Thứ Hai, 3 tháng 10, 2022

CHIẾN LƯỢC THÂM ĐỘC CỦA CHỦ NGHĨA ĐẾ QUỐC

HH

Chiến lược "diễn biến hoà bình" là một chiến lược của chủ nghĩa đế quốc dựa trên sức mạnh tổng hợp quốc gia, lấy sức mạnh quân sự làm công cụ răn đe, thông qua các biện pháp "phi vũ trang" tác động vào tư tưởng, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, ngoại giao, quốc phòng, an ninh để lật đổ các nước xã hội chủ nghĩa mà không cần chiến tranh. Đây là một chiến lược hết sức thâm độc và nguy hiểm được chủ nghĩa đế quốc tìm tòi, rút kinh nghiệm và tổng kết qua nhiều thập kỷ chống chủ nghĩa xã hội. Chiến lược "diễn biến hoà bình" đã là một nhân tố hết sức quan trọng làm cho Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ. Hiện nay, chủ nghĩa đế quốc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược này chống phá các nước xã hội chủ nghĩa còn lại cũng như các nước theo con đường phát triển tiến bộ. Đó là một nguy cơ thách thức sự sống còn của chủ nghĩa xã hội.

Chiến lược "diễn biến hoà bình" là chiến lược tổng hợp của chủ nghĩa đế quốc và thế lực phản động dùng biện pháp "phi vũ trang" là chủ yếu  chống phá, tiến tới lật đổ các nước xã hội chủ nghĩa.

Thực ra các biện pháp "diễn biến hoà bình" bằng chiến tranh tâm lý, chiến tranh gián điệp, bóp nghẹt về kinh tế... làm suy yếu, tan rã đối phương nhằm mục tiêu "không đánh mà thắng", đã được các nhà chính trị, quân sự nhiều nước thực hiện từ xa xưa. Nhưng đó thường là những biện pháp hỗ trợ, bổ sung cho các hành động quân sự.

Vào giữa thế kỷ XX, chủ nghĩa đế quốc phải thừa nhận đòn quân sự không thể tiêu diệt được các nước xã hội chủ nghĩa; trên thế giới xu thế hoà hoãn phát triển, quan hệ quốc tế ngày càng mở rộng; chủ nghĩa tư bản có bước điều chỉnh, thích nghi, giành nhiều thành tựu về kinh tế, khoa học - công nghệ, đạt được sự ổn định và phát triển. Chủ nghĩa đế quốc nhận thấy có thể thực hiện một cuộc tấn công “hòa bình” ngay trong lòng chủ nghĩa xã hội để làm sụp đổ các nước xã hội chủ nghĩa, phương thức mới này được gọi là "diễn biến hoà bình" hay "chuyển hoá hoà bình".

Cho đến những năm 80 của thế kỷ XX, chủ nghĩa đế quốc mới nâng "diễn biến hoà bình" từ biện pháp hỗ trợ, bổ sung cho hành động quân sự thành chiến lược toàn diện (cả tư tưởng, phương châm, kế hoạch, biện pháp) và dùng chiến lược này làm mũi tiến công chủ yếu chống chủ nghĩa xã hội.

Mục tiêu cơ bản của chiến lược “diễn biến hòa bình” mà chủ nghĩa đế quốc tiến hành là nhằm thủ tiêu chủ nghĩa xã hội hiện thực, xóa bỏ các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới. Để thực hiện mục tiêu này, chúng dùng nhiều thủ đoạn, vừa trắng trợn vừa tinh vi, vừa công khai vừa lén lút. Chủ nghĩa đế quốc thường dùng các thủ đoạn như xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ đảng cộng sản, bôi nhọ chủ nghĩa xã hội, tuyên truyền tư tưởng tư sản và tô hồng, ca tụng xã hội tư sản hiện đại; bao vây cô lập kinh tế, đồng thời sử dụng viện trợ để gây sức ép, thao túng, làm chuyển hoá nền kinh tế xã hội chủ nghĩa theo con đường tư bản chủ nghĩa; dùng các chiêu bài tự do, dân chủ, nhân quyền, các vấn đề dân tộc, tôn giáo kích động gây mâu thuẫn nội bộ, lôi kéo, mua chuộc các phần tử thoái hoá biến chất, bất mãn, bất đồng quan điểm, xây dựng và cài cắm lực lượng chống đối từ bên trong, tạo nên lực lượng chống chủ nghĩa xã hội từ trong lòng các nước xã hội chủ nghĩa…

Những thủ đoạn trên của chủ nghĩa đế quốc tác động toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, tư tưởng - văn hoá, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; phối hợp tác động cả bên ngoài và bên trong, cả tổ chức và con người, với tất cả các tầng lớp, thành phần xã hội trong các nước xã hội chủ nghĩa để gây nên sự "diễn biến" từ từ, thầm lặng, làm mục ruỗng từ bên trong, dẫn tới sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa.

 

1 nhận xét:

  1. Những thủ đoạn thâm độc của chủ nghĩa đế quốc tác động toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, tư tưởng - văn hoá, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; phối hợp tác động cả bên ngoài và bên trong, cả tổ chức và con người, với tất cả các tầng lớp, thành phần xã hội trong các nước xã hội chủ nghĩa để gây nên sự "diễn biến" từ từ, thầm lặng, làm mục ruỗng từ bên trong, dẫn tới sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa.

    Trả lờiXóa