Hư vô
Chống phá, làm cho quân đội suy yếu và biến chất là mũi nhọn trong chiến lược chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch. Chúng chống phá một cách toàn diện cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, từ những vấn đề cơ bản về chính trị, bản chất giai cấp, hệ tư tưởng, sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến những vấn đề chức năng, nhiệm vụ, về cơ cấu tổ chức, công tác cán bộ, con người…, đặc biệt, thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị và những phần tử bất mãn lại cho rằng: “Quân đội nhân dân Việt Nam phải là lực lượng trung lập”.
Thực chất quan điểm trên của các thế lực thù địch hướng tới làm cho quân đội phai nhạt mục tiêu, lý tưởng chiến đấu và xa rời sự lãnh đạo của Đảng; biến chất về chính trị, từng bước làm suy yếu, làm tê liệt, tiến tới vô hiệu hóa vai trò của quân đội là lực lượng trung thành tin cậy, chỗ dựa vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thủ đoạn trên của các thế lực thù địch rất tinh vi và thâm độc, nhưng lại không có cơ sở cả về lý luận và thực tiễn và chỉ có thể đánh lừa những người nhẹ dạ, cả tin. Quan điểm trên của các thế lực thù địch là sai lầm, phản khoa học.
Về lý luận: cần khẳng định rằng, trên thế giới không có một quân đội của quốc gia nào “là lực lượng trung lập”, vì “quân đội là công cụ bạo lực vũ trang của một giai cấp, một nhà nước nhất định nhằm phục vụ cho giai cấp và nhà nước tổ chức, nuôi dưỡng nó”[1]. Thực tiễn tổ chức và hoạt động của quân đội trong lịch sử chứng minh và khẳng định: quân đội bao giờ cũng là công cụ thực hiện mục tiêu, ý đồ chính trị của một giai cấp, một nhà nước, không bao giờ có quân đội nào trung lập và quân đội của giai cấp tư sản chưa bao giờ đứng ngoài quy luật đó.
Thực tiễn, trong gần 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện; là quân đội kiểu mới, công cụ bạo lực vũ trang của Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc; là lực lượng nòng cốt của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, bảo vệ các thành quả của sự nghiệp cách mạng.
Cả lý luận và thực tiễn đã bác bỏ quan điểm sai trái, phản động, phản khoa học; không phù hợp với thực tiễn và lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam. Do đó, cần phải hết sức tỉnh tao và kiên quyết đấu tranh chống lại quan điểm trên của các thế lực thù địch./.
[1] Tổng cục Chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam, Giáo trình Học thuyết Mác - Lênin về chiến tranh và quân đội (dùng cho đào tạo cán bộ chính trị cấp trung đoàn), Nxb QĐND, Hà Nội, 2017, tr. 106.
Quân đội trung lập thì ai lãnh đạo Quân đội?
Trả lờiXóa