HT
Chúng ta không xa lạ với những
thông tin, bài viết có nội dung đề cập đến hiện tượng tham nhũng ở Việt Nam được
đăng tải trên các blog, facebook, wesite,… của một số hội, nhóm “xã hội dân sự”
và các cá nhân tự xưng là những nhà hoạt động “dân chủ, nhân quyền”, “vì dân”,
“vì nước”, v.v. Đặc biệt hiện nay lại rộ lên vấn đề này một cách ồn ã.
Chúng suy diễn rằng, có sự “bao
che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng, lãng phí, can thiệp, ngăn
cản việc chống tham nhũng, lãng phí” của lãnh đạo, chính quyền các cấp nên nó lộng
hành như vậy. Chúng còn lập riêng một số website, blog để đăng tải bài viết,
hình ảnh xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ về đời tư, sự minh bạch của các đồng chí
lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta. Đây là những trò tô hồng, bôi vẽ nhằm mục đích gây mất
niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và chế độ, tạo “hoài nghi” về
quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Đồng thời, theo
con đường lây lan tâm lý gây mất đoàn kết trong Đảng, chia rẽ cán bộ, đảng viên
với quần chúng nhân dân và sự đồng thuận trong xã hội.
Chúng ta đã biết, tham nhũng là một
hiện tượng xã hội, gắn liền với sự ra đời và tồn tại của nhà nước. Nó hiện hữu ở
tất cả các quốc gia, không phân biệt chế độ chính trị, kể cả ở nước nghèo và nước
giàu, quốc gia phát triển, đang phát triển hoặc kém phát triển; không phân biệt
do một đảng hay do đa đảng lãnh đạo. Hiện nay, tham
nhũng được coi là vấn nạn nghiêm trọng ở nhiều quốc gia.
Với bản chất cách mạng, Đảng, Nhà
nước, Chính phủ Việt Nam
luôn thể hiện quyết tâm đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tại
phiên họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết luận: “Cần tập trung chỉ đạo xử lý một số vụ án
tham nhũng kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; tài
liệu, chứng cứ chắc đến đâu xử lý đến đó, sau đó điều tra xử lý tiếp nhằm tạo sự
lan tỏa và chuyển biến tích cực trong phát hiện, xử lý tham nhũng”. Trong báo
cáo tình hình kinh tế - xã hội của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình
bày tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV nêu rõ: “kỷ luật, kỷ cương trong bộ
máy hành chính và trong xã hội chưa nghiêm; năng lực, phẩm chất của một bộ phận
không nhỏ cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng tham nhũng còn
nghiêm trọng, xảy ra nhiều vụ tham nhũng lớn trong các lĩnh vực tài chính, ngân
hàng, đầu tư, xây dựng, đất đai,...”. Tiếp xúc với cử tri thành phố Hải Phòng,
ngày 03-8-2016, Thủ tướng đã cảm ơn các ý kiến tâm huyết, thẳng thắn của cử tri
về các vấn đề còn khó khăn, tồn tại của đất nước và khẳng định quyết tâm phòng,
chống tham nhũng của Chính phủ; đồng thời nhấn mạnh “không có vùng cấm trong đấu
tranh phòng, chống tham nhũng”.
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật,
Đảng, Nhà nước ta không phủ nhận đã có tham nhũng nhưng không phải thờ ơ thiếu
tính đấu tranh như những quan điểm sai trái từng tuyên truyền. Tính công khai,
minh bạch và quyết tâm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị đã thể hiện rõ. Đảng,
Nhà nước, Chính phủ luôn thể hiện rõ quan điểm và quyết tâm không bao che, dung
túng, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng, lãng phí, can thiệp, ngăn cản việc
chống tham nhũng, lãng phí; kiên quyết đấu tranh loại trừ những cán bộ, đảng
viên thoái hóa biến chất, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham ô, tham nhũng và
loại trừ tệ nạn này ra khỏi đời sống xã hội, không để tham nhũng cản trở công
cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Thực tế trên là bằng chứng xác thực
nhất bác bỏ những luận điệu tuyên truyền phiến diện, chủ quan, lệch lạc, thù địch
đang cố tình lợi dụng vấn đề tham nhũng để chống phá cách mạng Việt Nam. /.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét