Thứ Ba, 14 tháng 11, 2017

GÓP PHẦN NHÌN LẠI NGUYÊN NHÂN VÀ BẢN CHẤT SỰ SỤP ĐỔ CỦA CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở LIÊN XÔ

                                                                                                                                               Kiên Trung
          Mặc dù sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô đã diễn ra cách đây gần ba thập kỷ, nhưng cho đến nay sự kiện này vẫn là một trong những trung tâm công kích, chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta nói riêng. Trên thực tế, đã có nhiều công trình, bài viết nghiên cứu về nguyên nhân Liên Xô tan ra, nhưng suy đến cùng đều thống nhất khẳng định: sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô là kết quả tổng hợp của nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, cả bên trong và bên ngoài, cả nhân tố lịch sử và hiện thực,… Nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga (7/11/1917 - 7/11/2017), vấn đề này một lần nữa được nhìn nhận lại để tiếp tục rút ra những bài học sâu sắc; trong đó đáng chú ý cần nhấn mạnh một số nguyên nhân chủ yếu sau:
          Một là, do sai lầm nghiêm trọng về chiến lược của Đảng Cộng sản Liên Xô, trước hết là công tác cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt cấp chiến lược. Các phần tử cơ hội, thực dụng về kinh tế và chính trị nắm giữ những trọng trách trong ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã phản bội lý tưởng xã hội chủ nghĩa và lợi ích dân tộc.
           Hai là, sự thoái hóa, biến chất của Đảng Cộng sản Liên Xô. Đảng Cộng sản Liên Xô đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt Đảng. Đi liền với nó là các bệnh tật: độc đoán, chuyên quyền, không chấp nhận những ý kiến khác với mình; coi thường tập thể, coi thường cấp dưới, tự cho mọi ý kiến của mình là chân lý buộc mọi người phải tuân theo, coi những ai có ý kiến ngược lại là chống đối, thậm chí là thù địch, khi cần thiết bảo vệ “cái uy” của mình, họ sẵn sàng đối xử với đồng chí, đồng đội như đối với kẻ thù. Cùng với đó, Bộ Chính trị, BCHTƯ Đảng Cộng sản Liên Xô đã quan liêu xa rời thực tiễn, để mất quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.
Ba là, sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một số lãnh đạo cấp cao giữ vai trò chủ chốt với những biểu hiện nổi bật, như: Sống ích kỷ, đặt lợi ích của bản thân, gia đình và người thân lên trên lợi ích của Đảng, của nhân dân; cục bộ địa phương, kéo bè kéo cánh đưa những người thân tín với mình, kể cả những người yếu về năng lực, kém về đạo đức, lối sống vào những vị trí lãnh đạo để làm vây cánh, che chắn bảo vệ mình; tham ô, sống xa hoa, nói một đằng làm một nẻo, cá biệt còn tha hoá, suy đồi về đạo đức, lối sống.
Về bản chất sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, khách quan đánh giá, thẳng thắn nhìn nhận đó chỉ là sự đổ vỡ của một mô hình xã hội cụ thể mang tính giáo điều, máy móc, không đổi mới, trái với tinh thần sáng tạo của chủ nghĩa Mác - Lênin, chứ hoàn toàn không phải sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội với tính cách là giai đoạn thấp của hình thái cộng sản chủ nghĩa, càng không phải là do bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa quy định như luận điệu xuyên tạc của các học giả tư sản vẫn rêu rao tuyên truyền hiện nay.
Việc nghiên cứu nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô có ý nghĩa rất to lớn đối với các Đảng cộng sản trên thế giới, nhất là đối với Đảng cộng sản cầm quyền như Đảng ta. Điều này càng đặc biệt thiết thực trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh, quyết liệt tiến hành cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, đẩy lùi tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đồng thời, việc nắm vững bản chất của sự kiện này để củng cố quyết tâm, kiên định với nền tảng tư tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà dân tộc ta, nhân dân ta đã lựa chọn.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét