Thứ Năm, 20 tháng 10, 2022

KIÊN ĐỊNH CON ĐƯỜNG ĐI LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

Phạm Trung

Hiện nay, xuất hiện một số quan điểm thể hiện sự “chân thành, trách nhiệm” đối với đất nước khi đưa ra lời khuyên: Việt Nam nên “từ bỏ” con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Thực chất đây là luận điệu của các thế lực thù địch muốn chống phá con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Luận điệu không mới nhưng luôn phải nắm vững các luận cứ khoa học để bác bỏ.

Một là, xuất phát từ lý luận khoa học về quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Qua nghiên cứu, tổng kết lịch sử phát triển của xã hội loài người, bằng thế giới quan duy vật và phương pháp luận biện chứng, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra sự phát triển mang tính lịch sử tự nhiên, sự thay thế nhau một cách tuần tự, liên tục của các hình thái kinh tế - xã hội. Quá trình lịch sử tự nhiên ấy bao hàm cả những quá trình phát triển đột biến, gián đoạn từng diễn ra ở một số xã hội nhất định.

C.Mác và Ph.Ăngghen, V.I.Lênin đã dự đoán khả năng các nước lạc hậu phát triển lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa; chỉ rõ điều kiện tiên quyết để thực hiện khả năng đó là: Chủ nghĩa tư bản đã phát triển tới đỉnh cao ở các nước tiên tiến; cách mạng vô sản đã thắng lợi ở Tây Âu; cách mạng vô sản ở Tây Âu kết hợp với cách mạng ở các nước lạc hậu; sự nêu gương và sự ủng hộ tích cực của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở phương Tây đối với các nước lạc hậu đi theo con đường xã hội chủ nghĩa; những lực lượng tiên tiến của các nước lạc hậu chủ động thực hiện quá trình phát triển bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa.

Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh khẳng định, quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là một tất yếu lịch sử. Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là tương lai của xã hội loài người. Xã hội loài người nhất định sẽ phát triển tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Việt Nam quá độ lên chủ nghĩa xã hội là phù hợp với quy luật phát triển chung của lịch sử nhân loại: “Chế độ xã hội cũng phát triển từ cộng sản nguyên thủy đến chế độ nô lệ, đến chế độ phong kiến, đến chế độ tư bản chủ nghĩa và ngày nay gần một nửa loài người đang tiến lên chế độ xã hội chủ nghĩa và chế độ cộng sản chủ nghĩa. Sự phát triển và tiến bộ đó không ai ngăn cản được”[1]. Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản là tiến bộ, tốt đẹp. Đây là sự lựa chọn tích cực, là nhân sinh quan của những người cách mạng Việt Nam: “Chế độ cộng sản là ai cũng no ấm, sung sướng, tự do; ai cũng thông thái và có đạo đức. Đó là một xã hội tốt đẹp vẻ vang. Trừ những bọn phản động quá sá, thì chắc ai cũng tán thành chế độ cộng sản.”[2].

Hai là, xuất phát từ thực tiễn hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Thực tiễn hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 ở nước ta càng khẳng định tính đúng đắn của con đường quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở nước ta. Đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế như ngày nay. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Từ một nước nhỏ bé, nghèo nàn, lạc hậu, trình độ rất thấp, hầu như không có tên trên bản đồ thế giới, ngày nay Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước có quy mô dân số gần 100 triệu người, đang phát triển, có thu nhập trung bình, có quan hệ với hầu hết các nước trên thế giới, tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế và là thành viên, đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Những luận cứ khoa học trên đã bác bỏ luận điệu chống phá con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của các thế lực thù địch.

 



[1] Hồ Chí Minh (1958), “Đạo đức cách mạng”, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11, Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tr.600.

[2] Hồ Chí Minh (1953), “Thường thức chính trị”, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tr.294.


1 nhận xét: