Thứ Hai, 14 tháng 11, 2022

NHẬN DIỆN, ĐẤU TRANH VÀ LOẠI BỎ THÔNG TIN GIẢ TRÊN MẠNG XÃ HỘI HIỆN NAY

HH

Tin giả (fake news) - theo cách hiểu thông thường là những thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng, kiểm duyệt, xuất hiện sai lệch về nội dung và được phát tán rộng rãi, với tốc độ vô cùng nhanh trên Internet và các phương tiện truyền thông. Có thể đó là những thông tin hoàn toàn không chính xác được cố tình đăng tải, lan truyền vì một mục đích nào đó; có thể là những thông tin có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác do người viết không kiểm chứng toàn bộ sự thật trước khi đăng tải, chia sẻ hoặc có thể họ phóng đại một phần của câu chuyện đó. Dù ở thể loại, cấp độ nào thì đây hoàn toàn là những thông tin không đáng tin cậy, nhưng xuất hiện với “cường độ” lớn, “mật độ” dày đặc trên nhiều nền tảng mạng xã hội, dễ gây nên những nhận thức sai lầm trong dư luận xã hội. Thậm chí, tạo nên những hành động sai lầm, lệch lạc của một bộ phận quần chúng thiếu hiểu biết, cả tin.

Với chúng ta, những người dùng Internet, Mạng xã hội, việc nhận diện, đấu tranh và loại bỏ thông tin giả, thông tin xấu độc trên mạng xã hội hiện nay phải thực hiện tốt những nội dung sau:

Thứ nhất, cần nhận thức rõ trách nhiệm công dân khi tham gia các hoạt động trên môi trường không gian mạng. Khi tham gia các nền tảng mạng xã hội, bên cạnh việc thỏa mãn những nhu cầu cơ bản của cá nhân, mỗi công dân cần ý thức rõ việc thiết lập “vùng an toàn” trong khuôn khổ pháp luật; để một mặt bảo đảm an ninh, an toàn cho cá nhân, mặt khác bảo vệ quyền lợi của quốc gia, dân tộc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng. Tham gia vào các nền tảng mạng xã hội người dùng vừa là người tiếp nhận thông tin, vừa là người tạo nên thông tin. Với tư cách tiếp nhận thông tin, mỗi người dùng mạng xã hội phải luôn cảnh giác, tiếp nhận thông tin một cách có chọn lọc, có sự so sánh, đối chiếu giữa thông tin trên mạng xã hội với các thông tin trên phương tiện thông tin truyền thông chính thống (như: Đài truyền hình quốc gia, các trang báo của cơ quan ngôn luận Trung ương…) để phân biệt, đánh giá mức độ đúng - sai của các thông tin. Tuyệt đối không tiếp nhận thông tin một cách cảm tính, theo tâm lý “đám đông”, dễ tin, cả tin theo các luồng thông tin trên mạng xã hội. Với tư cách người tạo nên thông tin, khi viết, truyền tải bất kỳ một thông tin nào trên các nền tảng mạng xã hội cần nghiêm túc cân nhắc, ý thức rõ phạm vi ảnh hưởng của những thông tin đưa lên mạng. Phải luôn răn mình: “suy nghĩ rồi mới nói”, đừng “nói trước khi suy nghĩ”; bởi hệ lụy từ những thông tin mình tạo ra trên mạng xã hội đôi khi khôn lường.

Hai là, cảnh giác đấu tranh, loại bỏ những thông tin sai sự thật trên mạng xã hội. Khi tham gia mạng xã hội, người dùng hoàn toàn có thể nhận diện, “chỉ mặt, đặt tên” những thông tin sai sự thật. Bởi với sự hỗ trợ “đắc lực” của các công cụ tìm kiếm người đọc sẽ nhanh chóng tìm thấy sự so sánh, đối chiếu đơn giản, dễ dàng tìm ra “chân lý” của sự việc. Vấn đề ở chỗ, người dùng không được dễ dãi, không cho phép mình tin ngay những thông tin vừa nghe, vừa đọc. Ý thức công dân và sự nhạy bén chính trị cần được đặt lên hàng đầu. Câu hỏi tại sao? Mục đích gì ẩn đằng sau? Thông tin này có lợi hoặc có hại cho ai?… phải luôn thường trực trong đầu mỗi người dùng mạng xã hội. Tuyệt đối không để “ma trận” thông tin trên mạng xã hội “điều khiển” nhận thức và hành vi của bản thân. Đây là vấn đề khó nhưng không phải không thực hiện được, nếu mỗi người dùng mạng xã hội nêu cao ý thức công dân, sự tự tôn, tự trọng của cá nhận. Mỗi người phải luôn răn mình: xã hội ảo nhưng hệ lụy thật, nếu không cảnh giác trong hiện tại sẽ nhận về những hậu quả khôn lường trong tương lai.

Ba là, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong đấu tranh, loại bỏ thông tin giả trên mạng xã hội. Hiện nay hành lang pháp lý và các công cụ kỹ thuật hoàn toàn cho phép người dùng mạng xã hội phát hiện, tố giác với các cơ quan chức năng về những thông tin giả mạo. Luật Hình sự, Luật An ninh mạng… đều có những điều khoản quy định cho phép công dân tố cáo những hành vi đưa tin sai sự thật, lừa đảo trên mạng Internet. Đặc biệt, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam đã cung cấp số điện thoại, email, webside để tiếp nhận những thông tin giả mạo liên quan đến các lĩnh vực: Chính sách, pháp luật; Kinh tế, tài chính; Lĩnh vực y tế (sản phẩm y tế liên quan đến sức khỏe con người); Thiên tai, dịch bệnh; An ninh quốc gia, trật tự an toàn - xã hội; Tài khoản giả mạo; Đường link lừa đảo; và các lĩnh vực khác. Do đó, khi người dùng mạng xã hội phát hiện thông tin giả mạo, cần chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.

Tóm lại, thông tin giả đã và đang tồn tại khá nhiều trên các nền tảng mạng xã hội. Những thông tin này luôn “ẩn mình” trong “ma trận” để đánh lừa mỗi người dùng. Do đó, khi tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội, mỗi cá nhân hãy chủ động tìm kiếm từ các trang báo chí, thông tin chính thống để so sánh, đối chiếu. Nếu không xác định được nguồn gốc, động cơ, mục đích của thông tin và người chia sẻ thông tin, cần bình tĩnh, thận trọng khi bình luận, phát tán thông tin. Bên cạnh đó, cần xây dựng cho bản thân thái độ tích cực, thể hiện rõ trách nhiệm công dân, phối hợp cùng các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống, loại bỏ thông tin giả trên mạng xã hội./.

 

 

1 nhận xét:

  1. khi tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội, mỗi cá nhân hãy chủ động tìm kiếm từ các trang báo chí, thông tin chính thống để so sánh, đối chiếu

    Trả lờiXóa