Đến nay, sau 86 năm thành lập, hai chữ Đảng ta tuy rất đỗi
gần gũi, quen thuộc đối với mỗi người dân Việt Nam nhưng không phải ai cũng biết
một cách ngọn ngành khái niệm Đảng ta, quá trình hình thành, ra đời
của khái niệm này. Sau 12 kỳ đại hội và nhân dịp Đại hội XII của Đảng thành
công tốt đẹp, kỷ niệm 86 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 -
3-2-2016) xin có một vài suy nghĩ về hai chữ Đảng ta.
Vào đầu năm 1949, trong Tập san Sinh hoạt nội bộ (tiền thân của Tạp chí Cộng
sản ngày nay) số 13, xuất bản tháng 1-1949, đăng bài viết Đảng ta của
Trần Thắng Lợi - bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là một bài viết mà lần
đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đi sâu giải thích vấn đề liên quan đến Đảng
ta, mặc dù trước đó, ở một số bài nói, bài viết Bác cũng đã dùng khái niệm Đảng
ta nhưng không lý giải sâu sắc như bài báo này của Bác. Trong bài báo
của mình, Bác Hồ “nhắc lại vài mẩu chuyện của Đảng cho các đồng chí trẻ biết”.
Bác nhắc đến tình hình thế giới và kể về hoàn cảnh ra đời của Đảng, trong đó có
đoạn viết, vào năm 1929, “...trong nước dần dần thành lập ba nhóm cộng sản:
Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản liên
đoàn”... “Một nước mà có ba đảng cộng sản. Cả ba nhóm đều ngầm hiểu như thế là
sai. Quần chúng đều hiểu rằng như thế là không đúng. Cả ba nhóm đều tìm cách để
đi đến thống nhất. Nhưng bệnh hẹp hòi và cách làm không khéo, cho nên càng muốn
gần nhau, lại càng xa nhau. Cuối năm 1929, đồng chí Nguyễn Ái Quốc trở lại Tàu,
cùng với đại biểu các nhóm khai hội ở Hương Cảng”.... “Để giữ bí mật, các đại
biểu khai hội bên sân đá banh của ngườiTàu. Vừa giả xem đá banh, vừa bàn bạc về
Đảng. Sau cuộc bàn bạc sôi nổi, và sau lời giải thích rõ ràng của đồng chí Nguyễn
Ái Quốc, mọi người đều tán thành thống nhất cả ba nhóm thành một đảng.
Thế là Đảng ta chân chính thành lập”
Đó là ngày lịch sử mồng 6-1-1930”.
Đã từ lâu, cán bộ, đảng viên, quần chúng, nhân dân thường dùng từ Đảng
ta rất tự nhiên, không chút áp đặt, gượng gạo, dù người đó là đảng
viên hay không. Đảng ta bao hàm nhiều ý nghĩa nhưng tất cả đều
có ý nghĩa sở hữu thiêng liêng, thân thiết và gần gũi: Đảng của chúng ta, Đảng
của dân tộc ta, Đảng của đất nước ta, Đảng của nhân dân ta. Như vậy, có thể
nói, chính lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - người sáng lập và rèn luyện Đảng
Cộng sản Việt Nam lại là người đầu tiên dùng khái niệm Đảng ta và
viết một bài đi sâu về vấn đề này vào tháng 1-1949. Vấn đề đặt ra là, tại sao
sau 19 năm, kể từ khi Đảng được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới viết
bài Đảng ta? Theo thiển nghĩ của người viết bài này, có thể do một
số nguyên nhân chính sau đây:
Thứ nhất, cũng như phong trào cách mạng nước ta, quần chúng theo Đảng
làm cách mạng, đứng lên đấu tranh giành độc lập, thống nhất Tổ quốc, tìm con đường
đem lại hạnh phúc cho nhân dân, ban đầu hoàn toàn tự phát, dần dần nhận thức,
giác ngộ mới trở thành tự giác. Từ trong “đêm trường trung cổ” sống dưới “đường
hầm” tăm tối, không có lối ra, bỗng nhiên có những người đảng viên cùng khổ như
mình chỉ ra đường lối cứu nước cứu dân, thì như nhìn thấy “ánh sáng ở cuối đường
hầm” và “Đảng đã cho ta một mùa Xuân” như lời một bài hát của nhạc sĩ Phạm
Tuyên. Lập tức đông đảo công nhân, nông dân, thợ thuyền, người cùng khổ đi theo
Đảng, thực hiện mục đích, lý tưởng của Đảng. Từ đó, dần dần các tầng lớp nhân
dân lao động mặc nhiên thừa nhận chính đảng đó là đảng của mình: Đảng
ta. Bởi Đảng đem lại tự do, độc lập cho đất nước, dân tộc và cho bản thân,
gia đình mỗi người dân.
Thứ hai, vốn là một lãnh tụ có nhiều kinh nghiệm hoạt động cách mạng,
lại rất tinh tế, nên chỉ sau khi lãnh đạo nhân dân làm cuộc Cách mạng Tháng Tám
năm 1945 thành công, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã giành được những
thắng lợi đang tiến tới giai đoạn quyết định; Đảng Lao động Việt Nam chuẩn bị
ra hoạt động công khai, tiến tới Đại hội II, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh mới viết
bài trong đó gọi Đảng là: Đảng ta. Điều này vừa khẳng định vị trí, vai trò lãnh
đạo của Đảng đối với cách mạng nước nhà, vừa có ý để nhân dân lao động Việt Nam
tự nguyện, tự giác thừa nhận Đảng của chính mình, không áp đặt. Một sự thừa nhận
mặc nhiên có căn cứ lý luận, thực tiễn, được thực tiễn cách mạng nước nhà kiểm
nghiệm.
Thứ ba, để phù hợp với tình hình, đặc thù là một nước phong kiến nửa
thuộc địa, có hơn 95% số dân là nông dân, có những nét khác biệt với các đảng cộng
sản, công nhân ở các nước tư bản, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương tổ chức Đại
hội II, Đảng ra hoạt động công khai. Tại Đại hội này, để thực hiện những nhiệm
vụ mới, Bác Hồ đã khẳng định trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội:“Chúng ta phải
có một Đảng công khai, tổ chức hợp với tình hình thế giới và tình hình trong nước
để lãnh đạo toàn dân đấu tranh cho đến thắng lợi, Đảng đó lấy tên Đảng
Lao động Việt Nam”... “Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công
nhân và nhân dân lao động, nghĩa là những người thợ thuyền, dân cày và lao động
trí óc kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm tận lực phụng sự
Tổ quốc và nhân dân. Những người mà: giàu sang không quyến rũ, nghèo khó không
thể chuyển lay, uy lực không thể khuất phục”.
Những năm tháng sau đó, Đảng lao động Việt Nam tiếp tục lãnh đạo nhân dân
Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống thực dân Pháp xâm
lược, đem lại hòa bình và bắt tay xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đấu tranh
giành thống nhất nước nhà, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò không ai có thể
thay thế. Chính vì vậy, trong Bài nói tại Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng,
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 5 lần nhắc đi nhắc lại cụm từ “Đảng ta vĩ đại thật”. Kết
thúc Bài nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc những vần thơ bất hủ:
“Đảng ta vĩ đại như biển rộng như núi cao,
Ba mươi năm phấn đấu và thắng lợi biết bao nhiêu tình.
Đảng ta là đạo đức là văn minh,
Là thống nhất, độc lập, là hòa bình ấm no.
Công ơn Đảng thật là to,
Ba mươi năm lịch sử Đảng là cả một pho lịch sử bằng vàng”.
Không phải ngẫu nhiên mà trong Diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc
lần thứ III của Đảng, đoạn mở đầu rất ngắn ngủi, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã
5 lần dùng chữ Đảng ta:“Đại hội toàn quốc lần thứ III
của Đảng ta khai mạc giữa lúc toàn dân ta vui vẻ chào mừng
ngày kỷ niệm 15 năm thành lập nước Việt Nam Dân Cộng hòa. Đại hội Đảng
ta lần này có hơn 500 đại biểu thay mặt 50 vạn đảng viên trong cả nước,
tiêu biểu cho truyền thống đấu tranh anh dũng của Đảng ta trong
30 năm nay. Thay mặt Trung ương, tôi thân ái chào mừng các đồng chí, chào mừng
tất cả các đảng viên yêu mến của Đảng ta, chào mừng đại biểu Đảng
Xã hội, Đảng Dân chủ và các đoàn thể trong Mặt trận Tổ quốc. Đại hội Đảng
ta lần này rất vui sướng và nhiệt liệt hoan nghênh các đồng chí đại biểu...”
Và trước lúc “đi xa”, Bác Hồ còn dặn dò, khẳng định “Đảng ta là
một đảng cầm quyền”.
Như vậy, với tất cả những gì Đảng Lao động Việt Nam trước đây cũng như Đảng
Cộng sản Việt Nam ngày nay cống hiến, phấn đấu cho nền độc lập tự do, thống nhất
Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, Đảng xứng đáng được nhân dân Việt Nam tự
hào gọi với cái tên thiêng liêng, trìu mến: Đảng ta.
Mặc dù lãnh đạo nhân dân giành những chiến công hiển hách, những thắng lợi
vô cùng to lớn có ý nghĩa lịch sử, nhưng ở sau bất cứ chiến công, thắng lợi
nào, Đảng ta đều chỉ ra những yếu kém, khuyết điểm, thiếu sót
của mình để rút kinh nghiệm và sửa chữa, khắc phục nhằm luôn luôn hoàn thiện, đổi
mới Đảng, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp cách mạng ngày càng cao và nặng nề, mong mỏi
của toàn Đảng, toàn dân. Chính vì thế, Đảng lấy tự phê bình và phê bình làm
nguyên tắc hoạt động của mình; Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp
luật. Điều 4 trong Hiến pháp 1992 đã khẳng định “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội
tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của
giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa
Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Tuy nhiên, trong những năm qua và giờ đây, do nhiều nguyên
nhân, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng đảng vẫn còn không
ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều
nhiệm kỳ, chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng;
nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự
tồn vong của chế độ. Đại hội XII của Đảng vừa thành công tốt đẹp. Một lần nữa,
Đảng thể hiện bản lĩnh chính trị, trí tuệ và sự sáng suốt khẳng định quyết tâm
tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng
lực trí tuệ, phẩm chất và đạo đức cách mạng, làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững
mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Đại hội nhấn mạnh yêu cầu
tăng cường sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động của toàn Đảng trên cơ sở
Cương lĩnh, đường lối, quan điểm, nguyên tắc của Đảng; thường xuyên bồi đắp gắn
bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân - những phẩm chất cao quý, tốt đẹp, cốt lõi
thể hiện bản chất và sức sống của Đảng. Đại hội khẳng định quyết tâm tiếp tục
tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực trí
tuệ, phẩm chất và đạo đức cách mạng, làm cho Đảng ta thật sự
trong sạch, vững mạnh, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Nếu như ngày ấy Đảng ta được quần chúng nhân dân thừa nhận
từ tự phát đến tự giác thì bây giờ sau Đại hội lần thứ XII, Đảng Cộng sản Việt
Nam càng phải thật sự nỗ lực bằng tất cả lực lượng, tinh thần, trách nhiệm, trí
tuệ tiếp tục khẳng định vị trí của mình trước dân tộc, đất nước và mãi mãi xứng
đáng với sự tôn kính, tin tưởng mà nhân dân ta đã dành cho Đảng.
Vũ Ngọc Lân
Nguồn: Tạp chí cộng sản điện tử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét