống Việt Nam đàn áp các tôn giáo vi phạm “dân chủ”, “nhân quyền” để cô lập, làm suy yếu cách mạng Việt Nam… Điển hình là các vụ bạo loạn năm 2001, 2004 ở Tây Nguyên; tụ tập đông người, gây mất trật tự an ninh ở Mường Nhé, Điện Biên vào tháng 4 năm 2011. Gần đây, một số linh mục cực đoan ở giáo phận Vinh, Nghệ An đã kích động, lôi kéo giáo dân lợi dụng sự kiện môi trường biển miền Trung do Công ty Formosa gây ra để tổ chức các hoạt động khiếu kiện, biểu tình, gây rối chống đối Nhà nước và chính quyền địa phương các cấp của tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Trên các trang mạng xã hội như blog, facebook, zalo, youtube, twitter, instagram, zingMe, google plus...chúng dẫn chứng, viết bài, đưa những thông tin, luận điệu phản động, xuyên tạc, bịa đặt, sai lệch, thậm chí độc hại, gây nhiễu loạn thông tin biến dạng sự thật, kích động tham gia biểu tình, bạo loạn, chống đối chính quyền, phá hoại kinh tế.
Các thủ đoạn chúng thường lợi dụng đó là:
          Một là, khai thác những thiếu sót trong việc thực hiện chính sách tôn giáo ở cơ sở để xuyên tạc tình hình tôn giáo, vu khống ta hạn chế, gò bó với tôn giáo, vi phạm nhân quyền; Hai là, thao túng và lợi dụng các diễn đàn quốc tế, các tổ chức quốc tế để thông tin sai lệch về tình hình tôn giáo, bôi nhọ chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước nhằm cô lập ta trên trường quốc tế; Ba là, lôi kéo, mua chuộc, nuôi dưỡng các phần tử cực đoan, ly khai trong các tôn giáo ở trong nước và ngoài nước; Bốn là, khai thác lợi thế của một nước có tiềm lực kinh tế, quân sự, trong điều kiện thế giới một cực và xu hướng toàn cầu hóa, số cực đoan trong chính giới Mỹ cố tạo sức ép pháp lý để tác động vào tình hình tôn giáo ở trong nước. Thời gian qua, một số nhân vật trong Hạ viện Mỹ đơn phương đưa ra những dự luật liên quan đến vấn đề tôn giáo và nhân quyền ở Việt Nam như: Dự luật HR1587 (1995), HR1865 (1997)… HR1950 (2004) và mấy năm gần đây, Bộ Ngoại giao Mỹ và Ủy ban tự do Tôn giáo quốc tế của Mỹ đã đưa hoặc dọa Việt Nam vào diện các nước cần quan tâm đặc biệt - (Countries of Particular Concern - CPC); Bản “Phúc trình thường niên 2016 về tự do tôn giáo thế giới”, do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ biên soạn được công bố tại Washington DC. Ngày 15 tháng 8 năm 2017, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố Báo cáo thường niên về tự do tôn giáo của 199 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó, có 29 trang nói về tình hình tôn giáo ở Việt Nam, có nội dung không đúng sự thật, khi cho rằng, Việt Nam tiếp tục kiểm soát, thậm chí triệt hạ những tổ chức tôn giáo không được sự chấp thuận của Nhà nước, với những điều luật mơ hồ cho Nhà nước rộng quyền hơn trong việc kiểm soát mọi sinh hoạt tôn giáo dưới danh nghĩa bảo vệ an ninh quốc gia, duy trì đoàn kết dân tộc …; Năm , tìm cách chính trị hóa vấn đề tôn giáo, nhất là vấn đề tôn giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gắn vấn đề tôn giáo với vấn đề dân tộc./.




[1] V.I.Lênin, toàn tập, tập 26, NxbTB,M.1980,tr.293

1 nhận xét:

  1. Chúng ta phải hết sức cảnh giác với bọn phản động, chúng thường lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá đất nước

    Trả lờiXóa