Thứ Ba, 22 tháng 11, 2022

LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC TRẮNG TRỢN CỦA ĐỐI TƯỢNG NGUYỄN HUỲNH VỀ ĐỜI SỐNG KINH TẾ - CHÍNH TRỊ CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY

         ĐT

        Trên trang blog Việt Nam Thời Báo, đối tượng Nguyễn Hùynh phát tán bài "Đời sống kinh tế - chính trị ở Việt Nam đầy đủ u uất", nội dung phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tuyên truyền sai sự thật về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về kinh tế. Thủ đoạn tưởng chừng mới nhưng vẫn là điệp khúc lặp đi, lặp lại của các đối tượng chống phá đường lối đổi mới, phát triển đất nước.

          Sau 36 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn hẳn thời kỳ trước đổi mới. Sau giai đoạn đầu đổi mới (1986-1990), với mức tăng trưởng GDP bình quân hằng năm chỉ đạt 4,4%, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua gần 20 năm với mức tăng trưởng rất ấn tượng: giai đoạn 1991-1995, GDP bình quân tăng 8,2%/năm, gấp đôi so với 5 năm trước đó; giai đoạn 5 năm tiếp theo 1996-2000, mặc dù cùng chịu tác động của khủng hoảng tài chính khu vực (1997-1999), GDP vẫn duy trì bình quân tăng 7,6%/năm; giai đoạn 2001-2005, GDP tăng bình quân 7,34%; giai đoạn 2006-2010, do suy giảm kinh tế thế giới, Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 6,32%/năm. Trong các năm tiếp theo, do chịu tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và khủng hoảng nợ công 2010, tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2011-2015 của Việt Nam tuy đã chậm lại nhưng vẫn đạt 5,9%/năm, là mức cao của khu vực và thế giới. Giai đoạn 2016 - 2022 vẫn đạt khoảng 6%/năm (riêng năm 2020 tăng trưởng GDP vẫn đạt 2,91%, là mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới)!

          Sau 36 năm đổi mới, đất nước đã đạt những thành tựu rất quan trọng về hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tư tưởng, đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN được thể chế hóa thành pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho nền kinh tế vận hành có hiệu quả. Đó là khẳng định nguyên tắc nền kinh tế có chế độ đa sở hữu, đa thành phần, nhiều hình thức phân phối; khẳng định nguyên tắc phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và vận hành thông suốt các loại thị trường; khẳng định nguyên tắc Nhà nước quản lý nền kinh tế theo các nguyên tắc của cơ chế thị trường; khẳng định nguyên tắc bảo đảm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường; khẳng định nguyên tắc mở cửa, hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới./.

 

1 nhận xét: