Thứ Ba, 7 tháng 11, 2017

CẦN TỈNH TÁO KHI ĐƯA THÔNG TIN LÊN MẠNG XÃ HỘI


Cương Trực

Trong kỷ nguyên số, Facebook nói riêng và mạng xã hội nói chung đã và đang trở thành cộng đồng kết nối không biên giới. Bất cứ ai cũng có thể tham gia và bày tỏ quan điểm, chính kiến của bản thân về một hiện tượng hay vấn đề xã hội nào đó mà họ quan tâm. Một mặt, mạng xã hội đem lại những tiện ích tích cực, song cũng đưa đến những tác động vô cùng tiêu cực. Nhiều người lạm dụng mạng xã hội để công khai những vấn đề riêng tư hay giải tỏa bức xúc nhất thời nào đó. Điều này rất nguy hiểm, bởi nếu hành vi của họ xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân nằm trong phạm vi điều chỉnh của pháp luật thì có thể bị xử phạt hành chính và nặng hơn là phải chịu trách nhiệm hình sự.
Thời gian qua, trong cả nước liên tục xảy ra các vụ bôi nhọ, nói xấu cá nhân và các tổ chức trên Facebook nói riêng và các mạng xã hội nói chung, gây bức xúc trong dư luận. Gần đây nhất, một cán bộ của ngành y tế do bức xúc cá nhân cũng lên Facebook viết bài xúc phạm lãnh đạo làm ảnh hưởng uy tín của tổ chức. Ngay sau đó, người này nhận ra hành vi của mình là sai trái nên đã gỡ bỏ bài viết và công khai xin lỗi trên các phương tiện thông tin đại chúng.  
Cuộc sống hằng ngày không tránh khỏi những bức xúc nhưng chúng ta không nên tìm cách giải quyết tiêu cực dẫn đến vi phạm pháp luật. Tự do ngôn luận nhưng tự do đó phải không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác. Việc nói xấu, xúc phạm đến các tổ chức, cá nhân trên mạng xã hội là một trong những hành vi vi phạm pháp luật.
Theo Điểm d, Khoản 1, Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 thì pháp luật nghiêm cấm hành vi lợi dụng việc sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân. Tùy theo mức độ vi phạm, tính chất của hành vi mà người vi phạm sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 và Khoản 3, Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 hoặc bị xử lý hình sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự. Điều 258 Bộ luật Hình sự cũng khẳng định người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí..., xâm hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm
Nghiêm trọng hơn nữa là những nội dung nói xấu, vu khống tổ chức hoặc cá nhân rất dễ bị các thế lực thù địch tranh thủ để tung ra những luận điệu bịa đặt, xuyên tạc, vu khống nhằm chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam. Các lực lượng này bước đầu là nắm bắt, sau đó tìm mọi cách để làm quen, thực hiện âm mưu kích động bằng những thủ đoạn tinh vi nhằm điều khiển hướng đích của hành vi đến hoạt động chống phá. Thực tế đã có người chỉ vì bất mãn một vấn đề nào đó của cá nhân nhưng đã bị lợi dụng rồi trở thành công cụ chính trị, chuyên bôi nhọ, nói xấu cơ quan, tổ chức của Đảng và Nhà nước và vô tình trượt dài vào con đường phản động.
Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, việc chia sẻ thông tin đòi hỏi chúng ta phải vô cùng cẩn trọng. Cần phải ý thức rằng: mọi hành vi trên mạng xã hội không chỉ giới hạn tầm ảnh hưởng trong một địa phương hay một quốc gia mà nó được lan truyền đi toàn thế giới. Do vậy, hãy tỉnh táo, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đăng tải, bình luận, chia sẻ bất cứ điều gì trên mạng xã hội.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét