Thứ Năm, 30 tháng 11, 2017

BỆNH HÁO DANH


Phạm Trung
Hồ Chí Minh đã cảnh báo bệnh háo danh từ rất sớm. Năm 1927, trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Hồ Chí Minh đã đưa ra tiêu chuẩn cần phải có của một người cách mạng, trong đó có một tiêu chuẩn là “Không hiếu danh, không kiêu ngạo.”[1]. Năm 1945, Hồ Chí Minh chỉ ra một trong những nguyên nhân gây nên bệnh háo danh “Làm tiền bằng cách bán ngôi thứ tức là gây cho dân chúng có óc hiếu danh, trong khi cần phải trừ tiệt óc đó để gây cho mọi người có óc thiết thực, góp sức vào công cuộc giữ gìn và xây dựng đất nước.”[2]. Năm 1947, Hồ Chí Minh dạy cán bộ trong đối xử với đồng chí của mình “Bỏ lối hiếu danh, hiếu vị.”[3], Người chỉ ra biểu hiện của bệnh hiếu danh “Tự cho mình là anh hùng, là vĩ đại. Có khi vì cái tham vọng đó mà việc không đáng làm cũng làm. Đến khi bị công kích, bị phê bình thì tinh thần lung lay. Những người đó chỉ biết lên mà không biết xuống. Chỉ chịu được sướng mà không chịu được khổ. Chỉ ham làm chủ tịch này, uỷ viên nọ, chớ không ham công tác thiết thực.”[4].
Hiện nay, bệnh háo danh được xác định là một trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên “Mắc bệnh “thành tích”, háo danh, phô trương, che dấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, “đánh bóng” tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi; “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu”.”[5].
Danh thì ai cũng muốn, đó là nhu cầu chính đáng, là động lực để thúc đẩy người cán bộ, đảng viên phát triển. Nhưng quan trọng là phương thức để đạt được cái danh ấy. Để đạt được địa vị mong muốn, vừa phải hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, vừa phải tích lũy đủ về phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo mục tiêu phấn đấu đã xác định. Không được khôn khéo lấy lòng người khác, luồn cúi, nịnh nọt, thậm chí sử dụng những mánh khóe để hạ bệ, chà đạp nên tình đồng chí, đồng nghiệp, v.v..
Về phía tổ chức, muốn chống được bệnh háo danh phải có cơ chế, chính sách, quy trình xét tuyển, bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng, tạo nguồn cán bộ chặt chẽ, phù hợp, công khai. Đặc biệt, phải quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII của Đảng “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Cấp ủy, chỉ huy các cấp ở cơ sở cần có đánh giá chính xác, khách quan về phẩm chất, năng lực của cán bộ, cảnh giác với những biểu hiện, trường hợp cán bộ “háo danh”.



[1] Hồ Chí Minh (1927), Đường Kách mệnh, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tr.280.
[2] Hồ Chí Minh (1945), “Bỏ cách làm tiền ấy đi”, Báo Cứu quốc, số 69, ngày 17/10/1945, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tr.62.
[3] Hồ Chí Minh (1947), Bài nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hóa, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tr.68.
[4] Hồ Chí Minh (1947), Sửa đổi lối làm việc, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tr.295.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét