Thứ Hai, 28 tháng 11, 2016

GIÁ TRỊ TRƯỜNG TỒN CỦA TƯ TƯỞNG NHÂN VĂN HỒ CHÍ MINH



Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là một bộ phận không tách rời của tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng nhân văn đó là sự hợp lưu những giá trị tinh tuý của nhân loại và dân tộc, trên nền tảng của chủ nghĩa Mác - lênin và gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng vĩ đại của Người, bởi vậy nó đã tạo ra sức hấp dẫn mạnh mẽ vượt qua mọi không gian và thời gian. Sức hấp dẫn và giá trị trường tồn của nó không phải chỉ đối với chúng ta, mà còn đối với cả nhân loại cần lao đã và đang đấu tranh cho những giá trị thực sự của con người. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “ tư tưởng của Người đã kế thừa những giá trị tư tưởng, văn hoá vĩnh cửu của nhân loại thấm đượm một chủ nghĩa nhân văn cao cả, đáp ứng những yêu cầu, nguyện vọng cháy bỏng và sâu xa của dân tộc và nhân loại. Và cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Người là một tấm gương, một biểu hiện tiêu biểu nhất cho chủ nghĩa nhân đạo cộng sản”[1].
Chủ nghĩa Mác - Lênin là khoa học để giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và giải phóng con người, sức sống mạnh mẽ của học thuyết đó chính là ở tính nhân văn, nhân đạo hiện thực và bản chất cách mạng, khoa học của nó. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, thấm đượm tính nhân văn, nhân đạo và bản chất cách mạng, khoa học của học thuyết ấy. Tư tưởng nhân văn của Người có sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp nhất của dân tộc ta với tư tưởng cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác - Lênin và những tinh hoa văn hoá nhân loại. Theo đó, với một cuộc đời “hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”[2] từ tư tưởng đến đạo đức và tác phong của Người luôn thấm đượm chất nhân văn cao cả, sâu sắc. Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là tư tưởng nhân văn hiện thực, khác xa với “tình yêu thương” trìu tượng của một số học thuyết triết học và của các tín điều tôn giáo trong lịch sử. Ở Người là một lý tưởng và hành động cách mạng kiên định; một tâm hồn bác ái, đầy bao dung đối với con người cho đến những ngày tháng cuối đời.
Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh có một nội hàm hết sức phong phú và sâu sắc. Triết lý nhân văn cao cả của Người là: “Nghĩ cho cùng, mọi vấn đề...là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức”[3]. Trong di sản tư tưởng vĩ đại của mình, Hồ Chí Minh đã để lại một hệ thống các luận điểm khoa học về con người. Quan niệm về “con người” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được bàn đến với nhiều nghĩa khác nhau trong các mối quan hệ xã hội cụ thể. Nhưng tiếp cận nhân văn của Người luôn có sự thống nhất giữa tính khoa học với tính giai cấp và tính dân tộc. Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh được biểu hiện đậm nét ở nhiều vấn đề liên quan đến con người; đến sự nghiệp giải phóng con người và kiến tạo một xã hội mới thực sự vì con người. Đó là tình cảm nhân ái, thương yêu, quí trọng đối với những con người cần lao, cùng khổ; là tấm lòng bao dung, vị tha rộng lớn; tin tưởng mãnh liệt vào con người và lực lượng vĩ đại của nhân dân; quan tâm đến lợi ích chính đáng của con người, của các dân tộc; coi trọng phát huy động lực của con người, của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng; chăm lo giáo dục, xây dựng con người phát triển toàn diện vừa “hồng”, vừa “chuyên”.v.v...Trên cơ sở lý luận và phương pháp luận khoa học của chủ nghĩâ Mác - Lênin, Người đã vạch ra nguồn gốc của mọi sự nghèo khổ, bất công và nghịch lý xã hội đối với con người trong đời sống hiện thực. Và chính Người đã chỉ ra con đường, phương pháp cách mạng đúng đắn để giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người.
Trong di sản tư tưởng và toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng vĩ đại, đầy gian khổ hy sinh của Người ở đâu và vào thời điểm lịch sử nào cũng toát lên một tinh thần nhân văn cao cả Hồ Chí Minh. Ngay từ những ngày đầu ra đi tìm đường cứu nước, Người đã phẫn uất và rơi lệ khi những người lao động da đen bị sóng nhấn chìm trên biển cả; tiếp đó, Người ra sức đấu tranh và bênh vực các dân tộc bị áp bức giành lại quyền sống, nhân phẩm và tự do. Cuộc đời của Người là cuộc đời vì dân, vì nước, đấu tranh không mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và giải phóng con người. Sau này, khi trở thành người đứng đầu Đảng và Nhà nước Người vẫn dành tất cả tấm lòng hiền từ ấm áp của một người cha cho tất cả đồng bào, chiến sĩ, con cháu mọi miền Nam, Bắc. Trong bản Di chúc lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt vấn đề Đầu tiên là công việc đối với con người”[4] và căn dặn Đảng ta những vấn đề chiến lược liên quan mật thiết đến con người. Khi khép lại trang cuối của Di chúc, Người viết: “Cuối cùng, tôi để lại tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”[5]. Tự những lời dẫn trên đã toát lên một tình cảm nhân ái bao la vô bờ bến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với con người, đối với các thế hệ và hơn nữa, không phải chỉ đối với chúng ta mà còn đối với tất cả bè bạn năm châu, bốn biển. Bởi vậy, tìm về Hồ Chí Minh là tìm về “lòng tốt của con người…, tình bạn, lòng nhân ái, một con người không nghĩ đến mình, giản dị, khiêm tốn, không tự giam mình trong tháp ngà, một con người của quần chúng”[6]. Và cũng bởi thế, giá trị trường tồn của tư tưởng nhân văn ấy tiếp tục soi dọi sáng mãi về sau, đúng như một nhà nghiên cứu chính trị và xã hội nước ngoài khẳng định: phải “nhìn thế giới như một quá trình ở đó sự thay đổi là cội nguồn của sự giàu có, tiến bộ và nhằm tìm kiếm ước muốn nhân đạo trong lĩnh vực đạo đức. Vì thế mà những con người như Hồ Chí Minh ngày càng trở nên vĩ đại, vì họ là những người đã cho chúng ta lý do để sống và khả năng để thực hiện những giấc mơ của mình”[7].
Gần nửa thế kỷ đã qua đi sau khi trái tim lớn của Người ngừng đập, đất nước ta có nhiều đổi thay, nhân loại có nhiều biến cố và xáo động mãnh liệt. Song, hệ thống tư tưởng khoa học, cách mạng và nhân văn Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định giá trị vĩnh hằng của nó và cho chúng ta niềm tin vững chắc vào con người, vào tương lai, đúng như lời điếu văn tiễn biệt Người của Đảng ta khẳng định: “Hồ Chủ Tịch đã qua đời! Nhưng Người luôn luôn dẫn dắt chúng ta. Chúng ta vẫn cảm thấy có Người luôn luôn ở bên cạnh. Bởi vì chúng ta vẫn đi theo con đường của Người, tiếp tục sự nghiệp vĩ đại của Người. Bởi vì Người vẫn sống mãi với non sông đất nước, tên tuổi và hình ảnh của Người ngày càng khắc sâu trong tim, khối óc của mỗi chúng ta”[8].
Thế giới trong thập niên đầu của thế kỷ XXI đang ẩn chứa những mâu thuẫn sâu sắc. Người ta đang nói nhiều, bàn nhiều đến của cải, quyền lực và sự phồn thịnh giả tạo của một số cường quốc lớn trên thế giới, nhưng có một sự thật hiển nhiên là, nhân loại hiện nay vẫn đang phải tiếp tục đối mặt với đói nghèo, bệnh tật, chiến tranh và nhiều nguy cơ xã hội khác, kể cả sự suy thoái về đời sống tinh thần ở ngay các cường quốc phát triển nhất. Trong một thế giới hai màu “sáng tối” hiện nay, những ngịch lý, bất công và cả sự chà đạp lên nhân phẩm con người vẫn tồn tại hiện hữu. Và cũng chính trong hoàn cảnh đó, nhân loại đang hướng về các giá trị tiến bộ trong đó có tư tưởng nhân văn cao cả Hồ Chí Minh. Vì rằng, “Ở giữa cơn khủng hoảng này, nhân loại đã sản sinh ra những danh nhân lỗi lạc làm nên thời đại như Lênin, Hồ Chí Minh và Găngđi là những người đã để lại những dấu ấn không thể sai lầm của mình để được tiếp tục theo đuổi trong các đảo lộn nhiều biến động”[9].
Theo tư tưởng nhân văn cao cả của Người, dưới sự lãnh đạo của Đảng nhân dân ta đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ, kiên định lý tưởng cách mạng thực hiện thắng lợi sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước. Đã và đang quyết tâm thực hiện di nguyện lớn lao của Người là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, làm cho dân cường, nước thịnh; con người được hưởng tự do, ấm no, hạnh phúc. Kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, sự nghiệp đổi mới đất nước hơn 20 năm qua đã thu được những thành tựu “to lớn và có ý nghĩa lịch sử”[10]. Dưới ánh sáng của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh, để đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay, cần phải tập trung giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến con người - mục tiêu cao nhất và nguồn lực đặc biệt của sự phát triển. Bởi vậy, sự nghiệp đổi mới đất nước phải vì lợi ích của nhân dân và phải tiếp tục “dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”[11] để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng đặt ra. Coi trọng phát huy vai trò của con người, của các thế hệ để “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng”[12], thực hiện thắng lợi mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”[13], vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội - con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam mà Người đã lựa chọn.
Để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội chúng ta cần phải có những con người xã hội chủ nghĩa, đó là những con người nhân văn theo tư tưởng Hồ Chí Minh có sự phát triển toàn diện cả đức và tài; cả trí tuệ khoa học và tình cảm cách mạng; có lòng nhân ái và khoan dung. Bởi vậy, cần tiếp tục “Xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam...trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập kinh tế quốc tế”[14]. Coi trọng đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, phấn đấu “xây dựng nền giáo dục hiện đại, của dân, do dân và vì dân, bảo đảm công bằng về cơ hội học tập cho mọi người, tạo điều kiện để toàn xã hội học tập và học tập suốt đời, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”[15] cũng chính là hiện thực hoá các giá trị nhân văn Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới và làm cho giá trị trường tồn của nó tiếp tục soi sáng cho con đường cách mạng Việt Nam vững bước tiến lên./.
                                                                                             Trọng An



[1] T­ t­ëng Hå ChÝ Minh vÒ ®¹o ®øc, NxbGD, 2006, tr.105.
[2] T­ t­ëng Hå ChÝ Minh vÒ ®¹o ®øc, NxbGD, 2006,  tr. 501.
[3]  Hồ Chí Minh: Nhà nước và pháp luật Việt Nam, Nxb Pháp lý, H, 1990, tr.174.
[4] Hå ChÝ Minh, Toµn tËp, T12, NxbCTQG, H, 2002, tr.503.
[5] Hå ChÝ Minh, Toµn tËp, T12, NxbCTQG, H, 2002, tr. 500.
[6] Hå ChÝ Minh sèng m·i trong tr¸i tim nh©n lo¹i, NxbL§- Q§ND, H, 1993, tr.103, 111.
[7] T­ t­ëng Hå ChÝ Minh vÒ ®¹o ®øc, NxbGD, 2006, tr.178.
[8] . Hå ChÝ Minh, Toµn tËp, T12, NxbCTQG, H, 2002, tr.519-520.
[9] T­ t­ëng Hå ChÝ Minh vÒ ®¹o ®øc, NxbGD, 2006, tr.179.
[10] V¨n kiÖn §¹i héi ®¹i biÓu toµn quèc lÇn thø X, NxbCTQG, H, 2006, tr.19.
[11] Hå ChÝ Minh, Toµn tËp, T12, NxbCTQG, H, 2002, tr. 505.
[12] Hå ChÝ Minh, Toµn tËp, T12, NxbCTQG, H, 2002, tr. 505.
[13] V¨n kiÖn §¹i héi ®¹i biÓu toµn quèc lÇn thø X, NxbCTQG, H, 2006, tr.10.
[14] V¨n kiÖn §¹i héi ®¹i biÓu toµn quèc lÇn thø X, NxbCTQG, H, 2006, tr.106.
[15] V¨n kiÖn §¹i héi ®¹i biÓu toµn quèc lÇn thø X, NxbCTQG, H, 2006, tr.206- 2007.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét