Thứ Hai, 8 tháng 8, 2022

CẦN NHẬN THỨC ĐÚNG VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÂN Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

Gió biển

Phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với nước ta. Từ tư duy phải xóa bỏ kinh tế tư nhân, đến nay Đảng ta khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Đây là chủ trương khoa học, đúng đắn với thực tiễn vận động của các thành phần kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội mang lại thành tựu đột phá cho phát triển kinh tế đất nước, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Tuy nhiên, các thế lực thù địch vẫn luôn đưa ra những luận điệu chống phá, xuyên tạc, bóp méo chủ trương phát triển kinh tế tư nhân của Đảng ta.

Trước yêu cầu của thực tiễn phát triển lực lượng sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, Đảng ta chủ trương đột phá phát triển kinh tế tư nhân, coi đó là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Phát triển kinh tế tư nhân là sự phát triển tư duy lý luận về sử dụng các thành phần kinh tế cho mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội. Dựa trên lý luận kinh tế của chủ nghĩa Mác-Lênin và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, chúng ta có đủ cơ sở khoa học để khẳng định rằng chủ trương phát triển kinh tế tư nhân không phải là từ bỏ mục tiêu chủ nghĩa xã hội, mà ngược lại là sử dụng chính nó để rút ngắn hơn chặng đường ở thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đối với Việt Nam, nền kinh tế thị trường nước ta được xác định là nền kinh tế có “nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế”. Các thành phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật, được xác định là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Việt Nam thừa nhận kinh tế tư nhân không đồng nghĩa với xác lập địa vị thống trị của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Thừa nhận kinh tế tư nhân không có nghĩa là chúng ta thừa nhận bóc lột và tạo điều kiện cho bóc lột được hiện diện trong các quan hệ kinh tế ở nước ta. Mục tiêu nhất quán của cách mạng nước ta là xóa bỏ áp bức, bóc lột, bất công, xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Kinh tế tư nhân ở Việt Nam thời gian qua đã phát triển cả về quy mô, trình độ, lĩnh vực ngành nghề trong khuôn khổ định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu chủ nghĩa xã hội mà không phải là phát triển tự do như trong thể chế kinh tế tư bản chủ nghĩa. Điều đó cũng có nghĩa tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển nhưng phải tuân thủ và vận động theo quỹ đạo của chủ nghĩa xã hội mà không phải là buông bỏ mục tiêu chủ nghĩa xã hội.

Từ những phân tích trên đây, có thể khẳng định đường lối, quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân thành một động lực quan trọng của nền kinh tế là đúng đắn, phù hợp với quy luật phát triển lực lượng sản xuất trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Đường lối đó sẽ là mấu chốt để khơi dậy, phát huy động lực to lớn của khu vực kinh tế tư nhân, thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo ra lực lượng vật chất cần thiết hỗ trợ cho con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Thừa nhận kinh tế tư nhân không có nghĩa là từ bỏ mục tiêu chủ nghĩa xã hội, ngược lại sử dụng, phát huy thành phần kinh tế này như một công cụ cho quá trình hiện đại hóa lực lượng sản xuất, từng bước hoàn thiện quan hệ sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại cho chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ.

 

1 nhận xét: