Hồng Hạc
Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang phát động cuộc đấu tranh chống tham nhũng, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Cuộc đấu tranh đang dâng lên thành làn sóng mạnh mẽ và thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Tổng bí thư Đảng ta đã ví: “Lò đã nóng lên rồi, củi tươi cũng phải cháy”. Để cuộc đấu tranh chống quốc nạn tiếp tục có hiệu quả cao, chúng ta cần ôn lại những lời dạy của Bác Hồ về đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng
Đối với bệnh quan liêu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng phê phán nghiêm khắc những “ông quan cách mạng”. Người nói, trong chế độ xã hội mới của chúng ta, bệnh quan liêu là “kẻ thù bên trong” nằm trong các tổ chức của ta”, nó “ngấm ngầm ngăn trở, ngấm ngầm phá hoại sự nghiệp xây dựng của cách mạng”. Trong bài viết đăng trên báo Nhân Dân số 23, ngày 2-9-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch rõ, những nguyên nhân của căn bệnh ấy là do cán bộ chính quyền xa dân, khinh dân, sợ dân, không tin cậy nhân dân, không hiểu biết nhân dân, không thương yêu nhân dân. Bệnh quan liêu hiện ra bên ngoài với muôn hình vạn trạng khác nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phác họa chân dung của người quan liêu là “nghị quyết đầy túi áo, thông cáo đầy túi quần”. Anh ta uy nghiêm và bệ vệ. Mỗi hành động của anh ta như một phiên tòa phán quyết và mỗi lời nói của anh ta như là một mệnh lệnh tối cao. Sự phụ thuộc cá nhân làm vô hiệu hóa pháp luật. Bởi thế, tính nguyên tắc của nguyên tắc tập trung dân chủ - nguyên tắc cao nhất của Nhà nước Việt Nam - bị phá vỡ; tính cục bộ và địa phương chủ nghĩa xuất hiện. Địa phương thoát li khỏi sự chỉ đạo của trung ương, tự đặt ra những luật lệ riêng biệt; các cơ quan chấp hành lấn át quyền lực tối cao của các cơ quan dân cử. Văn bản pháp luật nhiều nhưng vẫn xuất hiện tình trạng lộn xộn trong nhiều lĩnh vực của xã hội. Tình trạng thiếu công bằng, thiếu bình đẳng diễn ra trầm trọng. Sự phụ thuộc cá nhân tạo ra môi trường tốt nhất để cho “ông quan liêu” lấy của công làm của tư hoặc ban phát ân huệ, tạo những vỏ bọc bảo vệ cho địa vị và những đặc quyền, đặc lợi của mình và từ đó duy lý, chủ quan, nóng vội “làm thì láo, báo cáo thì hay”, phô trương hình thức… tất yếu cũng xảy ra.
Đối với bệnh tham nhũng, chủ tịch Hồ Chí minh chỉ rõ: “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ giặc ở trong lòng”. Trong đánh giặc ngoại xâm, đồng đội cổ vũ, bảo vệ, tạo điều kiện cho anh lập công, nhưng trong thời bình, không ít trường hợp đồng đội phản bội anh, đồng lõa với anh, dẫn dắt anh vào vòng phạm tội. Trong đánh giặc ngoại xâm, gia đình bao giờ cũng là nguồn tiếp sức cho anh chiến thắng kẻ thù. Trong thời bình, nhiều khi sự chạy theo lợi ích vật chất của người thân trong gia đình lại cản trở anh chiến thắng kẻ địch bên trong, thúc đẩy nhanh các hành vi tham nhũng. Nếu thiếu cảnh giác, kẻ xấu còn thông qua gia đình để tấn công và đánh gục anh. Bác Hồ cũng đã căn dặn: Tác hại do tham nhũng gây ra cực kỳ to lớn về mọi mặt. Nó không những làm thiệt hại về kinh tế mà còn làm xói mòn lòng tin của nhân đối với Đảng, Nhà nước, với chế độ; làm rối loạn kỷ cương pháp luật, hư hỏng cán bộ… Trong khi “chiến sĩ thì hy sinh xương máu, đồng bào thì hy sinh mồ hôi nước mắt để đóng góp, mà những kẻ tham ô, lãng phí và quan liêu thì phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của chính phủ và của nhân dân. Tội lỗi ấy cũng nặng như tội Việt gian mật thám”. Về phương diện này, tệ tham nhũng đang là đồng minh của chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đối với nước ta hiện nay Những tư tưởng về chống tham ô, lãng phí của Bác Hồ được nêu ra cách đây đã gần 70 năm. Liên hệ với tình hình thực tế tham nhũng đang diễn ra ở nước ta hiện nay, chúng ta thấy, những lời dạy của Người là hết sức sáng suốt, mang tầm chiến lược và có giá trị thực tiễn vô cùng sâu sắc. Tình hình tham nhũng ở nước ta hiện nay đang diễn ra ở cả chiều rộng lẫn chiều sâu và sức công phá của nó không phải chỉ dừng lại ở lĩnh vực kinh tế mà cả chính trị, xã hội và là nguy cơ lớn nhất đe dọa mọi thành quả cách mạng của chúng ta.
Để xóa bỏ tệ quan liêu, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra 5 nguyên tắc cụ thể: Việc gì cũng phải học, bàn bạc với dân chúng; Phải tin dân chúng; Phải luôn luôn theo sát tình hình thiết thực của dân chúng, theo sự tình nguyện của dân chúng mà tổ chức họ; Tuyệt đối không theo đuôi dân chúng nhưng phải khéo tập trung ý kiến của quần chúng mà hóa nó thành đường lối để lãnh đạo quần chúng; Phải đưa chính trị vào giữa dân gian, trước kia việc gì cũng từ “trên dội xuống”, từ nay việc gì cũng phải “từ dưới nhoi lên”. Vấn đề quan trọng và mấu chốt đối với nhiệm vụ chống tham nhũng lại chính là phải xử lý cán bộ lãnh đạo, quản lý vi phạm pháp luật một cách kiên quyết, công minh, để người có khuyết điểm phải chịu kỷ luật, người có tội phải xử tội, bất kể họ là ai, ở cấp bậc nào. Người đứng đầu một tổ chức, một địa phương, một ngành đến toàn quốc đã để cho cán bộ tham nhũng có tính nghiêm trọng, kéo dài thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và nhận kỷ luật đầu tiên trước Đảng, trước nhân dân. Nếu tòng phạm hoặc cố ý bao che thì phải truy tố trước pháp luật.
Nghiên cứu những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề chống bệnh quan liêu trong một hiện trạng xã hội có quan liêu, chẳng những chúng ta có dịp nhận thức một cách đầy đủ hơn những tư tưởng cơ bản của Người về vấn đề này, mà còn cho phép chúng ta đánh giá đúng hơn tình hình xã hội hiện tại. Những tư tưởng lớn đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang còn nguyên giá trị trong việc xây dựng Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo chúng tôi việc trước tiên phải làm là chống được quan liêu, tham nhũng trong cán bộ, đảng viên hiện nay, nhất là đối với những người có chức, có quyền./.
Chống tham nhũng càng tốt thì đất nước càng phát triển mạnh mẽ
Trả lờiXóa