Thứ Năm, 30 tháng 11, 2017

NHẬN THỨC ĐÚNG NHỮNG SÁNG KIẾN CỦA VIỆT NAM TẠI APEC 2017

Phạm Trung
          Trong dịp diễn ra Tuần lễ cấp cao APEC 2017, trên trang của tổ chức phản động Việt Tân và một số trang mạng khác đã phán bừa rằng: Các sáng kiến do Việt Nam đề xuất với APEC 2017 là mù mịt, thiếu căn cứ, trừu tượng về “sáng tạo và bao trùm”, v.v..
          Hội nghị APEC 2017 diễn ra tại Việt Nam lần này mang chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai”. Trong gần 250 hoạt động, hội thảo, hội nghị, Việt Nam đã nêu cao vai trò trách nhiệm, đưa ra nhiều đề xuất, trong đó có 4 sáng kiến được đại biểu các nền kinh tế thành viên APEC đánh giá cao.
          Thứ nhất, sáng kiến về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số. Căn cứ đề xuất sáng kiến này xuất phát từ nền kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương phát triển nhanh, năng động với trên 50% người dân sử dụng điện thoại di động, internet, mạng xã hội toàn cầu và là thị trường mua sắm qua mạng lớn nhất thế giới. Tỷ trọng đóng góp của kinh tế số trong tăng trưởng APEC hiện nay cao hơn mức trung bình toàn thế giới. Việt Nam đã đề xuất khung phát triển và một loạt các chính sách, biện pháp thích hợp hỗ trợ các nền kinh tế chuẩn bị nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số.
          Thứ hai, sáng kiến về thương mại điện tử xuyên biên giới. Căn cứ đề xuất sáng kiến này xuất phát từ tốc độ phát triển của thương mại điện tử xuyên biên giới và bài toán niềm tin. Đây là lĩnh vực có tốc độ phát triển nhanh nhất trong thương mại thế giới hiện nay. Cách đây khoảng gần hai thập kỷ, thương mại điện tử xuyên biên giới gần như bằng 0. Đến cuối năm 2016, thương mại điện tử xuyên biên giới ước tính đạt gần 2 tỷ USD trên toàn cầu. Năm 2016, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có khối lượng giao dịch lớn nhất thế giới (chiếm khoảng 36%). Dự kiến đến năm 2020, sẽ tăng lên gấp 3 lần hiện nay và chiếm khoảng 50% doanh thu thương mại điện tử xuyên biên giới toàn cầu. Thương mại điện tử rất cần đến bài toán về niềm tin. Đã có nhiều trường hợp giao dịch giữa các quốc gia với nhau, bên thứ 3 giao nhận, thanh toán còn thiếu, v.v.. Việt Nam đã đề xuất 5 trụ cột trong nội dung sáng kiến thương mại điện tử xuyên biên giới: hoàn thiện và hài hòa hóa khung pháp lý Thương mại điện tử của các nền kinh tế thành viên; tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tham gia vào thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới; thúc đẩy hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân xuyên biên giới; thuận lợi hóa thương mại phi giấy tờ trong khu vực; giải quyết những vấn đề mới trong thương mại điện tử xuyên biên giới.
          Thứ ba, sáng kiến về thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo. Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế của các nước thành viên APEC nói chung, nền kinh tế của Việt Nam nói riêng. Việt Nam đã đề xuất những nội dung hỗ trợ và phát triển MSMEs, tạo điều kiện cho các MSMEs đổi mới, sáng tạo, có cơ hội hội nhập, tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu ngay từ khi khởi nghiệp; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội bền vững và thân thiện với môi trường. Tập trung vào các yếu tố: tài chính cho doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng, chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường, chính sách hỗ trợ của chính phủ, thuế và thủ tục hành chính, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, v.v..
          Thứ tư, sáng kiến về phát triển bao trùm kinh tế, tài chính và xã hội. Căn cứ đề xuất sáng kiến này là các thách thức đang đặt ra cho các quốc gia thành viên hiện nay: bất bình đẳng gia tăng, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, xung đột, v.v.. Do vậy, giúp nền kinh tế các thành viên tăng trưởng như mong muốn, Việt Nam đã đề xuất sáng kiến thúc đẩy tính bao trùm trong phát triển, phát triển bao trùm kinh tế, tài chính và xã hội. Chữ “bao trùm” ở đây có nghĩa là: người dân sẽ được hưởng lợi, không ai bị bỏ lại phía sau, phát triển bao trùm trong mọi lĩnh vực kinh tế, tài chính, thương mại, v.v..    

          Các thế lực thù địch dù có phán bừa như thế nào đi chăng nữa cũng không thể phủ nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của hàng nghìn doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là các chuyên gia kinh tế và sự ủng hộ, hoan nghênh của 100% lãnh đạo các nền kinh tế APEC 2017 đối với các sáng kiến của Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét