Thứ Tư, 5 tháng 9, 2018

PHÁT HUY VAI TRÒ BÁO CHÍ TRONG ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG SUY THOÁI



Tiên Phong
          Trong kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI về xây dựng Đảng, khi phân tích thực trạng tình hình công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, đã chỉ rõ: “Việc đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị còn bị động, thiếu sắc bén và hiệu quả chưa cao”. Khi chỉ ra những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, Ban Chấp hành Trung ương cũng nêu rất rõ, đó là tình trạng: “Xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng...”, "Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước", trong đó không thể không nói tới vai trò, trách nhiệm của các nhà báo, các cơ quan báo chí.
          Đồng thời báo chí là đội quân xung kích trong việc phát hiện, nhận diện, phản ánh tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và những hiện tượng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Với vai trò cầu nối giữa nhân dân với Đảng, báo chí tạo điều kiện để nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và giám sát cán bộ, đảng viên. Báo chí thực sự trở thành trợ thủ đắc lực trong việc phát hiện, đấu tranh với các hành vi quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Cùng với đó, báo chí cả nước đã đấu tranh, phản bác, đáp trả mạnh mẽ với những luận điệu sai trái, xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch, phản động, từ đó góp phần đấu tranh phòng, chống sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
          Tuy nhiên bên cạnh đó, việc phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch thời gian qua còn nhiều vấn đề đặt ra. Đáng chú ý là một số nhà báo và cơ quan báo chí có biểu hiện thờ ơ với chính trị, thiếu quan tâm đến những vấn đề lớn, những sự kiện quan trọng của đất nước; chưa thực sự đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu; thông tin sai sự thật, thiếu nhạy bén chính trị, nhiều thông tin thuộc bí mật Nhà nước, bí mật quốc gia bị lộ lọt để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chống phá…
          Yêu cầu đặt ra đối với các tác phẩm đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch; phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" là: Tính “bút chiến” cao, tính định hướng rõ ràng, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy "xây" làm chính. Trong đó, dòng thông tin chủ đạo phải là tuyên truyền một cách thuyết phục về các thành tựu kinh tế-xã hội; tuyên truyền một cách khách quan, đầy đủ những mặt tích cực, những mặt còn hạn chế trong xã hội, không "tô hồng" thành tích, không thổi phồng khuyết điểm, không lấy vụ việc giật gân để câu khách. Đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực phải trên tinh thần xây dựng, lấy “xây” làm chính, lấy “xây” để “chống” và ngược lại.
          Khẳng định vai trò chủ lực của báo chí là cần thiết, nhưng điểm mấu chốt trong cuộc đấu tranh này là phải phát huy được sức mạnh tổng hợp của các mặt trận, các lực lượng, bằng cả sức mạnh nội lực và ngoại lực. Cần phải xác định cuộc đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; phòng, chống sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, chứ không phải là nhiệm vụ của riêng lực lượng, tập thể nào, cá nhân ai. Toàn “binh chủng báo chí” và các tổ chức chính trị, xã hội phải đồng tâm hiệp lực tạo thành làn sóng mạnh mẽ đấu tranh phản bác kiên quyết, kịp thời, có hiệu quả các luận điệu phá hoại chính trị, tư tưởng, góp phần kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; không nên chỉ tập trung vào một số cơ quan báo chí, truyền thông chủ yếu của Đảng và Nhà nước.


1 nhận xét: