Thứ Hai, 30 tháng 9, 2019

Không để những kẻ cơ hội, lươn lẹo chui vào bộ máy công quyền


Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. (Ảnh: TTXVN)
Một trong những nội dung rất quan trọng trong công tác chuẩn bị đại hội ở các tổ chức đảng là việc chuẩn bị nhân sự. Đại hội có thành công hay không, phụ thuộc một phần rất quan trọng vào công tác chuẩn bị, quy hoạch, sàng lọc nhân sự có chặt chẽ, chu đáo, chính xác hay không. Thời gian gần đây, Trung ương Đảng đã ban hành nhiều chỉ thị yêu cầu tổ chức đảng các cấp cần phải làm thật tốt công tác chuẩn bị nhân sự ngay trước thềm đại hội. Một trong những nội dung các chỉ thị đề ra là các cấp ủy đương nhiệm phải chủ động sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những kẻ cơ hội chính trị, lập trường thiếu vững vàng, thiếu quyết đoán, không có khí khái, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm.
Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị “Về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” nêu rõ: “Kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng, bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh”.
Kết luận số 55-KL/TW ngày 15-8-2019 của Ban Bí thư “Về việc tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ để chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng”, trong đó cảnh báo một số nơi cấp ủy viên, ủy viên thường vụ, người đứng đầu cấp ủy còn đủ điều kiện tái cử có hiện tượng giữ mình, né tránh, ngại va chạm; đồng thời yêu cầu không đưa vào cấp ủy khóa mới những người có biểu hiện “thiếu tích cực trong công tác, sợ trách nhiệm, dĩ hòa vi quý”.
Trước đó (tháng 11-2018), chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Dứt khoát không đưa vào quy hoạch nhiệm kỳ mới những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, mất đoàn kết, gây rối nội bộ, tham nhũng tiêu cực, cơ hội chính trị như “con lươn, con chạch”.
Không ngẫu nhiên mà người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta ví những kẻ cơ hội chính trị như những “con lươn, con chạch”. Một trong những biểu hiện tinh vi nhất của những kẻ cơ hội chính trị như “con lươn, con chạch” là thái độ “sống giả” để tạo ra uy tín giả vì mục đích háo danh, vụ lợi. 
Theo Từ điển tiếng Việt giải thích, “giả” không chỉ có nghĩa “không phải là thật”, mà “giả” còn bao hàm nhiều nghĩa như: Giống vật gì nhưng không phải mang bản chất của vật ấy; làm ra để thay thế một vật nào đó; làm giống như thật; bắt chước sự thật.
Chung quy lại, giả đối lập với thật, là lợi dụng cái thật để làm y như thật nhằm che mắt, lừa dối thiên hạ vì mục đích hẹp hòi, nhỏ nhoi, không chính đáng. Ví như làm và bán hàng giả để kiếm lợi nhuận bất chính. Học hành giả nhằm nâng “khống” kiến thức với động cơ tiến thân không lành mạnh. Chứng chỉ giả nhằm hợp lý hóa trình độ nào đó hay “đánh bóng” lý lịch cá nhân hòng vụ lợi.
Thật ra, cái giả nào cũng đáng quan ngại. Nhưng thời nay, có một thứ giả đáng quan ngại hơn chính là tình trạng “sống giả”. “Sống giả” không chỉ có nghĩa là sống không thật lòng mình, mà đó là kiểu cách sống bằng mọi giá để lấy lòng, mua chuộc người khác. Ở nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức hiện nay, “sống giả” được khoác lên bộ mặt không ít người. Những người “sống giả” có đặc điểm chung là, với cấp trên cái gì cũng phải, cũng đúng, cũng hay; với thủ trưởng thì bao giờ cũng nhẹ nhàng, mềm mỏng, nhũn nhặn “một dạ hai vâng”; với mọi người thì “mười lăm cũng ừ, mười tư cũng gật”, “gió chiều nào che chiều ấy”, “thấy xôi khen xôi ngọt, thấy thịt bảo thịt bùi”, lúc nào cũng ứng xử theo kiểu dĩ hòa vi quý để cố gắng không làm mất lòng, phật ý ai cả.
Nhưng còn có một thứ “sống giả” tinh vi hơn, đấy là một số người ứng xử đến mức “siêu khéo”, luôn sử dụng những “lời có cánh”, những mỹ từ để khen ngợi người này, vuốt ve người khác, biết tận dụng thời cơ để cung kính cấp trên, chiều chuộng cấp dưới, “cưng nựng” đồng nghiệp. Cái sự “sống giả” này thấy rõ nhất ở một số người đang trong thời điểm chuẩn bị quy hoạch, chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm, chuẩn bị bầu cử, chuẩn bị đại hội, chuẩn bị bổ nhiệm chức vụ mới.
Những người “sống giả” không dễ phát hiện như hàng giả, chứng chỉ giả, bằng cấp giả. Vì đó là những con người bằng xương bằng thịt hẳn hoi, đôi khi được “khoác” trên mình bằng diện mạo bóng bẩy hào hoa, nhưng họ nhũn nhặn thể hiện “cử chỉ giả” để làm xiêu lòng người khác. Ví như nụ cười họ tươi tắn, rực rỡ như những đóa hoa đang nở; giọng mềm như tơ lụa, lời ngọt như mía lùi, ánh mắt lại biết “đung đưa” đúng lúc, đúng chỗ và như có ma lực thôi miên vào từng đối tượng giao tiếp, ứng xử. Những người “sống giả” thường biết diễn giỏi, nói hay, lợi dụng tình cảm chân thành, hồn hậu của mọi người nhằm mua chuộc nhân tâm.
Như vậy, “sống giả” cũng là một trong những hình thức tạo dựng uy tín giả cho cán bộ, đảng viên, một triệu chứng không thể xem thường trong bộ máy công quyền. Vì thực tế đã có những người tiến thân không phải do tài năng, đức độ, mà đi lên bằng cái “môi mỏng, lưỡi mềm” siêu đẳng của họ. Họ hiếm khi gây mất lòng ai, nhưng do tài cán có hạn, lại chỉ khư khư giữ mình vì ngại đụng chạm, ngại va vấp, ngại khuyết điểm, thế nên những người này thường không có chính kiến rõ ràng, không có tính quyết đoán, không dám chịu trách nhiệm, nên không góp phần tạo ra động lực thúc đẩy, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc cho tập thể, cho bộ máy.
“Sống giả” thực chất là cách sống chủ yếu chỉ vì lợi ích của mình mà không vì tập thể, vì mọi người, do đó, ảnh hưởng không nhỏ đến sự vận động, phát triển lành mạnh của tổ chức, cơ quan, đơn vị. Đấy là chưa kể có những người “sống giả” đến mức như một “diễn viên có hạng” trong giao tiếp ứng xử, họ sẵn sàng đổi màu như con tắc kè để mua vui người này, lấy lòng người khác nhằm mục tiêu tối thượng là “tăng phiếu, lên ghế” cho bản thân mình!
“Sống giả” đâu đó vẫn hiện diện hằng ngày trên những khuôn mặt thật, song, nó lại được bao bọc tinh vi bởi những cái mặt nạ bóng bẩy hào hoa bên ngoài, thế nên nó rất dễ làm mập mờ, lẫn lộn ranh giới tốt-xấu, đúng-sai, hay-dở trong nội bộ và gây khó khăn thêm cho việc nhận định, đánh giá chuẩn mực nhân cách cán bộ, đảng viên.
Châm ngôn có câu: “Lộng giả thành chân”, nó vừa có nghĩa “bỡn quá hóa thật”, vừa mang hàm ý những cái giả để lâu ngày nếu không được vạch mặt chỉ tên để uốn nắn, chấn chỉnh và loại trừ khỏi cuộc sống thì sẽ đến lúc người ta tin đó là sự thật. Nếu tổ chức, cơ quan, đơn vị nào đó mà cứ để cho tình trạng “sống giả” nhởn nhơ thì không chỉ làm tổn thương những nhân cách trung thực, phương hại những phẩm giá chân chính mà còn làm thui chột những cán bộ, đảng viên có động cơ phấn đấu lành mạnh.
Hiện nay, các địa phương, các cơ quan, đơn vị đang khẩn trương, tích cực chuẩn bị các bước quy hoạch nhân sự chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Vì vậy, cấp ủy, ban thường vụ, người đứng đầu cấp ủy và các cơ quan chức năng giúp việc càng phải sớm nhận diện, phát hiện, thẩm định, sàng lọc chặt chẽ ngay từ đầu để ngăn chặn không cho những kẻ cơ hội như “con lươn, con chạch”, “sống giả” chui vào vị trí lãnh đạo các cấp. Làm được như vậy, chúng ta sẽ góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ngang tầm nhiệm vụ./.
Phúc Nội (qdnd.vn)

3 nhận xét:

  1. Một trong những biểu hiện tinh vi nhất của những kẻ cơ hội chính trị là thái độ “sống giả” để tạo ra uy tín giả vì mục đích háo danh, vụ lợi.

    Trả lờiXóa
  2. Một trong những nội dung rất quan trọng là các cấp ủy đương nhiệm phải chủ động sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những kẻ cơ hội chính trị, lập trường thiếu vững vàng, thiếu quyết đoán, không có khí khái, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm.

    Trả lờiXóa
  3. Để góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ngang tầm nhiệm vụ thì chúng ta phải sớm nhận diện, phát hiện, thẩm định, sàng lọc chặt chẽ ngay từ đầu; không để các trường hợp “sống giả” chui vào vị trí lãnh đạo các cấp.

    Trả lờiXóa