HH
Thực tiễn cách mạng Việt Nam hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề yêu cầu lý luận phải giải quyết. Lợi dụng những khó khăn, thách thức của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới, các thế lực phản động trong và ngoài nước đang tung ra nhiều luận điểm xuyên tạc đường lối cách mạng của Đảng và Nhà nước ta. Trước những vấn đề có tính sống còn của đất nước, của chế độ, chúng ta cần phải đấu tranh không ngừng nghỉ với những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch với các biểu hiện cụ thể như sau:
Một là, sự chống phá của các thế lực thù địch về mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Sau khi chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, các thế lực đế quốc cho là “thời cơ” đã đến để xóa bỏ các nước XHCN khác còn lại. Do đó, họ đòi “lựa chọn lại” con đường mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn. Các thế lực thù địch cho rằng không thể làm trái quy luật bỏ qua chế độ TBCN mà là phát triển CNTB dưới sự lãnh đạo của Đảng. Giải quyết các vấn đề xã hội ở chừng mực nào đó, theo CNXH dân chủ. Chúng rêu rao rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chọn con đường sai, không thể có CNXH. Họ tô hồng cho CNTB, rằng “CNTB đã thay đổi bản chất”, “CNTB có thể hội tụ với CNXH trong thời đại văn minh trí tuệ”.
Hai là, sự tấn công vào vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau khi chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, các thế lực thù địch và cơ hội ráo riết tiến hành chuẩn bị để dàn dựng kịch bản ấy ở Việt Nam. Một chiến dịch truyền bá các quan điểm thù địch, sai trái được tiến hành có bài bản, công phu, phối hợp chặt chẽ các lực lượng trong và ngoài nước. Trong đó, lực lượng bên ngoài làm chỗ dựa cả về vật chất và tinh thần. Huy động nhiều phương tiện, tận dụng mọi cơ hội – đặc biệt nhân cơ hội góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 hiện nay, - với nhiều hình thức, biện pháp, nhiều mũi tiến công. Song chung quy lại, tất cả đều nhằm vào mục tiêu quan trọng nhất, quyết định nhất là gạt bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với Nhà nước và xã hội Việt Nam.
Ba là, tấn công vào phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Các thế lực thù địch cho rằng, việc Đảng đưa ra định hướng XHCN là thừa, vô nghĩa. Chỉ cần đặt vấn đề xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh là đủ. Việt Nam tiến lên CNXH bỏ qua TBCN là điều kỳ quặc, trái quy luật. Họ cho rằng: đã kinh tế thị trường thì không có CNXH. Và “định hướng XHCN” là giáo điều, sách vở, xuất phát từ “định đề giai cấp” chứ không xuất phát từ thực tiễn Việt Nam. Do đó, phải bỏ “định hướng XHCN” mới phù hợp với thực tế đất nước và xu thế thời đại.
Bốn là, xuyên tạc tình hình kinh tế - xã hội ở Việt Nam, phủ nhận những thành tựu to lớn của nhân dân ta trong quá trình đổi mới. Đồng thời, thổi phồng những yếu kém, khuyết điểm của Nhà nước ta trong quá trình quản lý kinh tế, quản lý xã hội, coi tệ quan liêu, tham nhũng là khuyết tật không thể khắc phục được trong XHCN. Quy mọi yếu kém ở Việt Nam đều do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Năm là, các nước đế quốc và các thế lực phản động vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, cố tình đổi trắng thay đen, dựng lên chuyện Việt Nam đàn áp tôn giáo, kỳ thị dân tộc thiểu số. Sử dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền để kích động tư tưởng ly khai, tự trị ở các vùng dân tộc thiểu số, kích động biểu tình, bạo loạn, gây mất ổn định chính trị - xã hội, phá hoại sự thống nhất dân tộc.
Như vậy, với nội dung chống phá bao trùm đó chúng ta thấy không một phút giây nào các thế lực thù địch ngơi nghỉ tấn công chống phá cách mạng Việt Nam. ĐTLL của nước ta hiện nay nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích dân tộc và an ninh quốc gia là một qua trình không ngừng nghỉ. Trong cuộc đấu tranh này, không những phải làm thất bại âm mưu thâm độc, phá hoại của kẻ thù về tư tưởng, lý luận mà còn phải phát triển lý luận, giải đáp và hành động thực tiễn nhằm hiện thực hóa tư tưởng, lý luận về những vấn đề đang đặt ra cho thời đại hiện nay./.
bài viết rất hấp dẫn
Trả lờiXóa