Thứ Hai, 8 tháng 8, 2022

TRÍ THỨC KHÔNG THỂ THAY THẾ VAI TRÒ LỊCH SỬ CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN

                                                                                                                                             Cương Trực

Gần đây, trong xu thế phát triển của thế giới với trình độ kinh tế tri thức và hướng tới cách mạng công nghiệp 4.0, có ý kiến cho rằng, “trong kinh tế tri thức thì sứ mệnh lịch sử là của trí thức chứ không phải của công nhân”. Đây là một nhận thức hoàn toàn sai lầm.

Trí thức ngày nay có vai trò rất quan trọng nhưng không thể thay thế sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Trí thức là nhóm lao động sản xuất ra các giá trị tinh thần; còn công nhân là nhóm lao động sản xuất vật chất. Sản xuất vật chất, các quá trình kinh tế xét đến cùng, bao giờ cũng là yếu tố quyết định nhất. Tri thức và lao động của họ, có vai trò rất quan trọng trong phát triển hiện đại nhưng bao giờ cũng cần đến việc chuyển hóa những giá trị tinh thần đó vào thực tiễn. Trên thực tế, nhiều sản phẩm tinh thần chỉ có thể bộc lộ giá trị thông qua việc hóa thân vào những ứng dụng công nghệ. Thông qua thực tiễn đó có thể nhận định: Sản xuất vật chất là cái quyết định, sản xuất tinh thần là để phục vụ cho quá trình tồn tại của xã hội. Sáng tạo tinh thần như khoa học, văn hóa, nghệ thuật có vai trò rất quan trọng trong phát triển xã hội hiện đại, nhưng nếu chỉ tinh thần thôi thì chưa đủ nền tảng cho phát triển bền vững của xã hội loài người.

Bên cạnh đó, cho dù tri thức, kiến thức khoa học có vai trò to lớn, để thỏa mãn các nhu cầu thiết yếu chỉ có thể được thỏa mãn thông qua sản xuất vật chất. Chỉ có sản xuất vật chất bằng phương thức công nghiệp mới có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu của nhân loại hiện nay. Vì vậy, nhân loại hiện đại vẫn cần tới sản xuất vật chất và lao động của giai cấp công nhân để tồn tại và phát triển. Giai cấp công nhân hiện đại đang được trí thức hóa, trí tuệ hóa trong các cuộc cách mạng công nghiệp. Yêu cầu khách quan của sản xuất, dịch vụ hiện đại và vận hành nền sản xuất công nghiệp hiện đại đòi hỏi giai cấp công nhân không ngừng nâng cao năng lực lao động, làm chủ khoa học và công nghệ. Thế nên, quan niệm công nhân “là người lao động thừa hành, trình độ học vấn thấp” đã lạc hậu và bất cập với thực tế. Họ đang và sẽ là các chuyên gia, nhà khoa học và công nghệ đang hằng ngày hoàn thiện, phát triển để tăng năng suất lao động, bảo đảm các yêu cầu ngày càng cao về kinh tế - xã hội và môi trường.

Sự tăng lên của vai trò trí thức trong xã hội hiện đại đôi khi khiến người ta lãng quên những mối quan hệ, các đặc điểm và vị thế của trí thức trong tồn tại xã hội. Trí thức có nhiều đóng góp trong khái quát những tri thức lý luận và nâng cao trình độ nhận thức của phong trào công nhân. Trí thức có thể cùng với giai cấp công nhân và nhân dân làm nên lực lượng của cách mạng xã hội chủ nghĩa nhưng trí thức chưa bao giờ xây dựng hệ tư tưởng của riêng mình mà xuyên suốt lịch sử đều phục vụ cho giai cấp thống trị. Thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình, giai cấp công nhân cần đến sự hợp tác của trí thức và tự mình nâng cao tri thức, kỹ năng lao động hiện đại. Nhưng đảm nhận vai trò lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa thì chỉ có giai cấp công nhân mới đủ cơ sở, điều kiện, năng lực thực tế. Do đó, tất cả các luận điệu nhằm phủ mờ sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, khẳng định vai trò độc tôn của trí thức đều là sai lầm.


 

1 nhận xét: