1. “Ông ấy bây giờ mới bị xử lý là quá muộn”; “Vi phạm lâu rồi, bây giờ cấp trên mới biết thôi”; “Nhiều người trong cơ quan biết sếp vi phạm nhưng sợ “đấu tranh, tránh đâu”...

Không ít lần tôi được nghe như thế khi hỏi chuyện những người quen ở cơ quan, đơn vị, địa phương có cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, pháp luật.

Ví dụ thì rất nhiều và có lẽ cũng chẳng cần nêu ra. Chỉ riêng những kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay đã cho thấy, nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm nghiêm trọng từ lâu, chủ yếu là: Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát dẫn đến gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước; suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; mất đoàn kết nội bộ, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; vi phạm các quy định trong công tác cán bộ, quản lý đầu tư, xây dựng, sử dụng đất đai, tài chính, tài sản; tham nhũng... Những vi phạm này, không thể nói là các đồng chí trong cấp ủy, ban lãnh đạo và chi bộ, đồng nghiệp cùng công tác với cán bộ, đảng viên đó đều... không biết!

Bên cạnh những vi phạm nghiêm trọng, khá nhiều cán bộ, đảng viên có những khuyết điểm, như: Độc đoán, gia trưởng, tham gia tệ nạn xã hội, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương đối với cán bộ, đảng viên, người đứng đầu... Đồng chí, đồng đội, nhân viên là những người trực tiếp chịu tác động hoặc được chứng kiến, nhưng vẫn không mạnh dạn góp ý, phê bình!

Chính vì không được thẳng thắn góp ý, phê phán nên những cán bộ, đảng viên đó càng “tự tung tự tác”, “cái sảy nảy cái ung”, vi phạm tăng thêm dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài những nguyên nhân dẫn đến tình trạng không phê bình, ngại góp ý với đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp, nhất là với cấp trên, như: Sợ mất lòng, sợ bị trù dập, quy chụp là gây mất đoàn kết; vì cùng có chung lợi ích; hoặc đơn giản là tâm lý “an phận thủ thường”, sợ bị hiểu sai... thì lâu nay, không ít cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có quan điểm “việc ai nấy làm”, không tham gia vào công việc và cuộc sống của người khác. Sự thờ ơ, vô cảm trước những việc sai trái, biết rõ những sai phạm, khuyết điểm của đồng nghiệp, đồng chí, đồng đội mà không thẳng thắn góp ý, phê bình đã dẫn đến nhiều hệ lụy: Cán bộ, đảng viên tiếp tục vi phạm, làm suy yếu tổ chức, ảnh hưởng sự trong sạch vững mạnh và uy tín của Đảng.  

2. “Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau...” và “đoàn kết xuôi chiều” là một trong những biểu hiện của sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ rõ.

Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) của Đảng thẳng thắn đánh giá: Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tự phê bình và phê bình, công tác kiểm tra, giám sát của nhiều tổ chức đảng còn hạn chế. Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa thẳng thắn đấu tranh với những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thậm chí còn cục bộ, lợi ích nhóm...

Để thực hiện mục tiêu kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"... Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) đã xác định nhiệm vụ và giải pháp đầu tiên là: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình; trong đó nhấn mạnh: “Nâng cao chất lượng sinh hoạt của tổ chức đảng, các tổ chức chính trị-xã hội, nhất là cấp ủy, thường vụ cấp ủy, đề cao và thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình từ Trung ương đến chi bộ, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, "dĩ hòa vi quý". Kịp thời phát hiện và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"... Bên cạnh đó, chú trọng công tác tự kiểm tra, tự giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị, kịp thời phát hiện từ nội bộ để chấn chỉnh ngay những vi phạm từ khi mới phát sinh, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành khuyết điểm, sai phạm lớn.

Ngại phê bình, góp ý - không chỉ là suy thoái...
 Tranh của MẠNH TIẾN

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng với rất nhiều giải pháp, nhưng quan trọng nhất, theo Người, trước hết là phải “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (bài báo Người viết nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Đảng). Muốn thực hiện được điều này, Người chỉ rõ: “Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Ðảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc”...

Bác Hồ nhấn mạnh “Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc” vì tất cả hoạt động của chi bộ chủ yếu được thông qua sinh hoạt với 3 hình thức: Sinh hoạt lãnh đạo; sinh hoạt học tập; sinh hoạt tự phê bình và phê bình. Mỗi hình thức sinh hoạt có yêu cầu riêng, nhưng đều phải có tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu, trên cơ sở thực hiện nghiêm nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, đó là: Tập trung dân chủ; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; tự phê bình và phê bình.

Thế nhưng, tình trạng ngại phê bình, “ngại nói thật” trong sinh hoạt chi bộ và cả sinh hoạt cấp ủy, đảng bộ vẫn khá phổ biến. Đây là nguyên nhân cơ bản làm mất tính chiến đấu trong sinh hoạt đảng, dẫn đến không kịp thời ngăn ngừa những vi phạm của cán bộ, đảng viên, để xảy ra sai phạm kéo dài và nghiêm trọng. Thậm chí, không ít cán bộ, đảng viên có sai phạm mà vẫn được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ và đề nghị khen thưởng, bổ nhiệm.

Thật đáng buồn khi hầu hết các vụ việc cán bộ, đảng viên vi phạm về đạo đức, lối sống, kỷ luật, pháp luật, nhất là tham nhũng... đều do quần chúng nhân dân, báo chí hoặc cơ quan chức năng cấp trên phát hiện. Trong khi đó, chi bộ, cấp ủy là nơi trực tiếp quản lý, giáo dục, rèn luyện và tiến hành kiểm tra, giám sát, đánh giá cán bộ, đảng viên; người cùng chi bộ, cùng cơ quan thường xuyên gần gũi, công tác, hiểu hết tính cách cũng như những việc làm của nhau-như “cùng nằm trong chăn mà lại... không biết chăn có rận”!?

Rõ ràng, việc cần làm ngay là phải quy trách nhiệm, xử lý kỷ luật nghiêm đối với những cán bộ, đảng viên cùng sinh hoạt trong cấp ủy, chi bộ mà không phê bình, góp ý, để đồng chí, đồng đội vi phạm pháp luật, kỷ luật, nhất là với những vi phạm nghiêm trọng, kéo dài (như Bộ luật Hình sự đã quy định tội danh “không tố giác tội phạm” và “che giấu tội phạm”). Bên cạnh đó, cần ban hành quy định bình xét cán bộ, đảng viên theo thang điểm 10 trên từng nội dung, trong đó có tinh thần tự phê bình và phê bình...; đồng thời xếp loại cán bộ, đảng viên trong từng chi bộ theo số thứ tự (từ tốt nhất đến yếu nhất) để tăng tính đấu tranh phê bình trong sinh hoạt đảng, bảo đảm kết quả bình xét thực chất hơn, tránh tình trạng "tạo điều kiện cho nhau cùng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Có như vậy mới khắc phục được tình trạng “dĩ hòa vi quý”, nể nang, né tránh, thấy sai không đấu tranh.

3. “Tôi vô cùng cảm ơn anh đã rất kiên trì, dũng cảm, chân thành góp ý, giúp tôi sửa được tính nóng nảy, gia trưởng, đồng thời biết tôn trọng, lắng nghe cấp dưới. Nếu không, sai lầm của tôi không chỉ dẫn tới hậu quả nghiêm trọng mà tôi còn mất hết tình cảm đồng đội, bạn bè”.

Hầu như lần nào làm nhiệm vụ lái xe “tháp tùng” bố đi dự gặp mặt hội truyền thống của đơn vị cũ, tôi cũng được nghe một bác nguyên là trung đoàn trưởng nói với bố tôi như vậy.

Chuyện là, thời kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, bố tôi là trợ lý tác chiến trung đoàn. Thấy đồng chí trung đoàn trưởng nóng tính, “quân phiệt miệng”, thường xuyên quát mắng cấp dưới khiến anh em vừa sợ vừa không hài lòng nên trong các cuộc họp chẳng ai ý kiến gì, nhưng khi ra ngoài thì xì xào với nhau; sau hai lần chân thành góp ý nhưng bị trung đoàn trưởng gạt phăng, bố tôi đã định “mặc kệ”. Nhưng một hôm, nghe các tiểu đoàn trưởng và sĩ quan tham mưu bàn tán rằng phương án tác chiến do trung đoàn trưởng quyết định không hợp lý, dễ bị thất bại, bố tôi cũng thấy như vậy nên quyết định phải ý kiến với thủ trưởng.

“Được nhận” những lời khó nghe, bố tôi ức chảy nước mắt, chạy về hầm. Không thể để một quyết định nặng tính chủ quan, sai lầm có thể dẫn đến “nướng quân”, bố tôi quyết tâm viết thư gửi trung đoàn trưởng. Lá thư đó rất dài, ngoài nêu những bất hợp lý của phương án tác chiến còn góp ý riêng với thủ trưởng cần bỏ tính gia trưởng, “quân phiệt miệng” khiến cấp dưới ức chế và không thể phát huy dân chủ trong đơn vị, thậm chí cán bộ, chiến sĩ chán nản... Cuối thư, bố tôi mạnh dạn viết: Nếu trung đoàn trưởng không tiếp thu phê bình và chỉnh sửa thì tôi sẽ viết thư gửi chỉ huy sư đoàn. Còn nếu tôi sai thì tôi xin hoàn toàn chịu kỷ luật!

Thật may, lá thư này đã khiến đồng chí trung đoàn trưởng thay đổi. Ông gọi bố tôi lên nói lời cảm ơn...

“Phê bình cho đúng để trị bệnh cứu người” là tư tưởng có tính nhân văn rất sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người chỉ rõ: Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình giống như uống thuốc. Nếu sợ phê bình thì cũng khác nào có bệnh mà giấu bệnh, không dám uống thuốc. Như vậy thì bệnh tình lại càng nặng thêm. Do vậy, đối với đảng viên, cán bộ mà nể nang không phê bình, để cho đồng chí mình cứ sa vào lầm lỗi, đến nỗi hỏng việc thì khác nào thấy đồng chí mình ốm mà không chữa cho họ... Biết người ta sai mà không nói cho người ta sửa tức là hại người. Tự phê bình và phê bình phải xuất phát từ tình đồng chí, thương yêu lẫn nhau. Càng yêu thương thì càng phải thẳng thắn phê bình, có như vậy mới thực sự giúp nhau tiến bộ.

Cổ nhân cũng đã đúc rút: Những người chân thành, mạnh dạn phê bình bạn chính là người bạn tốt và điều gì xuất phát từ trái tim sẽ đi tới được trái tim. Ngược lại, những ai biết rõ bạn đang làm sai mà không khuyên can thì đó chính là người xấu.

Có thể khẳng định, việc chân thành, thẳng thắn phê bình, góp ý không chỉ là yêu cầu có tính nguyên tắc trong sinh hoạt đảng và các tổ chức thuộc hệ thống chính trị mà còn thể hiện tình người sâu sắc, nhân văn. Việc biết đồng chí, đồng đội đang mắc khuyết điểm, lầm đường lạc lối mà vẫn “mũ ni che tai” chính là làm hại tổ chức và đồng chí, đồng đội. “Tội” này cần phải kiên quyết đấu tranh, phê phán, cả trong công tác và trong cuộc sống đời thường.


HUY QUANG