CAND-Vừa qua, nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 30/10 đến 1/11/2022.
Chuyến thăm đã thành công tốt đẹp trên tất cả các phương diện. Tuy nhiên, lợi dụng vào sự kiện này, trước, trong và sau chuyến đi, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tìm cách xuyên tạc, chống phá chuyến thăm của Tổng Bí thư và công tác đối ngoại của Đảng, nhà nước, nhân dân ta.
Luận điệu xuyên tạc, chống phá
Trong những năm qua, do tác động của dịch bệnh COVID-19, hoạt động ngoại giao, đối ngoại không chỉ nước ta mà các nước trên thế giới đều bị ảnh hưởng. Tới nay, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, cùng với các hoạt động kinh tế, xã hội thì hoạt động ngoại giao của các quốc gia cũng đã được tăng cường.
Về chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhân dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài đã bày tỏ sự vui mừng, tin tưởng về mục đích, ý nghĩa, kết quả tốt đẹp của chuyến thăm, là dấu mốc quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác, phát triển của hai Đảng, hai nước lên tầm cao mới. Ở chiều ngược lại, nắm được thông tin này, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, phản động ra sức xuyên tạc, chống phá. Tổ chức khủng bố Việt Tân, trang mạng, blog, website của các tổ chức phản động, các trung tâm truyền thông BBC, RFA, VOA… lập tức tăng tần suất các bài viết có nội dung xuyên tạc mục đích, ý nghĩa chuyến thăm, bôi nhọ hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Một số đối tượng phản động từng bị phạt tù về hành vi chống phá Nhà nước, nay đang sống ở hải ngoại đã lên mạng viết các bài tỏ thái độ hậm hực, dùng lời lẽ miệt thị, chế giễu hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta, bôi nhọ quan hệ đối ngoại Việt Nam – Trung Quốc. Những bài viết này thể hiện sự hẹp hòi, ích kỷ của cá nhân các đối tượng trước sự phát triển lớn mạnh, vị thế, uy tín của nước ta ngày càng cao trên trường quốc tế.
Một số bài viết xuyên tạc chuyến thăm của Tổng Bí thư, tuyên truyền rằng “đây là bước đi dứt khoát đẩy Việt Nam gắn chặt quốc gia phương Bắc, Việt Nam đang phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc”; “Nhà nước Việt Nam ngày càng lệ thuộc về mọi mặt vào Trung Quốc”; “chính quyền dâng đất, bán biển cho Trung Quốc”… Những luận điệu sai trái này rất nguy hiểm, khi Việt Nam đang đẩy mạnh mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trên thế giới, hội nhập ngày càng chủ động, tích cực, sâu rộng. Lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập, nhiều bài viết dưới mác “phân tích cơ sở khoa học” nhằm phủ định nền tảng tư tưởng, vai trò lãnh đạo, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; cố tình suy diễn, xuyên tạc, chống phá đường lối đối ngoại, quốc phòng, an ninh, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, tác động vào niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN.
Khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng
Chuyến thăm chính thức Trung Quốc là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kể từ sau Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo cao nhất nước ngoài đầu tiên mà Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình mời, đón tiếp ngay sau Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc - sự kiện chính trị trọng đại hàng đầu của Đảng và nhân dân Trung Quốc. Điều này thể hiện sự coi trọng lẫn nhau giữa hai Đảng, hai nước, nhất là sự trân trọng của Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đối với Tổng Bí thư Đảng ta, thông qua việc thu xếp đón Tổng Bí thư Đảng ta với nghi thức ngoại giao cao nhất và có nhiều thu xếp đặc biệt.
Trong chuyến thăm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hội kiến với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi Đảng, mỗi nước; đi sâu trao đổi ý kiến và đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng về quan hệ hai Đảng, hai nước Việt - Trung và tình hình quốc tế, khu vực hiện nay. Chuyến thăm góp phần thể hiện Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn luôn coi trọng, ưu tiên hàng đầu cho việc xây dựng và phát triển mối quan hệ tốt đẹp với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc, vì lợi ích căn bản, lâu dài của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển của thế giới và khu vực.
Hai bên đi sâu trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển; thống nhất kiểm soát thỏa đáng bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông vô cùng quan trọng; nhất trí xử lý ổn thỏa vấn đề trên biển, đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh lâu dài ở khu vực. Trong chuyến thăm, hai bên ký kết Thỏa thuận hợp tác quan trọng trên nhiều lĩnh vực.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thành công tốt đẹp, góp phần tích cực trong việc phát huy tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống Việt Nam - Trung Quốc, đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc trong thời đại mới, thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới. Hai Đảng và nhân dân hai nước rất vui mừng về những thành quả này.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, các bộ, ngành, địa phương của hai bên đã ký kết 13 văn kiện và thỏa thuận hợp tác quan trọng trên nhiều lĩnh vực, cụ thể hóa kết quả chuyến thăm. Đây là cơ sở và tiền đề để các bộ, ngành, địa phương hai nước triển khai hợp tác một cách hiệu quả trong những năm tiếp theo, góp phần đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên thế giới.
Kết quả chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được dư luận, báo chí hai nước và quốc tế phản ánh đậm nét, đánh giá cao. Trước, trong và sau chuyến thăm, truyền thông Trung Quốc đã dành sự trang trọng nhất để đưa tin đậm nét về chuyến thăm. Những tờ báo lớn nhất như Nhân Dân nhật báo, Đài CTTV... khẳng định, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc được nâng lên một tầm cao mới sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, qua đó tăng cường sự tin cậy lẫn nhau về chính trị, kiểm soát những khác biệt nhằm đưa quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược lên một tầm cao mới. Tờ Nikkei của Nhật Bản cho rằng chuyến thăm là một sự kiện ngoại giao đáng chú ý, khẳng định chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam, coi trọng mối quan hệ với các nước láng giềng, trong đó có Trung Quốc, cùng nhau trao đổi, hợp tác để củng cố hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Các hãng tin lớn như Reuters của Anh cũng đăng tải nhiều tin tức, kết quả, ý nghĩa của chuyến thăm. Theo hãng tin này, Trung Quốc đã dành sự đón tiếp trọng thị đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thể hiện sự coi trọng mối quan hệ giữa hai bên; Việt Nam và Trung Quốc là hai đối tác truyền thống lâu đời và hai bên mong muốn duy trì mối quan hệ này vì lợi ích phát triển của nhân dân hai nước, đặc biệt là củng cố duy trì sự ổn định, cân bằng hệ thống cung ứng và đầu tư trong một môi trường quốc tế phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Hay như tờ Diplomat của Mỹ nhấn mạnh những trọng tâm của chuyến thăm, thể hiện quan điểm nhất quán trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Bài báo cho biết, chuyến thăm không chỉ là minh chứng cho mối quan hệ láng giềng lâu đời giữa hai nước, khẳng định tăng cường sự tin cậy, thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc ổn định và phát triển hơn...
Chuyến thăm là sự cụ thể hóa đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng: “Kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế vì lợi ích quốc gia - dân tộc là định hướng chiến lược lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Mục tiêu hoạt động đối ngoại nhằm “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi”. Phương châm trong đối ngoại là: “Độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế (Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng).
Mục đích, ý nghĩa, kết quả chuyến thăm được thể hiện rõ nét và được truyền thông quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Sự thật đó là minh chứng khách quan, sinh động phản bác những luận điệu bôi nhọ, chống phá, những hành động trơ trẽn và lạc lõng của các thế lực xấu.
Lê Thế Cương
chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được nhân dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài đã bày tỏ sự vui mừng, tin tưởng về mục đích, ý nghĩa, kết quả tốt đẹp của chuyến thăm
Trả lờiXóa