(LLCT) - Công bằng trong phân phối là một nội dung lớn trong tư tưởng Hồ Chí Minh, ngày càng được Đảng ta nhận thức sâu sắc, đúng đắn, vận dụng sáng tạo, bổ sung phát triển trong thực tiễn. Gắn phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội là một trong những quan điểm rất quan trọng, thể hiện bước phát triển lý luận của Đảng về công bằng trong phân phối, cơ sở thực hiện công bằng xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Thăm khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho đồng bào các dân tộc thiểu số - Ảnh: vov.vn
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về công bằng trong phân phối
Sau khi giành lại độc lập, đất nước ta tập trung cho mục tiêu ấm no, hạnh phúc của nhân dân bởi nước độc lập mà dân không được hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì. Do đó, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân là mục tiêu, là thước đo tính đúng đắn của mỗi biện pháp kinh tế. Nhưng không chỉ ăn no, mặc ấm cho riêng mình, đó còn là ăn no, mặc ấm cho tất cả mọi người, phải bảo đảm phân phối cho công bằng để ai cũng được hưởng thành quả lao động. Vì thế, không chỉ chú trọng các biện pháp phát triển kinh tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề phân phối trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Người khẳng định, nền kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH phải lấy phân phối theo lao động là chủ yếu, đồng thời chú ý đến phúc lợi xã hội để bảo đảm công bằng, hợp lý.
Theo Hồ Chí Minh, vấn đề phân phối gắn liền trực tiếp với lợi ích kinh tế, phân phối công bằng, hợp lý sẽ khuyến khích, động viên người lao động hăng say, tích cực, tiết kiệm, chống lãng phí, “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng; Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên”(1). Công bằng là cốt lõi, là trọng tâm và cũng đồng thời là nguyên tắc quan trọng nhất trong quan hệ phân phối. Trong cách diễn đạt của Hồ Chí Minh, công bằng xã hội gắn với bình đẳng xã hội, đó là mối quan hệ giữa bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi, nghĩa là phần thụ hưởng ngang bằng với mức độ đóng góp. Người cho rằng, trong CNXH, công bằng là ai cũng có quyền được lao động và thụ hưởng tương xứng với đóng góp của bản thân cho tập thể và xã hội.
Vấn đề bình đẳng của người lao động được đặt trong mối quan hệ không chỉ về quyền lợi mà còn là nghĩa vụ, sự ngang bằng về địa vị làm chủ nước nhà, làm chủ tư liệu sản xuất, điều kiện bảo đảm cho mỗi người phát huy mọi khả năng của mình để cùng vươn tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc. “Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải cải tạo xã hội cũ thành một xã hội mới, một xã hội không có chế độ người bóc lột người, một xã hội bình đẳng nghĩa là ai cũng phải lao động và có quyền lao động, ai làm nhiều thì hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng”(2). Trong điều kiện đất nước vừa thoát khỏi chế độ thực dân, phong kiến, còn nhiều khó khăn về kinh tế, có thể nói đây là nguyên tắc phân phối công bằng, phù hợp với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH.
Muốn phân phối cho công bằng, Hồ Chí Minh đã chỉ ra phải tuân thủ nguyên tắc phân phối theo lao động: “Làm nhiều thì hưởng nhiều, làm ít thì hưởng ít và không làm thì không hưởng”(3). “Công nhân trong nhà máy, lao động trí óc và chân tay đều có lương bổng. Lương bổng theo sức lao động của mình, tùy theo mức sản xuất, chất lượng sản xuất. Làm tốt, làm nhiều: Hưởng nhiều, làm xấu, làm ít: Hưởng ít, có khi phải bồi thường lại cho Nhà nước. Chính phủ không phát lương cho người ngồi ăn không”(4). Như vậy, tiền lương theo cách diễn đạt của Hồ Chí Minh chính là giá cả của sức lao động, tiền lương cao hay thấp tùy thuộc vào trình độ, điều kiện, vị trí làm việc cũng như hiệu quả công việc. Theo đó, mức lương nhiều, ít khác nhau, làm thiệt hại có trách nhiệm phải bồi thường cho Nhà nước, Nhà nước cũng không phát lương cho người không lao động. Đây là hình thức phân phối chủ yếu, bảo đảm sự công bằng trong thời kỳ quá độ.
Bên cạnh tiền lương, cần có thưởng để khuyến khích những người làm tốt. Tuy nhiên, căn cứ vào nhu cầu của sản xuất, đặc điểm của xí nghiệp và tính chất khác nhau của công tác mà đặt cách thưởng năng suất khác nhau. Phải tránh cách thưởng “bình quân”, bình quân thì người không đáng thưởng cũng được thưởng, còn người đáng thưởng có khi không được hoặc được thưởng rất ít ỏi. Điều kiện được thưởng phải quy định rõ ràng. Thí dụ, khi thưởng phải quy định rằng số lượng vẫn đủ mức, nguyên liệu không quá mức, mà chất lượng thì đúng mức hoặc vượt mức - như vậy mới được thưởng.
“Tiến lên chủ nghĩa xã hội không phải muốn là tức khắc có, mà phải làm thế nào cho nó tiến lên, tức là phải lao động, lao động thiết thực. Tất cả mọi người phải lao động. Có lao động thì mới có ăn. Không lao động thì không có ăn”(5). Do đó, công cụ khoán sản phẩm là một hình thức cần thiết để nâng cao hiệu quả kinh tế. Theo Hồ Chí Minh, “Chế độ làm khoán là một điều kiện của chủ nghĩa xã hội, nó khuyến khích người công nhân luôn luôn tiến bộ, cho nhà máy tiến bộ. Làm khoán là ích chung và lại lợi riêng. Công nhân sản xuất ra nhiều vải, cố gắng nhiều, hưởng được nhiều; làm khoán tốt thích hợp và công bằng dưới chế độ ta hiện nay. Nếu người công nhân nào thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu kỷ luật lao động thì làm cho mau nhưng không tốt; như vậy là không đúng và làm khoán phải nâng cao số lượng, nhưng luôn luôn phải giữ chất lượng”(6).
Để bảo đảm công bằng trong phân phối, Hồ Chí Minh còn luôn nhắc nhở tránh phân phối bình quân: “Phân phối phải theo mức lao động, lao động nhiều thì được phân phối nhiều, lao động ít thì được phân phối ít. Lao động khó thì được phân phối nhiều, lao động dễ thì được phân phối ít. Không nên có tình trạng người giỏi, người kém, việc khó, việc dễ, cũng cộng điểm như nhau. Đó là chủ nghĩa bình quân. Phải tránh chủ nghĩa bình quân”(7). Trong lao động cũng đòi hỏi phải nghiêm khắc với những người lao động, ý thức kém, có như vậy mới khuyến khích được người lao động và mới phát huy được năng lực của từng cá nhân.
Bên cạnh đó, cùng với phân phối công bằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở cần quan tâm chính sách xã hội, “đặc biệt chú trọng các vùng bị chiến tranh tàn phá, các cháu mồ côi, các cụ già yếu và gia đình các liệt sĩ, thương binh, bộ đội, thanh niên xung phong”(8). Vấn đề bảo đảm phúc lợi theo Hồ Chí Minh phải gắn với hiệu quả sản xuất, sản xuất phát triển mới có thể tăng thêm phúc lợi cho công nhân. Để phát triển kinh tế, bảo đảm phúc lợi và công bằng trong phân phối trước hết phải phát triển kinh tế, phải thực hiện tiết kiệm và tích cực chống lãng phí, tham ô, vì những sai lầm đó có hại cho Nhà nước, cho nhân dân và có hại trực tiếp cho cán bộ, nhân viên…
Những nội dung cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về công bằng trong phân phối, là cơ sở để bảo đảm công bằng xã hội - mục tiêu, nhiệm vụ trong xây dựng CNXH, đó là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đó cũng chính là thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, thể hiện tính nhân văn, bản chất tốt đẹp của chế độ XHCN.
2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công bằng trong phân phối thời kỳ đổi mới
Quan điểm của Đảng về công bằng trong phân phối thời kỳ đổi mới dựa trên cơ sở kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Cả lý luận và thực tiễn đều khẳng định, muốn thực hiện tốt công bằng xã hội phải bảo đảm công bằng trong phân phối. Nhằm thực hiện công bằng trong phân phối, Đảng ta luôn nhấn mạnh đồng thời mục tiêu phát triển kinh tế và công bằng xã hội, cả về phương diện hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội, đều tập trung cho mục tiêu phát triển con người.
Trước đổi mới, chính sách phân phối theo chủ nghĩa bình quân đã phát huy vai trò lịch sử trong một giai đoạn nhất định. Tuy nhiên, khi điều kiện thực tế đã thay đổi, việc thực hiện chính sách phân phối bình quân trong thời gian dài đã cào bằng mọi giá trị lao động, trở thành lực cản, làm triệt tiêu động lực sản xuất, kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế, là một nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng kinh tế - xã hội những năm 1980. Nghị quyết Trung ương 8 khóa V năm 1985 về giá - lương - tiền đã chỉ rõ: “Cùng với chế độ cung cấp hiện vật bình quân với giá thấp, trên thực tế là cấp phát cho không, bản thân chế độ lương hiện hành đã quá lâu không sửa đổi cho nên không những lạc hậu về mức lương bằng tiền, mà tự thân nó mang nặng tính bao cấp; quy luật phân phối theo lao động bị vi phạm nghiêm trọng, tiền lương không gắn với năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất và công tác. Chế độ lương hiện vật gây ra nhiều lãng phí và tiêu cực, vi phạm nghiêm trọng quyền làm chủ của người lao động đối với đồng lương và thu nhập của mình”(9). Đại hội VI của Đảng đã chỉ rõ những hạn chế và sai lầm về chế độ sở hữu, cơ chế quản lý và chế độ phân phối. Đại hội đã quyết định chuyển nền kinh tế từ mô hình kinh tế kế hoạch hóa dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, khắc phục nguyên tắc phân phối bình quân và thực hiện nhiều hình thức phân phối. Để khắc phục tính chất bình quân, cần khắc phục tình trạng tách rời việc trả công lao động với số lượng và chất lượng lao động, chế độ tiền lương theo hướng bảo đảm yêu cầu tái sản xuất sức lao động.
Nguyên tắc phân phối trong thời kỳ đổi mới được diễn đạt cụ thể hơn tại Đại hội VII (năm 1991): “Thực hiện nhiều hình thức phân phối, lấy phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế là chủ yếu”(10). Đại hội chủ trương đổi mới chính sách tiền lương và thu nhập, khuyến khích làm giàu dựa vào thành quả lao động và hiệu quả kinh tế, đấu tranh ngăn chặn thu nhập bất hợp pháp. Đại hội cũng khẳng định phát triển kinh tế là cơ sở và tiền đề để thực hiện các chính sách xã hội, thực hiện tốt chính sách xã hội là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (năm 1994) đã bổ sung hình thức phân phối theo nguồn vốn đóng góp vào sản xuất - kinh doanh. “Phân phối theo lao động là chủ yếu, khuyến khích và đãi ngộ xứng đáng các tài năng, đồng thời phân phối theo nguồn vốn đóng góp vào sản xuất - kinh doanh”(11).
Đại hội VIII khẳng định nhất quán “Thực hiện nhiều hình thức phân phối, lấy phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế là chủ yếu, đồng thời phân phối dựa trên mức đóng góp các nguồn lực khác vào kết quả sản xuất - kinh doanh và phân phối thông qua phúc lợi xã hội, đi đôi với chính sách điều tiết hợp lý, bảo hộ quyền lợi của người lao động”; “ Phân phối và phân phối lại hợp lý các thu nhập; khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa đói, giảm nghèo, không để diễn ra chênh lệch quá đáng về mức sống và trình độ phát triển giữa các vùng, các tầng lớp dân cư”(12). Như vậy, phân phối theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác là một trong những hình thức quan trọng bảo đảm công bằng và bảo đảm tính định hướng XHCN trong phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam.
Trên thực tế, dù hình thức phân phối này là tiến bộ, công bằng nhất, cơ bản và chủ yếu nhất trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam, song, nó cũng chứa đựng những mâu thuẫn, hạn chế chưa được giải quyết một cách triệt để. Kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam đang trong quá trình hình thành, do đó vẫn còn hiện tượng bất bình đẳng thu nhập, khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng, khoảng cách giữa nông thôn và đô thị là một thách thức trong phát triển. Đại hội XI, trên cơ sở tổng kết thực tiễn phân phối trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã bổ sung, phát triển thêm: “Thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội”(13). Như vậy, quan điểm của Đảng nhất quán thực hiện kết hợp phân phối dựa trên mức đóng góp các nguồn lực khác vào kết quả sản xuất, kinh doanh và phân phối thông qua các quỹ an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Đây là cơ sở thực hiện công bằng xã hội đúng nghĩa trên thực tế; đồng thời, thể hiện rõ bản chất của CNXH và truyền thống nhân văn, nhân đạo, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của dân tộc Việt Nam.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nhấn mạnh vai trò quan trọng của phân phối trong việc bảo đảm công bằng: “Quan hệ phân phối bảo đảm công bằng và tạo động lực cho phát triển”(14).
Trên cơ sở tổng kết quá trình phát triển đất nước qua hơn 35 năm đổi mới cả về lý luận và thực tiễn, Đại hội XIII của Đảng khẳng định quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên, đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Bên cạnh những kết quả đạt được, Đại hội cũng chỉ rõ: “Chênh lệch giàu - nghèo có xu hướng gia tăng, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai; khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng, miền còn khá lớn”(15). Do đó, Đại hội xác định cần hoàn thiện quan hệ phân phối bảo đảm công bằng và tạo động lực cho phát triển, phù hợp với cơ chế thị trường. Đó là một trong những yêu cầu để định hướng tới nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp nhằm đạt mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; “Gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; phát huy nhân tố con người, lấy nhân dân làm trung tâm; phát huy vai trò của văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực của sự phát triển”(16).
Nguyên tắc phân phối được nêu ra từ Đại hội VI và bổ sung, hoàn chỉnh qua các kỳ Đại hội đã thể hiện sự đổi mới dứt khoát trong tư duy về nguyên tắc phân phối vì mục tiêu công bằng xã hội, không chờ kinh tế phát triển đến trình độ cao mới thực hiện công bằng xã hội, càng không chấp nhận hy sinh công bằng xã hội để đổi lấy tăng trưởng kinh tế, nhất quán thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Không chỉ khẳng định nhất quán nguyên tắc phân phối theo nguyên tắc thị trường, mà còn thực hiện phân phối lại thông qua hệ thống an sinh xã hội, bảo đảm cơ bản an sinh xã hội, quan tâm nâng cao phúc lợi xã hội cho người dân; thực hiện ngày càng tốt hơn chính sách đối với người có công. Đổi mới cơ chế huy động phân bổ và đa dạng hóa các nguồn lực thực hiện, bảo đảm bình đẳng về cơ hội phát triển, cải cách chính sách tiền lương theo hướng gắn với sự thay đổi của giá cả sức lao động trên thị trường, tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế và tốc độ tăng năng suất lao động, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả.
Như vậy, từ khi đổi mới, mục tiêu công bằng trong phân phối luôn được Đảng ta quan tâm chú trọng. Mục tiêu công bằng đó được xác định trên cơ sở cải thiện trình độ phát triển kinh tế và sự hoàn thiện của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, khuyến khích làm giàu theo luật pháp, thực hiện có hiệu quả các chính sách xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện và cơ hội tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển.
Quan điểm của Đảng về công bằng trong phân phối thời kỳ đổi mới thể hiện sự vận dụng, quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về nguyên tắc khách quan, toàn diện, lịch sử - cụ thể trong phân phối dưới nhiều hình thức khác nhau - cơ sở thực hiện công bằng xã hội nói riêng, quá trình giải quyết các vấn đề xã hội nói chung. Quan điểm này hoàn toàn đúng đắn về mặt lý luận, phù hợp với thực tiễn và điều kiện khách quan của Việt Nam.
Việc thực hiện các nguyên tắc phân phối công bằng đã khuyến kích mọi chủ thể, mọi nguồn lực tham gia sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân từ khi đổi mới đến nay - chính là ưu việt về thực hiện công bằng xã hội của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
_________________
Ngày nhận bài: 25-7-2022; Ngày bình duyệt: 1-8-2022; Ngày duyệt đăng: 22-8-2022.
(1), (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.224, 596.
(2), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.241, 404,
(4), (5), (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.534, 534, 537-538.
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.216.
(9) Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 17-6-1985 Về giá - lương - tiền, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-v/nghi-quyet-hoi-nghi-lan-thu-8-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-v-ve-gia-luong-tien-1097.
(10) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1991, tr.112.
(11) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.47.
(12) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.92-93, http://dangcongsan.vn/cpv/.
(13), (14) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.74, 74.
(15), (16) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.86, 99.
PGS, TS TRẦN HOA PHƯỢNG
Viện Kinh tế chính trị học,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
tự hào là con cháu Bác Hồ
Trả lờiXóa