Việt Nam xây dựng nền quốc phòng, an ninh độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường kết hợp với mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh. (Ảnh: tapchicongsan.org.vn) 

Trong thời gian qua, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đã và đang tìm mọi cách xuyên tạc, suy diễn vô căn cứ về bản chất chính sách quốc phòng nước ta. Với nhan đề “Nga thiếu may mắn vì Ukraine không chọn “chính sách 4 không” của Trân Văn đăng trên Tiếng Dân News, ngày 04/3/2022... Họ đã viết: “Nếu Ukraine xác lập chính sách quốc phòng “ba không”: “Không tham gia liên minh quân sự”. “Không liên kết với nước này để chống nước kia”. “Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác” và đến năm 2019, long trọng bổ sung thêm một “không” nữa vào “Bạch thư Quốc phòng”: “Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế” như Việt Nam, vị thế chính trị của Ukraine sẽ không như mọi người đã thấy suốt thời gian qua”. Viết vậy, nhưng Trân Văn suy diễn: “Khi phải làm hàng xóm với một quốc gia vừa nuôi tham vọng chi phối, dẫn dắt các lân bang... một dân tộc quật cường như dân Ukraine chắc chắn sẽ không bao giờ chấp nhận bất cứ đảng nào, chính phủ nào định ra và đeo đuổi “chính sách ba không”, thậm chí tạo thêm một... “không” chỉ để duy trì... “sự toàn vẹn của đặc quyền, đặc lợi” cho đảng của mình, chính phủ của mình, chứ không phải giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ, duy trì và phát triển các lợi ích của quốc gia, dân tộc”(!).

Thưa Trân Văn, chính sách quốc phòng “ba không”, rồi “bốn không” của Việt Nam là để bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Nói đến Tổ quốc có thể khái quát là sự hợp thành của hai phương diện: tự nhiên lịch sử và chính trị - xã hội. Nếu thiếu một trong hai phương diện trên thì chưa phải Tổ quốc hoàn chỉnh. Đúng thế! Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 về phương diện tự nhiên lịch sử của đất nước ta vẫn còn nguyên đó, thực dân Pháp có “bê” được vùng đất, trời, biển của Việt Nam về lắp ghép với vùng đất, trời... của nước Pháp đâu mà nhân dân ta vẫn nói là nước mất nhà tan. Vì chính quyền phong kiến Việt Nam lúc đó chỉ là bù nhìn, làm tay sai cho thực dân Pháp mà thôi... 

Mặt khác, nếu không có phương diện tự nhiên lịch sử, thì dù có đầy đủ bộ máy nhà nước thì họ cũng đâu có Tổ quốc. Trên thực tế, một số tổ chức lưu vong có thâm thù với Đảng, Nhà nước Cộng sản Việt Nam luôn tìm cách nhằm lật đổ chế độ, như: Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời (từ 1990 đến nay), do Đào Minh Quân lãnh đạo; Việt Nam Quốc dân Đảng (1927 đến nay), do Trần Tử Thanh, Trần Thắng lãnh đạo; Đại Việt Cách mạng Đảng (1965 đến nay) do Trần Dzũng Minh Dân, Nguyễn Văn Lung lãnh đạo; Việt Nam Canh tân Cách mạng Đảng (1982 đến nay) do Hoàng Cơ Minh, Đỗ Hoàng Điềm, Lý Thái Hùng, Hồng Thuận lãnh đạo,... dù các tổ chức này có bộ máy, nhưng họ đâu có Tổ quốc. Vì họ làm gì có vùng đất, vùng trời, biển... nào để mà làm chủ. Thế mà, Trân Văn lại cho rằng: “...định ra và đeo đuổi “chính sách ba không”, thậm chí tạo thêm một... “không” chỉ để duy trì... “sự toàn vẹn của đặc quyền, đặc lợi” cho đảng của mình, chính phủ của mình, chứ không phải giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ, duy trì và phát triển các lợi ích của quốc gia, dân tộc”! Xin nhắc lại, chính sách quốc phòng “ba không”, rồi “bốn không” của Việt Nam là để bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trên cả hai phương diện: tự nhiên lịch sử và chính trị - xã hội; không thể chỉ bảo vệ “sự toàn vẹn của đặc quyền, đặc lợi” cho Đảng và Chính phủ mà không “giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ, duy trì và phát triển các lợi ích của quốc gia, dân tộc”. Vì hai mặt này thống nhất biện chứng với nhau tạo nên Tổ quốc; nên không thể chỉ có mặt này mà không có mặt kia và ngược lại.

Việc cố tình lờ đi tính lịch sử của chính sách quốc phòng Việt Nam nói trên của Trân Văn để y hòng “buộc tội” cho việc “sai lầm” của chính sách này. Đây là việc làm không khách quan với chủ ý xấu của kẻ tiểu nhân. Nhân đây xin nhắc lại chính sách quốc phòng “ba không” lần đầu tiên xuất hiện trong sách trắng quốc phòng của Việt Nam năm 1998 và sau đó, tái xuất hiện trong sách trắng quốc phòng các năm: 2004 và 2009. Chính sách này cũng được nêu ra trong Luật Quốc phòng của Việt Nam, được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 01/01/2019. Chính sách quốc phòng “bốn không” của Việt Nam (từ ba không thêm một không: “Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”) xuất hiện trong sách trắng quốc phòng năm 2019. Nguyên tắc này không mâu thuẫn với mục đích hiện đại hóa quân đội cũng như nhiệm vụ chủ yếu của lực lượng vũ trang Việt Nam, đó là bảo vệ đất nước, kể cả bằng cách sử dụng vũ lực khi cần thiết. Nếu đất nước có chiến tranh, người Việt Nam buộc phải cầm súng bảo vệ Tổ quốc, gìn giữ hòa bình. Chúng ta kiên định chính sách quốc phòng "Không liên kết với nước này chống nước kia". Việt Nam không liên minh quân sự, đồng thời mở rộng quan hệ đối ngoại, trong đó có đối ngoại quốc phòng nhằm mở rộng sự ủng hộ quốc tế, phát triển năng lực nhận thức, hiểu biết của chúng ta.

Thực tế cho thấy, đối với nước nhỏ trước những nước lớn, thế lực lớn đan xen thì phải khôn khéo trong chính sách đối ngoại, làm sao để dân tộc mình giữ được mối quan hệ tốt với các nước, đặc biệt là với các nước lớn, để tận dụng tốt thời cơ phát triển đất nước. Chính sách quốc phòng “ba không”, “bốn không” của Việt Nam là nhằm mục đích đó.

Mới đây, trả lời phỏng vấn của Báo Tuổi trẻ về chiến dịch quân sự đặc biệt giữa Nga và Ukraine, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã nhấn mạnh: Chúng ta không thể đứng ngoài sự việc này, bởi trước hết Nga và Ukraine đều là bạn của Việt Nam, những bên can dự vào đều là đối tác của chúng ta. Việt Nam chúng ta có 3 thế mạnh để có thể tham gia, đóng góp giúp tạo lập lại hòa bình. Thứ nhất, chúng ta đã chiến thắng trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, để kiến lập nền hòa bình bền vững cho đất nước. Thứ hai, chúng ta cũng có kinh nghiệm trong giải quyết tranh chấp, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ nhưng vẫn giữ được hòa bình. Trong hơn 1/4 thế kỷ qua, sóng gió như vậy nhưng Việt Nam giữ vững được toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, giữ được độc lập tự chủ và những gì chúng ta đang có, đồng thời giữ được hòa bình. Thứ ba, chúng ta có quan hệ đa phương rộng rãi với hầu hết các quốc gia, các tổ chức quốc tế.

Cho nên, quốc gia muốn yên ổn và phát triển phải giữ được sự độc lập, tự chủ, không lệ thuộc nước nào, không là đồng minh với nước này để chống lại nước kia, không có những hành động gây ảnh hưởng tới an ninh cho quốc gia khác, bình thường hóa với tất cả các nước, coi các nước đều là đối tác, nếu có hành động tạo sự căng thẳng với một nước lớn nào đó thì rất nguy hiểm. Vì thế, trong quan hệ với các nước, nhất là các nước láng giềng, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn giữ vững quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, không để đụng độ, va chạm xảy ra làm ảnh hưởng đến môi trường hòa bình phát triển đất nước. Chính sách quốc phòng “ba không”, “bốn không” của Việt Nam cũng nhằm mục đích đó, cớ sao lại suy diễn nhằm mục đích xấu?./.

Đại tá, TS Bùi Quang Huy
Phó Chủ nhiệm khoa Nhà nước và Pháp luật - Trường Sĩ quan Chính trị