Thứ Hai, 30 tháng 9, 2019

Liệu xung đột văn hóa có thay thế cho đấu tranh giai cấp?


Ảnh minh họa - Nguồn: antg.cand.com.vn
1- Trong vài chục năm qua, trên thế giới đã có những nghiên cứu về sự va chạm, sự xung đột văn hóa ở những vùng, những khu vực thuộc các nền văn minh khác nhau hoặc các chế độ xã hội khác nhau, nhưng có lẽ một trong những người đã bỏ ra nhiều công sức để phân tích sự va chạm hay sự xung đột giữa các nền văn hóa và văn minh ấy chính là Xa-mu-en Phi-líp Hăn-tinh-tơn (Samuel Phillips Huntington) - nhà nghiên cứu chính trị và chiến lược người Mỹ, đã từng là Chủ tịch Hội Khoa học chính trị Mỹ, trong các bài báo Sự va chạm giữa các nền văn minh và Nếu không phải là các nền văn minh thì là cái gì? (Tạp chí Foreign Affairs, 1993) và tập trung nhất là trong công trình Sự va chạm của các nền văn minh(1) (năm 1996).
Quan niệm của X.Ph. Hăn-tinh-tơn về khái niệm văn hóa được trình bày trong công trình Sự va chạm của các nền văn minh này dường như đồng nhất với khái niệm văn minh. Hoặc theo ông, cơ sở của sự đụng độ, sự xung đột giữa các nền văn minh chính là văn hóa. Cần ghi nhận rằng, trong công trình này, X.Ph. Hăn-tinh-tơn đã đưa ra một số cảnh báo cần phải được lưu tâm về hậu quả xã hội của sự va chạm, sự đụng độ hay mạnh hơn là sự xung đột do những sự khác biệt, những mâu thuẫn trong văn hóa gây nên.
Tuy nhiên, một trong những điều cần phải nói đến ở công trình Sự va chạm của các nền văn minh của X.Ph. Hăn-tinh-tơn là ông coi nguồn gốc của các xung đột trên thế giới từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc trở đi sẽ không còn là hệ tư tưởng, cũng không còn là nguyên nhân kinh tế mà nguồn gốc quan trọng nhất chia rẽ các dân tộc, các quốc gia sẽ là các xung đột về văn hóa. X.Ph. Hăn-tinh-tơn viết: “Trong thế giới này, các cuộc xung đột dữ dội, quan trọng và nguy hiểm nhất không phải giữa các tầng lớp xã hội, giữa giàu và nghèo mà [là] giữa các dân tộc thuộc về các chính thể văn hóa khác nhau”(2).
Quan điểm trên đây của X.Ph. Hăn-tinh-tơn giống quan điểm của Va-clap Ha-ven (Vaclav Havel)(3)  và  Giắc-cơ  Đờ-lo  (Jacques  Delors)(4). Theo V. Ha-ven, xung đột văn hóa ngày càng tăng và chưa khi nào trong lịch sử nó nguy hiểm như ngày nay. Quan điểm trên của X.Ph. Hăn-tinh-tơn càng giống hơn nữa với quan điểm của Gi. Đờ-lo khi ông này cho rằng, các xung đột trong tương lai sẽ được châm ngòi bằng những yếu tố văn hóa chứ không phải kinh tế hay ý thức hệ tư tưởng.
Như vậy, theo X.Ph.  Hăn-tinh-tơn và những người cùng quan điểm, hiện tại và cả trong tương lai, sự đụng độ, sự xung đột văn hóa giữa và trong nội bộ các nền văn minh của nhân loại sẽ trở thành nhân tố chủ yếu chi phối nền chính trị thế giới. Không những vậy, theo X.Ph. Hăn-tinh-tơn, sự xung đột giữa tầng lớp những người giàu có và tầng lớp những người nghèo khổ sẽ không còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị và xã hội thế giới. Hơn thế nữa, điều đó có nghĩa là, sẽ không còn diễn ra sự đấu tranh nào giữa người giàu và người nghèo trong xã hội; không còn phải lo đến chuyện đấu tranh đòi quyền bình đẳng hay sự công bằng xã hội cũng chính là sẽ không còn cuộc đấu tranh giai cấp ở mỗi nước và trên phạm vi toàn thế giới. Trong thế giới đương đại, theo X.Ph. Hăn-tinh-tơn, sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc thì ranh giới giữa các nền văn minh, mà cốt lõi là văn hóa, sẽ trở thành chiến tuyến mới.
Vì sao X.Ph.  Hăn-tinh-tơn và những người cùng quan điểm với ông lại đặt sự xung đột dữ dội về văn hóa thay cho sự xung đột giàu  - nghèo, thay cho sự xung đột giữa các tầng lớp trong xã hội và tạo cơ sở để suy rộng ra là thay cho đấu tranh giai cấp? Phải chăng do X.Ph. Hăn-tinh-tơn chỉ nhìn thấy sự khác biệt, những mâu thuẫn, những nhược điểm và những hạn chế, hay nói chung, chỉ thấy mặt tiêu cực mà không nhìn thấy hay cố tình không nhìn thấy những giá trị căn bản, giá trị cốt lõi, nổi trội, phổ biến của văn hóa mà xưa nay vốn được nhân loại tôn sùng, hướng tới và vẫn đang tiếp tục hướng tới, đó là những giá trị Chân - Thiện - Mỹ?
Chúng tôi cho rằng, trong thời đại toàn cầu hóa, chính các giá trị vốn đã tồn tại hàng nghìn đời cùng với nhân loại đã kéo mọi người xích gần lại với nhau hơn; đã mở ra những cơ hội để cho các dân tộc đối thoại với nhau, để trao đổi, giao lưu và học hỏi lẫn nhau chứ không phải là ngược lại. Sở dĩ các quốc gia có điều kiện để phát triển đất nước, để đạt được tiến bộ một phần rất quan trọng là nhờ có văn hóa hòa bình, nhờ có văn hóa khoan dung và nhờ có sự đối thoại chân thành, cởi mở, bình đẳng. Đành rằng, thực tế là trong lịch sử đã có những cuộc thanh trừng sắc tộc, sự kỳ thị với người Hồi giáo, người Do Thái, đặc biệt là vẫn đang diễn ra tại nhiều nơi với những người da màu, tuy nhiên, những cuộc thanh trừng ấy chủ yếu liên quan đến lãnh thổ, đến kinh tế, nói chung là đến địa - chính trị, địa - kinh tế, đến nạn phân biệt chủng tộc chứ không phải là vì sự khác biệt về văn hóa, không phải do xung đột văn hóa.
Câu hỏi đặt ra là liệu hiện nay và mai sau xung đột văn hóa có thay thế hoàn toàn cho xung đột lợi ích giai cấp và đấu tranh giai cấp hay không? Có phải trong tương lai nguyên nhân dẫn đến các xung đột xã hội sẽ là các yếu tố văn hóa chứ không phải do sự bất bình đẳng về kinh tế - xã hội, do sự phân cực giàu nghèo hay không?
2- Có thể hiểu xung đột (“conflicts”) theo hai nghĩa. Thứ nhất, xung đột là sự không tương thích, không khớp nhau giữa các thành phần, các bộ phận, các yếu tố cấu thành của một hệ thống. Chính sự không tương thích, không khớp nhau ấy sẽ dẫn đến hệ quả khó có thể lường trước, thậm chí khó tránh khỏi là sự vận hành trục trặc, hoặc nặng nề hơn là sự sụp đổ, phá vỡ của hệ thống đó. Thứ hai, xung đột trong xã hội là sự va chạm mạnh mẽ, sự chống đối nhau do mâu thuẫn gay gắt không thể giải quyết bằng các biện pháp dung hòa hay thỏa hiệp.
Mặc dù từ lâu vấn đề xung đột đã được nghiên cứu sâu trong những lĩnh vực quan hệ quốc tế, xã hội học, chính trị học,... nhưng sự xung đột trong văn hóa, đặc biệt là sự xung đột giữa các nền văn minh, thì mới được bàn đến nhiều trong khoảng mấy chục năm gần đây.
Lịch sử nhân loại từ xa xưa đến nay cho thấy đã xảy ra những xung đột văn hóa thuộc các cấp độ khác nhau. Có cuộc xung đột trong xã hội mà lúc đầu chỉ là những sự khác biệt, những mâu thuẫn nhỏ nhặt, lẻ tẻ trong một phạm vi rất hẹp có thể liên quan đến văn hóa, tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà những sự khác biệt văn hóa, những mâu thuẫn lẻ tẻ ấy không được giải quyết kịp thời, bị tích tụ lại, dần dần mở rộng ra thành những xung đột văn hóa, thậm chí đôi khi có thể trở thành những cuộc chiến tranh giữa các khu vực, các vùng lãnh thổ. Điều này cũng đã từng xảy ra giữa các khu vực vốn có niềm tin tôn giáo và có hệ thống các giá trị văn hóa khác nhau.
Như vậy, sự xung đột trong xã hội có mối quan hệ chặt chẽ với sự phát sinh và tồn tại của những mâu thuẫn. Trong triết học biện chứng duy tâm của Hê-ghen và triết học biện chứng duy vật mác-xít, khái niệm mâu thuẫn được dùng để chỉ cả những mối liên hệ thống nhất lẫn sự đấu tranh, sự chuyển hóa giữa các mặt đối lập trong mỗi sự vật, mỗi hiện tượng hoặc giữa các sự vật, hiện tượng với nhau; nghĩa là mâu thuẫn được coi là mối quan hệ giữa các yếu tố, các khuynh hướng trái ngược nhau trong cùng một đối tượng hoặc giữa các đối tượng trong cùng một hệ thống. Khi không được giải quyết kịp thời, các mâu thuẫn sẽ phát triển tới mức cao nhất là phủ định lẫn nhau và hình thức biểu hiện cao nhất ra bên ngoài chính là sự xung đột. Như vậy, xung đột là sự biểu hiện ra bên ngoài, là hiện tượng hay cũng có thể nói là sự tồn tại khác của mâu thuẫn, còn mâu thuẫn chính là bản chất bên trong của sự vật hay hiện tượng.
Sự xung đột trong một xã hội được thể hiện ở các mức độ khác nhau. Chẳng hạn, ở mức độ nhẹ nhất thì đó là sự bày tỏ thái độ phản đối, chống đối bằng ngôn từ, bằng kiến nghị hoặc bằng yêu sách; ở mức độ cao hơn là sự phản đối bằng hành động phi bạo lực, như biểu tình, lãn công, đình công hoặc tổng bãi công; ở mức độ cao nhất thì đó là hình thức chủ động đấu tranh bằng cách sử dụng bạo lực chính trị kết hợp vũ trang hoặc cũng có thể chỉ bằng bạo lực vũ trang đơn thuần. Như vậy, có thể nói, xét về bản chất, mọi xung đột đều bắt nguồn từ sự khác biệt, sự không dung hợp, sự mâu thuẫn giữa các thành phần, các yếu tố, các đối tượng hoặc các chủ thể khác nhau.
Trước khi bàn về xung đột văn hóa, cần hiểu cho thống nhất một cách tương đối về khái niệm văn hóa.
Chúng ta đều biết, mỗi dân tộc đều có nền văn hóa riêng của dân tộc mình, trong đó tính đa dạng, sự phong phú và sự độc đáo về bản sắc là những nét nổi trội nhất. Vì văn hóa là một trong những đặc trưng tiêu biểu của loài người và chỉ có ở loài người cho nên văn hóa vừa mang tính người, vừa mang tính xã hội. Do vậy, khi xã hội có những chuyển động theo các chiều hướng khác nhau thì những chuyển động đó sẽ được phản ánh dưới các góc độ khác nhau trong văn hóa. Nói cách khác, văn hóa chính là trình độ phát triển lịch sử của xã hội và của con người biểu hiện trong các kiểu, các cách thức tổ chức đời sống và hành động của con người, cũng như trong tổ hợp các giá trị vật chất, các giá trị tinh thần cùng các chuẩn mực hành vi do con người sáng tạo ra để điều chỉnh hành vi con người và được tích lũy lại, được làm phong phú thêm trong quá trình con người tương tác với thiên nhiên và trong quan hệ con người với con người trong xã hội.
Như vậy, văn hóa chính là những dấu ấn của một cộng đồng người, của một dân tộc được ghi lại, được truyền lại cho các thế hệ kế tiếp trong các phong tục, tập quán, thói quen, nghi lễ thờ cúng dân gian; trong các tôn giáo; trong cách thức ứng xử, cách giao lưu của con người; trong các quan hệ xã hội; trong luật pháp cũng như trong các công trình kiến trúc và các tác phẩm nghệ thuật; trong những tạo phẩm vật chất,... được con người làm ra ở những giai đoạn lịch sử khác nhau. Cho nên khi nói đến văn hóa của một tộc người hay của một quốc gia dân tộc, trước hết là nói đến những gì tương đối ổn định, gắn bó mật thiết với con người mà nếu thiếu nó thì con người sẽ cảm thấy vô vị, mất phương hướng, thậm chí là vô vọng. Tuy nhiên, văn hóa không phải là cái hoàn toàn bất biến, cũng không phải là những gì mãi mãi cố định, không có bất cứ sự bổ sung nào. Hơn thế nữa, văn hóa bao hàm trong nó quan hệ giao tiếp, thái độ lẫn cung cách ứng xử, sự học hỏi lẫn nhau, do vậy, nó không chấp nhận sự bài ngoại hay sự biệt lập và nhất là không chịu tự trói buộc mình quá ngặt nghèo vào truyền thống, vào quá khứ.
Các giá trị văn hóa của một cộng đồng người hay của cả một dân tộc đóng vai trò là chất gắn kết chặt chẽ tất cả những con người trong cộng đồng hay dân tộc đó. Vì lẽ ấy mà các giá trị văn hóa lâu đời của một cộng đồng hay của một quốc gia - dân tộc luôn được gìn giữ hết sức thành kính và cẩn trọng; càng được ra sức bảo vệ trong những thời khắc vô cùng khó khăn, khốc liệt của lịch sử như chiến tranh và làm cho chúng ngày càng phong phú thêm. Cũng chính vì lẽ ấy mà sự xung đột về văn hóa đôi khi có thể là nguyên cớ dẫn đến sự xung đột giữa các quốc gia - dân tộc. Song, sự xung đột vì nguyên cớ này chỉ là những trường hợp vô cùng hiếm hoi và hết sức cá biệt. Bởi vì, lịch sử nhân loại đã cho thấy, sự khác biệt về văn hóa không phải lúc nào cũng là căn nguyên chủ yếu dẫn đến sự chia rẽ, cũng không dẫn đến những mâu thuẫn không thể giải quyết và nhất là càng không dẫn đến sự xung đột giữa các dân tộc, các quốc gia. Chúng ta thấy rất rõ rằng, các nền văn hóa từ văn hóa cổ đại Ai Cập, văn hóa Hy Lạp - La Mã, văn hóa thời kỳ Phục hưng cho đến văn hóa Khai sáng ở châu Âu và văn hóa trong thế giới đương đại đều có những điểm tương đồng là đối thoại, tiếp nhận, tiếp biến, hòa hợp, khoan dung và học hỏi lẫn nhau. Như vậy, văn hóa tuyệt nhiên không phải là nguồn gốc, cũng không phải là nguyên cớ hay là nguyên nhân chủ yếu của những sự chia rẽ, những mối bất hòa hay của những xung đột xã hội. Ngược lại, văn hóa chính là chất kết dính mọi người lại với nhau, khơi dậy lại, vun đắp lòng khoan dung, tính vị tha ở mỗi con người, ở dân tộc này đối với dân tộc khác mà có thể một lúc nào đó bị lãng quên, bị phai nhạt vì những lý do khác nhau.
Xung đột trong văn hóa được hiểu là sự khác biệt văn hóa bị đẩy đến mức mâu thuẫn gay gắt, đến sự phủ định lẫn nhau giữa các giá trị và bản sắc văn hóa khác nhau. Sự xung đột này thể hiện rõ nhất là trong tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lối sống dưới nhiều hình thức, song suy đến cùng, về bản chất, nó là sự va chạm, sự đụng độ mạnh mẽ, sự đối lập gay gắt giữa các quan niệm khác nhau về giá trị và hệ thống các giá trị. Một khi sự va chạm, sự đụng độ mạnh mẽ, sự đối lập gay gắt ấy nếu không được giải quyết một cách khéo léo, kịp thời, hợp lý và theo tinh thần khoan dung thì rất có thể sẽ dẫn đến xung đột văn hóa.
Trên phạm vi thế giới, ở một mức độ nhất định chúng ta đã từng và vẫn đang được chứng kiến sự xung đột văn hóa giữa phương Đông và phương Tây, giữa văn hóa Hồi giáo và văn hóa châu Âu Thiên chúa giáo,... thông qua rất nhiều sự biến ở các nước và các khu vực khác nhau. Sự xung đột ấy trước hết phản ánh sự mâu thuẫn giữa hệ thống các giá trị hoặc các giá trị riêng lẻ, giữa các bản sắc, các yếu tố phổ biến trong các cộng đồng dân tộc, như phong tục, tập quán, lối sống, ngôn ngữ, niềm tin, tín ngưỡng,... do các mâu thuẫn không được giải quyết kịp thời. Phải thừa nhận rằng, bên cạnh sự xung đột dễ nhận ra ấy thì đúng là ngay trong lòng các xã hội Hồi giáo và Thiên chúa giáo cũng có lúc đã thể hiện một điều khác rất đáng quan tâm, đó là tinh thần khoan dung đối với người không cùng văn hóa, không cùng tín ngưỡng, không cùng tôn giáo đã giảm đi rõ rệt trong vòng vài chục năm qua(5).
Bên cạnh đó, các nền văn hóa khác nhau còn có những nguyên tắc và những chuẩn mực khác nhau nhất định. Những nguyên tắc và những chuẩn mực ấy có thể là hữu ích, là cần thiết đối với một nền văn hóa nào đó, song lại rất có thể là không có ích, không cần thiết, thậm chí đi ngược lại các giá trị của một nền văn hóa khác. Do vậy, sẽ có những nền văn hóa có xu hướng chống lại các yếu tố văn hóa trái ngược, từ đó làm nảy sinh các mâu thuẫn, đặc biệt là mâu thuẫn sắc tộc diễn ra mạnh mẽ ở các nước phần lớn có sự đa dạng về chủng tộc, sắc tộc. Đồng thời, phải thừa nhận rằng chủ nghĩa bá quyền văn hóa của nước lớn, của các nước đế quốc và các nước tư bản giàu có trên thế giới cũng góp phần không nhỏ làm cho sự khác biệt văn hóa biến thành xung đột. Chủ nghĩa bá quyền văn hóa ấy tự đánh giá nền văn hóa của dân tộc mình là cao nhất, là trên hết vì nó mang giá trị phổ biến, do vậy, nó hạ thấp giá trị và đối xử một cách bất bình đẳng với các nền văn hóa của những quốc gia và dân tộc khác. Cách đối xử như vậy đã dẫn đến phản ứng không tránh khỏi của những nền văn hóa khác và làm nảy sinh các xung đột văn hóa.
Những mâu thuẫn ấy nếu bị đẩy tới cao trào sẽ biểu hiện ra bên ngoài dưới nhiều hình thức khác nhau, mà đậm nét nhất chính là sự va chạm, hay là sự xung đột giữa các nền văn hóa và văn minh khác nhau. Vì vậy, cần phải hết sức thận trọng và tỉnh táo khi nhìn nhận, đánh giá những nét đặc thù, những sự khác biệt về mặt văn hóa trong quan hệ quốc tế, tránh để cho sự khác biệt và sự cách biệt về văn hóa giữa các nền văn minh dẫn loài người đến xung đột và chiến tranh.
3- Không thể không thừa nhận rằng, cho đến lúc này trên toàn thế giới, bất kể là một nước đã ở trình độ phát triển cao, một nước đang phát triển hay một nước kém phát triển thì sự tồn tại các giai cấp khác nhau ở mỗi nước vẫn là một sự thật hiển nhiên. Khi mà các giai cấp khác nhau vẫn còn tồn tại, khi sự bất công và sự phân cực giàu nghèo vẫn còn nguyên đó thì sự đối kháng về lợi ích kinh tế và lập trường chính trị vẫn chưa hề mất đi. Nói cách khác, khi xã hội còn có các giai cấp thì còn có đấu tranh giai cấp, đó là chân lý. Vấn đề đấu tranh giai cấp vẫn thể hiện ra ở tất cả các khía cạnh, như kinh tế, chính trị, xã hội; thể hiện trong các cuộc đấu tranh tư tưởng, trong các chính sách được ban hành và trong các hành động phản ứng lại trước những sự kiện diễn ra trong một nước và trên thế giới...
Dĩ nhiên, cần phải đặt đấu tranh giai cấp trong điều kiện thế giới hiện nay. Không thể phủ nhận rằng, khoa học và công nghệ dù tiến bộ đến mức nào chăng nữa, dù cho máy móc có hiện đại đến cỡ nào đi nữa, dù cho trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) có mặt trong nhiều sản phẩm, có thể thay thế rất nhiều chức năng và sức lực của con người, có thể biến nhiều công nhân thành những người thất nghiệp một phần hay thất nghiệp toàn phần thì trong các lĩnh vực sản xuất xã hội cũng vẫn không thể thiếu được sức lao động của con người,... tức là không thể thiếu được lao động sống. Tất cả họ, dù thuộc tầng lớp nào trong giai cấp công nhân, trước đây cũng như hiện nay, “đều bị giai cấp tư sản biến thành những người làm thuê được trả lương”(6), nghĩa là họ đều không tránh khỏi việc bán sức lao động và bị bóc lột sức lao động.
C. Mác đã từng nói: “... những máy móc có một sức mạnh kỳ diệu trong việc giảm bớt lao động của con người và làm cho lao động của con người có kết quả hơn, thì lại đem nạn đói và tình trạng kiệt quệ đến cho con người. Những nguồn của cải mới, từ xưa tới nay chưa ai biết, dường như do một sức mạnh thần kỳ nào đó lại đang biến thành nguồn gốc của sự nghèo khổ”(7). Nhận xét đó của C. Mác vẫn rất đúng trong điều kiện cách mạng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo hiện nay. Ở các nước tư bản phát triển, một số ít công nhân tuy đã có một số cổ phần nhất định, đã có thể làm những công việc với mức lương cao nhưng thực chất thì họ vẫn chỉ là những người làm công ăn lương; họ vẫn bị bóc lột giá trị thặng dư dưới nhiều hình thức tinh vi hơn và được che đậy dưới cái tên quen thuộc là lợi nhuận. Song, cần phải thấy một sự thật hiển nhiên là trước đây, hiện nay và chắc chắn cả sau này nữa, sản xuất ra giá trị thặng dư vẫn là quy luật tuyệt đối của sản xuất tư bản chủ nghĩa. Nếu không có lợi nhuận thì không một nhà tư bản nào lại bỏ vốn để sản xuất, kinh doanh, mà thật ra “lợi nhuận chỉ là hình thái thứ sinh, phái sinh và được biến đổi của giá trị thặng dư, là hình thái tư sản trong đó đã xóa hết những nguồn gốc của nó”(8).
Có một sự thật bất công là hiện nay trên toàn thế giới nhóm 1% số người giàu nhất thế giới đang chiếm tới trên 80% tổng tài sản của toàn xã hội được tạo ra trong năm 2017, cũng 1% số người giàu nhất thế giới ấy chiếm tới 50,1% tài sản của toàn thế giới đang có(9). Con số này đã nói lên sự phân cực giàu nghèo cao đến mức nào trong xã hội hiện đại! Điều đó có nghĩa là giai cấp những người lao động, những người nghèo khổ trong thời đại chúng ta vẫn phải tiến hành các cuộc đấu tranh nhằm giành lại quyền lợi chính đáng, giành lấy sự công bằng cho hơn 90% số người còn lại và nhất là giành việc làm cho hàng trăm triệu người chịu cảnh thất nghiệp trên toàn thế giới.
Chúng ta đều biết là để giai cấp công nhân và tất cả những người lao động giành được quyền lợi chính đáng và sự công bằng trong điều kiện sự phân cực giàu nghèo lớn như hiện nay là điều hoàn toàn không dễ dàng. Bởi vì, sự phân tầng trong giai cấp công nhân đã khác trước rất nhiều; tính chất công việc cũng có những thay đổi đáng kể và không đồng đều về năng lực và các cơ hội. Có những loại việc dùng nhiều lao động không đòi hỏi năng lực cao, song có loại việc lại chỉ cần một số lượng lao động rất nhỏ nhưng yêu cầu trình độ cao, thậm chí rất cao. Do vậy, các cuộc đình công huy động được rất nhiều người lao động tham gia đã diễn ra và làm tê liệt trong nhiều ngày các lĩnh vực sản xuất, khai thác khoáng sản, chế tạo ô-tô hoặc các lĩnh vực trọng yếu, như vận tải hàng không, lái tàu điện ngầm, lái xe lửa... Điển hình nhất là phong trào biểu tình “chiếm phố Uôn” năm 2011 diễn ra tại Mỹ đã thu hút không chỉ người nghèo mà còn rất nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu, sau đó lan rộng ra gần 1.000 thành phố của hơn 80 quốc gia thuộc châu Mỹ, châu Âu, châu Á và châu Đại dương.
Song, có một thực tế khác là số người tham gia bãi công trong các lĩnh vực công nghệ cao lại không nhiều. Đó là vì, nếu như trước đây người công nhân phản đối giới chủ bằng cách phá hủy máy móc hoặc tổ chức đình công dài ngày cần phải huy động đông đảo công nhân, thì ngày nay, “muốn cho sự sản xuất xí nghiệp bị đình đốn, không cần phải dựa vào lực lượng tập thể to lớn của công nhân. Chỉ cần một vi-rút trong máy điện toán đủ làm hại cả chương trình, hay tin tức bị tiết lộ cho đối phương. Một nhân viên hờn giận hay thiếu trách nhiệm cũng có thể khiến cho công ty trở thành hỗn loạn”(10). Như vậy, tính chất của cuộc đấu tranh dù có thay đổi thì vai trò của người công nhân tri thức trong các lĩnh vực công nghệ cao vẫn được thể hiện.
Nói cách khác, khi tính chất công việc của mỗi người lao động trong những lĩnh vực công nghệ cao ngày càng khác nhau thì chính người lao động lại trở thành người có quyền lực trong thời đại “tri thức chuyển mình biến thành phẩm chất quyền lực..., thành ra vai trò cốt tử của quyền lực”(11). Tuy nhiên, trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc, mọi nơi, giới chủ trong giai cấp tư sản, trước đây cũng như hiện giờ, đã không và vẫn không sẵn sàng, không dễ dàng từ bỏ những khoản lợi nhuận khổng lồ của họ. Vì vậy, cuộc đấu tranh cho sự công bằng và quyền bình đẳng cho con người vẫn chưa kết thúc. Do vậy, các hình thức đấu tranh với giới chủ của người lao động để giành những quyền lợi chính đáng, đòi sự công bằng cho mình tuy có khác trước nhưng sẽ không giảm phần quyết liệt.
Thực tế cho thấy, cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và những người lao động trong điều kiện kinh tế tri thức, trong thời đại khoa học và công nghệ cao, thời đại trí tuệ nhân tạo có rất nhiều hình thức, có cả hình thức phản kháng, chống đối cổ điển đông người như trước đây, lẫn các hình thức rất mới tuy ít người nhưng vẫn có tác dụng, ảnh hưởng rất lớn. Vai trò của giai cấp công nhân và những người lao động trong tất cả các mặt của đời sống kinh tế - xã hội hiện đại, trong cuộc đấu tranh chống bóc lột, vì vậy vẫn không hề suy giảm. Sứ mệnh tập hợp sức mạnh của giai cấp công nhân thế giới trong cuộc đấu tranh này đang đặt lên vai các tổ chức công đoàn lớn của thế giới, như Tổng liên đoàn Lao động Quốc tế (ITUC) cùng với các đảng cộng sản và công nhân cách mạng trên toàn thế giới. Phân tích một cách khách quan và khoa học sự biến động trong cơ cấu ngành nghề, trong số lượng công nhân trí thức đang tăng lên như một xu thế tất yếu trong kỷ nguyên công nghệ số và trí tuệ nhân tạo thì càng thấy rõ hơn vai trò của giai cấp công nhân, của cuộc đấu tranh giai cấp dưới những hình thức mới đối với sự phát triển của xã hội hiện đại.
Như vậy, mặc dù đã có những thay đổi đáng kể về hình thức đấu tranh đòi quyền sống, quyền dân chủ, đòi sự công bằng xã hội, chống lại các hình thức bóc lột tinh vi, nhưng tựu trung cuộc đấu tranh giai cấp vẫn đang và sẽ tiếp diễn trong những điều kiện mới chứ không hề mất đi. Cuộc đấu tranh ấy hoàn toàn không thể bị xung đột văn hóa thay thế như một số người lầm tưởng, mặc dù xung đột văn hóa trong thế giới đang toàn cầu hóa này vẫn sẽ là hiện tượng rất đáng được quan tâm để tránh những hậu quả không mong muốn, nhất là trong các quan hệ quốc tế./.
--------------------------------------------------
(1) Samuel Huntington: Sự va chạm của các nền văn minh (The Clash of Civilization and the Remaking of wolrd Order, 2001), Nxb. Lao động, Hà Nội, 2003. Có lẽ tên cuốn sách nên dịch cho đúng là Sự đụng độ giữa các nền văn minh và xây dựng lại thế giới
(2) Samuel Huntington: Sự va chạm của các nền văn minh, Sđd, tr. 13 - Chữ trong [ ] là của tác giả bài viết
(3) Vaclav Havel, nhà văn, triết gia, nhà viết kịch, chính khách, Tổng thống cuối cùng của Tiệp Khắc, Tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Séc
(4) Jacques Delors, chính khách người Pháp
(5) Samuel Huntington: Sự va chạm của các nền văn minh, Sđd, tr. 295
(6) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 600
(7) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, 1993, t. 12, tr. 10
(8) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, 2000, t.  46, phần II, tr. 160
(9)  Xem:  http://vneconomy.vn/nhom-1-giau-nhat-dang-nam-hon-nua-tai-san-the-gioi-20171115102832618.htm
(10), (11) Alvin Toffler: Thăng trầm quyền lực, Phần tiếp, Nxb. Thông tin lý luận, Ban Khoa học xã hội Thành ủy/Thành phố Hồ Chí Minh, 1992, tr. 82, 38
Nguyễn Trọng ChuẩnGS, TS, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

3 nhận xét:

  1. Dù đã có những thay đổi đáng kể về hình thức đấu tranh đòi quyền sống, quyền dân chủ, đòi sự công bằng xã hội, chống lại các hình thức bóc lột tinh vi; nhưng tựu trung cuộc đấu tranh giai cấp vẫn đang và sẽ tiếp diễn trong những điều kiện mới chứ không hề mất đi.

    Trả lờiXóa
  2. Cuộc đấu tranh giai cấp hoàn toàn không thể bị xung đột văn hóa thay thế như một số người lầm tưởng, mặc dù xung đột văn hóa trong thế giới đang toàn cầu hóa này vẫn sẽ là hiện tượng rất đáng được quan tâm để tránh những hậu quả không mong muốn, nhất là trong các quan hệ quốc tế.

    Trả lờiXóa
  3. hực tế cho thấy, cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và những người lao động trong điều kiện kinh tế tri thức, trong thời đại khoa học và công nghệ cao, thời đại trí tuệ nhân tạo có rất nhiều hình thức, có cả hình thức phản kháng, chống đối cổ điển đông người như trước đây, lẫn các hình thức rất mới tuy ít người nhưng vẫn có tác dụng, ảnh hưởng rất lớn.

    Trả lờiXóa