Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2019

LỘT MẶT NẠ CÁC TRANG WEB MẠO DANH CƠ QUAN, TỔ CHỨC VÀ CÁ NHÂN LÃNH ĐẠO ĐẢNG, NHÀ NƯỚC


1- Báo động về các trang web giả mạo cơ quan và lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Theo thống kê chưa đầy đủ từ các cơ quan bảo vệ an ninh mạng của Việt Nam, từ năm 2010 đến nay, cơ quan chức năng quản lý thông tin mạng đã phát hiện trên không gian mạng hàng nghìn trang web, trang blog, trang wordpress, trang fanpage, trang facebook… giả mạo cơ quan, tổ chức và cá nhân. Trong đó, đáng chú ý là đã có đến hàng trăm trang web, trang blog, trang wordpress, trang fanpage, trang facebook giả mạo cơ quan Đảng và Nhà nước Việt Nam, giả mạo cá nhân là lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam, giả mạo cơ quan, tổ chức chính quyền các cấp, giả mạo các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức chính trị xã hội của Việt Nam .v.v….
Có thể liệt kê ra đây tới 6 trang web mạo danh Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, 2 trang web mạo danh Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, 19 trang web mạo danh Quốc hội và lãnh đạo các Ủy ban, ngành của Quốc hội. Các cá nhân lãnh đạo Đảng và Nhà nước như Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng .v.v… đều bị giả mạo các trang web cá nhân.
Từ năm 2016 đến nay, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã hối thúc một số nhà mạng nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam như Facebook, Youtube, Yahoo, Google… gỡ bỏ gần 160 trang giả mạo cơ quan, tổ chức, xóa và chặn hàng nghìn tài khoản mạo danh. Tuy nhiên, tình hình giả danh, mạo danh trên không gian mạng không có xu hướng thuyên giảm mà ngày càng gia tăng với sự giả mạo không chỉ trong lĩnh vực chính trị mà còn gia tăng ở các lĩnh vực khác như kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong đó, phải kể đến hàng trăm vị giả mạo cá nhân, giả mạo tổ chức, giả mạo thông tin nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, lừa tiền và cả… lừa tình. Ngay cả những tổ chức doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam cũng bị làm giả các trang fanpage với mục đích lừa đảo như trang Toyota Việt Nam trên mạng xã hội Facebook.
Tình trạng thông tin giả mạo trên mạng nói chung và sự tồn tại của những trang mạng giả mạo cá nhân và tổ chức, đặc biệt là giả mạo các tổ chức và các chức danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên không gian mạng đang gây ra nhiều tác hại đối với an ninh trận tự xã hội, lung lạc lòng tin của cán bộ và nhân dân, chứa đựng những nguy cơ gây mất ổn định xã hội, kích động tâm lý bất an, gây hiểu lầm và hoang mang trong nhân dân, hạ thấp và thậm chí gây mất uy tín đối với tổ chức Đảng, Nhà nước nói chung và cá nhân lãnh đạo nói riêng. Những kẻ chống phá Nhà nước Việt Nam, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, phá hoại cuộc sống bình yên của người dân thông qua việc tạo các trang mạng giả mạo một cách hết sức tinh vi, thâm độc mà mỗi người dân, mỗi cán bộ cần phải cảnh giác để phân biệt và đề phòng
2- Nhận diện các trang mạng giả mạo.
Trên Internet hiện nay chủ yếu có bốn loại trang giả mạo chủ yếu thường xuất hiện với tần suất lớn.
- Loại thứ nhất là các “Web site” được tạo dựng trực tiếp trên nền wordl wide web (WWW) được truy cập bằng “Giao thức truyền tải siêu văn bản” (Hyper Text Transfer Protocol – HTTP) hoặc “Giao thức kết hợp giữa HTTP với giao thức bảo mật SSL” (Hyper Text Transfer Protocol Secure – HTTPS) và sử dụng “Ngôn ngữ đánh dấu siêu văn bản” (Hyper Text Markup Language – HTML). “Web site” là một tập hợp các văn bản, hình ảnh, tệp tin tài liệu tương thích với “WWW”, được thực thi và hiện thị trên một trình duyệt web (Web Browser).
Trình duyệt web là một ứng dụng phần mềm để truy cập thông tin trên “WWW” bằng phần mềm nhận biết định dạng HTLM thông qua các các mã “định vị tài nguyên thống nhất” (Uniform Resource Locator – URL) được xác định riêng cho mỗi web site, hình ảnh hay video riêng lẻ. Các trình duyệt web phổ biến nhất thế giới hiện này là Google, Chromium, Mozilla Firefox, Safari, Internet Explorer (IE) và Edge. Việt Nam cũng có trình duyệt web “Cốc Cốc” được xây dựng trên nền mã nguồn mở của Chromium (thường được gọi là Chrome Plus) hỗ trợ tìm kiến bằng tiếng Việt. Liên bang Nga có trình duyệt Yandex (Яндекс) hỗ trợ tìm kiếm bằng chữ cái Kiril, được đánh giá là trình duyệt web lớn thứ tư thế giới.
Trung Quốc có trình duyệt web “Sina Weibo” (thường được gọi tắt mà “Weibo”) hỗ trợ tìm kiếm bằng ký tự tượng hình tiếng Trung nhưng có thêm tính năng như một trang mạng xã hội tương tự như Twitter hay Facebook. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng cung cấp phần mềm truy cập trực tuyến “Baidu” (hay “Bách độ” theo âm Hán Việt) do “Công ty hữu hạn kỹ thuật mạng trực tuyến Bách Độ” (Bắc Kinh) xây dựng. “Baidu” cũng có những tính năng giống như “Bách khoa toàn thư Wikipedia” của Mỹ, cung cấp một danh mục hơn 740 triệu trang web, 80 triệu hình ảnh và 10 triệu tập tin đa phương tiện (Multi Media). Chính vì sự có mặt của “Baidu” nên “Wikipedia tiếng Trung” chỉ có thể lưu hành ở Đài Loan, không thể xâm nhập vào Trung Quốc lục địa, kể cả Hongkong và Macau.
Kể từ khi hạ tầng công nghệ thông tin ở Việt Nam “mở cửa” kết nối với mạng Internet thế giới từ năm 1999, đã có hàng vài trăm trang web của các tổ chức người Việt ở nước ngoài chống đối Việt Nam được thiết lập để truyền bá các thông tin xuyên tạc, vu cáo, bịa đặt chống Việt Nam. Trong đó có những tổ chức đã thiết lập nhiều trang web khác nhau (kể cả chính danh và mạo danh) để tung về Việt Nam những thông tin xấu độc nhằm xuyên tạc tình hình ở Việt Nam, xuyên tạc đường lối chính sách của Nhà nước Việt Nam, bóp méo sự thật, lung lạc nhân tâm, gây rối loạn xã hội, kích động tư tưởng chống đối, gây bạo loạn .v.v…
- Loại thứ hai là các trang “Blog”, tên đầy đủ là “Web Blog”. Đây là một dạng “Nhật ký trực tuyến” trên không gian mạng, có thể do một cá nhân hoặc một nhóm cá nhân tạo dựng và sử dụng, được gọi là “Blogger” (Người viết blog). Một trang blog có thể chứa các siêu liên kết, hình ảnh và liên kết tới các trang chứa phim và âm nhạc… Văn bản blog thường dùng phong cách thảo luận. Tuy nhiên, cũng có nhiều cá nhân và tỏ chức sử dụng blog như một kênh phát ngôn để truyền bá tư tưởng chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… của bản thân hoặc của một tổ chức mà người đó tham gia.
Một blog thường chỉ liên quan đến một chủ đề mà chủ nhân (hoặc nhóm chủ nhân) của nó ưa thích. Nhưng cũng có những trang blog đề cập đến nhiều chủ đề tùy theo sự quan tâm của thân chủ (hoặc nhóm thân chủ) của nó. Blog có thể được dùng để truyền tải thông tin (bao gồm cả các liên kết hình ảnh, âm thanh, chữ viết .v.v…); có thể được dùng để được dùng như một trang web để truyền tải những nội dung quảng cáo của một công ty; cũng có thể được dùng để truyền tải các sản phẩm sáng tác nghệ thuật, báo chí, hình ảnh và đương nhiên là cũng có thể truyền bá cả tư tưởng chính trị, xã hội…
Các “Webblog” cho thấy các dấu hiệu mập mờ về sự tồn tại của nó như một phương tiện thông tin đại chúng khi đề cập đến hành lang pháp lý. Một số blogger coi trang blog của họ không phải là một phương tiện thông tin đại chúng (như báo, tạp chí, tập san .v.v…) và do đó, họ cho rằng các cơ quan quản lý phương tiện thông tin đại chúng không thể bắt họ đăng ký xuất bản. Nhưng cũng có không ít blogger làm việc cho các cơ quan thông tin đại chúng tự nguyện đăng ký xuất bản, chủ yếu để giữ bản quyền của tác phẩm mà họ đã đưa lên mạng Internet. Tình trạng mập mờ này cộng với việc nhiều phần tử phản động trong nước lợi dụng trang blog của mình để tung ra những luận điệu bịa đặt, bóp méo sự thật, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ cá nhân và tổ chức, xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam, thậm chí là kêu gọi chống đối chế độ đã buộc Nhà nước Việt Nam phải có các biện pháp quản lý chặt chẽ đối với các “webblog” cũng như các “blogger”.
- Loại thứ ba là các trang “Word Press” (thường được gọi là “Nhà xuất bản điện tử”). Nó được hiểu là một hệ thống xuất bản blog, là hậu duệ của thể loại “B2/cafelog”, một ứng dụng phát triển từ “Blog”. Word Press ưu việt hơn Blog ở chỗ nó trang bị cho người dùng những tính quản lý blog, quản lý các bài viết rất thuận tiện giống như các phần mềm thiết kế Website chuyên nghiệp mà không cần nhờ đến các chuyên gia thiết kế Website. Thân chủ (hoặc nhóm thân chủ) của một trang Word Prees có thể liên tục cập nhật các phiên bản mới, có thể lập các ô chức năng thống kê số lượng truy cập blog, làm nổi bật các bài viết mới nhất, các comment mới nhất, liệt kê các chuyên mục, liệt kê danh sách các trang liên kết, liệt kê danh sách bài viết trong từng tháng .v.v…
Ngoài thống kê số truy nhập của từng ngày cho blog, Wordpress còn thống kê số truy nhập của từng ngày đối với mỗi bài viết của blog. Trên cơ sở đó chủ blog sẽ có định hướng nên viết về vấn đề gì tiếp theo. Mặt khác chủ trang Word Press cũng được quyền lọc các bình luận (comment) và quyết định có đăng hoặc xóa bình luận nào đó hay không. Chủ trang Word Prees (Admin) có thể “chiêu mộ” tối đa là 35 cộng tác viên gửi bài đăng trên trang Word Press của mình, có thể phân quyền cho các cộng tác viên tin cậy làm quản lý (Moderator) ở các cấp độ khác nhau.
Admin của một Word Press có thể lưu giữ danh sách các người dùng mạng (IP) đã ghé thăm trang của mình; cũng có thể cho bất kỳ ai đăng bài gửi qua Email vào trang WP của mình qua việc cung cấp cho họ một địa chỉ Email bí mật của blog (địa chỉ này có thể thay đổi bất kỳ lúc nào). Cuối cùng, dịch vụ “Wordprees.com” là dịch vụ miễn phí và được bảo mật bằng phần mềm ẩn danh. Không những thế, mỗi trang “Wordpress” được đăng ký có thể được cấp miễn phí 3 GB (3 tỷ byte) từ máy chủ mà họ đăng ký để lưu trữ các tập tin văn bản, hình ảnh và sao lưu dữ liệu nhằm khôi phục nội dung blog một cách dễ dàng nếu chẳng may trang đó bị hacker tấn công làm hỏng hoặc xóa nội dung. Dịch vụ “Wordpress.com” cũng cung cấp công cụ chuyển đổi từ các trang “Webblog” thành các trang “WordPress”.
Vì những tính năng ưu việt trên đây cũng như những ưu đãi (dĩ nhiên là có động cơ mục đích lợi dụng) từ phía các nhà mạng nên khi các cơ quan chức năng quản lý không gian mạng của Việt Nam thắt chặt quản lý nội dung các trang Blog, nhiều phần tử có thái độ chống đối chính quyền, chống phá Nhà nước Việt Nam đã chuyển từ việc sử dụng “Webblog” sang việc sử dụng “Wordpress”.
- Loại thứ ba là các trang Facebook, bao gồm cả trang cá nhân, trang tác giả, trang nhóm, trang địa điểm, trang fanpage của cá nhân hoặc tổ chức .v.v…
“Facebook” là một “Website dịch vụ mạng xã hội và truyền thông xã hội” do Công ty “Facebook Inc” điều hành, có trụ sở tại thành phố Menlo Park, bang California, Mỹ; do Mark Elliot Zuckerberg (sinh ngày 14-5-1984) cùng các bạn sinh viên của anh ta tại Đại học Harvard thiết lập ngày 4-2-2004. Hiện nay, “Facebook” là mạng xã hội có quy mô lớn nhất toàn cầu với hơn 2,2 tỷ nickname (thống kê năm 2018) và là dịch vụ mạng có số lượng truy cập lớn thứ hai thế giới (chỉ sau Google).
Về kỹ thuật, facebook tích hợp các tính năng liên kết và siêu liên kết, tính năng nhúng các tập tin văn bản, âm thanh, hình ảnh tĩnh và động, các tính năng lọc, bình luận, biểu lộ cảm xúc, đánh dấu thông tin, thiết lập quyền riêng tư, theo dõi, kết bạn, chặn liên kết, lưu trữ, hộp thư nhắn tin .v.v…
Về công dụng, Facebook cho phép tạo nhiều thể loại trang mạng khác nhau, phổ biến là các trang cá nhân, các trang nhóm, tổ chức, các trang quảng cáo, giới thiệu địa điểm, trang tác giả (có bảo hộ tác quyền), trang fanpage .v.v… Về mức độ bảo mật, facebook có các dạng trang công khai, trang nửa kín và trang kín. Đối với các trang nhóm/tổ chức, facebook có các cấu trúc gần giống một trang wordpress hoặc một trang web của tổ chức, có phân tầng admin, moderator, member, phân công kiểm soát nội dung
Với nhiều tính năng ưu việt và công dụng phong phú, Facebook hiện đã có hơn 64 triệu nicknames tiếng Việt sử dụng và cũng là mạng xã hội có nhiều trang giả mạo nhất (chỉ tính riêng số trang sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt).
3- Nhận diện các trang mạng giả mạo:
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, các trang mạng giả mạo thường đứng tên các nhân vật nổi tiếng, có uy tín trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội hoặc mạo danh những tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức doanh nghiệp .v.v… có uy tín, có tầm ảnh hưởng rộng lớn.
Về kỹ thuật, các trang mạng giả mạo được thiết kế theo phong cách rất chuyên nghiệp, có bố cục, hình ảnh, màu sắc, hình thức phù hợp với cá nhân hoặc tổ chức bị mạo danh. Đồng thời, những người thiết kế các trang mạng mạo danh cũng gài vào những hình ảnh đặc trưng, có tính đại diện cho cá nhân hay tổ chức bị mạo danh để đánh lừa sự nhận biết của người sử dụng mạng.
Về nội dung, các trang mạng giả mạo thường khai thác các thông tin từ các nguồn chính thống để đăng tải. Bên cạnh đó, cũng có những bài viết riêng về các vấn đề có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến cá nhân, tổ chức bị giả mạo, được thể hiện bằng văn phong, cách tu từ, thói quen sử dụng thành ngữ của cá nhân bị giả mạo. Đối với các trang giả mạo tổ chức, phần lớn các bài đăng nhân danh tổ cức được soạn thảo theo văn phong phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức bị giả mạo. Ví dụ, một trang web giả mạo Quốc hội Việt Nam hoặc Chính thủ Việt Nam thường đăng những bài viết có đặc điểm văn phong hành chính – pháp luật rất đăc trưng sao cho chúng giống với đặc điểm văn phong của tổ chức bị giả mạo.
Các trang mạng giả mạo những nhân vật nối tiếng, những tổ chức có uy tín thường tạo ra những liên kết, siêu liên kết với các trang mạng chính danh của các tổ chức nổi tiếng, các cá nhân có uy tín để đánh lừa người truy cập. Ở đây, cũng có cả những sự chia sẻ thông tin về những vấn đề cùng quan tâm về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh hoặc những vụ việc “nóng” ở trong nước và quốc tế. Người truy cập thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm đọc - hiểu thông tin trên mạng, thiếu thông tin từ nhiều nguồn chính thống và không tỉnh táo rất khó phân biệt được thật - giả trong mớ thông tin đa dạng, đa chiều trên các trang mạng giả mạo ấy.
Có một điều rất dễ nhận biết là các trang web mạo danh cá nhân, tổ chức lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam đều được đăng ký trên máy chủ ở nước ngoài với nhiều tên miền khác nhau nhưng không hề có tên miền Việt Nam (có đuôi “.vn”), không có tên người đứng đầu “Ban biên tập”, không có địa chỉ trụ sở tại Việt Nam và đặc biệt là không có thông tin cấp phép xuất bản của cơ quan chức năng của Nhà nước Việt Nam bao gồm số hiệu giấy phép xuất bản, ngày tháng được cấp và thời hạn hiệu lực của giấy phép. Trong khi đó, pháp luật Việt Nam quy định tất cả các trang web (bao gồm cả báo điện tử, tạp chí điện tử, trang tổng hợp thông tin điện tử, trang xuất bản điện tử...) của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam đều phải đăng ký sử dụng tên miền “,vn” và phải được cấp phép bởi Cục Xuất bản-In-Phát hành thuộc Bộ Thông tin truyền thông.
Một đặc điểm khác rất dễ phân biệt là các trang web mạo danh này thường chứa những địa chỉ liên kết đến nhiều trang web chính danh hoặc mạo danh được đăng ký tại máy chủ đặt ở nước ngoài. Trong đó, có một số lượng lớn các trang web của các cá nhân, tổ chức phản động chống Nhà nước Việt Nam ở nước ngoài hoặc ở trong nước nhưng đăng ký trang web trên máy chủ ở nước ngoài. Và đương nhiên là các trang web này đều sử dụng tính năng ẩn danh. Có nghĩa là các cơ quan quản lý mạng chỉ có thể truy xuất thông tin đến địa chỉ IP của đối tượng nhưng không thể xác định được danh tính của kẻ giả mạo.
Mục đích của những kẻ, những tổ chức thiết lập các trang mạng giả mạo cũng rất đa dạng. Tựu chung lại, chúng có một só mục đích cơ bản như sau:
- Thu thập thông tin về các bí mật quốc gia, bí mật quân sự, bí mật nghiệp vụ của các tổ chức Đảng, Nhà nước, Quân đội, Công an .v.v…
- Gây chiến tranh tâm lý, tuyên truyền xuyên tạc đường lối chính sách, bóp méo sự thật, giả mạo, dựng chuyện bịa đặt nhằm tác động tiêu cực đế dư luận xã hội, gây nghì ngờ, hiểu lầm, chia rẽ nội bộ, tạo ra tâm lý bất an, phân tâm trong xã hội phục vụ cho mục tiêu diễn biến hòa bình, tạo ra sự tự diễn biến, tự chuyển hóa.
- Gây nhiễu loạn, thông tin phục vụ cho các mục đích thao túng các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội.
- Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
- Đe dọa nhằm cưỡng đoạt tài sản.
- Thu thập thông tin cá nhân một cách bất hợp pháp nhằm chiếm đoạt tài sản.
- Hạ thấp, bôi nhọ uy tín của doanh nhân hay doanh nghiệp nhằm mục đích cạnh tranh bất hợp pháp.
.v.v…
Trong phạm vi chủ đề của bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến những trang web mạo danh cá nhân, tổ chức lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhằm mục đích gây rối loạn nội bộ, chia rẽ nội bộ, tuyên truyền những quan điểm sai trái, hạ thấp và gây mất niềm tin và uy tín đối với cá nhân, tổ chức .v.v…
4- Thủ đoạn cài cấy thông tin xấu độc.
Một trang web mạo danh cá nhân, tổ chức lãnh đạo Đảng và Nhà nước thường thu thập và đăng tải các thông tin về hoạt động của cá nhân, tổ chức đó được đăng trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng được Nhà nước Việt Nam cấp phép hoạt động hợp pháp. Thủ đoạn này khiến cho nhiều độc giả của trang tin rằng trang web ấy là trang web chính thức của đồng chí lãnh đạo A, của đồng chí lãnh đạo B hoặc của tổ chức Đảng, Nhà nước A, B, C .v.v…
Tuy nhiên, để phục vụ cho một vài mục tiêu gây nhiễu loạn thông tin, đánh lạc hướng dư luận, thao túng dư luận xung quanh những vụ việc, những sự kiện được dư luận quan tâm, chú ý, các trang web mạo danh cá nhân, tổ chức lãnh đạo Đảng và Nhà cũng biên soạn và đăng tải một số bài viết nói lên quan điểm của các nhân hoặc tổ chức bị mạo danh. Điều này là cực kỳ nguy hiểm bởi sự giả mạo thông tin ấy lại mạo danh tổ chức và cá nhân lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Nó làm cho người truy cập và đọc thông tin hiểu rằng đó là chủ trương chính thức của Đảng và Nhà nước Việt Nam hoặc chủ trương chính thức của các tổ chức chính trị-xã hội nằm trong hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong khi Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam tiến hành công cuộc chống suy thoái vè tư tưởng chính trị, chống tham nhũng, chống tự diễn biến, chống tự chuyển hóa thì các trang web giả mạo này cũng cài cấy một số thông tin kiểu “nửa nạc, nửa mỡ” nhân danh phát ngôn của các nhân này, tổ chức kia để tạo ra cảm giác cho người đọc rằng đang có sự chia rẽ, đấu đá nội bộ, mất đoàn kết nghiêm trọng trong các tổ chức Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội cũng như mâu thuẫn giữa cá nhân các đồng chí lãnh đạo trong chủ trương, chính sách và điều hành.
Mỗi khi việc điều hành thực hiện chủ trương, chính sách gặp khó khăn, mỗi khi có những va chạm trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam với một số quốc gia, hoặc mỗi khi có những vụ án lớn diễn ra, hoặc mỗi khi có thiên tai địch họa, tai nạn lớn .v.v… thì các trang web giả mạo này một mặt đăng tải những quan điểm, ý kiến đúng đắn, chính thống; mặt khác, kẻ giả mạo thường cài cấy vào đó một số cụm từ ngữ, câu chữ có tính hướng lái người đọc đến những hiểu biết lệch lạc, những đánh giá sai lầm về bản chất của sự việc. Từ đó, những kẻ tạo dựng và sử dụng các trang web giả mạo ấy dễ bề thao túng dư luận cán bộ, Đảng viên và quần chúng, gây nhiễu thông tin, tạo sự bất đồng thuận trong dư luận xã hội. Từ đó thúc đẩy âm mưu diễn biến hòa bình, gây mất ổn định xã hội, tác hai rất lớn đến việc bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
5- Xử lý các trang web mạo danh – pháp lý và thực tế:
Luật An ninh mạng của Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019 với nhiều tham chiếu đến Bộ Luật hình sự của Việt Nam đã cung cấp những hành lang pháp lý quan trọng để xử lý những trường hợp mạo danh và đăng tải thông tin giả mạo trên mạng. Luật An ninh mạng 2018 có quy định các hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội là:
- Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác. (quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 16). Trong trường hợp này, mạo danh cũng bị coi là đăng tải thông tin bịa đặt, thông tin sai sự thật.
- Giả mạo trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân (quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 18).
Bên cạnh đó, theo Luật Công nghệ thông tin năm 2006 hiện vẫn đang có hiệu lực thi hành có quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 12 nghiêm cấm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân. Tùy theo mục đích thực hiện hành vi phạm tội, kẻ giả mạo có thể bị xử lý hành chính hoặc cao hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội danh tương thích với mục đích đó.
Tuy nhiên, đối với các trang thông tin điện tử giả mạo tổ chức, cá nhân lãnh đạo Đảng và Nhà nước như đã dẫn ra trên đây thì không hề đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ. Đối với các trang fanpage giả mạo hoặc trang cá nhân mạo danh trên mạng Facebook, Nhà nước Việt Nam đã yêu cầu nhà kinh doanh mạng Facebook ở Việt Nam gỡ bỏ các trang đó. Yêu cầu này đến nay đã được thực hiện một phần nhưng chưa triệt để.
Nhưng đối với các trang web mạo danh có địa chỉ “WWW” đăng ký tại các máy chủ ở nước ngoài mà tuyệt đại đa số là ở Mỹ thì các cơ quan chức năng của Việt Nam đã gặp khó khăn rất lớn về pháp lý quốc tế. Bởi ở Mỹ, quyền riêng tư của cá nhân sử dụng mạng được bảo vệ tối đa. Ngay cả sau khi xảy ra vụ khủng bố tầm cỡ thế kỷ ngày 11-9-2001, Tòa án tối cao liên bang và Bộ Tư pháp Mỹ đã phải đệ trình Quốc hội Mỹ thông qua mọt số dự luật cho phép CIA, DIA và FBI được phép truy cập danh tính xác thực của người dùng trên mạng nhằm bảo vệ an ninh quốc gia của Mỹ nhưng với những thủ tục hết sức phức tạp.
Vì thủ tục pháp lý khó khăn cũng như chính sách, luật pháp của Mỹ ưu tiên bảo vệ các nhà kinh doanh công nghệ mạng của Mỹ bất chấp việc người dùng mạng xâm phạm an ninh quốc gia của các nước khác nên kể cả việc cơ quan an ninh Việt Nam có truy tìm được đến địa chỉ IP của đối tượng giả mạo thì cũng buộc phải dừng lại bởi kẻ mạo danh luôn sử dụng dịch vụ ẩn danh trên mạng. Ngay cả cơ quan FBI của Mỹ cũng đã từng bị hãng Apple từ chối cung cấp danh tính của một số kẻ bị tình nghi là khủng bố dưới chiêu bài “bải vệ thông tin cá nhân của người dùng mạng”. Chỉ đến khi Tòa án tối cao liên bang Mỹ ra phán quyết buộc Apple phải cung cấp thông tin cá nhân về những kẻ đó đi đôi với việc FBI dọa “xé luật” để phá mã khóa bảo mật thì Apple mới chịu cung cấp thông tin.
Những chính sách, pháp luật về an ninh mạng và công nghệ thông tin của Mỹ một mặt giúp cho Mỹ bảo vệ được mình nhưng lại là môi trường dung dưỡng những đối tượng chống đối thoải mái thực hiện các hành vi lợi dụng không gian mạng để phá hoại an ninh trật tự, xâm phạm độc lập và chủ quyền quốc gia của các nước khác mà không bị trừng phạt. Nguyên nhân gốc rễ của hiện tượng này chính là vì Mỹ đang nắm độc quyền về công nghệ mạng thông tin toàn cầu (Hệ thống công nghệ WWW). Ngay cả những nước có thế mạnh về công nghệ này như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ cũng chỉ đủ sức để thiết lập không gian mạng riêng nhằm tự bảo vệ mình là chính chứ chưa thể cạnh tranh được với các nhà mạng Mỹ trên phạm vi toàn cầu. Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho rằng do không có hệ thống pháp lý quốc tế đẻ xử lý việc giả mạo trên mạng toàn cầu cũng như sự tồn tại của dịch vụ ẩn danh trên mạng (theo luật pháp Mỹ) nên việc xử lý ngăn chặn các trang web mạo danh là rất khó khăn nếu như không có sự hợp tác song phương (chủ yếu là với Mỹ) hoặc đa phương về vấn đề này.
Từ thực tế trên đây cho thấy nếu chỉ dùng biện pháp ngăn chặn bằng công nghệ và kỹ thuật thì vẫn không thể đủ để chống lại thủ đoạn giả mạo trong cuộc chiến tranh thông tin mạng hiện nay. Bởi với kỹ thuật firewall (Bức tường lửa) thì khi một vài trang web mạo danh bị chặn, những kẻ giả mạo vẫn có thể lập ra một trang web mạo danh mới giống hệt trang cũ nhờ công nghệ siêu lưu trữ, đăng ký lại tên miền mới và tiếp tục các hoạt động mạo danh. Mặt khác, những người truy cập cố tình tìm kiếm vẫn có thể sử dụng kỹ thuật proxy để mạo danh một IP có địa chỉ ở nước ngoài và truy cập trang mạo danh đó.
Vì vậy, biện pháp tối ưu nhất vẫn là tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để người dùng mạng ở Việt Nam nhận biết những trang mạng giả danh đó và nâng cao cảnh giác đối với các thông tin xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo sự thật, kích động chống phá của các thế lực phản động trong và ngoài nước trên không gian mạng. Đó cũng là mục đích tối cao của người viết khi đăng tải bài này.
P/S: Xin chân thành cảm ơn Nhà báo Nguyễn Đức Minh cùng các đồng nghiệp đã xây dựng video phóng sự rất quan trọng này, góp phần vạch mặt các thế lực thù địch và cảnh báo đến đông đảo đồng bào ta ở trong và ngoài nước về các thủ đoạn “truyền thông bẩn” rất tinh vi, xảo quyệt của chúng.
Video: Những trang mạng mạo danh tổ chức và cá nhân lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam.

3 nhận xét:

  1. Việt Nam rất tự do trong sử dụng Internet; nhưng không được sử dụng để chống phá chế độ, chống phá Đảng và Nhà nước theo quy định của pháp luật; không có quốc gia nào cho phép sử dụng Internet để chống đối chế độ cả.

    Trả lờiXóa
  2. Hiện nay có rất nhiều kẻ lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền sai trái, kích động chống phá Cách mạng Việt Nam; chúng ta cần hết sức cảnh giác.

    Trả lờiXóa
  3. Trên các trang MXH hiện có rất nhiều thông tin phản động, mỗi chúng ta cần tỉnh táo để không bị lôi kéo, biến mình thành con rối của kẻ xấu, tiếp tay cho những mưu đồ thấp hèn; điều đó vừa nguy hại đến an ninh quốc gia, vừa vi phạm pháp luật, trái với đạo lý, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.

    Trả lờiXóa