Thứ Năm, 20 tháng 10, 2022

KHÔNG THỂ XA RỜI ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

 Phạm Trung

Hiện nay, xuất hiện nhiều quan điểm, tư tưởng cho rằng, đổi mới không nhất thiết phải giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa có nghĩa là không đổi mới. Đây thực chất là luận điệu của các thế lực thù địch muốn chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa và sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam. Đổi mới ở Việt Nam muốn thành công tất yếu phải giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa.

Một là, đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa là phù hợp với quy luật tiến hóa của lịch sử. Sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên. Sự phát triển ấy đi từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện. Sự phát triển ấy vừa mang tính liên tục, vừa mang tính gián đoạn, bao hàm cả những bước bỏ qua. V.I.Lênin đã chỉ ra những điều kiện để mỗi một quốc gia, dân tộc có thể bỏ qua một vài hình thái kinh tế - xã hội trong quá trình phát triển. Đó là, phương thức sản xuất muốn bỏ qua đã tỏ rõ sự lỗi thời, lạc hậu, thối nát; phương thức sản xuất mới cao hơn, ưu việt hơn đã xuất hiện trên thực tế; tình hình trong nước, giai cấp tiến bộ có đủ khả năng lãnh đạo tiến hành cuộc cách mạng xã hội để tiến lên một hình thái kinh tế - xã hội cao hơn. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản đã phát triển sang giai đoạn cao là chủ nghĩa đế quốc, đã tỏ rõ sự lỗi thời, lạc hậu, bản chất bóc lột và hiếu chiến. Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 đã làm cho chủ nghĩa xã hội trở thành hiện thực trên thực tế; tình hình Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp công nhân Việt Nam đủ năng lực lãnh đạo tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa.

Thực tế đã chứng minh, Cách mạng Tháng Mười Nga thành công năm 1917 đã mở ra thời kỳ phát triển mới cho nhân loại, đó là thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Sau Cách mạng Tháng Mười, thế giới đã hình thành hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ngày càng lớn mạnh, từng bước đạt được những thành tựu vĩ đại, chứng tỏ tính ưu việt của chế độ xã hội mới. Sự khủng hoảng và sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội ở các nước Đông Âu và Liên Xô những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước không phải do lý luận về chủ nghĩa xã hội của chủ nghĩa Mác - Lênin sai lầm mà do sự vận dụng hệ thống lý luận ấy một cách giáo điều, máy móc. Chủ nghĩa tư bản hiện tại vẫn còn tiềm năng phát triển, nhưng về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công. Năm 1978, Trung Quốc tiến hành cải cách nhưng vẫn kiên định xây dựng chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc do Đảng Cộng sản lãnh đạo nên đã thành công. Liên Xô tiến hành cải tổ nhưng xa rời, từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, không giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa nên đã sụp đổ.

Hai là, đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa là sự kế tục con đường do Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn. Cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã thôi thúc Hồ Chí Minh ra đi tìm con đường cứu nước đúng đắn cho cách mạng Việt Nam. Ngày 03/2/2021, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với đường lối đúng đã chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, trong hơn 91 năm qua.

Ba là, đổi mới theo định hướng xã hội là phù hợp với quy mô, tính chất của công cuộc đổi mới ở Việt Nam. Quy mô của sự nghiệp đổi mới ở nước ta hiện nay, đó là cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện và triệt để trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Tính chất của đổi mới: Lâu dài, khó khăn, phức tạp. Trong quá trình đổi mới, cuộc đấu tranh giai cấp, dân tộc vẫn diễn ra gay go, phức tạp với nội dung mới, hình thức mới. Việc giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong tiến hành sự nghiệp đổi mới có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và đối với chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đây cũng là cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, giữa tiến bộ và lạc hậu diễn ra trên các lĩnh vực trong từng tổ chức và từng con người. Trong công cuộc đổi mới, nhiều vấn đề mới đặt ra về lý luận cũng như thực tiễn cần được giải quyết, chúng ta vừa đổi mới, vừa tổng kết, rút kinh nghiệm, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, từng bước hoàn thiện đường lối đổi mới. Qua hơn 35 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, mặc dù đất nước đã đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử nhưng vẫn còn tồn tại một số nguy cơ, thách thức, trong đó có nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa.

Bốn là, sự chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp đổi mới ở nước ta ngày càng gay gắt, quyết liệt, với nhiều âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Hiện nay, thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” kết hợp với bạo loạn lật đổ, các thế lực thù địch trong và ngoài nước chưa khi nào ngừng chống phá sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam. Chúng chống phá trên nhiều mặt: Tư tưởng, văn hóa; kinh tế, chính trị; quốc phòng, an ninh; v.v.. Chúng tập trung mũi nhọn vào lĩnh vực tư tưởng, văn hóa để chống phá định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Chúng xuyên tạc, phủ nhận, tách rời chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chính sách của Đảng; phủ nhận định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường; v.v..

Như vậy, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa cho công cuộc đổi mới ở Việt Nam là một tất yếu khách quan, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, góp phần hiện thực hóa quan điểm Đại hội XIII của Đảng: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”[1].

 



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2021, tr.109.

1 nhận xét: