Bác Hồ là người am hiểu sâu sắc văn hóa và lịch sử dân tộc. Trong cuộc đời
hoạt động cách mạng của Bác, qua các bài nói, bài viết, Bác đã thể hiện tầm hiểu
biết ấy với tư cách một nhà báo, nhà văn, nhà thơ. Với tư cách của một nhà lãnh
đạo, của một chính khách, trong nhiều trường hợp, Bác đã vận dụng những tri thức
văn hóa và lịch sử hết sức sáng tạo.
Sinh ra ở một vùng đất địa linh nhân kiệt, lớn lên trong cái nôi của văn
hóa Lam Hồng thấm đẫm văn hóa dân gian, của tục ngữ, thành ngữ và dân ca ví dặm
mà đặc biệt là hát Phường vải (Phường nón, Phường đan, Phường chài…), Bác lớn
lên trong lời ru của bà, của mẹ, lại được sự rèn cặp của cha là một nho sinh -
Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc nên tâm hồn Bác hẳn là từ buổi ấu thơ đã thuộc nằm
lòng những câu ca dao: Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước
phải thương nhau cùng; Khôn ngoan đối đáp người ngoài/ Gà cùng một mẹ chớ hoài
đá nhau; Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
Và, những câu tục ngữ: Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại; Quay lại
là bờ…
Những tri thức, giá trị văn hóa này thấm đẫm trong từng trang viết, trong
cách ứng xử của Người với nhân dân, với bạn bè, đồng chí và cả với những người ở
phía đối địch. Cốt cách văn hóa của một nhà văn hóa trong tư tưởng hòa giải là
một nét rất điển hình của Bác.
Bác đã nghiên cứu kỹ khi lấy Tuyên ngôn Độc Lập của nước
Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp để
đưa vào trong phần mở đầu (và quan trọng nhất) của Bản Tuyên ngôn Độc lập đọc
ở Quảng trường Ba Đình ngày 02-9-1945, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng
hòa.
Tại buổi lễ ấy, khi đọc bản Tuyên ngôn, Bác đã hỏi: “Tôi nói đồng bào
nghe rõ không?”. Bác là người xứ Nghệ, giọng nói hơi nặng, sợ mọi người nghe
không rõ nên Bác hỏi. Câu hỏi này rõ ràng là bột phát, không chuẩn bị sẵn.
Ngoài sự quan tâm đến người nghe là xuất thần từ tâm thức, từ tận đáy lòng của
Bác, ấy là tình cảm ruột thịt gắn kết giữa người hỏi và người nghe. “Đồng bào”
- Đồng (cùng) và Bào (ruột). Bác đọc Tuyên ngôn độc lậphôm đó có
hàng triệu người nghe. Trực tiếp ở Quảng trường Ba Đình có hàng nghìn người,
qua đài phát thanh truyền đi cả nước và trên thế giới; trong đó có cả những người
chống lại cách mạng, phản động, tay sai của thực dân Pháp, Phát xít Nhật và
binh lính, quan lại phong kiến và nhiều người của các đảng phái phản động.
Bác không hỏi “Tôi nói nhân dân nghe rõ không?” hoặc “Quý vị nghe rõ
không?”. Ấy là từ trong máu, trong tim mình, Bác coi tất cả mọi người (kể cả những
người ở phía bên kia chiến tuyến) đều là máu mủ, ruột rà. Không chỉ với câu hỏi
thân tình, làm xúc động hàng triệu người đủ mọi tầng lớp xã hội, mà cả trang phục
của Bác ở ngày lễ trọng đại ấy cũng thể hiện sự hòa đồng, hòa giải: “Trong khi
hầu hết các cộng sự của ông trên khán đài đều mặc đồ vét Tây và thắt cà vạt,
nhưng ông Hồ cố ý chọn mặc bộ đồ kaki phai màu với cổ cao và mang đôi dép cao
su trắng - những biểu tượng của ông trong vai trò người đứng đầu Nhà nước trong
24 năm tiếp theo... Có lẽ ông Hồ xem nó là một giải pháp thỏa hiệp thích hợp giữa
bộ đồ Tây với bộ áo dài đen, khăn đóng của giới nho sĩ Việt Nam, vốn được xem
là quá truyền thống trong những trường hợp thế này và hình như ông Hồ chưa bao
giờ mặc chúng kể từ năm 1911” (1).
Không chỉ là sách lược mà còn là tư tưởng hòa giải của Bác ngay từ ngày đầu
của chính quyền cách mạng. Điều đó thể hiện nhất quán trong hành động và ứng xử
của Bác.
Ngay khi Cách mạng thành công, giành chính quyền về tay nhân dân, chấm dứt
100 năm đô hộ của thực dân Pháp và hàng ngàn năm chế độ phong kiến ở nước ta,
cách mạng tháng Tám đã không xảy ra đổ máu, không có bắn giết, tàn phá của những
người chiến thắng. Kết thúc kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ,
quân đội nhân dân Việt Nam sau khi tiếp quản Hà Nội, Sài Gòn và các thành phố
khác đã không có “tắm máu” như người ta lo sợ.
Với Hoàng tộc nhà Nguyễn, ngay những ngày biến động lịch sử xảy ra tháng
8 - 1945, Bác Hồ đã thể hiện tinh thần hòa giải triệt để. Ngoài việc bảo đảm an
toàn cho tất cả các quan chức của triều đình nhà Nguyễn và mời Bảo Đại làm cố vấn
tối cao, Bác đã cử ông Lê Văn Hiến - Bộ trưởng Bộ Lao động thay mặt Bác và
Chính phủ vào Huế, đến tận Hoàng cung gặp vợ con Bảo Đại để thăm viếng, động
viên, an ủi họ. Tết năm đó, Bác đã cho Chủ tịch Ủy ban Hành chính Huế thay mặt
Bác trợ cấp cho gia đình Bảo Đại một số tiền để ăn Tết. Bác cũng cho người đến
thăm hỏi và gửi tiền giúp đỡ hai bà Hoàng Hậu là vợ của hai vị vua Thành Thái
và Duy Tân.
Tinh thần hòa giải và sự quan tâm của Bác đã làm bà Nam Phương Hoàng hậu
xúc động, biết ơn. Bà còn đứng ra tổ chức quyên góp và đóng góp trong “Tuần lễ
vàng”, bằng cả tài sản của riêng mình. Bà biết ơn Bác Hồ và ủng hộ chính quyền
cách mạng (2). Chính sự hòa giải của Bác mà có đến 8 trong 10 vị của chính phủ
Trần Trọng Kim, nội các của vua Bảo Đại đã đi theo cách mạng như các ông Phan Kế
Toại, Phạm Khắc Hoè, Bùi Bằng Đoàn…
Riêng về lịch sử, Người không chỉ nắm vững lịch sử nước nhà, lịch sử dân
tộc mà đặc biệt là chú ý đến việc phổ cập bộ môn này trong nhân dân với mục đích
khơi dậy lòng tự hào và tinh thần yêu nước của mọi người nhằm đấu tranh giành độc
lập dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ Quốc.
Không kể đến các sáng tác văn học, những bài viết về các nhân vật lịch sử
dân tộc hay kịch Con rồng tre đến những tác phẩm nghị luận
như Bản án chế độ thực dân Pháp thấm đẫm sử liệu. Chỉ tính
trong năm 1942, sau 30 năm bôn ba khắp thế giới tìm đường cứu nước mới trở về,
dù trăm ngàn công việc đang chờ đợi, Bác đã viết hai tác phẩm gắn với lịch sử: Nên
học sử ta (Ngày 01-02-1942) và đặc biệt là Lịch sử nước ta (tháng
02-1942). Tri thức, bài học, kinh nghiệm lịch sử dân tộc về hòa giải đã được
Bác tích lũy và vận dụng, trở thành một cốt cách văn hóa của Bác, đó là bản
lĩnh tinh thần và trí tuệ Việt Nam. Bác đã biết dùng sức mạnh của dân tộc để
làm nên Cách mạng tháng Tám và tiến hành hai cuộc kháng chiến chống thực dân
Pháp và đế quốc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. Nhưng Người cũng biết dùng hòa giải
và yêu thương để giành thắng lợi.
Cũng như Hoàng đế Trần Nhân Tông, sau chiến thắng giặc Nguyên đã chủ
trương hòa hợp trong Hoàng Tộc, trong quốc gia để tạo nên sức mạnh, bảo vệ đất
nước.
Hoàng đế Trần Nhân Tông đã hòa giải để đoàn kết dân tộc, để tập hợp tất cả
mọi người vào sự nghiệp chung đó là xây dựng và bảo vệ đất nước. Với tinh thần
đó, ngay khi Cách mạng tháng Tám thành công, Bác đã mời vua Bảo Đại và linh mục
Lê Hữu Từ làm cố vấn tối cao. Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (1946 -
1955) lãnh đạo cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp đến ngày toàn thắng có
18 bộ trưởng thì có đến 9 vị không phải Đảng viên Đảng Cộng sản (Huỳnh Thúc
Kháng, Phan Kế Toại, Hoàng Minh Giám, Tạ Quang Bửu, Phan Anh, Vũ Đình Hoè, Nguyễn
Văn Huyên, Nguyễn Văn Tố, Đặng Văn Hướng), trong đó có nhiều vị quan lại cao cấp
của chính quyền cũ.
Quốc hội khóa I của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được nhân dân cả nước
bầu năm 1946, trong số 333 đại biểu thì có đến 213 vị không phải là Việt Minh.
Trong đó có nhiều người thuộc các đảng phái như Việt Quốc, Việt Cách hoặc các đảng
viên của Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội. Nhiều vị đã có những đóng góp to lớn cho
cách mạng từ những ngày còn trứng nước và kháng chiến gian khổ như Huỳnh Thúc
Kháng, Vũ Đình Hòa, Đỗ Đức Dục, Tôn Thất Tùng, Trần Duy Hưng, Trần Hữu Tước,
Tôn Quang Phiệt…
Cùng với cốt cách văn hóa của hòa giải mà ngay lúc đất nước vô vàn khó
khăn thiếu thốn và gian khổ mà hàng loạt trí thức Việt Nam đang ở Pháp, nơi
thanh bình hoa lệ đã về nước tham gia kháng chiến. Bắt đầu là bốn vị trí thức
tiêu biểu theo Bác về nước khi Bác sang Pháp và ký Hiệp đình ngày 06-3-1946: Trần
Hữu Tước, Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa), Võ Quý Huân, Võ Đình Huỳnh. Những năm
sau đó là Trần Đức Thảo, Hoàng Xuân Nhị, Lương Định Của… đã tạo nên đội ngũ trí
thức cách mạng, là cơ sở cho sự nghiệp chung chống Mỹ, cứu nước và xây dựng đất
nước ngày nay.
Lịch sử dân tộc đã thấm đẫm trong tâm hồn và trí tuệ của Bác. Hòa giải -
căn cốt văn hóa Hồ Chí Minh trong ứng xử với kẻ đối địch bắt nguồn từ lịch sử.
Cương quyết với kẻ địch nhưng cũng đối xử rất văn hóa và nhân đạo với họ. Chính
Bác đã thả tự do cho ông Ngô Đình Diệm khi bị bắt giữ ở Thái Nguyên sau Cách mạng
tháng Tám. Ngoài ra, hàng binh, tù binh Pháp cũng được đối xử tử tế. Họ được
cung cấp thực phẩm, thuốc men trong lúc kháng chiến, nhân dân và bộ đội ta đang
thiếu thốn trăm bề. Bác quý trọng nhân dân Pháp, nhân dân Mỹ mặc dù quân đội
Pháp và Mỹ đang tàn phá, bắn giết nhân dân ta. Có thế mới có những Raymon Dien,
Norman Morrison sẵn sàng hy sinh để ủng hộ nhân dân Việt Nam, mới được nhân dân
Pháp, nhân dân Mỹ trói tay bọn xâm lược và cả thế giới ủng hộ Việt Nam kháng
chiến.
Đại Việt sử ký toàn thư viết rằng, Hưng Trí Vương không được
thăng trật vì đã có chiếu cho người Nguyên về nước, các tướng không được cản trở,
mà lại còn đón đánh chúng. Hưng Trí Vương Trần Quốc Nghiễn trên đà chiến thắng
vẫn đánh quân Nguyên - Mông khi họ đã thua chạy mặc dù đã có lệnh của vua Trần
Nhân Tông không được cản trở chúng nên đã bị phạt.
Và Đại Cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi cũng đề cao tinh thần
hòa giải, xóa bỏ hận thù khi cho biết: Tướng giặc bị cầm tù như hổ đói
vẫy đuôi xin cứu mạng/ Thần Vũ chẳng giết hại, thể long trời ta mở đường hiếu
sinh/ Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền ra đến biển mà vẫn hồn
bay phách lạc/ Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa về đến nước mà vẫn
tim đập chân run.
Với tinh thần đó, trong cuộc chiến tranh tàn khốc, ác liệt với bao tang
tóc đau thương do Mỹ gây ra cho Việt Nam nhưng đã nhiều lần, trong các bài nói,
bài viết và thư từ gửi các Tổng thống Mỹ, bao giờ Bác cũng để ngỏ khả năng “trải
thảm cho quân Mỹ rút” khỏi Việt Nam. Thư chúc Tết cuối cùng của Bác, xuân 1968,
Bác viết:Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào.
Mỹ đưa quân vào gây chiến tranh thì Mỹ phải “cút” chứ Bác không chủ
trương giết sạch quân lính Mỹ. Bác cũng từng kêu gọi, “Hễ còn một tên xâm lược
thì ta phải quét sạch nó đi” chứ không phải là “giết sạch nó đi”.
Khi Bác qua đời thì tinh thần hòa giải và tư tưởng xóa bỏ hận thù tiếp tục
được Đảng và Nhà nước ta thực hiện.
Đó là hòa giải, là tư tưởng của cốt cách văn hóa Hồ Chí Minh. Chỉ có xóa
bỏ hận thù mới là nền móng vững chắc cho một nền hòa bình bền vững để bảo vệ và
phát triển đất nước.
Hòa giải dân tộc, hòa giải quốc tế, ngay cả với kẻ thù mới có “Sen tàn
cúc lại nở hoa”, “Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”
như các Tổng thống Mỹ đã đến Việt Nam, mượn Truyện Kiều của
thi hào Nguyễn Du để nói về quan hệ của hai nước vốn là kẻ thù của nhau trong lịch
sử. Họ làm thế bởi họ rất hiểu hòa giải - một cốt cách văn hóa của Hồ Chí Minh
là tinh hoa văn hóa Việt Nam./.
--------------------
(1) Xem David Marr, Ho Chi Minh's Independence Declaration Esays
into Vietnamese Pasts (NewYork: Conell University Sotheast Asia Program, 1995),
Bản dịch của Huy Đoàn
(2) Lê Văn Hiến: Hồi ký Bình Trị Thiên, Tháng Tám bốn lăm,
Nxb. Thuận Hóa, 1985, tr. 166 - 172
PGS,TS. Lê Đình CúcViện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam
Nguồn: Tạp chí Cộng sản điện tử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét