Thứ Năm, 17 tháng 11, 2016

“NHÀ NƯỚC PHÚC LỢI CHUNG”, CHỚ CÓ TIN!

Nam

          Cũng chỉ vì lợi ích giai cấp mà họ tìm ra đủ lý lẽ cho “cái gọi là”: “nhà nước phúc lợi chung”! Lý lẽ này là ngụy biện. Cách làm của họ là “quảng bá”, “rêu rao”, “tuyên truyền cho dân chúng” để lừa bịp những người không biết nhằm che đậy cho bản chất của nhà nước tư sản. Không biết họ “điếc không sợ súng”, “cố tình không hiểu” hay cả hai trường hợp.
          Vậy, nhà nước là gì, nó ra đời, vận động biến đổi và diệt vong như thế nào…? Đây là “một trong những vấn đề phức tạp nhất, khó khăn nhất” mà phải đến một trình độ tư duy, hiểu biết nhất định thì nhân loại mới có thể hiểu được. Thực tế lịch sử đã chứng minh cho những ai thật sự có sự nghiên cứu và tôn trọng chân lý, lẽ phải khi tìm hiểu học thuyết cách mạng, khoa học bàn về nhà nước trong lịch sử tư tưởng nhân loại.
          Có thể nói: suy đến cùng thì nhà nước ra đời ví như người có tài sản (trong khi an ninh lại chưa đảm bảo) thì người có tài sản phải sắm cái ổ khóa để bảo vệ cho sự an toàn tài sản của mình nếu không kẻ gian đột nhập, lấy cắp. Có người còn nghĩ rằng càng sắm nhiều ổ khóa càng chắc, càng an toàn!. Đấy là cuộc sống, là đời thường…
          Lẽ tất nhiên hiểu về bản chất nhà nước không phải đơn giản như vậy.
          Nhà nước có quá trình ra đời, vận động biến đổi và diệt vong tuân theo quy luật. Lúc đầu loài người làm gì có nhà nước, nhưng về sau vì số ít người có của (tức tư liệu sản xuất) phải tổ chức ra một lực lượng, một quyền lực chính trị để bảo vệ của cải ấy. Thế là câu chuyện mua khóa để giữ tài sản có thể liên tưởng đến “vấn đề chính trị” này.
          Thực tế lịch sử xã hội để thấy, nhà nước ra đời là do giai cấp thống trị, giai cấp có tư liệu sản xuất tổ chức ra để bảo vệ quyền lợi kinh tế và chính trị, bảo vệ trật tự xã hội mà quyền lực chỉ trong tay số ít người. Trong xã hội có giai cấp thì giai cấp thống trị là người có của, có tư liệu sản xuất cho nên đã tổ chức, củng cố tăng cường sức mạnh của nhà nước để bảo vệ lợi ích cho giai cấp mình - giai cấp thống trị. Thế thì, trong xã hội tư bản chủ nghĩa: nhà nước là của giai cấp tư sản, do giai cấp tư sản tổ chức ra nhằm bảo vệ lợi ích, “phúc lợi” của giai cấp tư sản; còn đối với đa số người lao động, người công nhân thì làm gì có tư liệu sản xuất (hiện nay là tư liệu sản xuất chủ yếu) mà có điều kiện, khả năng tổ chức ra nhà nước; do vậy, họ làm gì có quyền hành gì về quyền lực chính trị của nhà nước ấy. Thế mà, các học giả tư sản lại gọi là “nhà nước phúc lợi chung”, nhà nước của toàn dân!

          “Nhà nước là thế”, “nhà nước phúc lợi chung” của mọi người dân trong xã hội có giai cấp là thế! Điều phi lý. Chớ có tin!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét