Thứ Tư, 10 tháng 8, 2022

CẦN KHÁCH QUAN KHI NÓI VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI Ở VIỆT NAM

                                                                                                                               Văn Hóa

Theo thông lệ hằng năm, ngày 19/7/2022, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố báo cáo tình hình buôn người năm 2022, trong đó có nhận xét công tác phòng, chống mua bán người của 188 quốc gia trên thế giới. Trong báo cáo tình hình buôn người năm 2022, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xếp Việt Nam trong nhóm 3, tụt 18 bậc so với năm 2021. Đáng chú ý, báo cáo trên có những nhận xét không khách quan, không phản ánh những nỗ lực to lớn của Việt Nam trong việc đấu tranh, phòng chống tội phạm mua bán người trong thời gian qua. Thực chất, đây là những luận điệu thiếu khách quan, nhìn nhận sai lệch về vấn đề đấu tranh với nạn buôn người ở Việt Nam.

Thực tế cho thấy, việc phòng, chống mua bán người luôn được Đảng, Nhà nước Việt Nam hết sức quan tâm, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và được tiến hành từ phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm đến hỗ trợ nạn nhân. Trong Pháp luật của Việt Nam thể hiện rõ quyết tâm phòng, chống mua bán người. Điều 150 và Điều 151, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định rõ về tội mua bán người và tội mua bán người dưới 16 tuổi. Luật Phòng, chống mua bán người có hiệu lực từ ngày 01/01/2012 đã quy định khung pháp lý quan trọng làm cơ sở cho công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tội phạm mua bán người. Tiếp đó, ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 30/7 hằng năm là “Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người”… Đáng chú ý, ngày 18/12/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 1944/QĐ-TTg về Chương trình thực hiện Kết luận số 13-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Mặt khác, theo số liệu của Cục Cảnh sát hình sự, từ năm 2010 - 2020, trên địa bàn cả nước đã điều tra, khám phá 4.116 vụ, khởi tố 6.012 bị can phạm tội mua bán người ra nước ngoài; trong số này có 419 vụ, 476 bị can mua bán trẻ em ra nước ngoài. Theo báo cáo của các Tòa án nhân dân, kết quả xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự từ năm 2016 đến năm 2021 về tội mua bán người đã giải quyết là 450 vụ/506 vụ án đã thụ lý; tội mua bán người dưới 16 tuổi đã giải quyết là 190 vụ/225 vụ án thụ lý.

Có thể nhận thấy, những nỗ lực, cố gắng của Việt Nam trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người thời gian qua là toàn diện, rõ nét. Theo đó, việc Bộ Ngoại giao Mỹ ra báo cáo năm 2022 về tình hình mua bán người trên thế giới với các thông tin không xác thực, không phản ánh đầy đủ, chính xác về tình hình và nỗ lực phòng, chống mua bán người của Việt Nam là việc làm không đúng và cần được loại bỏ./.

1 nhận xét:

  1. Chúng ta cần tỉnh táo, sáng suốt phân tích và nhận rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn tuyên truyền, lừa bịp của các thế lực thù địch; đồng thời kiên quyết đấu tranh bác bỏ và vạch trần những luận điệu xuyên tạc của chúng

    Trả lờiXóa