Thứ Hai, 28 tháng 11, 2022

GIỮ VỮNG NIỀM TIN CHÍNH TRỊ CỦA NHÂN DÂN VỚI ĐẢNG

                                                                                                                            Kỳ Anh

         Niềm tin được định nghĩa  là bộ lọc tự nhiên giúp lựa chọn thông tin từ đó chỉ lối cho mọi hành động của bạn. Niềm tin là thứ cảm xúc đặc biệt, nó không nhất thiết phải là những gì mình thấy. Nhưng niềm tin thường xuất hiện và có xu hướng hình thành khi bạn nhìn thấy điều gì đó phù hợp với hệ tư tưởng và kiến thức nền của bạn. Đồng thời khi niềm tin xuất hiện, bạn cũng thường có xu hướng loại bỏ những thông tin trái chiều đối nghịch với niềm tin của bạn. Đó được gọi là cảm xúc niềm tin, điều này dẫn đến việc thiếu đánh giá sự vật sự việc một cách khách quan. 

Niềm tin là một giá trị tinh thần vô hình, hình thành từ trong suy nghĩ của con người. Niềm tin thường đến từ những cảm nhận chủ quan của con người, từ những nhận thức vốn có. Niềm tin chính trị của nhân dân là sự tin tưởng, kỳ vọng vào đảng phái chính trị nhất định, cụ thể là vào chủ trương, đường lối của đảng chính trị, truyền thống và những giá trị của đảng chính trị cũng như uy tín của lãnh tụ đảng đó. Niềm tin đó từ phía quần chúng nhân dân được hình thành qua đời sống chính trị của đất nước, qua hoạt động thực tiễn của chính đảng trong nỗ lực để bảo đảm rằng niềm tin đó sẽ được đền đáp. Vì thế, niềm tin chính trị được hình thành phải trải qua sự thử thách lâu dài, mà những kết quả thực tế trong hoạt động chính trị sẽ là sự bảo đảm cho uy tín chính trị của đảng, để khẳng định rằng niềm tin chính trị của quần chúng nhân dân dành cho đảng có vững chắc hay không.

         Để khẳng định nhân dân ta tin vào Đảng vào chế độ, đi theo Đảng, gắn bó máu thịt với Đảng, chúng ta cùng nhìn lại. Sau khi ra đời, gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ và tin tưởng, chỉ trong vòng 15 năm, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo dân tộc Việt Nam làm nên thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 “long trời, lở đất”, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Từ năm 1954 đến năm 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, miền Bắc vừa nỗ lực xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa dốc sức làm tròn nghĩa vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Nhân dân miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh kiên cường để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Với tinh thần “không có gì quý hơn độc lập, tự do”; trên cơ sở đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng, với sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, quân và dân ta đã đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu giang sơn về một mối.

          Trong bối cảnh, tình hình thế giới và các nước trong khu vực hiện nay đang có những diễn biến phức tạp khó lường; các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu "Diễn biến hòa bình", với chiêu bài "dân chủ", "nhân quyền" và xúi giục thúc đẩy các hoạt động "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" gây mất ổn định an ninh, chính trị; lợi dụng việc Đảng và Nhà nước ta phát huy nguyên tắc tập trung dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân, công khai hóa ý kiến nguyện vọng của nhân dân để "mượn danh" góp ý cho Đảng, có lúc lại "đổi giọng" sang "kiến nghị với Đảng" phải điều chỉnh, hay chuyển hướng cách mạng cho phù hợp với tình hình thời đại hiện nay… qua đó đã ít nhiều tác động, ảnh hưởng, làm suy giảm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, với Nhà nước và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta lựa chọn. Sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, từ một đất nước nghèo nàn, cơ sở vật chất – kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội lạc hậu, trình độ thấp, đến nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện … “Với những thành tựu to lớn đã đạt được, chúng ta có cơ sở để khẳng định rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế và uy tín như ngày nay” (trích Diễn văn tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2020) của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng).

          Những thành tựu, kết quả nêu trên là không thể phủ nhận và đó là cơ sở xuất phát và củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng – niềm tin nội lực, được xây dựng trên cơ sở thực tiễn chắc chắn, rõ ràng. Nhân dân ta tin vào Đảng vì Đảng có đường lối đúng đắn, có tổ chức chặt chẽ và đảng đã lãnh đạo nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đảng luôn lấy việc phục vụ nhân dân làm lẽ sống và mục tiêu phấn đấu. Đảng ta đã luôn tạo dựng niềm tin trong dân thông qua những kết quả, thành tựu cụ thể, từng bước giúp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Và rồi quay trở lại, đại đa số nhân dân tuyệt đối tin Đảng, một lòng theo Đảng. Những niềm tin đó hòa quyện, bện chặt vào nhau, là cội nguồn, là nền tảng sức mạnh của mỗi cá nhân, tập thể và của cả dân tộc. Những giá trị đích thực, tích cực của niềm tin ấy giúp chúng ta vượt qua mọi thử thách để xây dựng đất nước ngày càng phát triển, nhân dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc./.

2 nhận xét: