Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, từ ngày 7 đến 12-5- 2018, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) họp Hội nghị lần thứ 7 đã thông qua 3 nghị quyết quan trọng, trong đó có Nghị quyết số 26- NQ/TW về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” (gọi tắt là Nghị quyết 26).
Trong khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đón nhận 3 nghị quyết, nhất là Nghị quyết 26 bằng niềm tin, sự phấn khởi thì các thế lực thù địch, phản động lại ráo riết đưa ra những luận điệu trái chiều hòng làm xói mòn niềm tin của quân dân cả nước trước những quyết sách vừa có tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài trong sự phát triển, hội nhập của đất nước. Chúng cho rằng, Nghị quyết 26 được đưa ra ở Hội nghị lần này là cách làm giật gấu vá vai, lấp liếm những yếu kém trong công tác cán bộ của Đảng để phân chia quyền lực, lợi ích cho các nhóm. Chúng áp đặt chủ quan và có phần vu khống khi cho rằng, Nghị quyết 26 là cách Đảng tạo cơ hội, cổ súy cho tình trạng chạy chức, chạy quyền “chạy nhanh hơn” và mang đến bất công xã hội ngày càng lớn. Đây là những luận điệu hết sức sai trái của các thế lực thù địch, phản động mà chúng ta cần nhìn nhận đúng để hành động trúng.
Thực tế trong những năm qua, từ Trung ương đến mọi tổ chức cơ sở Đảng đều đặc biệt coi trọng công tác bồi dưỡng, rèn luyện, đào tạo, quản lý, bố trí sử dụng cán bộ hợp lý, hiệu lực, hiệu quả theo đúng nguyên tắc, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, coi cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 7 (Khóa XII) lần này, Đảng ta đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, khuyết điểm trong công tác cán bộ, đó là tình trạng “chạy chức, chạy quyền”, quan liêu, tham nhũng chưa được ngăn chặn triệt để, thậm chí có xu hướng phức tạp hơn. Đặc biệt, Nghị quyết 26 đã chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ phai nhạt lý tưởng chính trị, suy thoái về đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, “trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm”. Chính sự trung thực nhìn thẳng vào những khuyết điểm, yếu kém đi đôi với những biện pháp căn cơ của Nghị quyết 26 và sự xử lý triệt để những sai phạm của cán bộ thời gian qua đã tạo được niềm tin, sự đồng thuận nhất trí cao của toàn hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân.
Mục tiêu của Nghị quyết 26 là “Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực; kiên quyết xóa bỏ nạn chạy chức, chạy quyền; ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Trong đó, chú trọng hoàn thành việc xây dựng vị trí việc làm và rà soát, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ các cấp gắn với kiện toàn, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và các giải pháp, nhóm giải pháp căn cơ quy định khung cơ chế, chính sách ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững… Từ đó cho thấy, Nghị quyết thực sự khoa học, văn minh, phù hợp với xu thế phát triển chung trong chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài theo hướng không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài.
Tính khoa học, dân chủ, minh bạch trong công tác cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt, cán bộ cấp chiến lược mà Nghị quyết 26 đưa ra còn thể hiện rõ khi xác định lựa chọn cán bộ, “không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài” cho thấy, Nghị quyết 26 đã triệt để thực hiện nguyên tắc dân chủ, cạnh tranh lành mạnh trong công tác bầu cử, ứng cử, như “bầu trực tiếp bí thư tại đại hội, danh sách ứng cử bầu cử có số dư; ứng viên trước khi bổ nhiệm phải trình bày chương trình hành động và cam kết trách nhiệm thực hiện; những cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp trên phải kinh qua vị trí chủ chốt cấp dưới và nhân sự không trúng cử cấp ủy cấp dưới thì không giới thiệu để bầu cấp ủy cấp trên. Song song với đó là những giải pháp mang tính đột phá về tư duy chính trị như trên không phải là cách làm giật gấu vá vai như sự suy diễn chủ quan, thiếu cơ sở khoa học của các thế lực thù địch, phản động loan tin vu khống, mà được rút ra từ thực tế trong những kỳ đại hội đã qua. Ví như chủ trương không bố trí bí thư cấp tỉnh, huyện là người địa phương được dư luận hoan nghênh.
Có thể nói, Nghị quyết 26 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) không chỉ là bước đột phá vào những vấn đề lớn và rất bức thiết của xã hội mà còn thể hiện tư duy, trách nhiệm chính trị của Đảng ta đối với sự phát triển của dân tộc. Vậy nên, trước sự chống phá quyết liệt của kẻ xấu, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Quân chủng cần tổ chức quán triệt sâu rộng cho mọi cán bộ, chiến sĩ nắm chắc, hiểu thấu đáo nội dung, tính khoa học, sự cần thiết, tính đúng đắn từ chủ chương đến mục tiêu, các giải pháp của Nghị quyết 26. Từ đó khẳng định, Nghị quyết 26 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII ban hành trong tình hình hiện nay là tất yếu, phù hợp với đòi hỏi thực tiễn của cách mạng Việt Nam.
NGÔ TIẾN MẠNH
Chúng ta phải nhận biết và đấu tranh mạnh mẽ chống lại các luận điệu xuyên tạc, chống phá Việt Nam của bọn phản động và các thế lực thù địch
Trả lờiXóa