Thứ Hai, 15 tháng 8, 2022

Vai trò của công nghiệp văn hóa đối với nền kinh tế quốc dân và sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

(TG) - Trong Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa là một nhiệm vụ trọng tâm. Để thực hiện nhiệm vụ này, Chính phủ ban hành Chiến lược về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, và từ đó, ngành công nghiệp văn hóa ngày càng góp phần quan trọng trong việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước từ văn hóa. 
Tái hiện lễ hội Tịch điền của Vua Hùng.

VAI TRÒ CỦA CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA ĐỐI VỚI NỀN KINH TẾ QUỐC DÂN VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NỀN VĂN HÓA VIỆT NAM

Khai thác giá trị văn hóa của kinh tế để văn hóa trở thành nguồn lực cho sự phát triển đất nước là chủ trương xuyên suốt của Đảng qua nhiều kỳ đại hội. Đặc biệt, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hoá và dịch vụ văn hoá trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hoá Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị và thành tựu mới của văn hoá, khoa 11 học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới”. Trong Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh yêu cầu: “xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh”. Như vậy, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa được xem như một khâu đột phá trong phát triển văn hóa, con người Việt Nam, giúp chúng ta phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam nhằm thực hiện khát vọng phát triển Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, soi đường cho quốc dân đi trong sự nghiệp đổi mới hiện nay.

Từ đầu những năm 2000, coi trọng yếu tố sáng tạo - nguồn lực lớn nhất cho sự phát triển của quốc gia - là một xu thế lớn trên thế giới. Các ngành kinh tế sáng tạo, công nghiệp văn hoá – sáng tạo đã và đang trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế thế giới. Chúng ta chứng kiến nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp từ ý tưởng sáng tạo trở thành những công ty định hình lại mô hình kinh doanh toàn cầu như facebook, amazon, airbnb, netflix, grab, uber,... Văn hóa nhờ đó được quan tâm nhiều hơn khi chính văn hoá là tác nhân kích thích sự hình thành và tạo ra giá trị cho sáng tạo. Các ngành công nghiệp văn hóa trở thành một trong những lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản hay Hàn Quốc.

Công nghiệp văn hoá có xuất phát điểm từ khá lâu, tuy nhiên, kể từ những năm 2000 trở lại đây, khái niệm các ngành công nghiệp văn hoá (cultural industries) mới được nhắc đến nhiều hơn, và trở thành một trong những trọng tâm phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. Với nước Anh, nhà kinh tế học John Howkins khởi xướng khái niệm nền kinh tế sáng tạo (creative economy) như một gợi ý về việc sử dụng những tiềm năng sáng tạo để tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mởi. Thuật ngữ này đã khởi phát những khái niệm mới như các ngành kinh tế sáng tạo (creative industries), các ngành công nghiệp văn hoá (cultural industries), khởi nghiệp (start-up).

Các ngành công nghiệp văn hóa bao gồm các lĩnh vực sử dụng tài năng sáng tạo, tiềm năng (vốn) văn hoá kết hợp với công nghệ và kỹ năng kinh doanh để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Điều đó có nghĩa rằng, để hình thành một ngành công nghiệp điện ảnh chẳng hạn, chúng ta phải có sự liên kết một cách đồng bộ, chuyên nghiệp giữa thành phần sáng tạo điện ảnh (đạo diễn, biên kịch, diễn viên...), khai thác giá trị văn hóa của dân tộc, kết hợp với sử dụng các công nghệ tiên tiến và kỹ năng kinh doanh (xây dựng thương hiệu cho bộ phim, đạo diễn, diễn viên, tổ chức sự kiện, phát triển khán giả...) để sản xuất một bộ phim. Xét trên 4 yếu tố đó, Việt Nam có lợi thế ở 2 yếu tố đầu tiên. Con người Việt Nam luôn được thế giới đánh giá là cần cù, sáng tạo. Tài năng của người Việt Nam được khẳng định ở nhiều lĩnh vực, từ thiên tài quân sự để vượt qua nhiều kẻ địch mạnh đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ và cả trong văn hoá nghệ thuật. Theo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2020 (Global Innovation Index, viết tắt là GII), Việt Nam tiếp tục duy trì thứ hạng cao, ghi nhận năm thứ hai liên tiếp xếp thứ 42/131 quốc gia và nền kinh tế. Với thứ hạng này, Việt Nam giữ vị trí số 1 trong 12 nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á. Trong thực tế, Việt Nam được đánh giá khá cao trong một số bảng xếp hạng quốc tế như kỳ thi PISA về năng lực Toán – Đọc hiểu và Khoa học. Chúng ta cũng có nhiều nghệ sĩ tài năng trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ âm nhạc, điện ảnh, thiết kế thời trang, kiến trúc,... Nhiều tác phẩm điện ảnh, âm nhạc, thiết kế thời trang, ảnh nghệ thuật,... đã được giải cao ở các sự kiện khu vực và quốc tế. Chúng ta đang chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Nhiều bộ phim ra đời như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Bố già, Mắt biếc... thậm chí có doanh thu hơn hẳn so với những bộ phim bom tấn của Mỹ, nhiều bài hát của Sơn Tùng MTP, Đen Vâu, Hoàng Thùy Linh,... chiếm được cảm tình của khán giả thông qua việc khai thác giá trị văn hóa Việt Nam. Các không gian sáng tạo, sự kiện văn hóa nghệ thuật bùng nổ ở các đô thị và được xem như một tiêu chí của một thành phố đáng sống. Kết quả là, theo nghiên cứu của Hội đồng Anh, từ năm 2014 đến năm 2018, số lượng không gian sáng tạo ở Việt Nam tăng từ 60 đến 140 trung tâm. Nhiều trung tâm, không gian sáng tạo đã có những bước phát triển mới, mang tính đột phá. Một số ví dụ cho thấy sự phát triển của các không gian sáng tạo này như Không gian sáng tạo Dreamplex (số 21 Nguyễn Trung Ngạn, quận 1) là mô hình làm việc chia sẻ cộng đồng (co-working) dành cho các nhà sáng tạo, công ty khởi nghiệp, nhà tư vấn, đầu tư và người làm việc tự do (freelancer)… Đây là một không gian không chỉ là nơi làm việc mà kết nối những con người nhiệt huyết với giấc mơ khởi nghiệp - đang trở thành điểm đến của giới trẻ Sài Gòn và là nơi tổng thống Mỹ Barack Obama nói chuyện với giới doanh nhân trong chuyến thăm Thành phố Hồ Chí Minh ngày 24/5/2016 với thông điệp khuyến khích mô hình khởi nghiệp ở Việt Nam. Tất cả chứng minh một tiềm năng to lớn của các tài năng sáng tạo Việt Nam. Đối với tiềm năng văn hoá, chúng ta tự hào là mảnh đất giàu truyền thống và đa dạng văn hoá. 54 dân tộc anh em cùng lịch sử hàng ngàn năm đã tạo ta một kho tàng vô giá về di tích, nghi lễ, lễ hội, trò chơi dân gian, thủ công truyền thống, dân ca, dân vũ, ẩm thực, phong tục tập quán, truyền thuyết, hình tượng anh hùng... Tất cả đều có thể trở thành chất liệu tuyệt vời cho sáng tạo, mang đến những sản phẩm văn hoá nghệ thuật vừa tôn vinh văn hoá dân tộc, vừa tạo ra sự khác biệt, giá trị riêng cho các sản phẩm văn hoá nghệ thuật.

MỘT TRONG NHỮNG CHIẾN  LƯỢC ĐỂ XÂY DỰNG NỀN VĂN HÓA VIỆT NAM TIÊN TIẾN, ĐẬM ĐÀ BẢN SẮC DÂN TỘC

Tuy vậy, thực tế cho thấy rằng, dù có những nỗ lực và thành công nhất định (năm 2019 đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa chiếm 3,61% GDP so với mục tiêu 3% đến năm 2020) nhưng vẫn chưa đáp ứng được với kỳ vọng của những người yêu mến văn hoá nghệ thuật, cũng như khát khao khai thác giá trị văn hoá cho sự phát triển bền vững. Những tác phẩm văn hoá nghệ thuật của Việt Nam có thể chinh phục khán giả thế giới còn chưa nhiều. Tên tuổi, thương 13 hiệu của các văn nghệ sĩ, nhà sáng tạo Việt Nam chưa thực sự được định hình rõ ràng trong khu vực và trên thế giới. Nhiều sản phẩm nghệ thuật xuất hiện nhưng chưa tạo thành trào lưu, sớm nở tối tàn, các sự kiện không được tổ chức thường xuyên, không gian sáng tạo xuất hiện nhiều nhưng cũng biến mất nhanh... Hay nói tóm lại, các ngành công nghiệp văn hoá chưa được khai thác hiệu quả, xứng tầm với lợi thế của bề dày văn hoá dân tộc, tài năng của con người Việt Nam. Việt Nam không thiếu tài năng sáng tạo, không thiếu vốn văn hoá nhưng chưa hình thành được một môi trường phù hợp, hỗ trợ cho sự sáng tạo để giúp quảng bá văn hoá dân tộc, cũng như giúp các tài năng sáng tạo của đất nước toả sáng!

Hiện nay, có khá nhiều điểm nghẽn trong khai thác công nghiệp văn hoá. Đầu tiên chính là nhận thức về các ngành công nghiệp văn hoá chưa đầy đủ. Ít coi các lĩnh vực như điện ảnh, mỹ thuật, sân khấu, âm nhạc... là một yếu tố quan trọng của nền kinh tế. Trong khi nền kinh tế thị trường đã thấm sâu vào rất nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, thì văn hoá nghệ thuật vẫn còn khá rụt rè trong việc khẳng định giá trị hàng hoá của mình. Cần khẳng định sản phẩm văn hoá nghệ thuật cũng là sản phẩm hàng hoá, tuy nhiên có logic đặc biệt. Khi khẳng định tính chất hàng hoá của sản phẩm văn hoá nghệ thuật, chúng ta mới chú ý nhiều hơn đến thị trường, phát triển khán giả, bản quyền, kỹ năng kinh doanh, xây dựng thương hiệu... Khi xác định logic đặc biệt của sản phẩm văn hoá nghệ thuật, mới thấy rõ hơn tầm quan trọng của việc phát triển văn hoá vì sự phát triển bền vững, tạo nên niềm tự hào dân tộc và giúp khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh.

Thứ hai là thiếu sự phối hợp trong phát triển công nghiệp văn hoá. Đến thời điểm này, sự phát triển các ngành công nghiệp văn hoá còn gặp khó khăn vì chưa thực sự có đầu mối đủ mạnh để định hướng sự phát triển này. Trong 12 ngành, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chỉ quản lý 5 ngành gồm điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hoá. Phát triển các ngành công nghiệp văn hoá có sự gắn bó với nhau để làm nên sức mạnh tổng hợp cho không chỉ các ngành này, mà còn cả với nền kinh tế của đất nước. Điện ảnh thì có thể tạo ra sự hấp dẫn cho du lịch văn hoá, tạo điều kiện phát triển thời trang, ẩm thực. Du lịch văn hoá lại giúp phát triển các lĩnh vực khác trong xã hội. Vì thế, việc thiếu đầu mối đủ tầm và phối hợp giữa các ngành với nhau khiến việc phát triển công nghiệp văn hoá gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, sự phối hợp công – tư cũng chịu nhiều cản trở, trong đó có cả việc thiếu niềm tin lẫn nhau và sự hỗ trợ chính sách. Những mô hình đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo đa phần là tự phát, đến từ niềm đam mê của các cá nhân yêu thích sáng tạo, mong muốn tìm ra điều mới mẻ cho cuộc sống và công việc kinh doanh. Nhưng bầu nhiệt huyết của họ sẽ gặp 14 khó khăn khi thiếu đi sự hỗ trợ từ chính quyền hay của chính các doanh nghiệp tương tự trong mạng lưới sáng tạo.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thứ ba, giáo dục sáng tạo và kỹ năng kinh doanh là điểm nghẽn tiếp theo. Hệ thống giáo dục của ta có một số điểm chưa tương thích đối với hoạt động đổi mới sáng tạo. Dù có nhiều cải tiến, thay đổi theo hướng hỗ trợ cho học sinh, sinh viên thực hành sáng tạo nhưng vì nhiều lý do, đặc biệt là khối lượng kiến thức cần học quá lớn, khiến cho các môn học liên quan đến sáng tạo, nghệ thuật chưa được coi trọng đúng mức. Trong khi đó, các môn học về nghệ thuật chẳng hạn, giúp học sinh, sinh viên rất nhiều trong việc hoàn thiện nhân cách, các kỹ năng mềm, và nhất là tinh thần sáng tạo. Thiếu đi tinh thần sáng tạo ấy ở các cấp học, ngay từ nhỏ, việc hình thành những công dân sáng tạo, những khách hàng tương lai của thị trường nghệ thuật sẽ gặp khó khăn. Không những thế, việc giảng dạy ở các trường nghệ thuật cũng nảy sinh những bất cập trong việc cập nhật với nền kinh tế thị trường. Tài năng nghệ thuật mới chỉ là yếu tố cần và phải cần đến kiến thức, hiểu biết về kỹ năng kinh doanh để tạo nên sự thành công của một nghệ sĩ. Viêc học vẽ có thể rất quan trọng nhưng việc xây dựng thương hiệu cho bản thân, tác phẩm hội họa và giao tiếp tốt với khách hàng mua tranh cũng quan trọng không kém. Đó chính là lý do tại sao các môn học về marketing nghệ thuật, kỹ năng kinh doanh, quan hệ công chúng lại nên được xem là những môn học chính ở các trường nghệ thuật (mà hiện nay chúng ta đang rất yếu). Ngoài ra, những điểm nghẽn về chính sách hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp văn hoá như địa vị pháp lý cho các doanh nghiệp sáng tạo, sử dụng đất, thuế, luật về bảo trợ và hiến tặng,... cũng là những rào cản khác khiến các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam chưa thể cất cánh được!

Năm 2005, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) thông qua Công ước về bảo vệ và phát huy các biểu đạt đa dạng của văn hóa (sau đây gọi là Công ước 2005). Công ước 2005 xác định các quốc gia có quyền chủ quyền về văn hóa và khuyến khích các quốc gia xây dựng các chính sách, hệ thống luật pháp để bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa của mình. Công ước nhấn mạnh nhiệm vụ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như một công cụ để bảo vệ và phát huy các biểu đạt đa dạng của văn hóa. Tinh thần Công ước 2005 đã được các quốc gia thành viên hưởng ứng, và tạo nên một 10 phong trào xây dựng chính sách, luật pháp về văn hóa, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến các chính sách liên quan đến phát triển công nghiệp văn hóa.

Tuy nhiên, để mong muốn này trở thành sự thật, còn rất nhiều việc phải làm, cần có sự tiếp sức, hỗ trợ từ phía Nhà nước để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Sự hỗ trợ này đầu tiên đến từ việc tạo điều kiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là các cơ quan quản lý Nhà nước đối với vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển bền vững đất nước. Các ngành công nghiệp văn hóa là lĩnh vực tạo ra sự đột phá trong tư duy về quản lý văn hóa, khai thác tiềm năng kinh tế của văn hóa, hình thành nên sức mạnh mềm của dân tộc, tạo lợi thế cho quá trình hội nhập quốc tế. Khi có nhận thức đúng, các bộ, ngành và địa phương sẽ có những hành động cụ thể, phù hợp để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Cần có hệ thống chính sách pháp luật phù hợp, tạo hành lang pháp lý và môi trường hỗ trợ phát triển các ngành CNVH, đó có thể là luật về hiến tặng và tài trợ để huy động nguồn lực xã hội cho văn hóa nghệ thuật, các cơ chế về đất, thuế và địa vị pháp lý cho các tổ chức văn hóa nghệ thuật. Điều quan trọng để tạo ra các chính sách thu hút nguồn lực chính là việc chúng ta cần phải coi đầu tư vào văn hoá là đầu tư phát triển, không phải là lĩnh vực "tiêu tiền", thậm chí đem lại nhiều tiền cho đất nước. Chỉ từ nhận thức như vậy, chúng ta mới hình thành các chính sách thu hút nguồn lực phù hợp.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng giáo dục sáng tạo ở các cấp học, tạo ra mạng lưới liên kết giữa các tổ chức văn hóa nghệ thuật, không gian sáng tạo, tổ chức các sự kiện tầm cỡ khu vực và quốc tế cho các ngành công nghiệp văn hoá chủ chốt như điện ảnh (liên hoan phim quốc tế Hà Nội), âm nhạc (lễ hội âm nhạc Gió mùa Monsoon), thời trang (tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam), ẩm thực (tuần lễ ẩm thực quốc tế Hà Nội) để tạo điều kiện quảng bá, xây dựng thương hiệu cho các ngành CNVH là những giải pháp phù hợp hiện nay.

Lễ hội kỷ niệm 231 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Ảnh: Quang Vinh.

Lễ hội kỷ niệm 231 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Ảnh: Quang Vinh.

Tóm lại, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẽ giúp Việt Nam tái cơ cấu mô hình tăng trưởng, tạo ra những sản phẩm – dịch vụ văn hóa có tính cạnh tranh cao, tạo thêm công ăn việc làm ổn định, đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Đây cũng là chiến lược để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự dồi dào của hàng hóa – dịch vụ văn hóa Việt Nam trên thị trường nội địa và quốc tế chính là sức mạnh mềm văn hóa quan trọng của quốc gia, làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống người dân, cũng như mang văn hóa Việt Nam ra với thế giới, phát huy nội lực, quảng bá đất nước. Trong thời đại của kinh tế tri thức và công nghệ thông tin, công nghiệp văn hóa có khả năng biến văn hóa trở thành bộ phận quan trọng của thương mại và cạnh tranh quốc tế, giúp Việt Nam xây dựng được một nền kinh tế sáng tạo, thịnh vượng, tự tin và độc đáo. Chính vì vậy, đã đến lúc Việt Nam cần nhập cuộc với xu thế thời đại, vươn lên nắm lấy vị trí của một quốc gia có các ngành công nghiệp văn hóa phát triển.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín (Ban Chấp hành Trung ương khóa XI) đã xác định nhiệm vụ thứ 5 là phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII một lần nữa nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng này, và coi đây là một vấn đề hết sức quan trọng và được coi là một trong những khâu đột phá trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Triển khai Nghị quyết Đại hội, ngày 08 tháng 9 năm 2016, Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chiến lược). Chiến lược đã xác định 12 ngành ngành công nghiệp văn hóa gồm: 1. Quảng cáo; 2. kiến trúc; 3. phần mềm và các trò chơi giải trí; 4. thủ công mỹ nghệ; 5. thiết kế; 6. điện ảnh; 7. xuất bản; 8. thời trang; 9. nghệ thuật biểu diễn; 10. mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; 11. truyền hình và phát thanh; 12 du lịch văn hóa; từ đó Chiến lược đưa ra 4 quan điểm phát triển gồm: 1. Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; 2. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa; 3. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phát huy được lợi thế của Việt Nam, phù hợp với các quy luật cơ bản của kinh tế thị trường; được đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các ngành, các khâu sáng tạo, sản xuất, phân phối, phổ biến và tiêu dùng; 4. Phát triển công nghiệp văn hóa gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế.

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn 
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội 

1 nhận xét: