Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2022

Về tình hình dân chủ ở Việt Nam Những kẻ như N.A không đủ tư cách phán xét

Văn Sơn

Vừa quan, trên trang facebook Hội những người cầm bút can đảm, trong bài viết “Sự khác biệt ý thức hệ của người dân trong quốc gia độc tài cộng sản và quốc gia dân chủ”, với cái nhìn phiến diện, nhận thức lệch lạc, thái độ khiếm nhã, N.A đã hồ đồ cho rằng “dưới sự cai trị của đảng cộng sản họ luôn phủ quyết cái quyền dân chủ của người dân”, “người dân Việt Nam không có quyền tự do tư tưởng, họ không được phép sáng tác một bản nhạc, một cuốn sách một cách tự do”… Điều này cho thấy, N.A chẳng hiểu gì về dân chủ và cũng chẳng biết gì về tình hình dân chủ ở Việt Nam, mà chỉ là sự nhại lại những luận điệu của một số tổ chức phản động hòng xuyên tạc tình hình dân chủ ở nước ta, chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước Việt Nam. Bởi lẽ: Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước.

Những năm qua, kết quả thực hành dân chủ ở Việt Nam là không thể phủ nhận.

Ngay từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay, Việt Nam luôn đề cao dân chủ; vấn đề dân chủ đã được thể hiện trong các Văn kiện của Đảng, được hiến định trong Hiến pháp và thể chế trong các văn bản pháp luật. Trên thực tế, việc bảo đảm phát huy dân chủ ở Việt Nam những năm qua đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển đất nước, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Nhà nước đã tập trung hoàn thiện các quy định pháp luật về quyền làm chủ của nhân dân được thể hiện trong Hiến pháp, các bộ luật, pháp lệnh… Nhà nước tạo những điều kiện thuận lợi để thực hiện có hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”. Quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân ngày càng gắn bó chặt chẽ, thể hiện đúng bản chất Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân

Việc thực hành dân chủ trong xã hội đã có những bước tiến căn bản trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Quyền công dân, quyền con người được khẳng định rõ ràng trong Hiến pháp năm 2013. Quyền làm chủ của nhân dân được quan tâm bảo đảm và phát huy trong thực tế, nhân dân làm chủ trực tiếp thông qua quyền bầu cử, quyền ứng cử; thực hiện quyền giám sát và phản biện xã hội thông qua Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; thực hiện quyền đối thoại dân chủ trực tiếp giữa nhân dân với chính quyền theo quy định của pháp luật; góp ý trực tiếp đối với các dự luật qua Cổng thông tin điện tử của Quốc hội. Người dân đã chủ động thực hiện quyền làm chủ, bày tỏ chính kiến của mình. Nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể, thể hiện tốt vai trò giám sát đối với cán bộ, đảng viên, các hoạt động của cơ quan nhà nước ở địa phương và được thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới.

Những kết quả đó có thể khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự quản lý của Nhà nước ở Việt Nam, dân chủ, quyền làm chủ của người dân không những không bị hạn chế, mà còn được bảo đảm, được phát huy ngày càng rộng rãi trên thực tế, chứ không phải Đảng “phủ quyết quyền dân chủ của người dân”, “người dân không có quyền tự do tư tưởng” như sự xuyên tạc của N.A.

Dân chủ phải gắn liền với kỷ cương, pháp luật.

Dân chủ là sự làm chủ vận mệnh của mình, làm chủ xã hội của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực và mọi hoạt động xã hội; phát huy dân chủ là phát huy trí tuệ, tính tích cực, sáng tạo của nhân dân, tạo động lực để phát triển đất nước. Tuy nhiên, cần phải có pháp luật với những quy định cụ thể để bảo vệ và bảo đảm dân chủ được thực hiện trên thực tế. Vì vậy, cần nhận thức và tuân thủ tính biện chứng của mối quan hệ giữa dân chủ với kỷ cương, pháp luật. Theo đó, dân chủ phải gắn liền với pháp luật, kỷ cương, mọi cán bộ, công chức, viên chức và người dân đều bình đẳng trước pháp luật. Mỗi người dân cần nhận thức đầy đủ về quyền hạn gắn liền với trách nhiệm, lợi ích đi đôi với nghĩa vụ đối với cơ quan, đơn vị, địa phương và đất nước. Thực hiện dân chủ rộng rãi đi đôi với việc phòng chống quan liêu, mệnh lệnh; chống biểu hiện độc đoán, gia trưởng, hoặc dân chủ “vô chính phủ”, lợi dụng dân chủ để vi phạm pháp luật.

Vì vậy, việc cho rằng dân chủ là người dân có sự tự do tuyệt đối, thích làm gì thì làm là hoàn toàn sai trái. Mọi quyền của người dân ở bất cứ quốc gia nào cũng đều nằm trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật của quốc gia đó và được pháp luật quy định, bảo vệ. Những nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện dân chủ thời gian qua đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần tạo động lực quan trọng phát triển đất nước. Kết quả đó không chỉ người dân Việt Nam cảm nhận được, mà các tổ chức quốc tế, các quốc gia trên thế giới, khi nhìn nhận một cách khách quan, toàn diện, đều đánh giá cao thành tựu về dân chủ mà Việt Nam đạt được. Vậy mà ở bên trời Tây, thường xuyên bị bịt tai, che mắt, N.A dám khẳng định ở Việt Nam “không có dân chủ”. Thiết nghĩ những kẻ bán rẻ lương tâm cho quỷ dữ như N.A thì không đủ tư cách để bàn luận, nhận xét về tình hình dân chủ ở Việt Nam./.


1 nhận xét:

  1. Tự do là vấn đề Việt Nam rất tôn trọng; nhưng tự do phải trong khuôn khổ của pháp luật; điều này ở các nước đều như vậy.

    Trả lờiXóa