Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2016

Về quan điểm của C. Mác và Ph. Ăng-ghen xung quanh vấn đề nông dân

Một trong những vấn đề hết sức quan trọng của lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học là giải quyết một cách đúng đắn, khoa học và cách mạng đối với vấn đề nông dân. Trên thực tế, C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã giải quyết về đại thể vấn đề này ngay từ cuối những năm 40 đầu những năm 50 của thế kỷ XIX - thời gian nổ ra các cuộc cách mạng năm 1848 - 1849.
Nhiều tác phẩm của C. Mác và Ph. Ăng-ghen được viết vào thời gian này, như “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” (được viết từ tháng 12-1847 đến tháng 01-1948); “Đấu tranh giai cấp ở Pháp 1848 - 1850” (từ tháng 01 đến tháng 11-1850); “Ngày 18 tháng Sương mù của Lu-i Bô-na-pác-tơ” (từ tháng 12-1851 đến tháng 3-1852); “Cách mạng và phản cách mạng ở Đức” (từ tháng 8-1851 đến tháng 9-1852); …đã phân tích, làm rõ nhiều nội dung xung quanh vấn đề nông dân. Qua thực tiễn đấu tranh của phong trào công nhân những năm 60, nhất là sau khi Quốc tế 1 ra đời (năm 1864) và sau thất bại của Công xã Pa-ri (năm 1871), vấn đề nông dân tiếp tục được các ông luận giải một cách sâu sắc hơn, cụ thể hơn. Những tác phẩm của C. Mác và Ph. Ăng-ghen được viết vào thời gian này, như “Tư bản” (từ năm 1857 đến 1867); “Vấn đề quân sự ở Phổ và Đảng công nhân ở Đức” (từ tháng 01 đến tháng 02-1865); “Chiến tranh nông dân ở Đức” (tháng 02-1870); Dự thảo lần thứ nhất cuốn “Nội chiến ở Pháp” (từ tháng 4 đến tháng 5-1871); “Quốc hữu hóa ruộng đất” (từ tháng 3 đến tháng 4-1872); “Mác-cơ” (từ tháng 9 đến tháng 12-1882); “Vấn đề nông dân ở Pháp và Đức” (tháng 11-1894) và rất nhiều thư mà Ph. Ăng-ghen gửi cho C. Mác, Ô. Bê-ben, C. Ca-phi-ê-rô,… tiếp tục bổ sung, cụ thể hóa và phát triển những nội dung xung quanh vấn đề nông dân đã được các ông luận giải trước đó.

Qua các tác phẩm, bài viết của C. Mác, Ph. Ăng-ghen và những thư từ của Ăng-ghen gửi cho C. Mác, Ô. Bê-ben, C. Ca-phi-ê-rô,…nói trên, khái quát dưới đây đề cập đến một số nội dung cơ bản trong di sản lý luận của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác bàn về một vấn đề hết sức quan trọng trong di sản lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học - vấn đề nông dân.

Từ phân tích hoàn cảnh kinh tế - xã hội đến kết luận về tính quy luật về sự bần cùng hóa của tiểu nông và sự tiêu vong không tránh khỏi của nền kinh tế tiểu nông

Từ phân tích hoàn cảnh kinh tế - xã hội của người nông dân đương thời, C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã chỉ rõ rằng, khác với giai cấp vô sản, những người nông dân dựa trên cơ sở nền sản xuất nhỏ, tuy sống trong những điều kiện như nhau, nhưng giữa họ không có những mối quan hệ xã hội chặt chẽ làm cho họ đoàn kết lại thành một giai cấp thống nhất về mặt kinh tế và chính trị. Mỗi gia đình nông dân riêng lẻ dường như tự cấp tự túc hoàn toàn đại bộ phận những tư liệu sinh hoạt phục vụ cho nhu cầu của mình bằng những hoạt động trao đổi trực tiếp với thiên nhiên nhiều hơn là giao tiếp với xã hội. Chừng nào mà giữa họ chỉ có mối liên hệ mang tính địa phương và lợi ích giống nhau của họ không tạo nên giữa họ một tính chất cộng đồng nào, một mối liên hệ mang tính toàn quốc nào hay một tổ chức chính trị nào, thì điều đó cũng đồng nghĩa rằng giữa họ không thể hình thành nên một giai cấp theo đúng nghĩa của nó. Từ phân tích hoàn cảnh kinh tế - xã hội của nông dân, C. Mác và Ph. Ăng-ghen kết luận: những người nông dân với hoàn cảnh kinh tế - xã hội như thế không thể tạo ra một phong trào nông dân độc lập được. Các ông cũng dẫn chứng kinh nghiệm lịch sử thế giới để chứng minh, rằng nông dân không thể tự mình giải phóng khỏi ách thống trị của phong kiến và tư bản được. Sức mạnh của nông dân là ở số lượng, song do không có tính tổ chức cộng với sự phân tán về mặt kinh tế trong lối sống nên sự phân hóa về mặt xã hội giữa họ là tất yếu lịch sử. Và chính sự phân hóa này là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại của các phong trào nông dân trong lịch sử.

Từ góc độ kinh tế - xã hội, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác còn chỉ ra một nhân tố nữa quyết định quá trình tất yếu lịch sử của sự phân hóa trong nông dân, đó là sự xâm nhập của chủ nghĩa tư bản vào lĩnh vực nông nghiệp. Các ông cũng chỉ ra thêm rằng, kết quả của quá trình ấy là sự tiêu vong của nền kinh tế tiểu nông và sự tập trung ruộng đất vào tay tầng lớp đại địa chủ và những nông dân giàu có. Trong bộ “Tư bản” và một số tác phẩm khác, khi phân tích về vấn đề này, C. Mác vạch rõ tính quy luật về sự bần cùng hóa của tiểu nông và sự tiêu vong không tránh khỏi của nền kinh tế tiểu nông.

Nghiên cứu cơ sở kinh tế của người sản xuất nhỏ nói chung mà tuyệt đại đa số nông dân cũng nằm trong số đó, các nhà kinh điển đồng thời cũng làm rõ những đặc điểm mang tính chất hai mặt, không kiên định và mâu thuẫn trong lập trường tư tưởng và tâm lý của tầng lớp này. Tính chất hai mặt đó thể hiện ở chỗ chừng nào những người sản xuất nhỏ vẫn muốn duy trì nền kinh tế của họ, thì họ là kẻ chống lại sự tiến bộ lịch sử. Về mặt này, lập trường của họ mang tính bảo thủ. Song, chừng nào kinh tế của họ bị giai cấp tư sản làm phá sản khiến họ không tránh khỏi rơi vào hoàn cảnh cùng khổ của những người vô sản, thì họ lại là người ủng hộ giai cấp công nhân. Vấn đề là ở chỗ, như Ph. Ăng-ghen viết trong tác phẩm “Cách mạng và phản cách mạng ở Đức”, giai cấp vô sản cần phải lợi dụng mặt tiến bộ của tầng lớp những người sản xuất nhỏ mà đại bộ phận trong số đó là nông dân trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản. Bởi bản thân họ - những người nông dân lao động cũng rất cần có “một sự thúc đẩy ban đầu của những người dân thành thị, sống tập trung hơn, sáng suốt hơn và hoạt động hơn”(1) - giai cấp vô sản thành thị.

Tầng lớp nông dân lao động là đồng minh tự nhiên của giai cấp công nhân trong cách mạng vô sản
Khi phân tích lập trường chính trị - xã hội của nông dân vào những năm 1848 - 1850, các nhà kinh điển đã cắt nghĩa những nguyên nhân cụ thể từ góc độ kinh tế - xã hội của một thực tế là nông dân Pháp đã từng nhất thời đứng về phía giai cấp tư sản bởi họ được nhận ruộng đất của địa chủ do giai cấp tư sản (là giai cấp đứng lên chống lại chế độ phong kiến đương thời) mang lại. Tuy nhiên, nếu chỉ từ một thái độ nhất thời đó của nông dân mà quy chụp họ là đồng minh của giai cấp tư sản và là kẻ thù của giai cấp vô sản thì lại là một nhận thức hoàn toàn sai lầm, phiến diện. Quan niệm như vậy rõ ràng hoàn toàn xa lạ với quan điểm của C. Mác và Ph. Ăng-ghen. Đấu tranh phản bác lại quan niệm sai lầm này, trong tác phẩm “Đấu tranh giai cấp ở Pháp từ 1848 đến 1850” C. Mác bằng những dẫn chứng cụ thể từ thực tế hoàn cảnh người nông dân Pháp sau sự thất bại của những cuộc cách mạng năm 1848 - 1849 đã chỉ rõ, rằng lợi ích của nông dân không phải là phù hợp mà hoàn toàn đối lập với lợi ích của giai cấp tư sản; rằng việc nông dân rời xa giai cấp tư sản là một thực tế hiển nhiên không thể phủ nhận. Từ thực tế đó, C. Mác cùng Ph. Ăng-ghen cho rằng, việc lôi kéo nông dân về phía mình là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà giai cấp vô sản phải đặt ra trong thực tiễn phong trào đấu tranh của mình chống chế độ tư bản. Chính vì vậy mà ngay trong các tác phẩm được viết vào những năm 1948 - 1950, khi luận giải về vấn đề nông dân, các nhà kinh điển đã nhấn mạnh đến vai trò của nông dân trong các cuộc cách mạng dân chủ tư sản, và sau này là cách mạng vô sản, đến sự cần thiết phải lôi cuốn sự tham gia của đông đảo nông dân - “nhân tố rất cơ bản của dân cư, của nền sản xuất và của lực lượng chính trị”(2) vào các cuộc cách mạng của giai cấp vô sản.
Trong “Ngày 18 tháng Sương mù của Lu-i Bô-na-pác-tơ” C. Mác viết: “Người nông dân thấy rằng giai cấp vô sản thành thị, giai cấp có sứ mệnh lật đổ chế độ tư sản là người bạn đồng minh, người lãnh đạo tự nhiên của mình”(3). Ông đã diễn đạt tư tưởng xem nông dân là đồng minh tự nhiên của giai cấp vô sản trong cách mạng một cách hình ảnh rằng, với sự tham gia của đông đảo nông dân cách mạng vô sản sẽ thực hiện được bản đồng ca, còn nếu không có họ thì ở tất cả các nước nông dân, bài đơn ca của cách mạng vô sản sẽ chỉ trở thành một sự công diễn tài năng lần cuối cùng mà thôi. 
Tiếp tục khẳng định vai trò to lớn của nông dân đối với phong trào cách mạng vô sản, sau khi C. Mác mất, Ph. Ăng-ghen luôn kiên trì yêu cầu lấy một trong những nguyên tắc chỉ đạo của chủ nghĩa Mác - thái độ và cách xử lý cụ thể, có phân biệt đối với các tầng lớp nông dân - làm cơ sở cho sách lược của đảng xã hội chủ nghĩa. Phân tích các bộ phận cấu thành giai cấp nông dân, Ph. Ăng-ghen chỉ ra rằng đối với lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học, vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là làm rõ lập trường của giai cấp công nhân đối với tiểu nông. Đưa ra quan niệm rõ ràng về tiểu nông, đó là người sở hữu hoặc người đi thuê - và nhất là người sở hữu - một mảnh ruộng đất không lớn hơn số ruộng đất mà họ thường có thể cày cấy với gia đình họ, và cũng không bé hơn số ruộng đất cần thiết để nuôi gia đình họ, tức tiểu nông không sử dụng lao động làm thuê, không có khoảnh đất lớn để đem nó phát canh, trong tác phẩm “Vấn đề nông dân ở Pháp và Đức”, Ph. Ăng-ghen khẳng định: “Trong toàn bộ nông dân, tiểu nông là tầng lớp quan trọng… Nếu chúng ta xác định được lập trường của chúng ta đối với tiểu nông thì chúng ta sẽ có mọi tiêu điểm để xác định được thái độ của mình đối với những thành phần khác trong dân cư nông thôn”(4).
Kết luận công nhân nông nghiệp và tiểu nông là bạn đồng minh tự nhiên của giai cấp công nhân đồng nghĩa với việc các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác chuyển việc giải quyết vấn đề nông dân từ lĩnh vực nguyên lý lý luận sang con đường đấu tranh thực tiễn hằng ngày.
Đấu tranh với những phần tử cơ hội chủ nghĩa do Phôn-ma đứng đầu đã làm ngơ trước thực tế phân hóa trong trong giai cấp nông dân và đặt hy vọng vào tầng lớp nông dân khá giả,…Ph. Ăng-ghen coi đó là những hành động công khai không chỉ đi ngược lại quan điểm của những người xã hội chủ nghĩa từ phía những phần tử cơ hội chủ nghĩa trong đảng mà còn là đi ngược lại lợi ích của bản thân người nông dân trên thực tế. 
Đấu tranh vì lợi ích của đông đảo nông dân
Sự thất bại của Công xã Pa-ri đặt ra trước các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác một vấn đề rất lớn: Xác định rõ lập trường nhất quán của giai cấp vô sản đối với nông dân là luôn đấu tranh vì lợi ích của nông dân cả trước và sau khi giai cấp vô sản giành được chính quyền. Các ông xem đây là cũng là một vấn đề hoàn toàn mang tính thực tiễn. Vấn đề thực tiễn này được các nhà kinh điển đề cập không phải chỉ một lần qua các tác phẩm của các ông khi bàn về vấn đề nông dân. 
Trong thư gửi Các-lô Ca-phi-ê-rô (tháng 7-1871), Ph. Ăng-ghen viết: “Nhìn tổng quát, đối với nông dân chính sách của chúng ta là: ở những nơi nào có những điền trang lớn thì ở đó người lĩnh canh là nhà tư bản đối với người lao động và tại đó chúng ta phải hành động vì lợi ích của người lao động; còn ở những nơi nào có những khoảnh đất nhỏ thì ở đó, người lĩnh canh tuy trên danh nghĩa là nhà tư bản nhỏ hoặc tiểu chủ nhưng thực ra người lĩnh canh đó thường bị đẩy đến mức bần cùng như người vô sản, và trong trường hợp này chúng ta phải hành động có lợi cho họ”(5).
Xuất phát từ sự phân tích bản chất xã hội của Công xã Pa-ri, C. Mác có đầy đủ căn cứ thực tế để viết trong bản Dự thảo lần thứ nhất cuốn “Nội chiến ở Pháp” rằng, giai cấp vô sản Pa-ri đấu tranh không chỉ vì lợi ích của riêng mình mà còn vì lợi ích của cả nông dân Pháp, rằng giữa những người sản xuất ở thành thị và những người sản xuất ở nông thôn tuy còn có những mâu thuẫn, nhưng đó không phải là những mâu thuẫn cơ bản hay chủ yếu sẽ loại trừ điều cơ bản và chủ yếu nhất là những người sản xuất ở thành thị và những người sản xuất ở nông thôn đều có chung lợi ích trong cuộc đấu tranh chống lại sự áp bức, bất công của chế độ tư bản.
Trong bản tóm tắt cuốn sách của Ba-cu-nin “Chế độ nhà nước và tình trạng vô chính phủ” C. Mác đã chỉ ra rằng, giai cấp vô sản sau khi nắm được chính quyền phải thi hành những biện pháp nhằm cải thiện về mọi phương diện trong đời sống của nông dân, như giải phóng họ khỏi nạn bắt lính; xây dựng một chính phủ với những nhân viên công xã làm thuê do chính bản thân nông dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nông dân; người nông dân sẽ được thoát khỏi sự chuyên quyền của bọn tuần cảnh, hiến binh và quan lại địa phương; sẽ được giải quyết vấn đề nợ cầm cố một cách có lợi; sẽ được mở mang dân trí bằng giáo dục;…
Triển khai tích cực công tác thực tiễn trong nông dân 
Nhấn mạnh rằng, không có sự ủng hộ của nông dân thì giai cấp công nhân nói chung sẽ không thể hoàn thành thắng lợi cuộc cách mạng xã hội, trong tác phẩm “Đấu tranh giai cấp ở Pháp từ 1848 đến 1850” C. Mác viết: “Công nhân Pháp không thể tiến lên được một bước nào và cũng không thể đụng đến một sợi tóc nào của chế độ tư sản, trước khi đông đảo nhân dân đứng giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, tức là nông dân và tầng lớp tiểu tư sản, nổi dạy chống chế độ tư sản, chống sự thống trị của tư bản chưa bị tiến trình của cách mạng buộc phải đi theo những người vô sản, coi là đội tiên phong của mình”(6).
Sau khi Tổ chức “Đồng minh những người cộng sản” phải giải tán (năm 1852), trước những yêu cầu thực tiễn cấp bách đặt ra trong phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân dẫn đến sự ra đời của Quốc tế I (năm 1864), và nhất là từ bài học kinh nghiệm sau thất bại của Công xã Pa-ri, C. Mác và Ph. Ăng-ghen càng thấy rõ sự cấp bách phải triển khai một cách tích cực công tác thực tiễn của đảng xã hội chủ nghĩa trong nông dân. Tại Hội nghị Luân-đôn của Quốc tế I được tổ chức vào tháng 9-1871, nhân công bố “Tuyên ngôn gửi những người lao động nông nghiệp” của Béc-cơ, C.Mác đề nghị thảo luận vấn đề tuyên truyền ở nông thôn để thu hút các phần tử cách mạng ở nông thôn tham gia phong trào cách mạng vô sản chung chống chủ nghĩa tư bản. Theo nghị quyết do C.Mác soạn thảo, Hội nghị đề nghị các chi bộ cử cán bộ tuyên truyền cổ động về nông thôn để giải thích và tuyên truyền lập trường của Quốc tế I về vấn đề nông dân, đặc biệt là vấn đề tăng cường liên minh công - nông và chủ trương quốc hữu hóa ruộng đất. 
Tích cực triển khai thực hiện công tác này đồng thời cũng là cách đấu tranh hiệu quả nhất đối với mọi biểu hiện sai trái, phản động của các khuynh hướng vô chính phủ và cơ hội chủ nghĩa đang trỗi dậy trong phong trào công nhân ở các nước Tây Âu khi đó hòng tăng cường lũng đoạn Quốc tế I, như phái Pru-đông có ảnh hưởng khá mạnh ở Pháp, Bỉ và Italia…với chủ trương bảo vệ quyền tư hữu ruộng đất, kịch liệt phản đối vấn đề quốc hữu hoá ruộng đất; phái Lát-xan có ảnh hưởng rộng rãi trong Liên minh công nhân toàn Đức với chủ trương liên minh với tư sản, phủ nhận liên minh công - nông; phái Ba-cu-nin với chủ trương hoàn toàn mang tính không tưởng và cải lương rằng xóa bỏ quyền thừa kế bằng pháp luật trong xã hội tư bản là biện pháp để dần chuyển ruộng đất sang chế độ sở hữu tập thể ngay cả khi giai cấp tư sản và địa chủ còn nắm chính quyền;…
Quốc hữu hóa ruộng đất - luận điểm cơ bản của cương lĩnh mác-xít về vấn đề ruộng đất
Từ thực tiễn cuộc cách mạng năm 1848 - 1849 và những sự kiện sau đó, C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã khẳng định dứt khoát lập trường của mình về vấn đề ruộng đất. Đó là chủ trương bảo vệ nguyên tắc công hữu về ruộng đất, hay nói một cách khác, quốc hữu hóa ruộng đất phải là điểm xuất phát của cương lĩnh mác-xít về vấn đề ruộng đất. Trong “Những yêu sách của Đảng Cộng sản Đức” (tháng 3-1848) các ông đã khẳng định dứt khoát rằng: “Những lãnh địa của vua chúa và những lãnh địa phong kiến khác, tất cả các hầm mỏ, v.v.. đều trở thành sở hữu của nhà nước. Trên những lãnh địa đó, việc canh tác được tiến hành theo quy mô lớn, bằng những phương pháp khoa học hiện đại nhất vì lợi ích của toàn thể xã hội”(7). Hay như trong “Lời kêu gọi của Ban Chấp hành trung ương gửi Liên đoàn những người cộng sản” (tháng 6-1850), C. Mác và Ph. Ăng-ghen tuyên bố “Họ (công nhân) phải đòi giữ lại ruộng đất phong kiến đã bị tịch thu làm tài sản nhà nước và biến chúng thành các lãnh địa công nhân do giai cấp vô sản nông nghiệp được tổ chức thành hiệp hội canh tác, bằng cách sử dụng tất cả những ưu thế của nền nông nghiệp lớn”(8).
Trong bộ “Tư bản”, C. Mác đã luận chứng một cách sâu sắc cho cương lĩnh mác-xít về vấn đề ruộng đất và căn cứ từ thực tiễn các quá trình kinh tế - xã hội để luận chứng cho sự tất yếu của chủ trương quốc hữu hóa ruộng đất.
Tổng kết các quan điểm của mình về vấn đề ruộng đất từ những nghiên cứu và phân tích trước đó, năm 1872, C. Mác đã soạn bút ký “Quốc hữu hóa ruộng đất”, trong đó một lần nữa nhấn mạnh: “Quốc hữu hóa ruộng đất trở thành một “tất yếu xã hội”, rằng “sự vận động xã hội sẽ quyết định là ruộng đất chỉ có thể là sở hữu của nhà nước… Việc quốc hữu hóa ruộng đất sẽ làm thay đổi hoàn toàn trong quan hệ giữa lao động và tư bản, và rút cục lại, sẽ thủ tiêu hoàn toàn phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa trong công nghiệp cũng như trong nông nghiệp”(9). Đồng thời C. Mác còn nhấn mạnh rằng “những tri thức khoa học mà chúng ta nắm được và những phương tiện kỹ thuật để canh tác mà chúng ta có, như máy móc,… chỉ có thể dùng một cách có kết quả nếu được dùng trong việc canh tác đại quy mô”(10).
Mặc dù các nhà kinh điển luôn nhấn mạnh quốc hữu hóa ruộng đất là cần thiết về mặt kinh tế và là tất yếu về mặt lịch sử, song các ông cũng luôn lưu ý rằng, quốc hữu hóa toàn bộ ruộng đất không phải là một việc có thể thực hiện trong một sớm một chiều ngay sau khi giai cấp vô sản giành thắng lợi trong cách mạng chống chế độ tư sản. Để thực hiện được điều đó cần thiết có thể phải sử dụng những biện pháp mang tính chất quá độ trong quá trình tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong thư gửi Mác ở Luân-đôn vào ngày 01-11-1869, Ph. Ăng-ghen đưa ra đề xuất, rằng không nên vội vàng tấn công ngay vào chế độ sở hữu ruộng đất nhỏ, rằng “giai cấp vô sản hiện nay chưa quan tâm đến việc nêu vấn đề chế độ sở hữu ruộng đất nhỏ”(11). Như vậy, theo quan điểm của các ông, tùy thuộc vào những điều kiện cụ thể, để sự nghiệp cách mạng vô sản được thực hiện thành công trong thực tiễn, có thể tạm thời chưa triển khai ngay việc quốc hữu hóa toàn bộ ruộng đất trong tầng lớp đông đảo nông dân, nhất là càng không thể triển khai công cuộc đó một cách nóng vội, chỉ bằng những biện pháp mang tính cưỡng ép.
Tuy nhiên, đối với chế độ chiếm hữu ruộng đất lớn, Ph. Ăng-ghen nhấn mạnh: “Ngay khi đảng ta nắm được chính quyền thì chỉ có việc tước đoạt tài sản của bọn địa chủ, cũng như tước đoạt tài sản của những nhà công nghiệp lớn mà thôi. Tước đoạt có bồi thường hay không có bồi thường, điều đó không tùy thuộc chủ yếu vào chúng ta mà là tùy thuộc vào những điều kiện trong đó chúng ta nắm được chính quyền và nhất là tùy thuộc cả thái độ của bản thân địa chủ”(12). Còn đối với tầng lớp trung nông, theo Ph. Ăng-ghen, nếu họ hiểu rằng “phương thức sản xuất hiện nay của họ không tránh khỏi bị tiêu vong, và do đó mà rút ra được những kết luận cần thiết, thì họ sẽ đến với chúng ta, và khi đó nhiệm vụ của chúng ta sẽ là đưa hết khả năng ra giúp họ dễ dàng chuyển qua một phương thức sản xuất mới. Nếu không phải bỏ mặc họ cho số phận của họ, còn chúng ta thì sẽ phải kêu gọi những người làm công của họ, những người này sẽ hưởng ứng chúng ta. Cả khi ở đây nữa, rất có thể là chúng ta cũng sẽ không thể nói đến việc tước đoạt bằng bạo lực ”(13).
Tính quy luật lịch sử của việc chuyển nông dân lên con đường xã hội chủ nghĩa
Để làm rõ tính quy luật phát triển cơ bản của tiểu nông dưới chủ nghĩa tư bản là không tránh khỏi tình trạng bị phá sản và diệt vong, Ph. Ăng-ghen dự báo: Số nông dân không thể nuôi được gia súc để canh tác tăng lên không ngừng; thuế khóa nặng nề, mất mùa triền miên, kiện tụng,… làm cho nông dân phải đến chủ nợ cho vay nặng lãi và ngày càng nhiều người mắc nợ với mối nợ nần ngày càng chồng chất. Tóm lại, cũng giống như mọi tàn dư của một phương thức sản xuất đã lỗi thời, người tiểu nông không tránh khỏi đi đến chỗ “trắng tay” và trở thành người vô sản trong tương lai. Vậy giai cấp vô sản sẽ đề xuất gì với người tiểu nông không tránh khỏi bị diệt vong dưới chế độ tư bản chủ nghĩa? 
Trong Dự thảo lần thứ nhất cuốn “Nội chiến ở Pháp” C. Mác phác thảo một chương trình gồm những biện pháp cụ thể mà Công xã Pa-ri có thể đề ra lúc đầu để lôi kéo và dẫn dắt nông dân theo mình. C. Mác đánh giá: Công xã là quyền lực duy nhất có thể ngay lập tức đem lại cho nông dân những phúc lợi lớn ngay trong những điều kiện kinh tế hiện tại của Công xã, đồng thời đó cũng là hình thức quản lý duy nhất có thể bảo đảm cải tạo những điều kiện kinh tế hiện nay của nông dân; một mặt, cứu họ thoát khỏi sự tước đoạt của địa chủ; mặt khác, giải thoát họ khỏi ách áp bức, sự khổ nhục và bần cùng mà họ phải gánh chịu với tư cách là người chủ sở hữu trên danh nghĩa; Công xã là hình thức quản lý duy nhất có thể biến quyền sở hữu danh nghĩa của nông dân về ruộng đất thành quyền sở hữu thực tế về những thành quả lao động của họ, có thể làm cho họ được hưởng những điều lợi của nông học hiện đại; đồng thời vẫn duy trì địa vị của họ là người sản xuất thực sự độc lập (14).
Trong tác phẩm “Mác-cơ”, Ph. Ăng-ghen viết rằng với sự giúp đỡ của công nhân, nông dân có khả năng canh tác tập thể, sử dụng kỹ thuật đại nông nghiệp bằng cách đổi mới chế độ sở hữu công xã về ruộng đất, sao cho nó không những bảo đảm được cho những tiểu nông thành viên của Công xã tất cả mọi ưu thế của phương thức kinh doanh lớn và của việc sử dụng máy móc nông nghiệp, mà còn tạo ra cho họ phương tiện để tiến hành cùng với nông nghiệp nền đại công nghiệp với sức hơi nước hoặc sức nước, và hơn nữa, làm như vậy không phải vì lợi ích của các nhà tư bản, mà vì lợi ích của Công xã (15).
Các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác hiểu rõ tính chất phức tạp và khó khăn trong thực hiện bước chuyển của nông dân lên con đường xã hội chủ nghĩa. Các ông đã đề xướng tổ chức triển khai việc sản xuất hợp tác và coi đó là biện pháp trung gian để đưa nông dân lên chủ nghĩa xã hội. Trong thư gửi Ô. Bê-ben (năm 1886) Ph. Ăng-ghen viết: “trong bước quá độ lên nền kinh tế cộng sản chủ nghĩa đầy đủ, chúng ta sẽ phải áp dụng trên quy mô lớn nền sản xuất hợp tác xã với tính cách là một khâu trung gian, - điều đó Mác và tôi không bao giờ hoài nghi cả”(16). Việc tranh thủ nông dân và thu hút họ đứng về phía cách mạng xã hội chủ nghĩa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giai cấp vô sản thực hiện triệt để việc chuyển kinh tế nông dân lên con đường phát triển xã hội chủ nghĩa.
Đành rằng, sau khi giai cấp vô sản giành được chính quyền, đảng xã hội chủ nghĩa phải đề nghị tiểu nông chuyển sang con đường phát triển xã hội chủ nghĩa, song, nếu nông dân chưa dám chuyển, theo sự gợi ý của C. Mác và Ph. Ăng-ghen, thì nên để họ có thời gian suy nghĩ trên mảnh ruộng của họ. Giai cấp công nhân không can thiệp vào các công việc của tiểu nông có liên quan đến quyền sở hữu, chừng nào việc đó còn trái với ý muốn của tiểu nông. Vạch rõ con đường cải tạo kinh tế nông dân theo con đường xã hội chủ nghĩa, Ph. Ăng-ghen lưu ý: “…nắm được chính quyền nhà nước rồi, chúng ta cũng không thể nghĩ đến việc dùng bạo lực để tước đoạt những người tiểu nông (có bồi thường hoặc không có bồi thường thì cũng vậy)... Nhiệm vụ của chúng ta đối với tiểu nông trước hết là phải chuyển nền sản xuất tư nhân và sở hữu cá nhân của họ vào con đường hợp tác, nhưng không phải bằng cách cưỡng ép mà là bằng cách nêu gương, dành sự giúp đỡ của xã hội cho mục tiêu ấy”(17). Trong lưu ý này, Ph. Ăng-ghen đã nêu một cách hết sức rõ ràng những luận điểm cơ bản của lý luận chủ nghĩa cộng sản khoa học về vấn đề nông dân, như việc kinh tế nông dân chuyển sang kinh tế tập thể là không tránh khỏi và là tất yếu về mặt lịch sử; bước chuyển đó phải mang tính chất tự nguyện; nó được thực hiện bằng việc nêu gương và bằng sự giúp đỡ của toàn xã hội.
Trên đây mới chỉ là khái quát một số quan điểm của C. Mác và Ph. Ăng-ghen về vấn đề nông dân - một vấn đề vô cùng lớn và quan trọng trong di sản lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học mà các ông là những người sáng lập. Đúng như các nhà kinh điển mác-xít luôn nhắc nhở chúng ta, rằng học thuyết của các ông là học thuyết về sự phát triển, chứ không phải là một giáo điều cần phải học thuộc lòng và áp dụng một cách máy móc, tuy nhiên, nhiều nội dung cơ bản xung quanh vấn đề nông dân đã được C. Mác và Ph. Ăng-ghen đương thời chỉ ra, như khẳng định vai trò to lớn và quan trọng của nông dân trong cách mạng vô sản, rằng nông dân lao động là đồng minh tự nhiên của giai cấp công nhân trong cuộc cách mạng này, rằng giai cấp công nhân đấu tranh vì lợi ích của cả đông đảo nông dân, rằng ruộng đất chỉ có thể là sở hữu của nhà nước, kinh tế nông dân tất yếu chuyển sang kinh tế tập thể và được thực hiện bằng việc nêu gương và bằng sự giúp đỡ của toàn xã hội, rằng cần thiết triển khai tích cực công tác thực tiễn trong nông dân để tuyên truyền, vận động nông dân,…thì vẫn là những tư tưởng đúng đắn, có ý nghĩa thời sự và cần được vận dụng sáng tạo phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta, nhất là khi chúng ta đang tích cực triển khai sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và giải quyết đúng đắn vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở nước ta trong thời kỳ đổi mới hiện nay./.
---------------------------------------------

(1) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t. 8, tr. 21
(2) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t. 22, tr. 715
(3) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 269
(4) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t. 22, tr. 719
(5) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t. 33, tr.331
(6) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 30
(7) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 11
(8) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 352
(9) (10) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t. 18, tr. 86, 83
(11) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t. 32, tr. 503
(12) (13) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t. 22, tr. 743, 742
(14) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t. 17, tr. 729 - 730
(15) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t. 19, tr. 491
(16) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t. 36, tr. 568 - 569
(17) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t. 22, tr. 736


Nguyễn Tiến NghĩaTạp chí Cộng sản
nguồn Tạp chí Cộng sản điện tử

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét