Thứ Hai, 22 tháng 8, 2022

PHẢN BÁC QUAN ĐIỂM SAI LỆCH CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH VỀ SỞ HỮU ĐẤT ĐAI

Hồng Hạc

Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội xuất hiện bài viết  sai lệch về quản lý đất đai ở nước ta. Trên trang Bueau - Âu châu, tác giả của một bài viết lấy bút danh là Thái Hạo, có đoạn viết: “Từ chỗ đang tư hữu cải cách ruộng đất đã chuyển sang hẳn công hữu. Tất cả mất sạch ruộng đất, trở thành những người làm thuê trên chính mảnh đất của mình… Đến bây giờ đất đai vẫn là “sở hữu toàn dân. Tức người dân không có quyền sở hữu”. Quan điểm đó là hoàn toàn sai lệch, cần phản bác, bởi lẽ:

Thứ nhất, từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn coi vấn đề đất đai là mục tiêu của cách mạng, khẩu hiệu “Dân cày có ruộng” đã thôi thúc nông dân nghèo vùng lên đấu tranh thắng lợi dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sau khi giành được độc lập, vấn đề đất đai cũng luôn được Đảng ta quan tâm, xác định là vấn đề quan trọng của đất nước. Đất đai là một loại tài sản đặc biệt, là tài nguyên quốc gia, là tư liệu sản xuất chủ yếu, thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, giao quyền sử dụng đất cho các đối tượng theo quy định của pháp luật. Trong những trường hợp cụ thể, đất đai được Nhà nước giao cho các cơ quan chức năng thực hiện những nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Điều 4 của Luật Đất đai (năm 2003) nêu rõ: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người dân sử dụng đất theo quy định của Luật này”. Đây là cơ sở pháp lý bảo đảm quyền, nghĩa vụ hợp pháp cho người sử dụng. Điều này cũng bảo đảm tôn chỉ “đất đai là tài sản quốc gia” luôn là nguyên tắc trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai.

Thứ hai, sở hữu toàn dân tạo điều kiện để Nhà nước có thể chủ động trong kiểm soát nguồn tài nguyên đất đai cũng như điều tiết các quan hệ lợi ích đất đai phù hợp với lợi ích quốc gia và người sử dụng đất trực tiếp. Nhà nước vừa có thể giao đất, thu hồi đất… phù hợp với lợi ích của người sử dụng đất, hỗ trợ người nghèo, vừa tạo quỹ đất cho quá trình phát triển chung của đất nước mà không phải thỏa thuận quá phức tạp với các chủ thể tư nhân. Sở hữu toàn dân cũng tạo thuận lợi cho quản lý Nhà nước bằng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và nâng cao hiệu quả tổng thể của sử dụng quỹ đất quốc gia và của từng địa phương.

Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Mục tiêu của định hướng xã hội chủ nghĩa là nhằm xây dựng một xã hội, trong đó con người không những được tự do, bình đẳng về mặt chính trị, mà còn được tự do, bình đẳng về mặt kinh tế, bình đẳng về sở hữu tư liệu sản xuất quan trọng nhất của đất nước đó là đất đai. Đây là chế độ sở hữu của toàn xã hội vì lợi ích của toàn dân tộc Việt Nam. Trong chế độ sở hữu toàn dân, một số quyền được giao cho cơ quan Nhà nước, một số quyền được giao cho người dân là để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích chung và lợi ích riêng, là tạo điều kiện cho người sử dụng đất phát huy nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đất đai là vấn đề nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến lợi ích của chủ thể được Nhà nước trao quyền sử dụng, liên quan trực tiếp đến các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về đất đai là tôn trọng luật pháp, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân trong quản lý, quy hoạch và sử dụng đất đai. Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải chủ động tự nghiên cứu, học tập, nắm chắc các quy định pháp luật về đất đai, vừa gương mẫu thực hiện nghiêm túc, vừa trực tiếp tuyên truyền, để nhân dân hiểu và thực hiện đúng chủ trương, chính sách pháp luật về đất đai, không để các đối tượng thù địch, phản động lợi dụng./.


 

1 nhận xét:

  1. Chúng ta phải đấu tranh mạnh mẽ chống lại các luận điệu xuyên tạc, chống phá Việt Nam của bọn phản động và các thế lực thù địch

    Trả lờiXóa