(TG: Đặng Văn Mến)
Có một số bạn trẻ hỏi tôi rằng tại sao Sài Gòn khi xưa được mệnh danh là "Hòn ngọc Viễn Đông". Hôm nay chúng ta thử tìm hiểu xem cái danh xưng đó từ đâu mà ra và nó có thực sự "danh xứng với thực" hay không nhé.
Thuật ngữ Hòn ngọc Viễn Đông (la perle de l'Extrême-Orient) là một mỹ danh được thực dân Pháp dùng để chỉ Thành phố Sài Gòn, thủ đô của Liên bang Đông Dương thuộc Pháp thời kỳ đầu thế kỷ XX (Viễn Đông ở đây là chỉ 3 nước thuộc địa ở cực Đông của Pháp, gồm Việt Nam, Lào và Campuchia).
Cho tới nay, nhiều người Việt Nam vẫn gọi Sài Gòn là "Hòn ngọc Viễn Đông" và họ tự cho rằng Sài Gòn trước đây là thành phố "phát triển hàng đầu Châu Á và số 1 khu vực" nên mới có danh xưng như vậy. Nhưng thực tế thì không có căn cứ nào để nói Sài Gòn từng là "số một của khu vực", nếu chỉ dựa vào danh xưng "Hòn ngọc Viễn Đông" của người Pháp. Căn cứ vào số liệu quy mô dân số cũng như trình độ kinh tế, Sài Gòn thời đó chỉ là lớn nhất tại 3 nước Đông Dương (gồm Việt Nam, Lào và Campuchia) và vẫn còn kém rất xa các thành phố lớn tại Châu Á hồi đó như Singapore, Hong Kong, Kuala Lumpur, Jakarta, Manila hay Bangkok.
Trong thời kỳ chủ nghĩa thực dân phát triển đầu thế kỷ XX, mỗi cường quốc phương Tây đều đặt cho một thành phố thuộc địa nào đó của họ ở Đông Á (mà họ xem là vùng Viễn Đông) là "Hòn ngọc Viễn Đông" hay "Hòn ngọc phương Đông", như: Manila (thuộc địa của Mỹ), Hong Kong, Sri Lanka, Singapore (thuộc địa của Anh), Phnom Penh (thủ đô nước Campuchia, thuộc địa của Pháp)... cũng được gọi là "Hòn ngọc Viễn Đông". Danh hiệu này mang tính phô trương giữa các nước thực dân phương Tây với nhau về đời sống xa xỉ của quan chức sống ở thuộc địa chứ không phản ánh đời sống thực tế nghèo nàn của người dân địa phương. Ngoài ra, quy mô nền kinh tế giữa các "Hòn ngọc Viễn Đông" này cũng có sự chênh lệch rất lớn. Ví dụ, Hồng Kông năm 1941 đã có 1,6 triệu dân, Manila năm 1939 đã có 623.000 dân, trong khi Sài Gòn lúc này vẫn chưa có quá 250.000 dân.
Sở dĩ có danh hiệu này vì trong thời kỳ thuộc Pháp, Sài Gòn được người Pháp xây dựng thành một nơi ăn chơi xa xỉ cho quan chức Pháp, được Pháp mệnh danh là "Hòn ngọc Viễn Đông" (Viễn Đông ở đây là chỉ 3 nước thuộc địa ở cực Đông của Pháp, gồm Việt Nam, Lào và Campuchia chứ không phải là toàn Đông Á như cách hiểu hiện nay). Tiến sĩ Nikki Cooper, đại học Bristol, giải thích: "Mong muốn tạo lập một đế chế thuộc Pháp tại Đông Nam Á ấy, đã phần nào được vận động bởi ganh đua đế quốc cùng nước Anh. Đông Dương thuộc Pháp được dự định nhằm cạnh tranh với Ấn Độ thuộc Anh, Pháp tạo ra "Hòn ngọc Viễn Đông" để ứng đối với Ấn Độ mà Anh đã gọi là "Viên châu báu trên vương miện của Nữ Hoàng".
Như vậy, cụm từ "Hòn ngọc Viễn Đông" đầu tiên dùng cho cõi Đông Dương, nhưng sau này nhiều người ghép nó với danh xưng Sài Gòn, danh xưng này mang tính định hướng và tượng trưng hơn là thực tế. Có thể sau này người Pháp đã đầu tư mạnh vào Sài Gòn để thành phố trở thành thủ phủ Đông Dương, nhưng thực sự là không có căn cứ nào để nói Sài Gòn từng là "số một của khu vực" Đông Nam Á, nếu chỉ dựa vào danh xưng "Hòn ngọc Viễn Đông". Đại thần nhà Nguyễn là Phạm Quỳnh từng sang Singapore (thuộc Anh) năm 1922, đã công nhận là "cửa Sài Gòn của ta kể cũng khá to, nhưng sánh với cửa Singapore này thì còn kém xa nhiều".
Gọi là "hòn ngọc" nhưng thực ra thời ấy Sài Gòn rất nhỏ, chỉ cần đi xa 20 km là có thể săn thú rừng. Theo quy hoạch của Pháp, Sài Gòn khi đó chỉ rộng khoảng 3 km2 (gần bằng một nửa Quận 1 hiện nay), bao bọc bởi sông Sài Gòn - Nguyễn Thái Học - Nguyễn Thị Minh Khai - rạch Bến Nghé. Chính quyền thuộc địa Pháp tập trung tất cả những gì sang trọng, giàu có nhất mà họ có được ở diện tích 3km2 này, phần còn lại của Sài Gòn thì vẫn còn rất hoang sơ, đầm lầy ngổn ngang. Theo nhà văn Sơn Nam trong “Bến Nghé xưa” thì khi Chợ Bến Thành hoàn thành năm 1914, “trước mặt còn là ao vũng sình lầy, giữa Sài Gòn và Chợ Lớn phía đất thấp còn ruộng lúa với người cày, ao nuôi vịt, ngọn rạch cạn. Giữa Sài Gòn và ở phần đất cao còn nhiều chòm tre, cây da, mồ mả to xen vào những đám rẫy trồng rau cải và bông hoa, những xóm nhà ổ chuột; bầy bò dê đi lang thang ăn cỏ”. Khu Hòa Hưng (Quận 10 hiện nay) cho đến ngã tư Bảy Hiền hiện nay có vô số nghĩa trang, mồ mả. Khu Nguyễn Thiện Thuật, Lý Thái Tổ, Nguyễn Đình Chiểu (Quận 3 hiện nay) toàn nhà lá nền đất xây dựng tạm bợ không theo quy hoạch nào. Khu quận 4, quận 7, khu Cầu Ông Lãnh, Cầu Kho… sát cạnh chợ Bến Thành đa số là nhà tranh vách lá tạm bợ.
Người Pháp từ lúc đánh chiếm Gia Định năm 1859 cho đến khi rời Sài Gòn 1954 chỉ tập trung “trau chuốt” khu vực 3 km2 đầu tiên này (Quận 1 hiện nay) dù nhiều lần điều chỉnh địa giới mở rộng. Đến năm 1954, những phần Sài Gòn mở rộng này (rộng khoảng 50 km2) vẫn hoang sơ, thậm chí đầm lầy ngổn ngang.
Trong cuốn sách lịch sử của mình, Henry Kamn nhận xét về sự tương phản giữa đời sống của giới thượng lưu Pháp với người dân địa phương như sau: “Sài Gòn không phải chỉ có sự lãng mạn như cái tên “Hòn ngọc Viễn Đông” mà người Pháp đặt cho nó; đại đa số người Việt Nam và người Hoa sống tại đây phải lao động cực nhọc vượt xa đồng lương rẻ mạt họ được nhận để tạo nên sự lãng mạn của thành phố. Sự phô trương chỉ tập trung vào đời sống của giới thượng lưu: Thực dân Pháp, người ngoại quốc, giới quý tộc Việt Nam. Không có số liệu cụ thể, nhưng không có nhiều hơn 250 ngàn cư dân sống tại đây vào thập niên 1930 ”.
Kinh tế Sài Gòn đầu thế kỷ XX thời Pháp thuộc vẫn khá nhỏ bé. Ví dụ, Dinh Xã Tây (trụ sở UBND TP. Hồ Chí Minh hiện nay) khởi công năm 1873, nhưng Pháp thiếu tiền nên 15 năm sau (1898) mới chính thức xây dựng, và phải mất thêm 9 năm nữa mới xây xong. Để kiếm tiền bổ sung ngân sách, năm 1881, chính quyền Pháp đã cho mở xưởng chế biến thuốc phiện rộng 1 ha đầu đường Hai Bà Trưng hiện nay, giữa trung tâm Sài Gòn. Số thuốc phiện từ đây bán ra khắp Đông Dương và có năm (1914) chiếm tới 36,9% ngân sách Đông Dương. Theo sách "Golden Triangle Opium Trade, an Overview", lợi nhuận chính phủ Pháp thu được từ thuốc phiện có lúc đạt hơn 50% thu nhập toàn Đông Dương. Pháp càng có nhiều ngân sách để xây dựng những công trình xa hoa ở "Hòn ngọc Viễn Đông", thì chỉ càng cho thấy sự trầm trọng của nạn nghiện ma túy và đời sống khốn khó của người dân Việt Nam.
Theo cụ Vương Hồng Sển ghi chép lại thì danh xưng "Hòn ngọc Viễn Đông" do người Pháp đặt ra để chỉ nơi ăn chơi của họ, người Việt chẳng được thụ hưởng gì mà còn phải chịu sự bóc lột để người Pháp duy trì sự xa xỉ đó: “Ngủ khách sạn Continental, khách sạn Majestic, ăn thịt bò beefsteak, uống rượu chát vùng Bordeaux, thưởng thức xì gà La Habana, săn bò rừng, lấy da cọp, hút thuốc phiện và chơi gái thì, với thủy thủ tàu viễn dương và đám thực dân đến từ Viễn Tây, Sài Gòn được ngợi ca là hòn ngọc Viễn Đông đâu có gì lạ? Nó hoàn toàn không phải là "hòn ngọc" với thợ thuyền người Việt ở xưởng đóng tàu Ba Son, cu li bốc vác ở cảng Sài Gòn, phu xe kéo và đông đảo người dân bản xứ mang trên mình bản án kiếp nô lệ, kẻ mất nước? Để phục vụ cho hòn ngọc ấy, cả một xã hội Sài Gòn trở thành thuộc địa, phải cung phụng cho Pháp mà nhiều địa danh còn được giữ đến tận bây giờ: Xóm Củi, Xóm Than, Xóm Dầu, Xóm Bàu Sen (gần đồn Cây Mai), Xóm Giá (làm giá đậu xanh gần cầu Cây Gõ), xóm Lò Bún (gần giếng Hộ Tùng), Xóm Ụ Ghe, Xóm Rẫy Cái, Xóm Cây Cui...”
VÀ ĐẾN GIAI ĐOẠN SUY TÀN (1954 - 1975)
Vào nửa cuối thập niên 1950, nhờ viện trợ của Chính phủ Hoa Kỳ, Sài Gòn trở thành một trung tâm về chính trị, kinh tế, văn hóa, giải trí tại miền Nam Việt Nam, là thành phố lớn nhất của kinh tế Việt Nam Cộng Hòa. Dù tăng lên về quy mô diện tích và dân số, những quy hoạch thời Pháp thuộc dần bị phá vỡ, thành phố trở nên lộn xộn với nhiều chợ tạm, khu ổ chuột mọc lên. Những nét cổ kính của khu đô thị do Pháp xây dựng dần bị biến dạng.
Trung tâm thành phố có một số công trình, khu phố được xây dựng to đẹp và sang trọng, tuy nhiên, các công trình này chủ yếu do Pháp xây dựng từ thập niên 1940, các khu nhà mới rất ít được xây dựng kể từ sau năm 1950, trong khi đó dân cư nông thôn đổ về thành thị tìm việc và tránh chiến sự khiến Sài Gòn dần trở thành một khu ổ chuột khổng lồ. Khảo sát cho thấy khoảng 40% dân số khu vực Sài Gòn khi đó (tức khoảng 1,2 triệu người) phải sống tại khu ổ chuột với những điều kiện về y tế, vệ sinh rất kém. Để giải quyết nạn khan hiếm nhà ở và chỉnh trang mĩ quan đô thị, theo tính toán, Sài Gòn cần xây mới 50.000 căn hộ và giải tỏa 110.000 nhà ổ chuột. Thế nhưng trong suốt 10 năm tồn tại của Việt Nam Cộng hòa, chỉ có 15.700 căn hộ được xây.
Mặt khác, phong trào "thương phế binh cắm dùi" của cựu chiến binh quân đội Sài Gòn vào đầu thập niên 1970 khiến cho kiến trúc Sài Gòn trở nên lộn xộn và tạm bợ, không còn ngăn nắp như quy hoạch của người Pháp. Phong trào này khởi phát từ những cuộc biểu tình của thương binh đòi chính phủ Sài Gòn cấp đất xây nhà cho họ như đã hứa, về sau bùng phát và lan rộng. Với mục đích là “cắm dùi”, các nhóm biểu tình rào dây, đóng cọc chiếm những khoảng đất khang trang ở hai bên lề đường, kể cả chỗ sát với hàng rào các biệt thự. Thậm chí có những nơi vỉa hè rộng rãi chỗ được tráng xi măng, cũng bị những người trong nhóm chiếm cứ để chia nhau. "Chiến dịch cắm dùi" đã lan tràn rõ rệt nhất như tại khúc đường Hồng thập tự (gần bệnh viện Từ Dũ) tới khúc đường xe lửa gần rạp Cải lương Kim-chung); Khúc đất trống dọc đường Lý Thái Tổ; đường Nguyễn Tri Phương, Võ Tánh (khu Chợ Lớn), đại lộ Hùng Vương… Chính phủ Sài Gòn không dám giải tán họ vì sợ lực lượng quân nhân bất bình, coi như sự đã rồi. Các khu ven trung tâm trở nên lộn xộn, nhếch nhác với nhiều khu ổ chuột, nhà mái lá, chợ trời... tự phát mọc lên.
Một lính Mỹ tới Sài Gòn vào đầu năm 1967 đã mô tả những gì anh chứng kiến ở thành phố Sài Gòn, từ khu vực trung tâm cho tới các khu ổ chuột như sau: “Khung cảnh thật hết sức xấu xí. Phần lớn phương tiện giao thông là xe tự chế hoặc xe lam. Có một vài chiếc taxi Renault, nhưng khắp nơi là những chiếc mô-tô đang nhả khói. Cái mùi của thành phố này thật không thể chịu đựng nổi. Không có cách nào thoát khỏi mùi hôi thối do những tòa nhà đã che bóng lên những khu phố. Đàn ông và phụ nữ đi tiểu trên đường phố mà không thấy ngượng ngập. Sự nghèo khổ thì thật là quá mức. Chúng ta vẫn thường gọi Sài Gòn là “Hòn ngọc Viễn Đông”, có lẽ là bởi chúng ta đã nghe nhầm từ những bài hát hào nhoáng, bởi vì những gì chúng tôi thấy chẳng hề đẹp đẽ khi so với tiêu chuẩn phương Tây. Khi chúng tôi đi qua một con kênh nhỏ ở khu ven đô, chúng tôi thậm chí còn bị sốc hơn nữa bởi mùi hôi thối từ con kênh đen ngòm đầy rác và chất thải của người. Chúng tôi có lẽ đã không để ý xem có trẻ em tắm trên dòng kênh đó hay không".
Chính quyền Sài Gòn cho phép mở cửa các quán bar, phòng tắm hơi, hộp đêm, vũ trường và nhất là nhà thổ, hiện diện ở khắp Sài Gòn, đặc biệt là xung quanh các cư xá của lính Mỹ. Mại dâm - thời đó gọi là "chợ heo" - được Việt Nam Cộng hòa cho phép công khai và hợp pháp.
Năm 1966, sau chuyến khảo sát từ Sài Gòn về, Thượng nghị sĩ Mỹ William Fulbright đã công khai phát biểu: "Mỹ đã biến Sài Gòn thành một ổ điếm”. Câu nói của Thượng nghị sĩ William Fulbright tuy xúc phạm đến thể diện của Sài Gòn, song đã phản ánh một thực tế về tình trạng mại dâm diễn ra bùng phát ở khắp thành phố trong thời kỳ này. Một tạp chí xuất bản ở Sài Gòn mô tả: "Tại chợ heo đó, hằng ngày có hai ba trăm người con gái Việt Nam đứng sắp hàng... cho lính Mỹ đến chọn dắt đi. Với một nắm đôla trong tay, lính Mỹ thật là nhiều tự do: Tự do phá hoại văn hóa Việt Nam".
Tới những năm cuối của cuộc Chiến tranh Việt Nam, nền kinh tế miền Nam (trong đó có Sài Gòn) lâm vào khủng hoảng do Mỹ giảm viện trợ kinh tế. Nạn lạm phát trở nên nghiêm trọng, đạt tới mức trên 200% mỗi năm. Hệ lụy và hậu quả trực tiếp của cuộc khủng hoảng kinh tế gây ảnh hưởng xấu tới Sài Gòn. Với việc Mỹ giảm viện trợ trong khi nền sản xuất nội tại thì yếu kém, nền kinh tế tiêu dùng dựa vào viện trợ của Việt Nam Cộng hòa đã không thể phát triển ổn định, bền vững. Cuối năm 1974, cố vấn Mỹ John Pilger đã tiên liệu trước về sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn sẽ diễn ra trong tương lai gần: "Sài Gòn đang sụp đổ trước mắt, một Sài Gòn được người Mỹ hậu thuẫn, một thành phố được coi là “thủ đô tiêu dùng” nhưng chẳng hề sản xuất được một mặt hàng nào ngoài chiến tranh".
Trong hàng ngũ của quân đội lớn thứ tư thế giới vào thời điểm đó, binh lính đang đào ngũ với tốc độ cả nghìn người trong một ngày... Thủ tướng Singapore, Lý Quang Diệu từng nói: "Sài Gòn từng có thể làm được những gì Singapore đã làm... Nếu nhìn vào Sài Gòn và Singapore vào năm 1954, ai đó có thể nói Singapore là thứ bỏ đi, không phải Sài Gòn", nhưng rồi Singapore đã tự đứng vững trong khi chính phủ Sài Gòn thì ngày một suy sụp và phải dựa vào Mỹ để tồn tại. Lý Quang Diệu cho rằng chính phủ Mỹ thời Eisenhower đã "cho phép Ngô Đình Diệm thanh trừng khỏi hệ thống chính trị tất cả các lựa chọn thay thế cho ông ta". Chính phủ Sài Gòn đã không còn một ai có đủ tài năng để đóng vai trò lãnh đạo dẫn dắt, dẫn tới sự lụn bại và sụp đổ của nền kinh tế nơi đây".
Cho tới nay, nhiều người Việt Nam gọi Sài Gòn là "Hòn ngọc Viễn Đông" và cho rằng kinh tế Sài Gòn trước năm 1975 là "Số một Đông Nam Á". Nhưng thực tế thì không có căn cứ nào để nói Sài Gòn từng là "số một của khu vực" Đông Nam Á, nếu chỉ dựa vào danh xưng "Hòn ngọc Viễn Đông", bởi nếu xét về chỉ tiêu GDP bình quân đầu người thì kinh tế Sài Gòn còn kém rất xa các nước châu Á thời kỳ đó.
Tóm lại, cái danh xưng "Hòn ngọc Viễn Đông" chỉ là do người Pháp gọi về Sài Gòn ngày xưa để cạnh tranh với người Anh trong quá trình xâm chiếm thuộc địa ở vùng "Viễn Đông" mà thôi. Là nơi mà giới nhà giàu, cầm quyền của Pháp dùng để ăn chơi khi xâm chiếm thuộc địa và đây cũng là cách gọi mỉa mai của người Mỹ khi nói về một nơi đầy rẫy sự ăn chơi, sa đọa của lính Mỹ khi tham chiến ở Việt Nam, một thành phố của tiêu dùng chứ không phải là nơi sản xuất, khi mà nền kinh tế nằm trong sự chi phối của người Hoa, là nơi binh lính Mỹ xả tress sau các cuộc hành quân càn quét giết hại chính người Việt Nam trong chiến tranh.
Bài viết rất thực tế
Trả lờiXóa