Hồng Hạc
Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước luôn có sự đóng góp tích cực và hiệu quả của các tôn giáo. Với phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, “tôn giáo đồng hành cùng dân tộc”, nhiều tổ chức tôn giáo cùng các chức sắc, chức việc, đồng bào tôn giáo đã có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới đất nước, cùng đất nước vượt qua những khó khăn, thách thức để xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Tuy nhiên, các thế lực thù địch đang ra sức lợi dụng vấn đề tôn giáo và quyền tự do tôn giáo để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, đặc biệt là các quốc gia có thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa. Mới đây, trên trang VoA Tiếng Việt phát tán bài: “Báo cáo viên Liên Hiệp Quốc yêu cầu Việt Nam giải trình việc sách nhiễu ngày nạn nhân tôn giáo” với nội dung vu cáo chính quyền Việt Nam đàn áp tín đồ tôn giáo. Đây là những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản ánh không đúng sự thật về tình hình tự do, tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam, bởi lẽ:
Thứ nhất, tình hình đời sống tôn giáo, tín ngưỡng ở nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc
Nếu như trước đổi mới, các tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta hầu như hoạt động trầm lắng, số lượng tín đồ ít, cơ sở thờ tự ít được trùng tu, xây dựng, các hoạt động tôn giáo ít được tổ chức, thậm chí tín ngưỡng, tôn giáo khi đó được xem là mê tín dị đoan, nhiều cơ sở thờ tự được trưng dụng để làm công trình phục vụ cộng đồng, nhiều cơ sở thờ tự còn bị phá hủy...
Thế nhưng, tình hình biến chuyển sâu sắc kể từ đổi mới đến nay. Số lượng các tôn giáo, số lượng tín đồ, chức sắc tăng lên nhanh chóng. Hiện nay (2022), Việt Nam có 16 tôn giáo, 43 tổ chức tôn giáo (thuộc 16 tôn giáo) được công nhận tư cách pháp nhân. Tổng số tín đồ các tôn giáo ước khoảng 27 triệu người, chiếm gần 30% dân số cả nước. Các cơ sở thờ tự của các tôn giáo được trùng tu, xây dựng mới với quy mô to đẹp, khang trang hơn trước rất nhiều.
Các hoạt động tôn giáo được tổ chức một cách thường xuyên, thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng tín đồ và người dân cả nước. Nhiều hoạt động tôn giáo mang tính quốc tế đã được tổ chức ở Việt Nam, thu hút hàng trăm ngàn người tham dự. Chẳng hạn như Đại lễ Vesak của Phật giáo thế giới đã được tổ chức 3 lần ở Việt Nam. Đối với Công giáo, Hội nghị toàn thể lần thứ X Liên hội đồng Giám mục Á Châu đã được tổ chức tại Việt Nam.
Đối với Tin Lành, năm 2017 đã tổ chức Lễ kỷ niệm 500 năm Tin Lành tại Hà Nội, sự kiện này đã thu hút khoảng 10.000 người tham gia. Một vài ví dụ vừa nêu để cho thấy, đời sống tôn giáo ở Việt Nam hiện nay hoàn toàn thay đổi so với trước, các tôn giáo được tự do hoạt động, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân được tôn trọng, đảm bảo. Tín đồ các tôn giáo là người dân tộc thiểu số, sống ở các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo… cũng đều được tạo điều kiện sinh hoạt tôn giáo.
Nhiều hoạt động tôn giáo, lễ hội tôn giáo không chỉ ảnh hưởng đối với tín đồ, mà giờ đây còn ảnh hưởng đến các tầng lớp trong xã hội. Chẳng hạn, Noel đã trở thành một dịp lễ, một sinh hoạt văn hoá trong cộng đồng xã hội, thu hút sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân, nhất là giới trẻ.
Thứ hai, ngay từ ngày đầu lập nước, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến quyền con người và quyền tự do tôn giáo của Nhân dân
Bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ngày 2/9/1945, cũng đã khẳng định quyền dân tộc và Việt Nam trong các bản Hiến pháp năm 1946 đến năm 2013, Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định nhu cầu tinh thần của một bộ phận Nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc. Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta được đảm bảo trên thực tiễn và cụ thể bằng văn bản pháp luật như: Sắc lệnh số 234/SL ngày 14/6/1955 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, xác định “Việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là quyền lợi của nhân dân. Chính phủ luôn tôn trọng và giúp đỡ nhân dân thực hiện. Chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo”.
Trong mỗi giai đoạn lãnh đạo cách mạng Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đảm bảo quyền tự do tôn giáo, tạo hành lang pháp lý để các tôn giáo hoạt động ổn định, tăng cường củng cố mối quan hệ giữa Nhà nước và các Giáo hội tôn giáo, cụ thể như: Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Pháp lệnh 21/2004/PL-UBTVQH 11 “Quy định về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo”. Chính phủ ban hành Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 1/3/2005 “Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo; Chỉ thị 1940/CT-TTg ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về Nhà đất liên quan đến tôn giáo. Hiến pháp năm 2013 quy định “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”; Quốc hội khoá XIV đã ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo… Nhờ có chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo mà số lượng chức sắc, tín đồ, cơ sở thờ tự ngày càng tăng, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân được đảm bảo tốt hơn.
Có thể thấy rằng, âm mưu của các thế lực thù địch rất thâm độc bởi chúng luôn tập trung mũi nhọn vào lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Trong khi đó, tín ngưỡng, tôn giáo là lĩnh vực nhạy cảm, nhận thức của người dân nói chung, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên là rất hạn chế. Chính vì vậy, chúng ta cần tăng cường thông tin, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời để góp phần nhận diện, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với tình hình tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.
âm mưu của các thế lực thù địch rất thâm độc, chúng ta luôn phải đề phòng
Trả lờiXóa