Thứ Tư, 26 tháng 10, 2022

Phải chăng “không liên kết với nước này để chống nước kia” là tự trói buộc mình, không phù hợp với thực tế, cần phải thay đổi?

TCQPTD-“Không liên kết với nước này để chống nước kia”1 là chủ trương nhất quán trong chính sách quốc phòng “bốn không” của Việt Nam. Đây cũng là vấn đề mà thời gian qua, các thế lực thù địch tập trung xuyên tạc, chống phá. Vì thế, cùng với luận giải một cách khoa học, cần kiên quyết đấu tranh bác bỏ những luận điệu phi lý đó, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.

Hòa bình và tự vệ là những thành tố cốt lõi trong bản chất chính sách quốc phòng của nước ta. Để thực hiện chính sách quốc phòng đó, Đảng và Nhà nước ta chủ trương xây dựng nền quốc phòng toàn dân theo hướng toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường, ngày càng hiện đại để bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống; trong đó, “không liên kết với nước này để chống nước kia” là quan điểm nhất quán, xuyên suốt. Song, các thế lực thù địch và một số người cố tình lại không thấy điều đó. Họ cho rằng, với chủ trương như vậy “là tự trói buộc mình, không phù hợp với thực tế, cần phải thay đổi”; “một khi đã tuyên bố rõ ràng như vậy, chúng ta sẽ khó kiếm được đồng minh” và “làm mất đi con bài mặc cả quan trọng của Việt Nam với cả Mỹ và Trung Quốc”. Theo họ, không liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia “là không phù hợp với xu thế của thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, cần phải thay đổi”. Họ còn khuyến nghị Đảng, Nhà nước ta nên liên minh quân sự, phải liên kết với nước này thì mới kiềm chế, đối phó được với nước kia để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Vậy, thực chất của những luận điệu này là như thế nào? Những phân tích dưới đây sẽ góp phần làm rõ vấn đề trên.

Có phải xu thế thời đại hiện nay là liên kết với nước này để chống nước khác?

Thời đại hiện nay được hiểu là giai đoạn quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, mở đầu bằng Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917; là “thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế”. Xét về bản chất, toàn cầu hóa là: quá trình tăng lên mạnh mẽ các mối liên hệ, sự ảnh hưởng lẫn nhau, phụ thuộc lẫn nhau của tất cả các quốc gia, các khu vực trên thế giới. Toàn cầu hóa từ một xu thế, trong vài năm gần đây đã trở thành một quá trình hiện thực trong sự vận động và phát triển của xã hội loài người. Song hành và đối ngược với xu thế toàn cầu hóa là phong trào chống toàn cầu hóa (nội dung cốt lõi là chống lại mặt trái của toàn cầu hóa). Hai nhóm người ủng hộ và không ủng hộ toàn cầu hóa này đấu tranh với nhau, mà căn nguyên chính là những bất đồng về lợi ích của quá trình toàn cầu hóa đem lại cho mỗi nhóm. Cuộc đấu tranh này chính là nhằm phân chia lại lợi ích của các lực lượng trong quá trình toàn cầu hóa. Trong cuộc đấu tranh đó, tất yếu có sự liên kết tự nhiên của những lực lượng, những nhóm người có cùng lợi ích, chủ yếu ở góc độ kinh tế. Nó không phải là liên minh, liên kết quân sự giữa các quốc gia với nhau hay giữa quân đội của các quốc gia với nhau, càng không phải là liên minh với nước này để chống lại nước kia và ngược lại. Sự liên kết (tập hợp) lực lượng ở đây rất đa dạng, thậm chí ngay trong nội bộ mỗi nước, dù là nước nhỏ hay siêu cường, cũng đều vấp phải cuộc đấu tranh giữa hai lực lượng này khi phải quyết định lựa chọn xu hướng phát triển cho đất nước mình. Cuộc đấu tranh này chi phối từ dân thường đến các cấp lãnh đạo của mỗi quốc gia. Cho nên, nói rằng không liên kết với nước này để chống nước kia “là đi ngược lại xu thế của thời đại” là cách hiểu phiến diện, không đầy đủ, không đúng về bản chất của toàn cầu hóa và chống toàn cầu hóa, không nắm được bản chất, xu thế và quy luật vận động, phát triển của xã hội loài người trong giai đoạn hiện nay là hợp tác cùng phát triển trên phạm vi khu vực và toàn cầu.

Ở một góc nhìn khác có thể thấy, hiện nay, thế giới bước vào một giai đoạn phát triển mới mà ở đó: “Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế”2. Chính trong bối cảnh ấy, nếu như Việt Nam liên minh quân sự, liên kết với nước nào, nhất là liên kết với nước lớn, để chống nước khác mới là không thực tế và rất nguy hiểm (!).

Có phải không liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia “là tự trói buộc mình, không phù hợp với thực tế, cần phải thay đổi?”

Trước hết, cần phải thống nhất rằng: liên minh quân sự không đồng nhất với quan hệ hợp tác quốc tế về quân sự, quốc phòng. Khi tham gia liên minh, các nước sẽ nằm trong một khối quân sự chung, với những mục tiêu cụ thể, dùng các biện pháp quân sự để tranh giành lợi ích, chống đối thủ chung. Các nước trong liên minh sẽ phải đặt dưới sự chỉ huy, lãnh đạo của một quốc gia, thường là nước lớn và tuân thủ các nguyên tắc của liên minh, cho dù không hoàn toàn phù hợp với mình. Chính điều này đã tạo ra sự ràng buộc giữa các nước, làm cho mỗi nước không còn độc lập, tự chủ về những vấn đề của đất nước mình.

Thực hiện chính sách quốc phòng độc lập, tự chủ, Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự, nhưng chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện cả kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh. Việt Nam đẩy mạnh hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng theo phương châm “tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả” nhằm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế; tăng cường lòng tin chiến lược, duy trì môi trường hòa bình, hợp tác cùng phát triển, củng cố thế trận quốc phòng, an ninh, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác quốc phòng, an ninh với tất cả các nước trong khu vực, trao đổi thông tin tình hình, hợp tác tuần tra chung biên giới trên bộ, trên biển (Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Thái Lan, Việt Nam - Trung Quốc,…); hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, mua bán người và ma túy, v.v. Việt Nam đang tham gia vào các sáng kiến nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng, an ninh trong Cộng đồng ASEAN, như: hợp tác công nghiệp quốc phòng; sử dụng nguồn lực và khả năng quân đội các nước khu vực trong hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa; xác định các biện pháp khả thi cũng như cơ chế tăng cường hợp tác giữa các tổ chức quốc phòng ASEAN. Trong khuôn khổ hợp tác, hằng năm, Việt Nam tham gia đầy đủ các hội nghị, như: Người đứng đầu Quân đội ASEAN (ACDFIM), Tư lệnh Lục quân ASEAN (ACAMM), Tư lệnh Hải quân ASEAN (ANCM), Tư lệnh Không quân ASEAN (AACC) và Hội nghị không chính thức những người đứng đầu tình báo quốc phòng các nước ASEAN (AMIIM). Hoạt động đối ngoại quốc phòng đa phương của Việt Nam đã góp phần tích cực vào giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, bảo vệ các lợi ích quốc gia của Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực; củng cố và duy trì hòa bình, ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho thực hiện nhiệm vụ trung tâm phát triển kinh tế đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia, bảo vệ các lợi ích quốc gia của Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực; góp phần nâng cao vị thế và uy tín của đất nước, Quân đội.

Mặt khác, trên bình diện quan hệ quốc tế, Việt Nam hiện là thành viên của Phong trào Không liên kết, cho nên chủ trương không liên kết với nước này để chống nước kia là phù hợp với mục tiêu và nguyên tắc của tổ chức quốc tế này. Phong trào Không liên kết được thành lập năm 1961, đến nay có 120 nước thành viên, 17 nước quan sát viên, là tổ chức có số lượng thành viên lớn thứ hai thế giới sau Liên hợp quốc. Không liên kết là một tập hợp lực lượng của các nước đang phát triển, với mục tiêu chính là thúc đẩy lợi ích của các nước đang phát triển; đóng góp vào duy trì hòa bình, độc lập dân tộc; chung sống hòa bình giữa các quốc gia và chung tay xây dựng một thế giới tốt đẹp, công bằng cho mọi người dân. Việt Nam chính thức tham gia Phong trào Không liên kết năm 1976, từ đó đến nay luôn hoạt động tích cực, có nhiều đóng góp đối với Phong trào vì các mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội và phát triển. Những năm qua, Việt Nam luôn coi việc tham gia Phong trào là chủ trương nhất quán, một bộ phận của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, bổ sung cho quan hệ song phương, khu vực và quốc tế của mình; sẵn sàng là bạn, đối tác tin cậy, thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn đóng góp vào việc giữ vững các nguyên tắc của Phong trào, tăng cường đoàn kết để cùng nhau phấn đấu vì những mục tiêu cao cả của Phong trào, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng bình đẳng chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ giữa các quốc gia và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Như vậy, trong điều kiện hòa bình hiện nay, không liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước khác không phải là “tự trói buộc mình”. Trái lại, nó có tác dụng “cởi trói” cho chúng ta cả trong tư duy và hành động để chúng ta có thể suy nghĩ và hành động một cách độc lập, sáng tạo và không bị chi phối, áp đặt bởi yếu tố bên ngoài, tức không bị “người khác trói mình”. Đồng thời, nó cũng không gây ra những nguy cơ tiềm ẩn, nhất là trong chính sách bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc như một số người lầm tưởng, mà ngược lại, còn giúp cho Việt Nam bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc của mình một cách vững chắc hơn. Và dĩ nhiên, một chủ trương đúng đắn và đang phát huy hiệu quả như thế thì hà cớ gì chúng ta phải thay đổi.

Có phải chủ trương không liên kết với nước này để chống nước kia khiến “chúng ta sẽ khó kiếm được đồng minh” và “làm mất đi con bài mặc cả quan trọng của Việt Nam với nước lớn”?

Nếu chúng ta chủ trương liên kết với nước này để chống nước kia sẽ đưa đến một tình huống nguy hiểm là “phải chọn bên”. Chúng ta sẽ buộc phải chọn đồng minh, để liên minh, liên kết nhằm chống lại nước khác và việc dẫn đến những tình huống cực kỳ nguy hiểm là khó tránh khỏi. Ở đây không có sự ảo tưởng dành cho nước nhỏ có quyền “mặc cả” với các nước lớn trong vấn đề này. Thực tế tình hình thế giới những năm vừa qua cũng như gần đây, đặc biệt là diễn biến các cuộc xung đột quân sự hiện nay đã cho thấy rõ điều này. Cái giá phải trả là vô cùng đắt như chúng ta đã thấy. Vận mệnh của đất nước, tương lai của dân tộc, cuộc sống của nhân dân không thể và không bao giờ có thể là “con bài” trong canh bạc chính trị của kẻ khác! Lối tư duy “đỏ đen” đầy may rủi không thể là tư duy chính trị mà Việt Nam theo đuổi. Việc thực hiện nguyên tắc “không liên kết với nước này để chống nước khác” trở nên đặc biệt quan trọng trong bối cảnh khu vực hiện nay. Nếu Việt Nam liên minh với bên ngoài, ưu tiên dùng biện pháp quân sự để giải quyết các tranh chấp, bất đồng thì sẽ khó được các nước khác ủng hộ.

Mới đây (ngày 11/5/2022), phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ (CSIS), Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược và nhiều sự lựa chọn, Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, cùng thắng”.

Với trường phái “Ngoại giao cây tre”, kết hợp hài hòa giữa gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nói đến, và với sự: biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tùy cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”, chúng ta sẽ có đủ trí tuệ và bản lĩnh để xử lý đúng đắn và hiệu quả mọi thử thách, khó khăn, vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân, mà không nhất thiết phải liên kết với nước này để chống nước kia. Chúng ta có thể chọn bạn, nhưng dứt khoát “không chọn bên” một cách cực đoan. Trong quan hệ với các nước, quan điểm của chúng ta là rất rõ ràng: “Đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác, đặc biệt là các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác quan trọng khác”3, vì lợi ích của người dân, vì hòa bình và phát triển của khu vực cũng như trên toàn thế giới.

Như vậy có thể thấy, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam là rất rõ ràng, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Những luận điệu công kích của các thế lực thù địch, thực chất nhằm chống phá đường lối đối ngoại và chính sách quốc phòng độc lập, tự chủ của Đảng và Nhà nước ta, cần kiên quyết đấu tranh bác bỏ.

Với việc không liên kết với nước này để chống nước kia, Việt Nam luôn thể hiện là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Và đây cũng là thành tựu đóng góp để “đối ngoại tiếp tục là một điểm sáng trong những thành tựu chung của cả nước”, góp phần tạo dựng môi trường thuận lợi cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

PGS, TS. PHAN TRỌNG HÀO, Hội đồng Lý luận Trung ương
___________________

1 - Bộ Quốc phòng – Quốc phòng Việt Nam 2019, Nxb CTQGST, H. 2019, tr. 25.

2 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 105.

3 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQG ST, H. 2021, tr. 163.

1 nhận xét: