Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2018

VẬN DỤNG KINH NGHIỆM CỦA CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀO SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI Ở NƯỚC TA HIỆN NAY



Phạm Trung
Một trong những trang sử vẻ vang, chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã đập tan sự cai trị của phát xít Nhật, ách thống trị gần một thế kỷ của thực dân Pháp, xóa bỏ chế độ phong kiến hàng nghìn năm, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu: Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, giải quyết đúng đắn mối quan hệ độc lập dân tộc và dân chủ, chống đế quốc và chống phong kiến; xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất, tiêu biểu cho khối đại đoàn kết dân tộc dựa trên nền tảng vững chắc của khối liên minh công nông, chiến tranh vì độc lập, tự do; kiên quyết sử dụng bạo lực cách mạng để giành chính quyền; kịp thời nắm bắt thời cơ, chủ động, sáng tạo tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền; xây dựng Đảng vững mạnh, đủ sức lãnh đạo thành công cuộc đấu tranh giành chính quyền.
Những bài học kinh nghiệm của Cách mạng tháng Tám vẫn giữ nguyên giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Vận dụng những kinh nghiệm quý báu này vào sự nghiệp đổi mới đất nước đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần phải giữ vững, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên quyết thực hiện mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Không ngừng củng cố, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường sự đồng thuận xã hội dựa trên nền tảng vững chắc của khối liên minh công  - nông - trí thức Việt Nam. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Kịp thời nắm bắt thời cơ, chủ động, sáng tạo, tự chủ trong đổi mới, tận dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện “đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển đất nước nhanh và bền vững...[1].
Đặc biệt, đối với công tác xây dựng Đảng, tập trung dựng Đảng trong sạch vững mạnh, đủ sức lãnh đạo thành công sự nghiệp đổi mới. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh; kiên quyết phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; chú trọng đổi mới công tác tổ chức - cán bộ, nâng cao hiệu quả phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; đồng thời đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, Hà Nội, tr.219 - 220.

1 nhận xét: