QĐND-Kể từ sau Chiến tranh Lạnh, thế giới chứng kiến sự bùng nổ làn sóng chính trị chưa từng có được gọi bằng những cái tên khác nhau rất mỹ miều, như “cách mạng màu”, “mùa xuân Arab”, hay “biểu tình hòa bình” núp dưới các yêu sách “đòi dân sinh”, “xúc tiến dân chủ”, “cải cách”, “bảo vệ nhân quyền”, “chống tham nhũng”, “chống độc tài” hay là “chống gian lận trong bầu cử”...
Đã có không ít nguyên thủ nhiều nước đương quyền hoặc vừa mới giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử đã phải ra đi trước sức ép của làn sóng chính trị này. Ở Việt Nam, một số kẻ cơ hội chính trị, phản động đã vận dụng học thuyết phản kháng phi bạo lực, đề ra chủ thuyết về "cách mạng trắng", "cách mạng hoa sen"... với âm mưu thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam. Vậy thực chất của học thuyết phản kháng phi bạo lực là gì?
Nạn nhân của học thuyết phản kháng phi bạo lực, điển hình là cuộc “cách mạng hoa hồng” trong năm 2003 buộc Tổng thống Gruzia Eduard Shevardnadze phải từ chức ngay sau khi vừa tuyên bố đắc cử tổng thống để nhường ghế cho Mikheil Saakashvili-một chính khách được đào tạo rất bài bản ở Mỹ. Cuộc “cách mạng cam” lần thứ nhất ở Ukraine năm 2004 đưa Viktor Yushchenko lên cầm quyền và cuộc “cách mạng cam” lần thứ hai cuối năm 2013 đầu năm 2014 dẫn tới cuộc chiến tranh bạo loạn lật đổ chính thể của Tổng thống Viktor Yanukovych. Phong trào chính trị mang tên “mùa xuân Arab” từ cuối năm 2010 tới nay vẫn chưa chấm dứt ở các nước Bắc Phi-Trung Đông, núp dưới khẩu hiệu “chống tham nhũng” và “chống độc tài” để lật đổ chính thể của chính phủ nhiều nước trong khu vực này. “mùa xuân Arab” đã dẫn tới cuộc chiến tranh xâm lược Libya do NATO tiến hành để xóa bỏ chính thể của Tổng thống Muammar Gaddafi. “Cuộc cách mạng nhung” dẫn tới bạo loạn chính trị ở Venezuela năm 2012 với toan tính ngăn chặn Tổng thống Hugo Chaves tái đắc cử nhưng bất thành. Cuộc “cách mạng trắng” ở Nga với toan tính ngăn cản Vladimir Putin đắc cử nhiệm kỳ thứ ba trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012...
Ảnh minh họa / tuyengiao.vn |
Theo giới phân tích chính trị quốc tế, căn nguyên sâu xa của làn sóng các cuộc “cách mạng màu” trên đây đều xuất phát từ một học thuyết chính trị mang tên “phản kháng phi bạo lực”-nghĩa là không thiên về sử dụng bạo lực để giành chính quyền. Học thuyết này đang là tâm điểm thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế và giới nghiên cứu công nghệ chính trị. Một trong những chuyên gia bậc thầy về học thuyết “phản kháng phi bạo lực” là Michael McFaul-vị đại sứ của Mỹ ở Nga nhậm chức vào năm 2012. Michael McFaul từng nhận được học bổng theo chương trình đào tạo mang tên “Cecil Rhodes, 1853-1902” để theo học tại Đại học Oxford (Anh). Chương trình này chuyên đào tạo giới tinh hoa chính trị của nhiều nước nhằm mục đích bảo vệ lợi ích của đế chế Anh trên toàn thế giới dưới khẩu hiệu “đòi dân chủ” và “vì tự do”. Theo Michael McFaul, khi quá trình phi thực dân hóa bùng phát sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Chính phủ Anh quyết định phát triển một hình thức bá chủ thế giới kiểu mới được gọi là cuộc “chiến tranh ủy nhiệm”. Chủ trương chiến lược này được nghiên cứu và hoàn thiện tại Đại học Oxford theo một chương trình mang tên "Đề án phản kháng dân sự và chính sách sức mạnh", gọi tắt là CR&PP (Civil Resistance and Power Politics). Từ năm 2006, lãnh đạo đề án này là hai vị giáo sư của Đại học Oxford là Adam Roberts và Timothy Garton Ash.
Adam Roberts cũng là người phụ trách chương trình của Đại học Oxford về thay đổi tính chất chiến tranh (Oxford University Programme on the Changing Character of War) nhằm áp dụng các biện pháp phản kháng phi bạo lực trong chiến lược chính trị và quân sự trên phạm vi toàn cầu. Trong một cuộc hội thảo quốc tế tại Đại học Oxford được tổ chức trong khuôn khổ Đề án CR&PP do Adam Roberts chủ trì, Michael McFaul tham dự và đọc tham luận về học thuyết phản kháng phi bạo lực. Về sau, Michael McFaul tập trung nghiên cứu về Nga và trở thành chuyên gia hàng đầu về học thuyết phản kháng phi bạo lực với nhiều công trình nghiên cứu như “Cuộc cách mạng chưa kết thúc ở Nga: Những thay đổi chính trị từ Gorbachev tới Putin” (“Russia's Unfinished Revolution: Political Change from Gorbachev to Putin”); “Sự lựa chọn phổ biến và nền dân chủ có điều khiển: Các cuộc bầu cử ở Nga trong những năm 1999-2000” (“Popular Choice and Managed Democracy: The Russian Elections of 1999 and 2000”); “Dân chủ và chuyên quyền trong thế giới hậu cộng sản” (“Democracy and Authoritarianism in the Рostcommunist World”) và “Dân chủ tiến bộ trên thế giới: vì sao chúng ta cần và chúng ta có thể hành động thế nào” (“Advancing Democracy Abroad: Why We Should and How We Can”)... Chính Michael McFaul là kiến trúc sư trưởng của nhiều cuộc “cách mạng màu” và là người chấp bút bản báo cáo tổng kết của Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) về các cuộc “cách mạng màu” trong không gian hậu Xô viết
Một chuyên gia chính trị học người Mỹ khác là Gene Sharp-nhà lý luận bậc thầy về học thuyết phản kháng phi bạo lực và cũng từng được đào tạo tại Đại học Oxford. Gene Sharp nổi tiếng thế giới bởi những tác phẩm của ông viết về các phương pháp phản kháng phi bạo lực nhằm lật đổ các chế độ cầm quyền được ông gọi là “chuyên chế”. Năm 1983, Gene Sharp thành lập Viện xã hội mang tên Albert Einstein-một tổ chức phi chính phủ chuyên nghiên cứu cách thức sử dụng các phương pháp đấu tranh phi bạo lực. Gene Sharp là tác giả hai chuyên khảo nổi tiếng mang tựa đề "Từ chuyên chế đến dân chủ" ("From Dictatorship to Democracy") và "198 phương pháp phản kháng phi bạo lực" ("198 Methods of Nonviolent Action"). Hai tác phẩm này là cơ sở lý luận và thực tiễn của học thuyết phản kháng phi bạo lực, được dịch ra hàng chục thứ tiếng và phổ biến rộng rãi ở nhiều nước. Chỉ tính riêng năm 2012 đã có 44 bản dịch học thuyết phản kháng phi bạo lực của Gene Sharp sang tiếng Nga, tiếng Thái, tiếng Arab, tiếng Myanmar... và được sử dụng làm “cẩm nang” của “các chiến sĩ đấu tranh cho tự do” chống lại chế độ “chuyên chế” ở nhiều nước trên thế giới. Những tác phẩm của Gene Sharp được sử dụng làm giáo trình huấn luyện về chiến lược và chiến thuật phản kháng phi bạo lực tại Trung tâm quốc tế nghiên cứu về xung đột phi bạo lực của Mỹ. Các lực lượng đối lập ở nhiều nước, nhất là một số nước cộng hòa trong không gian hậu Xô viết và các nước Arab từng trải qua các khóa huấn luyện tại trung tâm này. Vì thế, Gene Sharp được mệnh danh là “cha đẻ” tư tưởng về các cuộc “cách mạng màu” đã và đang diễn ra trên khắp thế giới.
Theo học thuyết phản kháng phi bạo lực của Gene Sharp, quần chúng nhân dân không chỉ là người bỏ lá phiếu bầu nguyên thủ các quốc gia mà cũng có thể là lực lượng nòng cốt trong các cuộc bạo loạn chính trị để lật đổ họ một khi không đáp ứng được lợi ích của phương Tây. Khi đó, người dân được kích động, lôi kéo bằng rất nhiều thủ đoạn tinh vi và trở thành các chiến binh thực sự trong cuộc chiến tranh bạo loạn được tiến hành dưới khẩu hiệu “đòi dân chủ”, “vì tự do”, “đòi nhân quyền”, “chống tham nhũng”, “chống đói nghèo”... Tuy nhiên, theo Gene Sharp, hoạt động phản kháng phi bạo lực để lật đổ chính thể của các quốc gia “chuyên chế” không chỉ bằng các biện pháp “biểu tình hòa bình” mà trong trường hợp cần thiết phải kết hợp với hành động can thiệp quân sự từ bên ngoài. Cuộc chiến tranh xâm lược do NATO tiến hành ở Libya năm 2011 là diễn biến tiếp theo sau các cuộc “biểu tình hòa bình” trong “mùa xuân Arab” là thí dụ điển hình nhất về luận điểm này của Gene Sharp. Cũng theo Gene Sharp, phản kháng phi bạo lực không chỉ là sự phản kháng của người dân trong khuôn khổ pháp luật như thiết lập đối thoại với chính quyền mà còn có thể xóa bỏ luật pháp hiện hành bằng bạo lực. Trong số 198 phương pháp phản kháng phi bạo lực do Gene Sharp đề xuất, có cả các phương pháp bạo lực như khủng bố, làm giả tài liệu, phát tán tiền giả, cướp bóc, hãm hại, ám sát, thâm nhập vào những công trình được bảo vệ để chiếm giữ các tòa nhà và văn phòng của chính phủ. Các cuộc “cách mạng màu” hay phong trào “mùa xuân Arab” đã thể hiện rất rõ luận điểm này của Gene Sharp.
Theo học thuyết phản kháng phi bạo lực của Gene Sharp, hoạt động lật đổ chính thể của một quốc gia diễn ra theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, phát hiện các điểm yếu trong bộ máy chính quyền sở tại như nạn tham nhũng của các quan chức chính phủ, khó khăn kinh tế-xã hội, khoảng cách giàu-nghèo quá lớn, nội bộ chính quyền bị chia rẽ, gian lận trong bầu cử. Từ đó xác định khẩu hiệu cho các hoạt động “mềm” như mít tinh và biểu tình nhằm khoét sâu thêm khiếm khuyết và tiêu cực trong xã hội và hệ thống chính trị, từ đó quy kết bộ máy quản lý yếu kém của chính quyền và chứng tỏ chính thể hiện thời “không có năng lực” và “không hợp lòng dân”... Để thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn này sẽ sử dụng bộ máy truyền thông, trước hết là các mạng xã hội như Facebook, Twitter... Lấy cảm hứng từ hiệu quả rất cao của các mạng xã hội trong việc khơi mào các hoạt động phản kháng và đẩy tới bạo loạn chính trị, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đưa ra dự báo về “kỷ nguyên cách mạng màu từ mạng internet”. Nhiệm vụ của giai đoạn này còn là để kiểm chứng khả năng phản ứng của chính quyền, khả năng kích động dư luận xã hội và liên kết các nhóm phản kháng đơn lẻ thành phong trào chống chính phủ trên quy mô lớn, thậm chí trong phạm vi cả nước. Giai đoạn 2, tập trung làm băng hoại uy tín và thể diện của bộ máy quyền lực nhà nước, thậm chí vận động các quan chức chính phủ đã thoái hóa biến chất đứng về phía “người dân” để chống lại chính quyền. Giai đoạn 3, ra tối hậu thư yêu cầu người đứng đầu chính quyền từ chức, thậm chí gây bạo loạn để lật đổ chính thể hiện hành và dựng lên chính quyền mới đáp ứng lợi ích của các thế lực bên ngoài.
Trung tâm điều phối toàn bộ hoạt động phản kháng phi bạo lực là đại sứ quán nước ngoài ở nước sở tại và các cơ quan tình báo quốc tế. Tài trợ trực tiếp cho các hoạt động này là hàng trăm tổ chức phi chính phủ của phương Tây hoạt động trên khắp thế giới như “Ngôi nhà tự do” , “Quỹ quốc gia hỗ trợ dân chủ”, “Viện quốc gia nghiên cứu quốc tế của Đảng Cộng hòa”, “Viện quốc gia nghiên cứu quốc tế của Đảng Dân chủ”, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ. Những tổ chức này tài trợ cho hàng nghìn tổ chức phi chính phủ được lập ra ở các quốc gia mục tiêu-nơi dự kiến sẽ tiến hành “cách mạng màu” để lật đổ chính quyền sở tại. Những tổ chức này hiện diện trước hết tại các quốc gia nằm ở những khu vực đang diễn ra cạnh tranh địa-chính trị giữa các cường quốc như không gian hậu Xô viết, Bắc Phi-Trung Đông, Mỹ Latin, Đông Nam Á, Nam Á. Lực lượng trực tiếp tiến hành hoạt động phi bạo lực là các lực lượng đối lập thường được hình thành ở những quốc gia có chế độ chính trị đa nguyên đa đảng, hoặc “đội quân thứ năm” được cài cắm trong hệ thống chính trị của nước sở tại. Công cụ để tiến hành hoạt động phản kháng phi bạo lực là bộ máy truyền thông rộng khắp, trước hết là mạng xã hội Facebook hay Twitter...
Nắm rõ bản chất của học thuyết phản kháng phi bạo lực là vấn đề rất quan trọng để giữ vững ổn định chính trị ở các quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển. Đối với công dân Việt Nam, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đảng viên cần nghiên cứu, nắm chắc thực chất của học thuyết phản kháng phi bạo lực để có "sức đề kháng" trước âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch; cũng như góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ suy thoái tư tưởng chính trị, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; thực hiện bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa từ sớm, từ xa.
Đại tá LÊ THẾ MẪU
phải ngăn chặn cách mạng màu từ sớm
Trả lờiXóa