Thứ Hai, 20 tháng 8, 2018

Những giá trị lớn lao và bền vững của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với dân tộc ta


Thực tiễn cho thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đi theo con đường của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thế nhưng vì những lý do khác nhau, những phần tử cơ hội, phản động đã và đang xuyên tạc, phủ nhận lịch sử cách mạng, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mục đích của họ là từng bước chuyển hóa xã hội ta sang con đường tư bản chủ nghĩa. Luận điệu của họ là: Chủ nghĩa Marx chỉ giành thắng lợi “ở những nơi chưa có văn minh công nghiệp,... Chủ nghĩa Marx là (lý luận) của đám đông, là sức mạnh của đám đông, được kích động bởi những quyền lợi vật chất thiết thực “bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình”!
Nói về công cuộc xây dựng đất nước theo mô hình xã hội chủ nghĩa, có kẻ đã Upload lên mạng rằng, Việt Nam xây dựng nhà nước theo “mô hình Xô Viết”; Có kẻ còn đóng vai người mác-xít viết rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam đã từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Và rằng, họ đã xây dựng nhà nước pháp quyền với cái đuôi xã hội chủ nghĩa (thay cho quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê-nin là xây dựng nhà nước chuyên chính vô sản); xây dựng nền kinh tế thị trường,… thay cho nền kinh tế kế hoạch hóa như Lê-nin dạy, v.v. Về vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh, họ viết: Hồ Chí Minh “du nhập chủ nghĩa Mác – Lê-nin với học thuyết đấu tranh giai cấp đã gây ra cảnh “nồi da nấu thịt” suốt mấy chục năm; rằng Hồ Chí Minh “chỉ là người dân tộc chủ nghĩa; đưa chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào Việt Nam là một sai lầm lịch sử,...”. Có nhóm xã hội mạng còn kiến nghị với Bộ chính trị rằng: Đảng phải “thay đổi Cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ”, v.v. Vậy, bản chất của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là gì? Đảng ta đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin như thế nào? Vì sao có thể nói: chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, giá trị bền vững đối với Đảng và dân tộc ta?
1- Bản chất của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh
Chủ nghĩa Mác – Lê-nin do C. Mác, F. Ăng-ghen và V. Lê-nin sáng lập trên cơ sở kế thừa chọn lọc những thành tựu khoa học, giá trị tư tưởng và văn hoá nhân loại. Lý luận của các ông là một hệ thống các quan điểm và phương pháp luận khoa học dựa trên nghiên cứu lịch sử nhân loại và hình thái kinh tế tư bản chủ nghĩa. Mục tiêu của lý luận đó là giải phóng con người, giải phóng xã hội, đem lại cuộc sống ấm no, tự do và hạnh phúc cho tất cả mọi người. Giá trị tư tưởng vượt thời đại của Mác - Ăng-ghen không chỉ là lý luận về cách mạng vô sản mà còn là phương pháp luận duy vật biện chứng và nhận thức từ chủ nghĩa duy vật lịch sử. Đó là phương pháp xem xét sự vận động và phát triển của sự vật hiện tượng (bao gồm cả lịch sử, xã hội) là phải đặt trong mối quan hệ tương tác và đấu tranh giữa hai mặt đối lập; xem xét mối quan hệ tương tác giữa hạ tầng cơ sở với kiến trúc thượng tầng xã hội. Mối quan hệ này không chỉ bị quy định bởi quy luật khách quan mà còn tùy thuộc vào hoạt động có ý thức chủ quan của con người. Kế thừa tư tưởng của Mác - Ăng-ghen, Lê-nin đã phát triển toàn diện lý luận cách mạng đó trong thời đại đế quốc chủ nghĩa; làm sâu sắc thêm lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng nhà nước ở một quốc gia chưa kinh qua chủ nghĩa tư bản. Lê-nin khẳng định rằng: các dân tộc bị áp bức có thể và cần phải đứng lên làm cách mạng giải phóng dân tộc thoát khỏi ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc,… và “để chiến thắng hoàn toàn chủ nghĩa tư bản,… thì phải thực hiện sự liên minh, thống nhất của giai cấp vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới”.
Mối quan hệ giữa chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh là mối quan hệ biện chứng. Về mặt lịch sử, chủ nghĩa Mác – Lê-nin đến với dân tộc ta qua Nguyễn Ái Quốc, tức Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều này đã được chính Người viết trong bài “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê-nin”1- “Lúc bấy giờ… tôi kính yêu Lê-nin vì Lê-nin là một người yêu nước vĩ đại đã giải phóng cho đồng bào mình… dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”. Người còn ví “chủ nghĩa Mác – Lê-nin như cái cẩm nang thần kỳ”2 khi gặp khó khăn lớn, người ta mở cẩm nang ra, thì thấy ngay cách giải quyết. Về mặt tư tưởng chính trị, mối quan hệ giữa chủ nghĩa Mác – Lê-nin với tư tưởng Hồ Chí Minh là mối quan hệ biện chứng cả về lý luận và phương pháp luận. Trong bài nói chuyện tại buổi khai mạc lớp học lý luận khóa I trường Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), Người nhấn mạnh: “Việc học tập lý luận không phải nhằm biến các đồng chí thành những người lý luận suông… Các đồng chí phải học tinh thần của chủ nghĩa Mác – Lê-nin; học tập lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác – Lê-nin… để giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng của chúng ta”3.
Như vậy có thể nói, luận điệu của những kẻ đóng vai người “mác-xít” xem Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ là người “dân tộc chủ nghĩa” và những kẻ đóng vai “người yêu nước” phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lê-nin chỉ là những thủ đoạn chính trị thâm độc nhằm phá vỡ nền tảng tư tưởng của Đảng và xã hội ta mà thôi.
2- Đảng ta đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin như thế nào?
Có thể nói, thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX bắt nguồn từ sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác – Lê-nin của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam. Ở các nước tư bản chủ nghĩa, Đảng Cộng sản là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác – Lê-nin với phong trào công nhân. Vận dụng vào điều kiện của Việt Nam, sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam còn thêm một nhân tố nữa là phong trào yêu nước. Chánh cương (nay gọi là Cương lĩnh) vắn tắt của Đảng, do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, nêu rõ chủ trương “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Tiến trình cách mạng Việt Nam gồm hai giai đoạn, giai đoạn thứ nhất là “tư sản dân quyền cách mạng” và giai đoạn thứ hai là xây dựng xã hội đi tới “xã hội cộng sản”. Thực hiện tinh thần đó, ngay sau khi giành được chính quyền, trong điều kiện thù trong giặc ngoài, nước ta đã lập tức thiết lập thể chế nhà nước theo mô hình “dân chủ cộng hòa”, với nguyên tắc: Chính quyền các cấp, từ thấp đến cao đều do nhân dân bầu ra, đại diện cho quyền và lợi ích của đại đa số nhân dân.
Nói đến sự sáng tạo về chính trị, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta không thể không nói đến Bản Tuyên ngôn Độc lập, năm 1945. Trong văn kiện lịch sử này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích lại Bản “Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ” (1776) và bản “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền Pháp” (1789). Từ những tiền đề tư tưởng lớn trong hai bản tuyên ngôn đó, Người đưa ra chân lý mới có ý nghĩa thời đại đối với các dân tộc bị áp bức: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Bởi vậy có thể nói, Tuyên ngôn Độc lập (1945) là một bản tuyên ngôn kép - tuyên ngôn về quyền dân tộc tự quyết của dân tộc Việt Nam, đồng thời là tuyên ngôn về quyền con người của các dân tộc bị áp bức.
Sau cách mạng Tháng Tám, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã tiến hành Tổng tuyển cử tự do trong cả nước và xây dựng Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, theo những tiêu chí của một nhà nước văn minh, hiện đại. Nhà nước đó không xây dựng theo mô hình nhà nước “Xô Viết” – “Nhà nước Công - Nông - Binh”, như Cách mạng Tháng Mười, 1917. Đây là một nét sáng tạo đặc sắc về chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta. Trong các thời kỳ lịch sử tiếp theo, Đảng ta đã vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận Mác – Lê-nin, đề ra đường lối chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện; vừa đánh vừa đàm; tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân thế giới, nhất là các nước xã hội chủ nghĩa và các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới, đưa hai cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.
Đổi mới là một thời kỳ lịch sử đặc biệt đối với dân tộc ta về nhiều phương diện: Trước hết đó là đổi mới tư duy chính trị, xã hội. Dựa trên lý luận và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đại hội VI (1986) đã thẳng thắn nhận định rằng: Đảng ta đã “ bộc lộ sự lạc hậu về nhận thức lý luận…; đã mắc bệnh duy ý chí;… Chúng ta đã có những thành kiến không đúng,… chưa thừa nhận những quy luật của sản xuất hàng hóa…”4. Nhận thức này là một bước phát triển quan trọng về chính trị của Đảng từ Đại hội VI đến các Đại hội tiếp theo, Đảng đã từng bước xây dựng và hoàn thiện mô hình mới về xã hội xã hội chủ nghĩa, cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xây dựng con người, đối ngoại và quốc phòng, an ninh,… phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Đến Đại hội XII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: 1. “Kiên định chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới”. 2. Phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, “lợi ích nhóm”. 3. Đấu tranh với âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Đến đây có thể nói, những luận điệu xuyên tạc, vu khống Việt Nam, giáo điều trong xây dựng đất nước “theo mô hình Xô Viết” và đã “từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lê-nin”, chỉ là một thủ đoạn xấu xa, thấp kém về trí tuệ và nhân cách.
3. Vì sao có thể nói: chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là một giá trị bền vững đối với dân tộc ta?
Giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trước hết nằm trong bản chất của học thuyết đó. Không phủ nhận rằng, một số luận điểm nào đó của Mác, Ăng-ghen, Lê-nin đã bị lịch sử vượt qua hoặc không còn mang giá trị phổ biến nữa, nhưng phương pháp luận của học thuyết này vẫn còn nguyên giá trị. Chẳng hạn như, quan điểm duy vật biện chứng: sự vận động của sự vật, hiện tượng phải thông qua đấu tranh giữa hai mặt đối lập; mối quan hệ giữa vật chất với ý thức và vai trò tích cực của ý thức đối với sự vận động và phát triển, v.v. Đó là chủ nghĩa duy vật lịch sử: quan điểm về sự vận động, phát triển của lịch sử nhân loại tất yếu phải trải qua các hình thái kinh tế - xã hội, hoặc mối quan hệ tương tác giữa hạ tầng cơ sở với kiến trúc thượng tầng và ngược lại, v.v. Những giá trị phương pháp luận nói trên vẫn là chìa khóa để chúng ta phân tích, giải quyết những vấn đề của cuộc sống. Giá trị bền vững của nền tảng tư tưởng đó còn xuất phát từ chính thực tiễn sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của đất nước ta. Lịch sử cho thấy, sự phát triển của mỗi dân tộc có những quỹ đạo riêng, được hình thành trong lịch sử. Quỹ đạo - con đường phát triển của Việt Nam hôm nay là sự tiếp nối những thành quả của các thời kỳ lịch sử đã qua. Nhiều văn kiện của Đảng yêu cầu tổ chức, cán bộ, đảng viên cần quán triệt những bài học lịch sử được tổng kết từ sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Hơn nữa, ngày nay nhân loại vẫn chưa vượt qua được thời kỳ xã hội còn phân chia giai cấp, các dân tộc vẫn còn khác biệt nhau về lợi ích chính trị và kinh tế, v.v. Để xử lý những vấn đề trên, chúng ta không thể không dựa trên những luận đề, luận điểm của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Những luận giải trên khẳng định, mọi thành quả của cách mạng Việt Nam đều bắt nguồn từ sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều đó lần nữa đập tan mọi nỗ lực của các thế lực thù địch hòng xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
TS. CAO ĐỨC THÁI - Thiếu tá ĐỖ NGỌC HUY*
__________________
* - Học Viện Chính trị
1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 561.
2 - Sđd, Tập 15, tr. 588.
3 - Sđd, Tập 11, tr. 95.
4 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội VI, NXBST, H. 1987, tr. 27.

1 nhận xét:

  1. Mỗi người dân Việt Nam phải kiên quyết đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam

    Trả lờiXóa