Thứ Hai, 27 tháng 11, 2017

VẬN DỤNG SÁNG TẠO CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN VÀO THỰC TIỄN CÁCH MẠNG NƯỚC TA

                                                                                              Đ35A

Ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam mới thành lập năm 1930, Hồ Chí Minh (lúc này mang tên Nguyễn Ái Quốc) đã tiếp thu và vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin vào xác định con đường cách mạng Việt Nam. Người đã không giáo điều, dập khuôn, máy móc, mà luôn đứng vững trên thực tiễn và truyền thống lịch sử Việt Nam mà xác định chiến lược và sách lược cách mạng thích hợp. Những sáng tạo của Người về mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và CNXH, giữa dân tộc và giai cấp, giữa đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, giữa đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang...đã được chứng minh bằng những thắng lợi hùng hồn của cách mạng Việt Nam.
Sau khi thống nhất đất nước, có lúc Đảng ta đã mắc sai lầm giáo điều về lý luận, dập khuôn, máy móc trong vận dụng kinh nghiệm của các nước đi trước, đồng thời nôn nóng, chủ quan trong xác định đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước. Khắc phục những sai lầm đó và để hiện thực những trăn trở của Bác Hồ về con đường xây dựng CNXH trong điều kiện của nước Việt Nam nghèo nàn, lạc hậu.
Từ 1986 Đảng ta thực hiện đường lối đổi mới. Hơn 30 năm thực hiện đường lối đó, Đảng ta tiếp tục kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin trên tinh thần vận dụng sáng tạo, không giáo điều, đồng thời ngày càng thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh trong mọi chủ trương, chính sách phát triển đất nước nên thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, ngày càng có vị thế to lớn trên trường quốc tế. Những khó khăn gần đây của nước ta về kinh tế, một mặt do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới do đất nước ta đã hội nhập sâu với quốc tế, mặt khác do sai lầm và thiếu kinh nghiệm trong điều hành kinh tế vĩ mô, chứ không phải do chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh kìm hãm. Cũng không vì sự kiên định đó của chúng ta mà các nước trên thế giới, kể cả các cường quốc không mở rộng quan hệ hợp tác với nước ta.
              Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, mỗi dân tộc cần giữ được bản sắc của mình, kể cả bản sắc văn hóa chính trị trong quá trình phát triển. Việt Nam chúng ta cần làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành bản sắc văn hóa tinh thần của mình. Nhiều nước phát triển hàng đầu thế giới đã và đang làm như vậy. Ngay láng giềng chúng ta là nước Trung Quốc vẫn tuyên bố trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin và đang trở thành một thế lực kinh tế, chính trị hàng đầu thế giới. Ở Việt Nam, qua nhiều chục năm, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành nền tảng tư tưởng chính trị. Lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin là cơ sở phương pháp luận để Đảng ta nhận thức thế giới và định hướng trong việc đề ra mọi chính sách kinh tế, xã hội, văn hóa và có những thành tựu không thể phủ nhận.
Trên con đường phát triển ngày nay, một mặt chúng ta cần trung thành với nền tảng tư tưởng đó theo phương châm của chủ tịch Hồ Chí Minh, là phải nắm cái tinh thần khoa học, thực tiễn của lý luận chứ không phải tuân theo từng câu, chữ của sách kính điển chủ nghĩa Mác – Lênin. Phải thực sự thấm nhuần phương pháp luận nhận thức duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, thấm nhuần quan điểm khoa học, thực tiễn để nhận thức thế giới và đất nước, đề ra đường lối, chủ trương, chính sách thích hợp trên mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội.
Mặt khác, cần phải sáng tạo, bổ sung và phát triển những điểm “chưa sáng rõ” mà do điều kiện khách quan, chủ nghĩa Mác-Lênin chưa có điều kiện làm rõ, đặc biệt là những giải pháp ngăn ngừa sự lạm dụng, lợi dụng, hoặc xuyên tạc, cắt xén lý luận vì mục đích cá nhân, lợi ích nhóm. Trong thực tế, điều này đã xảy ra ở một số nước XHCN trước kia và ở một số cá nhân không hiểu hoăc “cố tình không muốn hiểu” những giá trị của chủ nghĩa Mác –Lênin nhằm lợi ích vị kỷ.
Nhìn vào thực tiễn phát triển đất nước của các quốc gia đã xa rời chủ nghĩa Mác- Lênin trong những năm gần đây hoặc ngược lại, “trung thành” cực đoan mà thực chất là lợi dụng, lạm dụng một cách chủ quan, phi khoa học và thực tế, người ta đều thấy những hậu quả tiêu cực. Đó là thành trì của sự thủ cựu, cô lập với thế giới hoặc thành cái đuôi của các nước phương Tây./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét